ẢNH HƯỞNG CỦA PHÁN QUYẾT CỦA TÒA ÁN LA HAY ĐỐI VỚI CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM TRÊN BIỂN ĐÔNG

Người xem: 183

Bài của Tâm Minh Nguyễn

Từ 16 giờ chiều ngày 12-7-2016 đến hiện tại, rất nhiều báo chí trong nước và quốc tế đưa tin về sự kiện này. Trong số các nước, các bên đã nếu quan điểm của mình, chỉ có Trung Quốc và Đài Loan phản đối. Mỹ tỏ ra thận trọng. Còn Việt Nam thì chưa vội đưa ra quan điểm của mình. Một số tờ báo trong nước đã vội vàng loan tin nói rằng “người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hoan nghênh phán quyết của Tòa án La Hay bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về “đường 9 đoạn”. Tuy nhiên, đến khi Bộ Ngoại giao Việt Nam có ý kiến đề nghị cải chính, những thông tin tin đó mới được sửa lại thành “Việt Nam hoan nghênh Tòa án La Hay ra phán quyết”. Còn về nội dung phán quyết thì Việt Nam sẽ có tuyên bố sau. Tại sao lại có hiện tượng này ? Vì sao Việt Nam phải thận trọng khi chưa vội tuyên bố về nội dung phán quyết của Tòa Trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS – 1982 ?

Ảnh 1: Bác bỏ đường lưỡi bò của TQ ở biển Đông

Trong khí đó thì không ít những trang tin của những người Việt có tư tưởng thù địch với chế độ chính trị hiện hành ở Việt Nam đã lập tức giật những cái tít rất kêu rằng Chính phủ Việt Nam không dám kiện Trung Quốc, rằng Việt Nam không dũng cảm bằng Philippines nhỏ bé, là vân vân và vân vân… Một số phần tử phản động ở trong nước cũng hùa theo những luận điệu này trên trang FB của chúng. Một số kẻ còn ngạo mạn cho rằng Chính phủ Việt Nam nên học tập Philippines để kiện Trung Quốc ngay lập tức. Những thông tin nhiễu loạn kiểu này từ trước đến nay không phải là hiếm. Tuy nhiên, tại thời điểm này, nó cho thấy những suy nghĩ không thấu đáo, hùa theo làn sóng dư luận đều rất dễ dẫn đến sai lầm.

Ảnh 2: Tuyên bố chủ quyền EEZ của 5 nước, 6 bên ở Biển Đông (bản vẽ ước lệ theo tài liệu của Vụ Biển)

Về nguyên tắc, phải luôn khẳng định rằng Quần đảo Trường Sa, Quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam. Việc Philippines thưa kiện lên Tòa án La Hay là dựa trên quan điểm chủ quyền của Philippines đối với biển và đảo ở Biển Đông chứ không dựa trên quan điểm về chủ quyền của Việt Nam. Đó là điều đầu tiên phải nhớ. Và trên nguyên tắc đó, chúng ta phải xem xét phán quyết của Tòa án La Hay trên quan diểm về chủ quyền của Việt Nam đối với biển và đảo ở Biển Đông chứ không phải trên quan điểm của bất kỳ mọt quốc gia nào khác.

Ảnh 3: Các ranh giới phân định chủ quyền của các bên ở Biển Đông (giả thiết tuân theo UNCLOS 1982 có tính đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

1- Những điểm có lợi cho Việt Nam trong phán quyết của Tòa án La Hay:

Đầu tiên phải kể đến phán quyết về cái gọi là “Đường 9 đoạn”. Philippines đưa ra vấn đè này trong điểm 2 của bản đệ trình. Và phán quyết của Tòa Trọng tài La Hay là:

“Tòa quyết định là trước khi có Công ước, các vùng biển ở Biển Đông bên ngoài vùng lãnh hải về pháp lý đều là một phần của vùng biển quốc tế, tại đó tàu thuyền của bất kỳ Quốc gia nào đều có thể qua lại và đánh cá một cách tự do. Vì vậy, Tòa đã kết luận rằng việc Trung Quốc qua lại và đánh cá trong lịch sử ở vùng biển của Biển Đông đã thể hiện các quyền tự do trên biển cả, thay vì một quyền lịch sử, và rằng không có chứng cứ nào cho thấy rằng trong lịch sử Trung Quốc đã một mình thực hiện việc kiểm soát các vùng biển ở Biển Đông hay ngăn cản các quốc gia khác khai thác những tài nguyên của mình. Do đó, Tòa kết luận rằng, giữa Philippines và Trung Quốc, không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc yêu sách các quyền lịch sử đối với tài nguyên, bên ngoài những quyền quy định trong Công ước, tại các vùng biển nằm bên trong “đường 9 đoạn”.”

Ảnh 4: Tranh chấp chủ quyền giữa Philippines, Malaysia và Việt Nam chủ yếu liên quan đến quần đảo Trường Sa (Philippines gọi là khu Kalayaan). Đường giả định EEZ Việt Nam có tính đến các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Như vậy, mặc dù Tòa Trọng tài La Hay phán quyết về quan hệ giữa Cộng hòa Philippines (nguyên đơn) và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (bị đơn) nhưng mặc nhiên là phán quyết đó có liên đới đến Việt Nam (bên liên quan). Bởi Việt Nam, cùng với Philippines, Malaysia, Indonesia và Bruney là những bên chịu ảnh hưởng bất lợi bởi tuyên bố trái với Công ước quốc tế về Luật Biển (UNCLOS 1982) về cái gọi là “đường 9 đoạn”.

Tiếp theo là phán quyết về khiếu kiện của Philippines tại điểm 1: “Phạm vi các vùng biển mà Trung Quốc có quyền được hưởng trên Biển Đông, cũng giống như của Philippines, không thể vượt ra ngoài những gì được Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (“UNCLOS” hay “Công ước”) cho phép”. Và phán quyết của Tòa là: “Tòa nhận thấy rằng yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các tài nguyên là không phù hợp với sự phân bổ chi tiết về quyền và vùng biển của Công ước và kết luận rằng, nếu Trung Quốc có quyền lịch sử đối với tài nguyên ở các vùng biển ở Biển Đông, những quyền đó đã bị xóa bỏ bởi việc Công ước có hiệu lực ở chừng mực mà chúng không phù hợp với hệ thống các vùng biển của Công ước”.

Như vậy, nguyên tắc của UNCLOS 1982 được thực thi và lập luận của Trung Quốc “chủ quyền lịch sử” để đòi hỏi chủ quyền đối các vùng biển đảo ở Biển Đông đã không được Tòa chấp nhận. Đây là một phán quyết vừa có lợi cho Việt Nam nhưng cũng đem lại một số bất lợi nếu phán quyết này bị giải thích sai lệch trong một số trường hợp. (Ở dưới, tôi sẽ phân tích sau.)

Tiếp theo là các phán quyết có liên quan đến việc ngăn chặn quốc gia có chủ quyền đối với các thực thể địa lý theo UNCLOS 1982 thực thi quyền đó. Tại điểm 8 của văn bản khiếu kiện, Philippines tố cáo: “Trung Quốc đã can thiệp một cách bất hợp pháp tới việc Philippines hưởng và thực thi các quyền chủ quyền của mình liên quan đến các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.” Về điểm này, Tòa Trọng tài phán quyết:


Ảnh 5: EEZ của Việt Nam theo bản đồ của BHP

“Tòa Trọng tài xác định, trên thực tế, Trung Quốc đã (a) can thiệp vào việc thăm dò dầu khí của Philippines tại Bãi Cỏ Rong; (b) chủ ý cấm các tàu Philippines đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và (c) bảo vệ cho và không ngăn ngừa các ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines tại Vành Khăn và Bãi Cỏ Mây, và (d) xây dựng các công trình và đảo nhân tạo tại Vành Khăn mà không được sự đồng ý của Philippines. Do vậy Tòa Trọng tài kết luận rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước này.”

Tiếp theo, Tòa Trọng tài đã chỉ rõ: “Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ tôn trọng quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Philippines khi ngăn chặn tiếp cận bãi cạn Scarborough sau tháng 5-2012. Tuy nhiên, Tòa Trọng tài thấy rằng Tòa cũng sẽ có kết luận tương tự đối với quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Trung Quốc nếu Philippines có hành động ngăn cản việc đánh cá của công dân Trung Quốc tại bãi Scarborough.” Phán quyết này gián tiếp chỉ ra rằng, các lệnh cấm đánh bắt cá từ tháng 5 đén tháng 10 hàng năm trên Biển Đông mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố đều là những hành vi bát hợp pháp.

Về điểm 12 trong văn bản khiếu kiện của Philippines có nêu:
“Việc Trung Quốc chiếm đóng và tiến hành các hoạt động xây dựng tại bãi Vành Khăn:

(a) vi phạm các điều khoản của Công ước liên quan đến các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình;

(b) vi phạm nghĩa vụ của Trung Quốc trong việc bảo vệ và bảo tồn môi trường biển theo Công ước; và

(c) cấu thành những hành vi bất hợp pháp trong việc cố tình chiếm đoạt theo cách vi phạm Công ước;”

Ảnh 6: Thực trang đóng quân của các bên tại Quần đảo Trường Sa

Và phán quyết của Tòa Trọng tài là: “Tòa Trọng tài xác định rằng việc Trung Quốc cải tạo đất quy mô lớn và xây dựng đảo nhân tạo gần đây tại bảy cấu trúc tại Trường Sa đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường rặng san hô và Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo Điều 192 và 194 của Công ước trong việc bảo tồn và bảo vệ môi trường biển đối với các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sinh sống của các loài động vật bị đe dọa, sắp cạn kiệt. Đồng thời Tòa Trọng tài cũng xác định rằng ngư dân Trung Quốc đã thực hiện việc khai thác động vật bị đe dọa như rùa biển, san hô và trai khổng lồ ở quy mô lớn tại Biển Đông, sử dụng các biện pháp gây hủy hoại nghiêm trọng đối với môi trường rặng san hộ. Tòa Trọng tài xác định rằng chính quyền Trung Quốc đã nhận thức được các hành vi này và không thực hiện nghĩa vụ cẩn trọng theo Công ước để ngăn chặn.”

Đây cũng là điểm gián tiếp có lợi cho Việt Nam để Việt Nam có cơ sở pháp lý phản đối việc Trung Quốc xây cất, bồi đắp trái phép các thực thể địa lý ở quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền như: Gạc Ma, Huy Gơ, Chữ Thập, Châu Viên, Xu Bi .v.v…

Một phán quyết khác về quần đảo Trường Sa mới thoạt nhìn tưởng như có lợi cho Philippines và bất lợi cho Trung Quốc về chủ quyền nhưng thực chất, nó tước đi ý đồ hợp pháp hóa cái gọi là “Đặc khu Kalayaan” của Philippines và đương nhiên điều đó ít nhiều có lợi cho Việt Nam, nước đang quản lý nhiều thực thể địa lý chìm và nổi trên quần đảo Trường Sa. Phán quyết của Tòa Trọng tài là: “Tòa Trọng tài cũng kết luận rằng Công ước không quy định việc một nhóm các đảo như quần đảo Trường Sa sẽ có các vùng biển với tư cách là một thực thể thống nhất”. Phán quyết này dựa trên nguyên tắc mà UNCLOS 1982 đã quy định rằng nếu các bãi cạn nào đó nằm trong phạm vi lãnh hải 12 hải lý của một quốc gia thì các bãi cạn ấy sẽ được quy thuộc về các cấu trúc đất liền hoặc đảo; nếu chúng nằm ngoài 12 hải lý lãnh hải thì được quy thuộc về đáy biển. Với phán quyết này, Philippines không thể sử dụng quy chế về “Quốc gia quần đảo” để quy thuộc hầu như toàn bộ Quần đảo Trường Sa thành một thể thống nhất mà họ gọi là “đặc khu Kalayaan” với toàn bộ Quần đảo Philippines mà chỉ có chủ quyền hạn chế một cách riêng rẽ đối với các thực thể địa lý mà Philippines đang quản lý.

2- Những điểm bất lợi đối với chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Trước hết, khi giải quyết khiếu kiện của Philippines: “Đá Gaven (Gaven Reef) và đá Kennan (McKennan Reef) (bao gồm cả đá Huy gơ (Hughes Reef)) là các bãi cạn nửa nổi nửa chìm, không thể có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa, nhưng ngấn nước thấp nhất của chúng có thể được dùng để lần lượt xác định đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của đảo Nam Yết (Namyit) và Sinh Tồn (Sin Cowe)”. Nếu Tòa Trọng tài chấp nhận khiếu kiện này, thì Việt Nam đang quản lý hai đảo Nam Yết và Sinh Tồn sẽ có lợi trong việc xác định vùng lãnh hải của hai hòn đảo này. Tuy nhiên, phán quyết của Tòa là: “Tòa Trọng tài nhất trí với Philippines rằng bãi Scarborough, Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập là các cấu trúc nổi và Subi, Huy gơ, Vành Khăn và Cỏ Mây là cấu trúc chìm trong điều kiện tự nhiên. Tuy nhiên, Tòa Trọng tài không nhất trí với Philippines về quy chế của Gaven (phía Bắc) và Kennan và kết luận rằng cả hai đều là cấu trúc nổi”.

