KHẮC TINH CỦA “ĐẠO VĂN”

Người xem: 857

“Khắc tinh” của đạo văn

Việt Phương 

PNO – “Tôi thường xuyên đọc sách, tham khảo nhiều luận văn, luận án không chỉ để phục vụ cho công việc nghiên cứu mà còn để phát hiện tình trạng đạo văn hiện nay”.

Đó là chia sẻ của tiến sĩ ngữ văn Hà Thanh Vân – Viện Khoa học xã hội vùng Đông Nam bộ.

Công tác tại Viện Khoa học xã hội vùng Đông Nam bộ, tiến sĩ Hà Thanh Vân còn tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học. Ngoài nghiên cứu văn học, chị còn chú ý nghiên cứu nền văn hóa các nước. Tự nhận mình là người của công việc, dường như một ngày 24 giờ chưa bao giờ đủ với chị. Chị luôn bận rộn với việc dạy và nghiên cứu, nhưng vẫn là người biên tập website cho Sở Ngoại vụ TP.HCM; tham gia hướng dẫn và chấm các khóa luận tốt nghiệp cho sinh viên, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ…

Đến thời điểm này, chị đã có trong tay hai đầu sách và tham gia viết chung 15 đầu sách chuyên ngành. Gần đây có điều đặc biệt là hiệu ứng “Hà Thanh Vân” đã bắt đầu lan tỏa rộng rãi, như chị nói đùa là tên chị đã trở thành “nỗi ám ảnh” với các em sinh viên. Chị kịch liệt lên án việc “sao y bản chính” những sản phẩm trí tuệ của người khác, vì bản thân chị cũng từng là “nạn nhân”. Cuốn sách nghiên cứu: So sánh loại tiểu thuyết “tài tử giai nhân” ở một số nước phương Đông thời kỳ Trung đại (Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên) do NXB Khoa học Xã hội ấn hành năm 2010 của chị cũng nhiều lần bị đạo văn.

Sở thích “lang thang” trên mạng, đọc các bài viết về văn học, đọc nhiều sách, tài liệu tham khảo, thậm chí là sẵn sàng mua luận văn trên các website đã giúp tiến sĩ Hà Thanh Vân vô tình phát hiện rất nhiều luận văn “không chính chủ”. Hiện trạng này, theo chị là đáng báo động. Điều đáng buồn là đạo văn không chỉ giới hạn ở người có trình độ thấp, mà ngay cả người có học vị cao cũng tham gia “hưởng ứng” nhiệt tình. Hình thức “photocopy” đi từ “sơ cấp” đến “cao cấp”.

“Thực sự, việc phát hiện đạo văn không khó lắm. Chỉ cần tinh ý một chút, không riêng bản thân tôi, mà nhiều người khác cũng thấy được điều bất thường ấy. Thông thường, chính văn phong trong bài có thể “phản bội” lại tác giả, với những phần sao chép chắc chắc sẽ chỉn chu hơn rất nhiều về câu cú, ngữ pháp so với những phần viết của người làm” – chị chia sẻ.

Theo tiến sĩ Hà Thanh vân, nguyên nhân chính của tình trạng đao văn vẫn là yếu kém về năng lực, tính lười biếng và thói quen thích “ăn sẵn” của một bộ phận sinh viên và cả những người nghiên cứu. Tất nhiên, không phủ nhận việc thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học là rất khó và tốn nhiều thời gian. Đây cũng là cái cớ bao biện cho hành vi đạo văn của họ: đỡ phải động não, đỡ phải tìm tài liệu, nghiên cứu… Thứ nhất, tâm thế của người đi học là làm sao có được tấm bằng như người khác, mà họ quên rằng điều quan trọng vẫn là năng lực chuyên môn.

Thứ hai, lối mòn giảng dạy ở bậc tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông đã vô tình “nhân bản” những “sản phẩm” na ná nhau. Tâm lý về điểm số, sợ làm khác bạn bè, khác điều mà thầy cô đã dạy sẽ dần “bóp chết” cảm xúc của các em khi làm bài.

Thứ ba, mặc dù Việt Nam có luật về bản quyền, có tham gia công ước quốc tế nhưng hiệu quả chưa cao. Chúng ta vẫn chưa thực sự ý thức, tôn trọng bản quyền tri thức của người khác.

Bên cạnh đó, việc mua các tài liệu, luận văn trên mạng lại dễ như mua rau. Gần đến “mùa” bảo vệ luận văn của sinh viên, thạc sĩ hay tiến sĩ; các trang web chuyên cung cấp “mặt hàng” này lại sôi động hơn bao giờ hết. Với những bài luận “bình dân” thì mọi người được quyền đọc trực tiếp trên đó; nhưng với “hàng hiếm”, “hàng quý” thì chủ trang buộc phải “mua” tải về mới đọc được. Hình thức thanh toán vô cùng dễ dàng, tiện lợi cho “khách hàng”; có thể trả phí qua thẻ ngân hàng, thẻ cào điện thoại… Những diễn đàn này vẫn hoạt động “đều đặn” mà không có sự quản lý, kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm.

Khi được hỏi: “Bản thân cô có cảm thấy “cô độc” trong “cuộc chiến” chống đạo văn không?”, tiến sĩ Hà Thanh Vân đã thẳng thắn trả lời: “Khi tôi “trưng cầu quan điểm” với bạn bè, đồng nghiệp, gia đình về việc nên hay không việc làm ngơ trước thực trạng này, một số thì khuyên nên “đưa ra ánh sáng”, số khác lại bảo thôi vì “xã hội bây giờ đâu cũng vậy”…Có thể ngay lúc này, tôi sẽ chịu nhiều thiệt thòi, sinh viên mà nghe tên mình trong hội đồng chấm là bắt đầu e dè, đề phòng; có em viện cớ xin rút lại luận văn để bổ sung, chỉnh sửa thêm; nhưng tôi biết là phải về “làm lại từ đầu”… Hay tôi cũng có thể trở thành kẻ chuyên “bới lông tìm vết” trong mắt mọi người, nhưng điều tôi cảm thấy nhẹ lòng là đã góp phần giảm thiểu tình trạng đạo văn”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *