Thủ tướng một ngày và cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa

Người xem: 176

Vị Thủ tướng một ngày và cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa
 
Vào lúc 15h ngày 28/4/1975, sau khi có quyết định của lưỡng viện Quốc hội trong tình hình khẩn cấp, Tướng Dương Văn Minh đã làm lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (VNCH), sau khi Trần Văn Hương từ chức. Nội các mới được chỉ định do GS Vũ Văn Mẫu – Thượng nghị sĩ làm Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Huyền làm Phó Tổng thống, bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – ông Bùi Tường Huân, ông Lý Quý Chung – Bộ trưởng Bộ Thông tin.
 
Trong hồi ký không tên xuất bản năm 2011, ông Lý Quý Chung viết: “Ở vị trí Thủ tướng, ông Minh mời luật sư – nghị sĩ Vũ Văn Mẫu, người đã từng là ngoại trưởng trong chính phủ Ngô Đình Diệm 12 năm về trước. Vào thời điểm chính phủ Diệm đối đầu với cuộc đấu tranh của Phật giáo và có những hành động đàn áp ác liệt, ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu đang đi công tác tại Hoa Kỳ. Ông đã cạo đầu và tuyên bố từ chức để phản đối chính sách đàn áp của gia đình ông Diệm đối với Phật giáo”.
Ông Dương Văn Minh.

 
6h sáng 30/4, các tướng lĩnh báo cáo đầy đủ tình hình chiến sự tại Dinh Độc Lập cho Tổng thống, Phó Tổng thống và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu nghe, sau đó quyết định: không nổ súng và giao chính quyền cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
 
Trưa 11h30, xe tăng của quân giải phóng đã húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên cột cờ nóc Dinh Độc Lập. Nội các Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng quân giải phóng và các ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu được đưa đến Đài phát thanh Sài Gòn để đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Ông Vũ Văn Mẫu sinh ngày 25/7/1914 tại làng Quất Động, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội) trong một gia đình tư sản, có nghề thêu truyền thống. Sau đó ra Hà Nội, mở cửa hàng thêu Phúc Thái ở 24 phố Hàng Nón. Ông thi đỗ vào trường Bưởi, đỗ Tú tài I, thi tiếp vào trường Albert Sarraut theo học lớp Toán sơ cấp. Năm 1934 ở tuổi 20 được gia đình đưa sang Pháp học Đại học Luật khoa Paris, tốt nghiệp cử nhân về hành nghề luật tại Hà Nội.
 
Năm 1954 vào Sài Gòn, ông được bổ nhiệm làm Chánh Nhất Tòa phá án và làm Trưởng khoa Luật trường Đại học Sài Gòn đầu tiên. Tổng thống Ngô Đình Diệm thành lập Chính phủ Đệ nhất Cộng hòa đã mời ông giữ chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao từ 1955 đến 1963. Trong sự kiện về Phật giáo năm 1963, khi đang làm đại sứ ngoại giao tại Hoa Kỳ, ông Mẫu đã từ chức, cạo đầu giống như một nhà sư để phản đối và bị bắt quản thúc sau đó. Trong thời gian từ 1964 đến 1967, ông Mẫu công tác đại sứ ở nước ngoài. Cho đến khi tướng Nguyễn Văn Thiệu lên nắm quyền Tổng thống, ông mới được triệu hồi về nước, trở thành Thẩm phán Tòa Thượng thẩm Sài Gòn.
Năm 1972, ông đắc cử Thượng nghị sĩ. Ông Vũ Văn Mẫu được đánh giá là một trí thức hoạt động tích cực cho phong trào hòa bình và hòa giải dân tộc. Chính vì vậy, khi tướng Dương Văn Minh trở thành Tổng thống, ông được đề cử cho chức vụ Thủ tướng VNCH với mục đích tham gia thương lượng chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, ông chỉ ở trong chức vụ chỉ vỏn vẹn được một ngày thì VNCH sụp đổ trước sức tiến công của quân giải phóng.
 
Sau ngày đất nước thống nhất, ông xuất cảnh sang Pháp và định cư ở đây cho đến cuối đời. Ông mất ngày 20/8/1998 tại Paris, thọ 84 tuổi.
Có hai Thủ tướng cuối cùng của chế độ VNCH là ông Nguyễn Bá Cẩn, làm Thủ tướng đúng 10 ngày và tiếp đến là GS Vũ Văn Mẫu làm Thủ tướng đúng một ngày cuối cùng kết thúc chế độ Sài Gòn. Trước thời khắc quan trọng của lịch sử ấy, không phải ai cũng đủ “gan” ở lại quê hương với cương vị một lãnh đạo chóp bu bên thua cuộc. Những cuộc ra đi của cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Đại tướng Trần Thiện Khiêm, Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ cùng hàng loạt quan chức, tướng lĩnh cao cấp của Sài Gòn được Mỹ khuyến khích, ủng hộ. Tiếp đến là dòng người di tản là công chức, viên chức, thân Mỹ bằng trực thăng trên nóc Tòa đại sứ Mỹ và các tàu Hải quân VNCH, tàu ngư dân… rất rầm rộ, chen chúc nhau vì lo sợ, vì bị các phần tử phản động, quá khích tuyên truyền, kích động. Các cuộc di tản ồ ạt này đã khiến cho tình hình chính trị và trật tự trị an đô thành Sài Gòn trở nên vô cùng hỗn tạp.
 
Vào rạng sáng 30/4/1975, chiếc tàu viễn dương lớn nhất miền Nam mang tên Việt Nam Thương Tín, vẫn còn neo đậu tại cảng Sài Gòn, với nhiệm vụ chờ rước những người cuối cùng di tản khỏi Sài Gòn. Đặc biệt là các quan chức cao cấp của Phủ Tổng thống và Quân đội VNCH.
 
Nhưng vào buổi sáng định mệnh đó, hầu như những người còn lại trong Dinh Độc Lập không một ai muốn đi. Sự việc này đã được ông Lý Quý Chung thuật lại: “Thủ tướng Vũ Văn Mẫu cho biết ông không đi trong những điều kiện như thế này. Nếu sau này Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam cho ra đi chính thức thì ông sẽ đi”. Sau khi bàn giao chính quyền cho cách mạng, các ông Trần Văn Hương, Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu… được quản thúc tại gia, tham gia một đợt học tập chính trị.
 
Ngày đầu tiên của thành phố Sài Gòn giải phóng, trong khuôn viên Dinh Độc Lập, ngoài ông Dương Văn Minh còn có các ông Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Văn Hảo (cựu Phó Thủ tướng), Nguyễn Hữu Hạnh (Quyền Tư lệnh quân lực Sài Gòn) và cố vấn đặc biệt cho Tổng thống Sài Gòn, Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ cùng khoảng 35 người khác. Đêm đầu tiên giải phóng Sài Gòn, không ai ngủ được vì nỗi lo lắng bồn chồn…
 
Từ sáng hôm sau, 1/5 đến mấy ngày sau đó, tất cả đều an toàn tuyệt đối, gia đình của quan chức trong nội các Sài Gòn do quá sợ sệt, lo lắng nên không một ai ra ngoài, sân vườn Dinh Độc Lập vắng vẻ lạ thường.

Hoàng Châu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *