“CHẨN ĐOÁN SAI” VÀ TÂM LÍ THÙ ĐỊCH

Người xem: 192

Bác sĩ Võ Xuân Sơn

Vụ bệnh nhân ở bệnh viện Đa khoa thành phố Cần thơ khiếu nại vì mổ viêm ruột thừa cấp, ra kết quả nang buồng trứng xuất huyết đã được Hội đồng chuyên môn kết luận. Tất nhiên là các bác sĩ đã làm đúng.

Nhưng tại sao các bác sĩ đã làm đúng mà người nhà lại khiếu kiện? Hội đồng chuyên môn yêu cầu ê kíp mổ rút kinh nghiệm, giải thích cho gia đình người bệnh phải hiểu rõ các bệnh lý, phân biệt được chẩn đoán trước phẫu thuật để tránh hiểu nhầm việc chẩn đoán là chính xác 100% với quá trình phẫu thuật.

Có thật sự là kíp mổ đã không giải thích cho gia đình bệnh nhân?

Theo nội dung báo đăng, bác sĩ phẫu thuật viên đã giải thích, gia đình không chịu, bác sĩ trưởng khoa Ngoại đã giải thích, gia đình cũng không chịu, bác sĩ Phó Giám đốc cũng đã giải thích, và gia đình cũng vẫn không chịu. Thôi thì bệnh nhân và gia đình ít học, hiểu biết kém. Nhưng nhà báo thì sao? Không lẽ nhà báo cũng ít học? Trước một sự trái ngược về thông tin, nhà báo có tìm hiểu thông tin trước khi đăng không?

Một câu chuyện chẳng có gì mà ầm ĩ, nhưng lại trở thành cơn bão truyền thông kéo dài trong mấy ngày, làm cơ sở cho sự bùng phát những hằn học, thù hằn với y tế của một bộ phận người dân. Trong câu chuyện này, nhà báo đã mô tả câu chuyện của một người dân một cách không khách quan, nhất là kết nối ngay câu chuyện lần này với vụ thận móng ngựa trước đây.

Trong khi rất nhiều nhà báo đang tìm mọi cách để nắm bắt được sự thật, để tư vấn chuyên môn trước khi viết bài, thì thật đáng tiếc, vẫn có những nhà báo viết về y tế với tâm lí thù địch. Có lần, tôi nói rằng, tôi sẽ cùng các nhà báo cãi lại ý trời. Bây giờ tôi phải tự hỏi, liệu có phải tất cả các nhà báo đều thực lòng muốn cùng tôi cãi lại ý trời hay không?

Có người bảo, quan tâm làm gì, chú ý làm gì những bài viết sặc mùi thù địch, những câu bình luận tào lao trên mạng. Nghe thì đúng đấy. Nhưng trên đời này mấy ai có thể đạt đến cảnh giới vô vi như vậy? Bác sĩ, nhân viên y tế chỉ là những người bình thường. Họ có xúc cảm, họ cũng giận dữ khi bị xúc phạm. Họ bị khống chế bởi qui định này qui định khác nên không thể phản kháng.

Nhưng như vậy không có nghĩa họ không đau khổ, không giận dữ. Tâm lí thù địch như cỏ dại. Nó dễ sống, dễ phát triển, dễ hút hết dinh dưỡng cho những điều tốt lành. Hãy đừng kích động tâm lí thù địch trong xã hội, vì nó cũng sẽ tác động vào nhân viên y tế. Và, khi nó lớn lên đến mức nào đó, nó sẽ quay trở lại tác động vào xã hội. Chính những người gieo rắc, nuôi dưỡng tâm lí thù địch sẽ là người nhận lãnh hậu quả.

Trong khi người dân, nhà báo và tất thảy mọi người đều đòi hỏi người thầy thuốc phải hết lòng cứu chữa, ngay cả khi người nhà bệnh nhân và bệnh nhân không tôn trọng họ, thì tại sao, một số nhà báo, không bỏ được cái tâm lí thù địch khi viết về các vấn đề của y tế?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *