Bà ngoại và… tình yêu

Người xem: 166

Chẳng biết lúc còn trẻ bà ngoại có đẹp và hấp dẫn không nhưng chỉ biết ông bà sinh được nhiều con lắm! Ông bà sinh bác tôi, mẹ tôi, các dì, các cậu…sòn sòn từ kháng chiến chống thực dân Pháp đến chiến tranh chống đế quốc Mỹ, số bận sinh nở xoè bàn tay đếm chưa đủ.
 

Những người con lớn lên như củ khoai củ ráy, ngơ ngác chứng kiến bao lần cảnh sinh tử, tật bệnh đến cướp đi sự sống của anh, chị, em mình khi còn là những đứa trẻ ốm đau, sài đẹn. Tôi nghe mẹ và dì kể, người thì hơn 01 tuổi bị cam tẩu mã ăn lở loét hết miệng mũi, mùi máu trộn mủ tanh tưởi sặc sụa, dòi bọ đục lúc nhúc; Người thì năm 45 đói quá bà phải đem cho người kẻ chợ làm con nuôi, người ta nhận đặt vào cái thúng gánh đi biệt tích luôn, không biết giờ còn sống nơi nào!
 
Thời buổi khốn cùng như vậy, việc đồng áng trong nhà một tay bà gánh vác…mà vẫn cứ chửa, cứ đẻ sòn sòn thì chắc hẳn ông bà…yêu nhau nhiều lắm! 
 
Ông ngoại tôi thấp bé, làm thày cúng cao tay nổi tiếng một vùng. Ông đi cúng lễ triền miên khắp thôn Đông,xứ Đoài, chẳng biết kiếm được nhiều tiền không, chỉ biết lúc ông ở nhà thì bà cung phụng chồng như một ông hoàng. Mẹ tôi kể, nhà có con cá ngon nấu canh cà chua thì chỉ ăn hết nước, con cá vẫn giữ nguyên, bữa sau lại nấu tiếp…Cứ thế đến khi nào ông chọc đũa vào gỡ con cá ăn thì con cái mới được phép ăn hết cái bã con cá ấy. 
 
Rồi ông phải lòng một bà góa cùng làng. Bà này không trẻ hơn bà ngoại nhưng chỉ có một người con với ông chồng cũ, nhàn hạ nên tươm tất, béo tốt hơn bà. Chỉ nghe chuyện kể lại cũng đủ biết ông ngoại mê bà hai lắm. Bà hai không thể sinh con cùng ông, ông bắt cậu tôi khi đó 07 tuổi sang ở hẳn với bà hai. Bà ra sức chiều chuộng nhưng cậu tôi không màng, một mực bỏ về. Cứ về đến sân lại bị ông vác gậy đuổi, cậu lang thang ngủ bờ ngủ bụi chứ nhất định không chịu sang. Bà ngoại tôi xót con nhưng không dám trái ý, chỉ dấm dúi cho con củ khoai, nắm cơm nguội và manh chiếu che sương.
 
Ông ngoại mất sớm, sau những trận ốm dầm dề. Nghe kể trong một trận ốm mệt lo ông khó qua khỏi, vái tứ phương, bà ngoại mời thầy lập đàn cúng lễ. Thày cúng lên đồng, khi Thánh giáng phán rằng ông chỉ sống được 5 ngày nữa để từ biệt vợ con…Nỗi lo mất chồng khiến người phụ nữ một đời nhẫn nhục, đảm đang tháo vát và tôn kính nghi lễ đâu ra đấy là thế, phút chốc điên dại. Bà hất lộn nhào tất cả mâm lễ, giật hết hương hoa, đuổi thày cúng về…
 
Mọi người xúm vào khuyên bà bình tĩnh. Bà lẳng lặng đi nằm, rồi theo sự mách bảo, nửa đêm bà dậy một mình lọ mọ đi bộ hơn chục cây số cắt thuốc đã được trì chú phép thánh về cho ông uống. Đận đó, ông đỡ bệnh, kéo dài tuổi thọ thêm hơn 1 năm nữa. 
 
Vậy nhưng khi ông tỉnh táo, khỏe khoắn thì bà lại giành hết việc hợp tác, việc ruộng đồng làm quần quật tối ngày, nhường cho bà hai ở nhà chăm chút, quấn quýt bên ông. Có người nói: “Sao bà không ở nhà với ông cho tình cảm, chồng mình lại cứ để người khác giữ khư khư?”, bà cười: ” Ôi dào, ông ấy khỏe, vui, thoải mái tư tưởng là tôi mừng rồi! Tôi mà ngừng nghỉ là cả nhà này treo niêu, rã họng à?”
 
Giờ thì các chứng nhân của mối tình tay 3 ấy đều đã thành người thiên cổ. Những ân oán, ghen hờn…chẳng còn ý nghĩa gì hết. Không ai biết những bão táp trong lòng bà tôi ngày ấy nhưng câu chuyện về đức hi sinh, nhẫn nhịn thì mãi là huyền thoại trong lòng chúng tôi.
 
Yêu là thế đấy! Là nuôi dưỡng người đàn ông trong trái tim và tấm lòng mình chứ không phải là sở hữu, giành giật và chiếm giữ. Đừng đợi đến sang thế giới bên kia mới suy ngẫm mình được mất gì giữa cõi ta bà này!
 
Minh họa: Hình ảnh thân thuộc bà tôi rửa lá chè tươi bên cầu ao cách đây 20 năm, khi bà thượng thọ 80 tuổi.
 
Nguồn: Thi Duong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *