DR THANH CÓ XÂY CẦU ĐỂ ĐÁNH BÓNG HÌNH ẢNH KHÔNG?

Người xem: 191


Dr Thanh có xây cầu để đánh bóng hình ảnh không?

Trả lời luôn là không, với 8 tỉ tiền bỏ ra xây cầu, họ có 1001 cách khác để tạo viral tên tuổi vốn đã có chỗ đứng cực vững chắc trên thị trưởng giải khát, hơn là xây những cây cầu phục vụ dân sinh ở những nơi hẻo lánh nơi mà với thu nhập của người dân, uống nước đun sôi đã là điều xa xỉ. Đây không phải thị trường của dr Thanh và cũng không ai làm hình ảnh bằng cách này, vì không có tính kinh tế, đặc biệt là một ôm trùm FMCG như dr.Thanh, thì thừa đủ trình độ để cân nhắc thiệt hơn.

Những cây cầu này hoàn toàn là vì trách nhiệm xã hội, ai từng học qua ngành quản trị kinh doanh sẽ biết về điều này, chia sẻ lợi nhuận cho sự phát triển chung của cộng đồng, là một điều bình thường.

Dr Thanh từng đầu tư hơn 10 hệ thống lọc nước sạch cho người dân miền Tây, mỗi ngày lọc 100.000 lít nước ngọt phục vụ sinh hoạt. Có bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Bến Tre từng khen tấm tắc rằng mấy chục năm nay mới được uống miếng nước ngon lành sạch sẽ, dự án này cũng tiết kiệm hàng triệu đô la chi phí điều trị y tế cho người dân những vùng nhiễm mặn, giúp họ tránh được bệnh tật do nguồn nước không đảm bảo.

Việc đặt tên những cây cầu này gắn với chữ dr Thanh là một sự cam kết trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc xoá đói giảm nghèo ở địa phương, thế thôi. Vì khi người dân ở đây giàu lên, họ mới có tiền mua nước ngọt của dr Thanh.

Ở miền Tây mùa lũ nước lên rất mạnh, mỗi khi lũ về thì không chỉ Lạc Trôi mà đậu phộng, hạt dẻ cười cũng trôi. Người dân miền Tây sống bám lũ nhưng không thể đi bộ trên dòng nước lũ, họ cần cầu bắc qua những nhánh sông chia cắt địa hình. Cầu ở miền Tây không cần phải biết phun lửa như ở Đà Nẵng, hay hoành tráng như cầu Nhật Tân tử-địa của phóng viên đất Bắc, mà cần số lượng nhiều, và với địa chất phù sa không ổn định, chi phí để bảo trì là khá lớn và thường xuyên.

Người Miền Tây cũng không quan tâm đến cầu tên là gì, rõ ràng rồi, nếu họ cần tên cầu hoa mỹ thì ngay từ đầu, đã chả có những cây cầu như cầu Lòn, Rạch Chim, Xẻo Môn, Xéo Bướm…, vì đơn giản, cái tên cầu không giúp họ sang sông.

Gần như tất cả các cầu ở miền Tây được xây trong khoảng 10 năm đổ lại đây, trước đó chúng là cầu khỉ bằng tre, tải trọng 1 tạ hơi, tương truyền Minh Béo hồi về quê cũng không sang được sông vì quá nặng.

Những cây cầu bê tông xây trong giai đoạn này cũng không khá hơn, đa số là cầu tạm, mặt rộng thênh thang 2 xe đạp phân khối lớn tránh nhau thì vừa khít. Phục vụ nhu cầu đi lại cá nhân thì có thể tạm được, nhưng phát triển kinh tế thì không thể, những xóm, ấp bị cô lập bởi cây cầu kiểu này, thì người dân có khi cả đời không nhìn thấy cái ô tô.

Anh dr.Thanh đã bỏ tiền ra xây hàng loạt các cây cầu kiên cố, mang tiếng là sửa cầu cũ, nhưng thực chất là đập đi làm lại hoàn toàn, không thể tái sử dụng được bất kỳ một tí gì của những cây cầu trụ bé như thanh phô mai que Tạ Hiện đúc bằng bê tông không người lái, thậm chí tiền công đập và dọn dẹp đi còn tốn hơn là xây mới 100%. Để tạo sự thuận lợi cho người dân vốn đã quen với địa điểm đặt cầu cũ, doanh nghiệp này đã chấp nhận bỏ ra chi phí cao hơn.

Những cây cầu mới đều đẹp long lanh, mặt cầu rộng đủ cho ô tô tải trọng 3 tấn có thể đi qua dễ dàng, đây mới là cái người dân cần về lâu dài, chứ không phải mì tôm hay tiền từ thiện, họ cần giao thông thuận tiện để có thể tự làm ăn nuôi sống bản thân và gia đình, với một cây cầu rộng rãi, kiên cố bắc qua, sẽ đẩy giá đất ở những khu vực này lên, sau một đêm, giúp tài sản của những hộ nghèo nơi đây tăng thêm vài lần.

Người nghèo cần cầu đường, cần nước sạch, giáo dục, dạy nghề và công ăn việc làm, họ không cần cho tiền, không cần cán bộ bụng bia đến trao quà dịp Tết, và quan trọng nhất, họ không cần lũ đạo đức giả lên giọng thương vay khóc mướn, mỗi khi có ai đó giang tay kéo họ ra khỏi sự bần cùng.

Người miền Tây bao dung, sẽ không việc gì phải khước từ những doanh nhân có trách nhiệm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *