Buôn bán chứ có làm từ thiện đâu?

Người xem: 209

Cô chủ quán cà phê mà X kể dưới này, cổ thân là luật sư chinh chiến trên sàn chứng khoán và nhà đất bao năm, một tay cầm sổ đỏ giơ lên thành bão, tay kia xách giấy cầm nhà phẩy lên thành giông tố, mà ra làm quán cà phê thì hiền phát sợ. Tới nỗi khách zô ngồi từ 7 h sáng tới 12 giờ trưa, uống trà đá miễn phí cứ hết lại châm, hết đâu cũng mấy chục lít chè xanh nấu gừng của người ta, đi tè hai ba phát, xong xách đýt đi ga vác cái mặt đặt lên ngọn tre hỏi, nhiêu tiền? Dạ tùy anh. Cái thượng khách móc ga năm ngàn đồng (viết bằng số: 5.000 VND) Khách hàng hông phải thượng đế nha. Mà thượng đế thì cũng còn sợ zợ nha mấy a phồ a múi. Mời đọc với X, nhớ đọc cmts nha, cười pể pụng lun.
 
6 người gọi 1 cái bánh tráng, mấy chế muốn tui sống sao?
 
Dẫu biết rằng “khách hàng là thượng đế”, nhưng hãy đặt mình vào vị trí của người bán hàng để hiểu những vấn đề thuế phí, công sá, vốn liếng… họ gặp phải để có thể đem đến dịch vụ tốt nhất, từ đó hãy thể hiện những hành vi ứng xử có văn hóa.
 
“Buôn bán chứ có làm từ thiện đâu!”
 
Cô bạn tôi mở quán cà phê, mặt bằng độ 10 bàn. Thỉnh thoảng lại một nhóm khách bốn năm người vào ngồi cả buổi. Văn hóa cà phê của Sài Gòn, cứ khách vào là mời mỗi người một ly trà đá, hết lại châm, họ uống thoải mái xong gọi tính tiền rất hoành tráng. Nhưng chỉ duy nhất một người kêu ly cà phê đen đá.
 
“Quán em không pha trà tạp mà nấu chè xanh với gừng, ngon hơn nhưng cũng đắt hơn. Họ vào thế này, mỗi người uống ba bốn ly, quạt bật vù vù, rồi – xin lỗi chị – đi vệ sinh một phát, cũng lỗ tiền điện với công thuê dọn dẹp rồi. Mà kêu ly cà phê mười lăm ngàn, trời đất ơi, em bán quán chứ có làm từ thiện đâu”, cô chủ quán mới tinh nhưng là luật sư có thâm niên, ấm ức.
 
Trà đá nhiều hơn cafe. Hoàn toàn miễn phí – (Ảnh: Vietnamnet).
 
Sau vài hôm cân nhắc, một hôm cô hớn hở khoe: “Chị, hôm nay em sung sướng quá, ha ha, đã trị được đám khách đó rồi”.
 
“Chiêu độc” của cô, tưởng gì bí hiểm, hóa ra chỉ là nói thẳng nói thật. Cô ghi thêm vào menu dòng thông báo “Nếu khách không gọi nước uống của quán xin vui lòng trả tiền chỗ ngồi, bằng giá một ly cà phê đen đá, mười lăm ngàn, xin cảm ơn”.
 
“Nhóm này làm công trình ở đây nên tới hoài à. Bữa nay đến nữa, cũng năm người, kêu một ly cà phê đen. Em cứ cười nói tươi hơn hớn xong tính tiền em chém cho một phát. Hai ba ông trợn ngược mắt lên nói: Cái gì, tôi không uống mà sao tính tiền? Em nhẹ nhàng mở cuốn menu ra chỉ cho họ dòng chữ rất rõ ràng. Ái chà chà, chị phải nhìn mặt mấy người đó mới được. Dài thượt ra như cái bơm nhưng vẫn phải trả tiền cho em đàng hoàng”, cô như muốn chảy tan ra vì sung sướng.
 
Không ít nhóm khách hàng ích kỷ, chỉ tính toán có lợi cho mình như nhóm khách hàng trên của cô bạn tôi. Thời đa cấp đang làm mưa làm gió mới khiếp, cứ thứ bảy, Chủ nhật, một nhóm mười, mười lăm người đến chiếm cả một góc quán, còn yêu cầu phòng máy lạnh đủ thứ, xong gọi đúng một bình trà đá, mấy chục cái ly, chém gió từ sáng đến chiều.
 
Có những chủ quán nát hết cả cõi lòng sau một lần gặp, lần sau bèn tính phòng theo giờ. Coi như họ bao nguyên căn phòng đó, trà đá cũng được, nhưng vui lòng xòe “xèng”, bao nhiêu giờ xin tính đủ bấy nhiêu.
 
Mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng?
 
Thế nên câu chuyện bà bán bánh tráng nướng ở Đà Lạt đuổi khách, tôi rất đồng tình. Ai đời nhóm sáu khách vào gọi đúng một cái bánh tráng nướng! Thuế phí, công sá, vốn liếng… người bán đào ở đâu ra để phục vụ cho họ như vậy?
 

Bà bán bánh tráng nướng ở đường Nguyễn Văn Trỗi lên tiếng đuổi nhóm khách. Ảnh cắt từ clip.
 
Chắc chỉ có cách nhã nhặn kêu họ lên đĩa bay một chiều về lại quê hương đi, mình bao vé!
 
Mà người mình ngạc nhiên chứ những quán ăn uống có tiếng cũng áp dụng cách này lâu rồi. Starbuck ở phố Tây Sài Gòn cấp code wifi cho khách xài chỉ trong một tiếng. Quán La Poste Cafe-Dunkin Donuts gần nhà thờ Đức bà chỉ giữ xe miễn phí trong vòng hai, ba tiếng. Quá giờ, xin mời trả tiền. Có quán ghi rõ ngồi quá bao lâu xin gọi thêm thức uống… Cũng là để trị những khách sẵn máy lạnh, trà đá, wifi miễn phí nên vào từ sáng gọi một ly rồi ung dung đóng đô tận chiều tối.
 
Nhìn sâu vào, đây là thói quen rất xấu của không ít người Việt. Cái tâm lý “mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng” hết sức tồi tệ.
 
Như vào khách sạn thì xả nước nóng tràn trề, bật máy lạnh chạy không cả ngày “để tối về cho mát”. Khách sạn dùng thẻ từ thì họ gập miếng bìa nhét vào khe khóa để dòng điện không bị ngắt mạch. Vào quán vứt xương đầy gầm bàn, xả nước rửa tay xong không khóa kín để chảy rào rào, gạt tàn thuốc chết ngạt cả các chậu cây cảnh. Ngồi trên xe thượng chân lên tí nữa là gác hẳn lên đầu người ngồi trước. Vô tư đi, mình trả tiền mà. Xả ra khắc có người khác dọn!
 

Người phụ nữ thu chân lên ghế và người đàn ông này vô tư cởi trần như chốn không người trên máy bay Vietnam Airlines ngày 17/6 /2015 khá phản cảm. (FB L.M.N)
 
Lạ cái, vẫn người đó, khi làm nhân viên phục vụ thì kêu than sao khách thô lỗ quá vậy, thiếu ý thức vậy, đồng tiền bự bằng cái bánh xe bò hay sao… nhưng đến lượt mình làm thực khách thì cũng hành xử y chang. Cứ thế rộng ra, ngay cả trong sở làm cũng vác tâm lý này vào cho bằng được, nhưng biến tướng sang thành “ma cũ bắt nạt ma mới”.
 
Y như kiểu mẹ chồng cách đây năm mươi thế kỷ hành hạ con dâu với tâm lý “tao đã khổ thì chúng mày đừng hòng được sướng” vậy.
 
“Bầu ơi thương lấy bí cùng”, hay hãy đặt mình vào vị trí người khác để hiểu được họ. Và xin hiểu rằng, hành vi thể hiện văn hóa của bạn. Trước khi cái con ích kỷ ngóc đầu lên trong bạn, mình nên dừng lại một phút để tự hỏi: Nếu mình là người hứng chịu hành vi này thì sao?
 
Theo Hoàng Xuân / Trí Thức Trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *