Quán cóc vỉa hè Trần Nhân Tông. Sáng sớm. Trời cuối đông, nắng vàng và gió nhẹ mơn man trên tóc. Một chiếc lá dịu dàng rơi ngay trước mặt.
– Mày câm mồm ngay! Nói thêm câu nữa tao đập chết cha mày luôn!
– Này này có giỏi mày đập tao đây này! Cha tao chết rồi 3 năm rồi nhé!
– Đkm nhà mày nữa!
– Tao cũng đkm nhà mày! Chồng con đéo gì loại vô tích sự!
– Tích sự cái mả cụ nhà mày! Cái loại vợ mất dạy, chồng nói tử tế đéo nghe, rình rình chửi lại là tài.
– Tao nói cho mày biết tao đéo phải chó nên đừng nói rình rình nhé! Thằng nào vừa nói câu đó chính là chó đấy!
Ngồi đợi cửa hàng điện thoại mở cửa, nhấp nhổm mấy lần mấp máy môi định kêu chén trà nóng, nhưng không dám xen ngang tấn bi hài kịch đang vào hồi cao trào và quyết liệt nhất. Nữ chính ngồi ghế nhựa màu đỏ, khoanh tay rung đùi, mặt đỏ bầm. Nam chính khoác áo gió, ngồi ghế nhựa màu xanh, da mai mái như mấy anh chạy taxi đêm. Cả hai có lối diễn phải nói là cực kỳ khoáng đạt và hào sảng, ngắt câu, nhả chữ, đài từ căng đét như đang tổng duyệt vở kịch nói chuẩn bị cho Liên hoan sân khấu các tỉnh phía Bắc lần thứ 69.
Thừa lúc nam chính dừng lại rít thuốc, mình gọi ngay được chén chè bồm. Nữ chính e lệ rót nước từ cái ấm sứ sứt vòi, thẹn thùng nói “Nước của em giai đây”. Khi đấy ngứa mồm lắm rồi, định nở nụ cười cầu tài hỏi thật ra anh chị đang chửi nhau về vấn đề gì? Đang nghĩ nháp trong đầu câu hỏi, thì nam chính đã kịp khởi động lại.
– Tao đéo hiểu ngày xưa sao tao lại đâm đầu cưới mày!
– Vâng, tao cũng đéo hiểu tao ăn phải gì mà ngày xưa gật đầu lấy mày!
– Chắc ăn cứt!
– Mày câm mồm đi!
– Mà mày cũng câm mồm được rồi đấy!
– Tao phải nói cho loại mặt dày như mày hiểu, không lại bảo tao ngu!
– Thế bấy lâu nay mày nghĩ mày khôn chắc?
Mình không dám cười, sợ điên lên nam chính ném cho cái cốc thì bỏ mẹ. Nghệ sỹ là người luôn dễ tổn thương và nhạy cảm, đéo dại. Nhưng phải công nhận cặp đôi này có phong cách diễn rất giống tấu hài Sài Gòn, nghĩa là chỉ tấu, rất ít khi sử dụng hành động, ví dụ đá ghế, ném cốc vào mặt bạn diễn.
Tài nữa là càng nghe càng không thể hiểu bọn chúng đang nói cái gì? Xung đột bắt đầu từ đâu? Và bao giờ mới có thể hạ màn? Tóm lại có thể nói đây là một cặp song sát, tung hứng, phối hợp với nhau vô cùng nhịp nhàng kệ mẹ khán giả ngồi trơ mắt ếch đoán già đoán non nội dung vở diễn.
20 năm trước. Trong đêm tưởng như chia tay lần cuối. Dưới gốc hoa sữa phố Nguyễn Du. Chị gục vào vai anh thổn thức khóc. Nước mắt chị trong veo và thánh thiện như những giọt rượu pha cồn loại 10 nghìn một lít. Anh ôm chị vào lòng, tiện tay tranh thủ sờ vếu phát, đoạn vỗ về, thôi em nín đi, tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề em à!
Nước mắt chị mặn đắng rớt xuống vai anh. Không, không, em sẽ hủy lễ cưới trốn theo anh. Dù anh đi cùng trời cuối đất em cũng nguyện đi theo cùng. Đừng bỏ em, xin đừng bỏ em! Đời em sẽ vô nghĩa nếu mỗi buổi sáng tỉnh giấc, người bên cạnh không phải là anh. Giọng chị nhẹ như gió thoảng mây bay khiến trái tim anh thổn thức.
Sau đó anh đưa chị vào quán bún ngan đầu phố, anh mượn con dao cắt tiết ngan, cứa cổ tay hai đứa. Máu nhỏ xuống cái cốc thủy tinh Liên Xô đựng đầy rượu trắng pha cồn. Ngửa cổ chị uống một hơi hết nửa cốc rồi trao cho anh.
Kể từ đêm đó, trong quán bún ngan, một thiên tình sử đã được viết tiếp.
– Mày cút mẹ mày về nhà đi để bà bán hàng!
– Mày bảo ai cút?
– Tao bảo mày!
– Đéo cút đấy!
– Hừ, thế thì câm mồm lại. Mày không câm mồm không ai bảo mày câm đâu!
Sáng chủ nhật nào cũng thế, anh chị hẹn nhau ra quán nước đầu hè phố Trần Nhân Tông giải quyết mọi ân oán trong suốt cả tuần. Chị bảo nhà chị vừa đón nhận danh hiệu Gia đình văn hóa nên không dám cãi nhau to. Có gì đưa nhau ra đây cho lành.
Chỗ chị ngồi bán nước, nhìn sang bên kia đường là hồ Thiền Quang, phố Nguyễn Du.
Nơi 20 năm trước chị đã rớt những giọt nước mắt trong veo, thánh thiện như những giọt rượu pha cồn – vì tình yêu định mệnh của đời mình…
Nguồn: Tráng sĩ Hà Hà
Tin cùng chuyên mục:
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga
Trừng phạt Nga hay cuộc ‘chiến tranh kinh tế’ tổng lực của phương Tây trên khắp thế giới