Báo điện tử phải gỡ ngay tin sai sự thật
Báo điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật.
Chiều nay, tại Hà Nội Bộ TT&TT tổ chức hội nghị phổ biến luật Báo chí năm 2016 các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết: Luật Báo chí 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 sẽ là hành lang pháp lý quan trọng, với nhiều quy định mới, tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đời sống của báo chí và công tác báo chí, mang tính thời đại, xây dựng một nền tảng pháp lý vững chắc và cụ thể cho việc phát triển báo chí trong giai đoạn tới.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo. Ảnh: Đoàn Bổng
Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc nhấn mạnh những điểm mới của luật.
Trước hết, quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Theo đó, công dân có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in…
Đặc biệt, việc cải chính và xử lý vi phạm ở luật đã bổ sung một số quy định mới như: Báo điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật.
Các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp đã đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí khác có nội dung phải cải chính, xin lỗi cũng phải thực hiện đăng lại cải chính, lỗi của cơ quan báo chí vi phạm.
Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc. Ảnh: Đoàn Bổng
Cụ thể, theo ông Lưu Đình Phúc, đối với các loại hình báo chí khác nhau cũng có những quy định về vị trí cải chính, đối với báo in theo quy định sẽ đăng cải chính ở trang 2, với báo điện tử phải đăng ở những vị trí nổi bật trên trang. Đáng lưu ý, luật quy định rõ khi cơ quan báo chí đăng thông tin cải chính phải có thông báo bằng văn bản về việc thông tin cải chính trên báo chí.
Một điểm mới đáng chú ý là luật Báo chí mới đã bổ sung quy định về liên kết trong báo chí, điều mà trước đây luật không quy định.
Việc liên kết trong báo chí được quy định cụ thể lĩnh vực, nội dung các cơ quan báo chí được phép liên kết với các cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết…
Bên cạnh đó, quy định về quyền tác nghiệp, luật cũng quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; những thông tin cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.
Đồng thời luật cũng quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Về quyền hạn, nghĩa vụ của nhà báo cũng được bổ sung, luật hóa những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; trong đó quy định Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ ban hành và tổ chức thức hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; nhà báo có nghĩa vụ tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo khi vi phạm về đạo đức nghề nghiệp, gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, luật Báo chí mới cũng pháp điển hóa quy định tại các nghị định của Chính phủ để đưa vào luật như: Chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí; thay đổi cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí; hoạt động hợp tác của báo chí Việt Nam với nước ngoài; hoạt động báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ nội dung các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, báo điện tử…
Đoàn Bổng/VietnamNet
Tin cùng chuyên mục:
Hà Nội: Hành trình kiến tạo bản sắc từ di sản văn hóa
Tinh gọn bộ máy – Khẩn trương, quyết liệt trong chỉ đạo của Tổng Bí thư
Mỹ viện trợ quân sự Ukraine thêm một tỷ USD
“Rận chấy cắn nhau” và bộ mặt thật của những kẻ cơ hội chính trị