CON ÔNG CHÁU CHA

Người xem: 309


‘Con ông cháu cha’

Sự việc “Cha làm chi cục trưởng, con làm chi cục phó” ở chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định chỉ là thêm mắt xích vừa bị phát hiện trong chuỗi cái gọi là “Cả họ làm quan”. Cần tìm thêm thông tin, ta sẽ thấy ở Hà Giang, Thừa Thiên-Huế… và nhiều đồng chí khác vẫn còn “trong đống rơm”.

Chuyện này ở nước ta không LẠ.

Hoàng Lê nhất thống chí ghi rằng: … từ khi Thị Huệ được chúa yêu dấu Lân lại càng ỷ vào thế chị để làm những việc càn rỡ. Hết thảy áo quần, xe kiệu của y, nhất nhất đều rập kiểu theo đúng như của vua chúa. Thường ngày, Lân vẫn đem theo vài chục tên tay sai, cầm gươm vác giáo đi nghênh ngang khắp kinh ấp. Hễ gặp xe kiệu, bất kỳ là của đám quan quân nào, Lân cũng đều cà khịa đánh nhau làm cho họ nhục nhã, rồi lấy thế làm thích thú. Gặp đàn bà con gái giữa đường, hễ người nào trông vừa mắt, tức thì Lân sai tay chân quây màn trướng ngay tại chỗ, rồi lôi người ấy vào hiếp liền.

Nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, không thiếu ví dụ về những cậu ấm cậy thế làm càn. Năm 2010, Li Qiming, con trai một quan chức cảnh sát cấp cao ở Hà Bắc sau khi đâm xe vào một sinh viên đã lên tiếng thách thức người dân ở hiện trường: “Chúng mày có giỏi thì cứ kiện tao đi. Tao là con trai của Li Gang”.

Câu “Tao là con trai của Li Gang” sau đó trở thành câu cửa miệng của người Trung Quốc để mô tả con cái gia đình các quan chức luôn tỏ vẻ hống hách, hay làm càn.

Việc lộng hành này có thể có căn nguyên sâu xa từ cổ luật phương Đông với quy định về “Bát nghị” – 8 giới người được hưởng ưu đãi khi phạm tội (thực ra là 9 nếu tính cả thân thuộc gần đối với bà Phi của Hoàng Thái Tử). Đây là quy định trong cổ luật Trung Hoa và được quy định trong luật nhà Đường và luật nhà Thanh. Luật Hồng Đức và luật Gia Long chỉ chép lại mà “không có điểm gì độc đáo” như nhận xét của nhà nghiên cứu Vũ Văn Mẫu.

“Tao là con trai của Li Gang” hay câu nói “Chúa là cái quái gì?” của Đặng Mậu Lân đã trở thành điển tích về những kẻ COCC.

Điều này trái ngược với nguyên tắc “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Nguyên tắc xuyên suốt trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

LUẬT là vậy nhưng thực tế, không thiếu trường hợp được tha, miễn trách nhiệm hình sự vì có “nhân thân tốt” hay “có nhiều đóng góp cho ngành”. Tức là họ được miễn truy cứu trách nhiệm chỉ vì địa vị, thân thế của mình.

Cũng có những trường hợp tạo lợi thế cho người nhà đã bị cơ quan kiểm tra Đảng nhận định là “thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi”.

Những câu chuyện như vậy có thể diễn ra hằng ngày. Có thể ầm ĩ trên báo chí hay êm thấm “đúng quy trình”. Nhưng luôn gây bức xúc cho dư luận khi “lộ sáng”.

Nhưng không phải bất cứ ai COCC đều hành xử như những ví dụ trên. Có nhiều người vẫn lặng lẽ học tập, cống hiến cho đất nước, dù ở trong vị trí hoàn toàn “chưa tương xứng” (theo cách hiểu nào đó) với vị thế gia tộc của họ. Báo chí ít viết về họ. Họ cũng không muốn ai đề cập đến mình với vài trò “con ông kia”, “em anh nọ”.

Truyền thông và dư luận có nhiều thứ quan tâm hơn. Tỉ dụ những vụ “cả họ làm quan”… Và cụm từ COCC đã trở thành CCCCC (con cháu các cụ cả).

Để bây giờ ra đường, người ta chỉ hỏi nhau “đồng chí đó là con đồng chí nào”. Người ta chỉ nghe thấy câu hỏi tu từ khi có sự việc xảy ra: “Mày biết tao là em ai không?”.

Với những câu nói đó, đất nước đi giật lùi vài trăm năm, trở lại thời phong kiến “Bát nghị”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *