Báo Giao Thông
Không xử lý nghiêm, báo chí sẽ mất niềm tin của độc giả
Việc xử phạt thời gian qua cũng có tác dụng tích cực là lấy lại niềm tin của xã hội, của độc giả…
Cục trưởng Nguyễn Thanh Lâm
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình & Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đã khẳng định như vậy xung quanh việc gần đây, cơ quan quản lý Nhà nước liên tiếp xử phạt các hành vi sai phạm trong hoạt động báo chí.
Không có “vùng cấm” trong xử phạt hành vi vi phạm
Gần đây, có khá nhiều “sự cố” xảy ra trong làng báo. Là một người từng có thời gian khá dài làm nghề, và trên cương vị lãnh đạo cơ quan quản lý báo chí, ông có chia sẻ gì với những người làm báo trong bối cảnh này?
Những sai phạm, sai sót trong tác nghiệp báo chí ở thời buổi nào cũng có nhưng bây giờ do có mạng xã hội, có sự giám sát của xã hội công khai và dân chủ hơn nên những sai phạm của nhà báo, cơ quan báo chí cũng được biết đến nhiều hơn.
Với sự bùng nổ của công nghệ, sự thay đổi thói quen người tiêu dùng, báo chí cũng có giai đoạn mất phương hướng trong việc đi tiếp thế nào, nên họ đưa ra nhiều thử nghiệm mới, cách làm mới với hy vọng sẽ thu hút, giữ chân người đọc. Nhưng cũng chính vì thế mà có những việc làm nhiều khi quá đà, có cách làm chưa chuẩn mực, khiến cho bên cạnh việc thu hút được người đọc thì cũng tăng tính phản cảm, thể hiện ở việc giật tít khác với nội dung bài viết để câu view, giật tít thiếu trách nhiệm, sai bản chất sự việc, dùng những từ mạnh để làm sao kéo người đọc vào…
Một lý do nữa là hiện nay, nhiều tờ báo sống bằng số lượng view và được chia sẻ doanh thu quảng cáo từ những công ty đang làm chủ môi trường mạng toàn cầu như: Google, Facebook… Do đó, có một xu hướng là bằng mọi giá phải có nhiều view, kể cả bị phạt cũng phải có view, biết giật tít không đúng nhưng vẫn làm…
Ở một khía cạnh khác, một bộ phận các cơ quan báo chí hoặc một bộ phận nhà báo, phóng viên do thiếu kinh nghiệm, chưa hiểu thấu đáo một vấn đề, nhưng do chạy theo sức ép đưa tin nhanh nên tìm cách đơn giản nhất để đưa vấn đề lên công luận trong thời gian ngắn nhất, dẫn đến cách làm báo cẩu thả, chụp mũ, nâng quan điểm. Khi đó, tác hại đến với xã hội và bản thân tòa soạn, bản thân nhà báo là không tránh khỏi.
Nhưng việc xử lý nhiều trường hợp trong làng báo thời gian qua không khỏi gây cho những người làm báo cảm giác hoạt động báo chí đang bị siết chặt, thưa ông?
Việc một số cơ quan báo chí hoặc nhà báo cho rằng, Nhà nước đang siết chặt quản lý trong lĩnh vực báo chí là một cảm xúc có thể hiểu được. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng, phần đông anh em, những người làm báo có kinh nghiệm sẽ hiểu đây là việc làm cần thiết tại thời điểm này. Chúng ta siết chặt ở cách tác nghiệp và hành vi của mỗi phóng viên, tòa soạn để làm sao những người đó trong quá trình làm nghề ý thức hơn về trách nhiệm của mình, không tự nghĩ mình là cơ quan quyền lực, không tự nghĩ mình là đại diện cho chân lý để có những dễ dãi trong tác nghiệp, dẫn đến việc gây mất lòng tin trong xã hội, trong doanh nghiệp và trong nhiều tổ chức xưa nay vẫn tin tưởng báo chí.
“Có mạng xã hội là có thêm một công cụ giám sát hành vi của cá nhân, tổ chức và sự giám sát đó mang lại nhiều điều tốt. Sự giám sát của cộng đồng thông qua mạng xã hội làm cho các cơ quan, tổ chức và mỗi cá nhân phải ý thức hơn nữa về sự minh bạch. Tuy nhiên, trên mạng xã hội hiện nay có rất nhiều biểu hiện quá đà nhân danh sự minh bạch, nhân danh một thứ “công lý của đám đông” để rồi vi phạm vào quyền riêng tư của cá nhân và những quyền cơ bản khác”.
Cục trưởng Nguyễn Thanh Lâm
Việc xử phạt thời gian qua cũng có tác dụng tích cực là lấy lại niềm tin của xã hội, của độc giả, vì nó cho thấy không có “vùng cấm” trong việc xử phạt hành vi vi phạm. Cơ quan quản lý Nhà nước ở đây là Bộ TT&TT đã thể hiện rõ trách nhiệm, quyết tâm của mình và làm việc này với thái độ quyết liệt, tất nhiên là đều có căn cứ và có đầy đủ thông tin cần thiết để đưa ra quyết định xử phạt.
Trước đây, anh em phóng viên báo chí thường chỉ sợ mắc những sai sót về chính trị, vì sẽ bị xử phạt nặng. Nhưng bây giờ không chỉ sai về chính trị mới bị xử phạt mà cả những hành vi tác nghiệp không đúng quy chuẩn đạo đức nghề báo, hoặc đưa thông tin sai sự thật, vô trách nhiệm, vi phạm các quyền nhân thân… cũng bị xử phạt. Điều này cho thấy báo chí và công tác quản lý báo chí ở nước ta đã đến giai đoạn phát triển cao hơn, mọi việc cần phải tiếp tục được hoàn thiện và tinh tế hơn nữa.
Tới đây, không chỉ xử phạt, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tiếp tục siết chặt quy định sử dụng thẻ nhà báo và các giấy tờ phục vụ cho tác nghiệp báo chí sao cho những giấy tờ đó phải hợp pháp, được sử dụng đúng mục đích, vì lâu nay có nhiều trường hợp sử dụng sai quy định, làm các cơ quan cảm thấy nghi ngại, nghi ngờ về động cơ của nhà báo khi đến tác nghiệp.
Phải nhấn mạnh rằng, không ai muốn xử phạt cơ quan báo chí hay thu hồi thẻ của nhà báo, nhưng nếu như không có những việc làm quyết liệt, mạnh mẽ để thể hiện rõ quan điểm lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực này thì chúng ta sẽ mất đi một thứ lớn hơn, đó là niềm tin của độc giả, của xã hội đối với giới báo chí.
Vừa qua có một số nhà báo bị thu hồi thẻ vì do lỗi quản lý comment trên fanpage, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc xử phạt lỗi này quá khắt khe vì đây không phải lỗi liên quan đến nghiệp vụ?
Đã gọi là sai phạm bị xử phạt thì tất nhiên sẽ có lần đầu tiên. Và thường người rơi vào trường hợp đầu tiên bị xử phạt sẽ có suy nghĩ như vậy.
Phải công bằng và sòng phẳng mà nói với nhau rằng, hành động của một cá nhân lên mạng nói điều không đúng sự thật, xúc phạm, nói xấu người khác làm phương hại đến lợi ích của tổ chức, cá nhân, rồi lấy sự tán thưởng của số đông làm động lực là một hành động sai trái. Những toà soạn hay những tổ chức chính thống muốn có sự tiếp xúc rộng rãi, đa chiều với công luận khi lập ra những trang fanpage không phải không biết điều đó.
Ở góc độ của một tòa soạn, khi đã biết việc một số comment trên các trang fanpage do mình quản lý đó có thể đi quá đà, rõ ràng là phải có cơ chế kiểm soát. Trên thế giới nhiều tòa soạn đã có chính sách riêng để quản lý, sàng lọc các ý kiến gửi tới qua các diễn đàn. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, rất ít tòa soạn có thể công khai hoá quy trình kiểm soát các fanpage của mình như thế nào. Mà đã không công khai nổi thì không biết anh có dành đủ thời gian, lực lượng và công sức để kiểm soát được cái đó hay không. Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh các tòa soạn nói chung phải nhìn nhận lại vấn đề, khi sử dụng thêm công cụ là mạng xã hội để hỗ trợ, tương tác, lấy ý kiến nhiều chiều, bên cạnh góc độ tích cực, cũng phải làm sao kiểm soát được những hậu quả tiêu cực mà chắc chắn bản thân tòa soạn cũng không mong muốn.
Báo chí đang “chạy theo” mạng xã hội
Lâu nay với những sự việc nóng bỏng, những thông tin đầu tiên thường xuất hiện trên mạng xã hội, sau đó, có khi đến vài ngày báo chí mới có thể kiểm định và đăng tải thông tin chính thống. Phải chăng thông tin trên mạng xã hội đang dẫn dắt, chi phối thông tin trên báo chí, thưa ông?
Hiện nay, nhiều phóng viên báo chí quá lệ thuộc vào mạng xã hội, tức là lấy đề tài, lấy thông tin, lấy luôn cả cảm xúc, quan điểm, ý kiến trên mạng xã hội mà gần như không làm công việc điều tra, thẩm định lại theo tác nghiệp báo chí. Hoặc nếu có điều tra thì về bản chất chỉ là để làm sao khẳng định, rằng những cảm tính ban đầu là đúng và hợp thức hóa những thứ mình thu nhận được trên mạng xã hội rồi biến nó thành một bài báo. Cách làm việc này dễ dãi, cẩu thả, và nguy hiểm đối với xã hội, vì việc đó dẫn đến những nhận định sai lệch và nhận định sai lệch này lại được chính thức hóa trên trang báo chính thống.
Một bộ phận phóng viên báo chí cũng đang tự biến mình thành “đồ chơi” của mạng xã hội. Trong nhiều vụ việc, có thể thấy cơ quan báo chí gần như không có khả năng phát hiện trước, mà chỉ đi theo luồng thông tin được tung ra trên mạng xã hội, để rồi mạng xã hội gần như chi phối hướng đi, suy nghĩ của một bộ phận phóng viên.
Khi chạy theo mạng xã hội, báo chí có xu hướng khai thác những vấn đề nóng theo nghĩa là những câu chuyện được nhiều người comment, chia sẻ. Nhưng trong những đề tài đó, có những vấn đề quan trọng, nhưng cũng có cả những chuyện rất tầm phào. Khi chạy theo những chuyện tầm phào, báo chí đã góp phần lái sự chú ý của dư luận sang những vấn đề không thiết yếu, không quan trọng với đời sống của một quốc gia.
Vậy theo ông, bản thân mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí và cả cơ quan quản lý báo chí nên có ứng xử thế nào trước thực trạng này?
Mạng xã hội là một tiến bộ về mặt khoa học công nghệ, làm cho thế giới trở nên cởi mở hơn, giao lưu dễ dàng hơn và rất nhiều ưu việt khác. Không thể nào nói mạng xã hội là tiêu cực. Thậm chí, những năm tới đây chúng ta còn chưa biết sẽ giao tiếp với nhau bằng công nghệ gì.
Nhưng tại sao vẫn phải có báo chí? Đó là vì xã hội luôn cần có những người làm công việc thu thập và xử lý thông tin, từ đó đưa ra được thông điệp, phát hiện, đúc kết có giá trị cho người đọc. Ngày nay, tuy chúng ta ngập trong một biển thông tin, nhưng làm thế nào để có hành vi, thái độ nhìn nhận đúng đắn trước một sự vật hiện tượng thì người ta luôn cần những con người đi thu lượm, phân tích và xử lý thông tin một cách đúng đắn, có trách nhiệm. Nếu như nhà báo làm tốt việc này, xã hội luôn luôn cần nhà báo.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tin cùng chuyên mục:
Không thể đổ lỗi cho đèn tín hiệu giao thông khi vi phạm luật
Đồng Nai: Khởi tố hai đối tượng lợi dụng quyền tự do dân chủ để xuyên tạc, xâm phạm lợi ích quốc gia
Nguyễn Xuân Diện và sự thật lịch sử về Hải chiến Hoàng sa
Con trai ông Trump nói Tổng thống Zelensky nài nỉ được mời đến buổi lễ nhậm chức