Gửi sổ ký khống đánh bắt xa bờ để gian lận tiền hỗ trợ
UBND tỉnh Bình Thuận vừa đưa ra khỏi danh sách đăng ký tham gia thường xuyên khai thác và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa đối với 14 tàu cá vì hành vi gian lận.
UBND tỉnh Bình Thuận cho biết vừa có công văn gửi Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân, đề nghị chấn chỉnh việc ký xác nhận tàu cá hoạt động xa bờ để hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, trong tháng 10, qua phản ánh của ngư dân, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Thuận đã điều tra và phát hiện có 9 tàu cá của huyện đảo Phú Quý không hoạt động đánh bắt trên vùng biển xa nhưng gửi giấy cho 5 tàu cá khác cùng địa phương mang đến các nhà Lô (Quế Đường, Phú Nguyên, Tư Chính, Huyền Trân) để ký xác nhận, nhằm trục lợi lấy tiền chính sách.
9 tàu cá này làm thủ tục xuất bến tại Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Phú Quý rồi gửi sổ, giấy xác nhận tàu cá khai thác hải sản trên vùng biển xa, nhờ 5 tàu khác mang ra khu vực nhà giàn ký xác nhận.
Trong khi đó, số tàu cá này trên thực tế chỉ ra neo gần đảo Phú Quý hoặc lẩn tránh ở Hòn Đen, Hòn Tranh, Hòn Trứng… chờ đủ 15 ngày rồi cho tàu cập bến làm thủ nhập bến, hoàn chỉnh hồ sơ nhận trợ cấp.
Theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg, mỗi tàu cá tham gia đánh bắt xa bờ được Nhà nước hỗ trợ 4 chuyến biển/năm, mỗi chuyến biển tàu có công suất từ 90 CV – 150 CV được hỗ trợ 22 triệu đồng; từ 150 CV – 250 CV được hỗ trợ 30 triệu đồng; từ 250 CV – 400 CV được hỗ trợ 55 triệu đồng; từ 400 CV – 700 CV được hỗ trợ 75 triệu đồng; từ 700 CV trở lên được hỗ trợ 100 triệu đồng. Trong vòng 5 năm qua, tỉnh Bình Thuận đã chi 86 tỷ đồng hỗ trợ cho 380 tàu thường xuyên đánh bắt xa bờ.
Tin cùng chuyên mục:
Nguyễn Xuân Diện và sự thật lịch sử về Hải chiến Hoàng sa
Con trai ông Trump nói Tổng thống Zelensky nài nỉ được mời đến buổi lễ nhậm chức
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA