Trao đổi: Góc tối đáng sợ của quốc gia hạnh phúc nhất thế giới
Được mệnh danh là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới thế nhưng Bhutan vẫn còn những mặt trái ít người biết.
Hai ngày sau ngày Quốc tế Phụ nữ, tờ báo quốc gia Bhutan đưa tin: “Tòa án quận Gelephu đã tuyên án 9 năm tù giam đối với 1 người đàn ông vì tội cưỡng hiếp một nạn nhân 17 tuổi”. Trong khi đó, 1 cảnh sát ở Gelephu cũng bị tuyên án 2 năm tù giam vì cáo buộc hiếp dâm người giúp việc của mình. Tại Gasa, một thanh niên 24 tuổi bị cáo buộc hiếp dâm một phụ nữ 55 tuổi. Tại Punakha, một nhà sư bị buộc tội cưỡng hiếp khiến bé gái 14 tuổi mang thai. Tại Tsirang, nam thanh niên 24 tuổi bị cảnh sát bắt giữ vì có quan hệ với nữ sinh 13 tuổi. Và ở Thimphu, cảnh sát đã bắt giữ một bảo vệ 38 tuổi vì tội hiếp dâm bé gái mới chỉ lên 8.
Chưa hết, tháng 12 năm ngoái, một cô bé 13 tuổi được cho là đã bị cha đẻ liên tục cưỡng hiếp và đã được giải cứu bởi tổ chức RENEW (Cụm từ viết tắt của Respect, Educate, Nurture, Empower Women được dịch lần lượt là Tôn trọng, Giáo dục, Nuôi dưỡng và Trao quyền cho phụ nữ), một tổ chức phi chính phủ hoạt động vì quyền lợi của phụ nữ tại Bhutan.
Bhutan cũng có những góc tối ít người biết.
Một nghiên cứu mới đây về tình trạng bạo lực đối với phụ nữ tại Bhutan do Ủy ban Quốc gia về Phụ nữ và Trẻ em (NCWC) thực hiện cho thấy cứ 2/100 phụ nữ có độ tuổi từ 15 đến 49 bị lạm dụng tình dục trước tuổi 15.
“Những bé gái chưa đến 15 tuổi có nguy cơ trở thành nạn nhân của tình trạng bạo lực tình dục, tuy nhiên, mức độ rủi ro vẫn thấp hơn những phụ nữ có độ tuổi từ 15 trở lên”, nghiên cứu này cho biết.
Nghiên cứu cũng đưa ra kết luận 4/100 phụ nữ có quan hệ tình dục lần đầu trước năm 15 tuổi, trong đó hơn một nửa là do bị cưỡng ép hoặc bắt buộc. Ngoài ra, cứ 3/10 phụ nữ sẽ kết hôn lần đầu trước độ tuổi hợp pháp là 18.
Theo chuyên gia tư vấn của RENEW, hầu hết các trường hợp này thường xảy ra sau những cánh cửa khép kín và đa phần các hung thủ là những người quen biết với nạn nhân đều không bị tố giác với cơ quan chức năng.
Tình trạng bạo lực gia đình là một vấn nạn nhức nhối ở Bhutan.
Theo báo cáo điều tra của Cục Thống kê Quốc gia Bhutan năm 2010, khoảng 70% phụ nữ cho biết họ đã từng bị đánh đập vì không chăm sóc con cái chu đáo, tranh cãi với chồng, từ chối “quan hệ” hoặc nấu ăn dở tệ.
“Mức độ chịu đựng và khoan dung đối với nạn bạo lực gia đình này cho thấy thực tế nhận thức về mối quan hệ giữa phụ nữ và an toàn bản thân vẫn chưa được phổ biến rộng rãi”, một điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Bhutan, bà Christina Carlson cho biết.
Việc chấp nhận bạo lực được ghi nhận có tỷ lệ cao nhất lên tới 90% ở Paro và thấp nhất là 50% ở Thimphu.
Hàng năm, ngày 8/3 chính là dịp để nâng cao nhận thức về tình trạng của phụ nữ trên các phương diện phân biệt, áp bức, lạm dụng, bạo lực và bất công. Đó là dịp để cả thế giới quan tâm tới khoảng cách ngày càng bị nới rộng ẩn sau con đường tiến tới bình đẳng cho phụ nữ. Ngoài ra, nó cũng được xem là ngày để công nhận những tiến bộ, thành tựu mà phụ nữ đạt được, không phân biệt ngành nghề, quốc tịch, dân tộc, văn hóa, kinh tế hay chính trị.
Hoàng hậu Bhutan Sangay Choden Wangchuck, người giữ vai trò là Đại sứ thiện chí của UNFPA và là Chủ tịch của RENEW, đã cùng với những người dân ở Haa kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Hơn 2.000 người gồm giáo viên, học sinh, các công nhân viên chức và người dân địa phương đã tập trung tham dự sự kiện quan trọng này. Nhân dịp này, Hoàng hậu đã cam kết sẽ dốc hết sức mình để giúp đỡ, hỗ trợ những phụ nữ từng là nạn nhân của nạn lạm dụng và bạo hành.
Bà nói: “Ở hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, sự bất bình đẳng giữa nam và nữ vẫn đang là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng tới sự phát triển của bất kỳ đất nước nào. Sự kiện này giúp chúng ta có cơ hội được kỷ niệm những tiến bộ đã đạt được trong quá trình đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ cũng như trao quyền cho phụ nữ”.
Trong chương trình, đại diện cho văn phòng của Liên Hợp Quốc tại Ấn Độ, Bhutan, Maldives và Sri Lanka, ông Sonam Tobgay cho biết các quốc gia có sự bình đăng giới cao hơn thường có nền kinh tế phát triển hơn. Các công ty có nhiều lãnh đạo là nữ giới cũng thường gặt hái được nhiều thành công hơn. Các hiệp ước hòa bình nếu có sự tham gia của các nữ lãnh đạo sẽ bền vững hơn. Những quốc hội có nhiều đại biểu nữ sẽ ban hành được nhiều đạo luật hơn về các vấn đề xã hội như y tế, giáo dục, chống phân biệt và hỗ trợ trẻ em. Bằng chứng rõ ràng cho thấy: Sự bình đẳng dành cho phụ nữ đồng nghĩa với sự tiến bộ cho loài người.
Chia sẻ về vấn nạn bạo lực gia đình và quyền của phụ nữ, ông Sonam Tobgay, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Bhutan cho biết sự an toàn, niềm hạnh phúc của phụ nữ chính là yếu tố then chốt cho quá trình phát triển của nhân loại. Ông nói “Tôi tin giấc mơ về hòa bình và nỗi thống khổ của chúng ta trước tệ nạn bạo lực phụ nữ sẽ thúc đẩy mọi người giải quyết vấn đề, đưa ra các giải pháp có tính thực tiễn và trao quyền cho các nạn nhân”.
Trong quá khứ, phụ nữ Bhutan thường bị giam chặt trong nhà với những công việc bếp núc quẩn quanh. Họ không có cơ hội được thực hiện những điều mà nam giới được làm. Thế nhưng ngày nay, phụ nữ đã bắt đầu năm giữ các vị trí trong quốc hội cũng như các dịch vụ dân sự. Một tín hiệu đáng mừng là năm ngoái Bhutan đã có nữ bộ trưởng đầu tiên trong lịch sử.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức đối với phụ nữ ở quốc gia này. Cho đến tận ngày nay, nam giới vẫn thích phụ nữ làm việc nhà dù thực tế, họ đã được giáo dục và có trình độ tương đương. Vốn cho rằng nam giới sẽ nắm giữ các vị trí lãnh đạo tốt hơn nữ giới, bởi vậy, hiện nay, số phụ nữ nắm giữ các chức vụ quan trọng tại Bhutan chỉ đếm trên đầu ngón tay. Minh chứng của việc này là trong cuộc bầu cử Hội đồng Quốc gia và Quốc hội năm 2013, mặ dù đa số cử tri là nữ giới thế nhưng kết quả lại khá bất ngờ khi hầu hết nam giới được bầu vào các vị trí tại hai cơ quan này.
(Nguồn: Bhutannewsservice)
Theo Trang Đỗ / Trí Thức Trẻ
Tin cùng chuyên mục:
Chuyên gia Na Uy hoài nghi kịch bản cuộc chiến ‘đối đầu Nga đến người Ukraine cuối cùng’
Đàm Vĩnh Hưng và câu chuyện thái độ ứng xử với khán giả
Hà Nội: Khám phá không gian văn hóa độc đáo với “Đêm Trúc Bạch”
Làng Nủ: Bản giao hòa của nghị lực và hy vọng