Phán quyết tiếp theo về quy chế “đảo” cũng gây bất lợi cho Việt Nam. “Tòa Trọng tài kết luận rằng tất cả cấu trúc nổi tại Trường Sa (bao gồm, ví dụ, Ba Bình, Thị Tứ, Bến Lạc, Trường Sa, Song Tử Đông, Song Tử Tây) đều là “đảo đá” về mặt pháp lý và không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa.”. Xét về chủ quyền quốc gia trên thực tế, phán quyết của Tòa Trọng tài quy các đảo Trường Sa, Song Tử Tây và một số đảo khác là “đảo đá” rõ ràng là không phù hợp với thực tế. Cho dù Tòa Trọng tài có lập luận rằng: “việc hiện diện của các nhân viên công quyền trên nhiều cấu trúc không chứng minh được khả năng của các cấu trúc này, trong điều kiện tự nhiên, để duy trì cộng đồng cư dân ổn định và cho rằng các bằng chứng lịch sử về việc định cư hoặc đời sống kinh tế có ý nghĩa hơn đối với năng lực khách quan của các cấu trúc”.

Ngoài ra, trong văn bản khiếu kiện Trung Quốc của Philppines cũng như Thông cáo báo chí của Tòa Trọng tài La Hay cũng đã đề cập đến nhiều thực tế địa lý ở quần đảo Trường Sa các vùng giữa và Nam Biển Đông mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền cũng như đang quản lý, khai thác như: Trường Sa lớn, Song Tử Tây, Nam Yết… Philippines không thể thưa kiện về cái mà họ không có. Trong khi đó thì về đối tượng xử lý, Tòa Trọng tài La Hay đã nêu rõ rằng “một tranh chấp về việc liệu một Quốc gia có quyền đối với một vùng biển hay không là một vấn đề hoàn toàn khác biệt so với vấn đề phân định các vùng biển ở một khu vực mà các vùng biển này chồng lấn. Tòa nhận thấy rằng các quyền được hưởng vùng biển, cùng với nhiều vấn đề khác, thường được xem xét trong việc phân định ranh giới nhưng cũng có thể phát sinh trong những bối cảnh khác.Tòa quyết định là từ đó không thể kết luận rằng một tranh chấp đối với từng vấn đề trên có thể coi là tranh chấp về phân định ranh giới”. Chính vì vậy mà Việt Nam (cùng với Malaysia và Indonesia) đã dự các phiên tòa về thẩm quyền với tư cách quan sát viên, và không Quốc gia nào nêu lên lập luận rằng sự tham gia của mình là không thể thiếu.

Về những điểm bất lợi đối với Việt Nam, chắc chắn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng sẽ dựa vào Công ước quốc tế về Luật biển (UNCLOS 1982) và các tài liệu có trong tay để ra một tuyên bố chính thức về phán quyết này. Trong đó chắc chắn sẽ nêu rõ những nội dung mà Việt Nam ủng hộ cũng như những nội dung mà Việt Nam không nhất trí chứ không phải là một hành động bác bỏ toàn bộ phán quyết một cách thẳng thừng và không có trách nhiệm như Trung Quốc.

3- Giá trị thực tế của phán quyết ngày 12-7-2016 của Tòa Trọng tài La Hay.

Có thể thấy ngay rằng một bản phán quyết dày hàng trăm trang của Tòa Trọng tài La Hay không phải là một thứ “thuốc thần” để giải quyết ngay một lúc tất cả những mâu thuẫn và trang chấp chủ quyền trên Biển Đông như không ít người vẫn nghĩ. Giá trị thực tế của văn bản phán quyết này có thể gói gọn lại ở mấy vấn đề:

– Bác bỏ giá trị pháp lý của yêu sách lịch sử của Trung Quốc từ “đường lưỡi bò”.

– Thu hẹp vùng biển tranh chấp về phạm vi 12 hải lý của các thực thể là đảo đá tại Trường Sa.

