Tôi có ông cậu em ruột mẹ tôi là liệt sĩ. Một năm mấy dịp vào viếng mộ cậu ở nghĩa trang. Mỗi lần thăm cậu tôi đều thấy rất buồn. Không phải nỗi buồn thương tiếc cho những người đã chết vì chiến tranh. Quá khứ đã khép lại rồi. Hào hùng hay bi thương thì cũng gói gọn trong ba chữ: đã qua rồi. Tôi chỉ buồn nỗi buồn người đang sống, thương cho những mảnh đời một nửa, sống một nửa cuộc đời, sống cả cuộc đời nhưng chỉ một nửa, không vợ, không con. Thương cho những phận đời sống mà như là không phải sống…
Đầu những năm bảy mươi, cuộc chiến Việt Mỹ trong giai đoạn tàn khốc nhất. Một đi gần như là không có ngày về. Chẳng ai muốn dấn thân mình vào nơi hòn tên mũi đạn. Cậu tôi và đa phần những người lính quê tôi ngày ấy gần như bị bắt buộc. Mẹ tôi bảo, ngày ấy bác tôi đang ở chiến dịch đường chín nam Lào. Mười phần cầm chết chín rưỡi. Ông bà và họ nội tộc cố gắng giấu để cậu tôi trốn lính. Nhưng không được. Cái xóm nhỏ nhà ngoại có cậu tôi và một cậu nữa bị bắt và ép đi, cậu tôi hi sinh chỉ mười tháng sau khi vào quân ngũ.
Tôi là đứa không thể xóa nhòa những kí ức, những kỉ niệm, những câu chuyện về cuộc sống. Tôi đành viết nó ra, ấn nó vào một văn bản nào đó cho tôi bớt nhớ, bớt hoài niệm. Tuổi thơ tôi gắn bó với quê ngoại. Với con đường lởm nhởm những hòn đá dái nhọn hoắt. Mùa mưa cái ngõ xóm lầy lội vừa sâu vừa tối ấy có mùi đặc trưng của lá tre thối lưu cữu lâu năm. Cái mùi ngõ xóm thôi thối ấy chắc chỉ còn lưu lại trong tiềm thức cái ngữ người ngẫn ngẫn như tôi.
Hai người lính gần nhà cùng nhập ngũ một ngày, cậu tôi thì nằm lại trên một đồi cát bỏng rát nắng và gió ở Quảng trị. Chỉ có một người được trở về. Cậu Tích con bà Thát.
Cậu Tích may mắn hơn những người khác là còn sống. Không hiểu sao chỉ mấy tháng sau ngày trở về cậu Tích bốc ngộ. Lúc đầu là những đợt mất ngủ triền miên. Sau đó cậu cứ tự giam mình trong buồng tối, rồi đến lang thang, gào thét, đập phá… Những người thân của cậu làm tất cả những gì có thể làm, cả tâm linh và chữa bằng khoa học, nhưng đều không có kết quả.
Nhà cậu Tích nằm đối diện với ngõ bà tôi. Ngày xưa, nhà cậu Tích là ngôi nhà cổ rất đẹp, mảnh vườn với những cây lưu niên mà cả tuổi thơ tôi đã từng ngắm nhìn và gắn bó. Tôi thấy nó thân thuộc như chính nhà bà ngoại của mình. Cái ao bèo, cái cối giã gạo nhà cậu, lần nào vào tôi cũng ùa sang bên ấy. Vậy mà bị phá tan tành sau những cơn điên của cậu.
Người ta bảo, cậu bị ma mán nó chài. Người thì bảo, chiến trường ác liệt quá, chết chóc nhiều quá, quá sức chịu đựng của thần kinh con người. Có người bảo, cậu bị sức ép của bom.
Có những sự sống còn khổ hơn cả ngàn lần cái chết.
Cậu Tích, một thanh niên khỏe mạnh, cường tráng cả về thể xác lẫn trí tuệ, sau chiến tranh. Thân thể thì còn mà trí tuệ mất đi vĩnh viễn. Cậu không thể sống trong những ngôi nhà, cậu luôn cảm thấy bị giam cầm, bó buộc. Luôn thấy muốn đập phá, giằng xé. Quần áo cũng không còn muốn mặc. Quanh năm mưa rét cũng chỉ mỗi manh quần đùi. đày đọa thân mình dưới cái nắng cái mưa. Gia đình, xóm láng, và cả các tổ chức xã hội luc đầu cũng quan tâm lắm. Họ dựng nhà,cậu phá sạch, rồi đến dựng lều, nhưng chẳng cái gì tồn tại được. Cha mẹ cậu lần lượt qua đời, các bà chị lấy chồng xa. Người còn người mất. Cậu thân một mình dại dại điên điên…
Mỗi lần về quê ngoại, nhìn thấy cảnh một con người ngô ghê, đói khát và trần trụi, lăn lóc trên bãi dất hoang vu giữa một làng quê trù phú lòng tôi cứ buồn bã nhói đau thôi.
Không phải tất cả những người trở về sau cuộc chiến đều vậy. Có người để lại cả cuộc sống nơi chiến trường, có người để lại một phần thân thể. Nhưng cậu Tích, và những người bị sức ép của chiến tranh cướp đi phần trí tuệ có lẽ là đớn đau nhất.
Đã rất lâu rồi không còn ai nhìn thấy cậu Tích lăn lóc giữa đám bùn đất lão nhão như vũng trâu đằm trong mảnh vườn hoang nhà cậu nữa. Người ta bảo cậu bỏ đi rồi mất tích ở đâu đó. Thương thay.
Tôi đi giữa cái u tịch, hoang vắng của nghĩa trang liệt sĩ, chân giẫm lên mảnh hồn tơi tả của mình, giữa những ngôi mộ vô danh và có danh, giữa những ánh mắt của những người thanh niên chết trẻ lạnh lẽo xa vắng trong những bức ảnh đá truyền thần. Tôi muốn hỏi, những người nằm lại nơi này và cậu Tích, ai là người thật sự may mắn sau cuộc chiến?
Nguyen Loan 26.7.2015
Tin cùng chuyên mục:
Không thể đổ lỗi cho đèn tín hiệu giao thông khi vi phạm luật
Đồng Nai: Khởi tố hai đối tượng lợi dụng quyền tự do dân chủ để xuyên tạc, xâm phạm lợi ích quốc gia
Nguyễn Xuân Diện và sự thật lịch sử về Hải chiến Hoàng sa
Con trai ông Trump nói Tổng thống Zelensky nài nỉ được mời đến buổi lễ nhậm chức