– Quy thuộc các bãi nửa nổi nửa chìm nằm ngoài 12 hải lý của các đảo về vùng EEZ và thềm lục địa của quốc gia ven biển.

– Từ đó, xác định các hành vi hiện thực hoá “đường lưỡi bò” của Trung Quốc tại Biển Đông là các hành vi vi phạm luật quốc tế.

Việc Trung Quốc tuyên bố không tham gia vụ kiện cũng như phản bác toàn bộ phán quyết của Tòa Trọng tài La Hay một lần nữa cho thấy “vũ khí pháp lý” có tác dụng rất hạn chế trong việc bảo vệ chủ quyền của các quốc gia có biển. Giá trị cao nhất của một phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế chỉ có thể đạt đến mức làm mất uy tín của một quốc gia đã vi phạm chính những điều ước quốc tế mà họ ký kết. Và cũng qua đó, tạo dư luận đồng thuận của quốc tế đối với quốc gia bị xâm phạm chủ quyền biển đảo mà thôi.

Đối với trường hợp tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông, phán quyết của Tòa Trọng tài La Hay đã cố gắng tránh vấn đề xác định chủ quyền trên nguyên tắc tôn trọng đàm phán của các quốc gia có liên quan trong việc phân định chủ quyền. Mặt tích cực của nó là tôn trọng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Nhưng mặt trái của nó là không thể hiện được tính nghiêm minh của công pháp quốc tế trước những hành động dùng vũ lực để chiếm đoạt chủ quyền cũng như không hỗ trợ được cho các nước yếu thế bảo vệ chủ quyền của họ.

Rút kinh nghiệm vụ kiện của Philippines về việc Trung Quốc vi phạm UNCLOS 1982 trong quan hệ với Philippines liên quan đến các thực thể địa lý ở Biển Đông, Việt Nam sẽ còn nhiều việc phải làm để bảo vệ chủ quyền của mình ở quần đảo Trường Sa và đấu tranh đòi lại chủ quyền trên thực tế đối với quan đảo Hoàng Sa trong điều kiện thế giới và khu vực coi vấn đề Hoàng Sa là vấn đề song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Vụ kiện của Philippines đối với các hành vi vi phạm UNCLOS 1982 của Trung Quốc vừa qua không hẳn là một vụ kiện đòi hỏi chủ quyền cho dù nhiều vấn đề mà Philippines đặt ra có liên quan đến phân định chủ quyền biển, đảo giữa Philpiines và Trung Quốc. Tòa Trọng tài quốc tế về Luật biển có thể chấp nhận một vụ kiện đơn phương mà thực chất là hỏi – đáp về một số hành vi có dấu hiệu vi phạm UNCLOS và đưa ra phán quyết đúng sai. Nhưng Tòa Trọng tài sẽ không thể thụ lý một vụ kiện về phân định chủ quyền biển, đảo nếu thiếu bên bị đơn, nói cách khác là không xét xử vắng mặt. Và trên thực tế thì Trung Quốc không bao giờ chấp nhận là bị đơn trong một vụ kiện như vậy một khi họ không có cơ sở pháp lý thuyết phục và các tài liệu, chứng cứ xác thực để tham gia vào một vụ kiện như vậy. Mặt khác, Việt Nam cũng có thể kiện theo lối “hỏi và trả lời” về vấn đề chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa giống như Philippines đã làm và sử dụng các phán quyết đó làm áp lực hối thúc Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán. Việc đó về lý thuyết là có thể thực hiện được nhưng hiệu quả trên thực tế thì không thể khẳng định chắc chắn nếu không nói là xác suất thấp bởi chính Trung Quốc đã ngay lập tức phản bác thẳng thừng các phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12-7 vừa qua.

Thế nên những suy đoán về việc Việt Nam có thể sử dụng kinh nghiệm của Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa, hoặc cao hơn nữa là dùng pháp lý để đòi lại chủ quyền thực tế của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa là không có cơ sở thực tế. Nhân đây, cũng xin nhắc lại rằng cho dù Tòa Trọng tài quốc tế La Hay có ra thụ lý một đơn kiện của Việt Nam đòi Trung Quốc phải trao trả quần đảo Hoàng Sa cho Việt Nam và ra một phán quyết có lợi hoàn toàn cho Việt Nam thì cũng sẽ không có một cơ chế quốc tế nào buộc Trung Quốc phải “thi hành án” ngoại trừ chính người Việt Nam phải tự lực làm việc đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *