SAO LẠI GỌI CẦU BỐ, RỪNG THÔNG ?

Người xem: 184

Hoàng Tuấn Công

Người Thanh Hóa đi học tập, công tác hoặc làm ăn xa, có lẽ chẳng mấy ai không từng được nghe một vài câu ca, bài vè về quê hương mình. Đại loại như”Ăn rau má phá đường tàu” hay “Dân xà lách dây” (ám chỉ rau má) ! “Khu Bốn đẩy ra, Khu Ba đẩy vào…” Ngày còn đi học, bạn bè Hà Nội cũng hay ngâm nga mấy câu trên để trêu tôi. Tôi chỉ cười, không giận. Xem như bạn quý mình mà đùa vậy thôi.

Năm 1993, tình cờ tôi đọc bài viết “Thư từ Thanh Hóa” trên một tờ báo Trung ương (1). Bài báo nói đến cách đặt tên ngược đời Cầu Bố và Rừng Thông, suy luận, cho đó là thể hiện “khẩu khí trạng” của người Thanh Hóa. Sau đó không lâu, trong một tập thơ do Nhà xuất bản Văn học (2) ấn hành lại đem cái ý chiếc cầu nhỏ gọi là Cầu Bố, trái núi lơ thơ mấy cây gọi là Rừng Thông, diễn đạt thành lời thơ ! Tác giả xem đó như một phát hiện mới độc đáo về tính hay ba hoa, khoác lác biểu hiện cả trong cách đặt địa danh của người Thanh Hóa. Chưa hết ! Năm 1994, Đài Truyền hình Việt Nam chiếu cuốn phim tài liệu về Thanh Hóa (3), địa danh Cầu Bố, Rừng Thông một lần nữa lại bị đem ra giễu cợt, mỉa mai, bằng cách đưa ra hai câu vần vè “Cái cầu con con thì gọi cầu Bố, Mấy cây lố nhố lại gọi Rừng Thông” như lời đề từ cho nội dung cuốn phim với ý khái quát tính cách người Thanh Hóa đã kém cỏi lại thích khoa trương, đại ngôn, nhưng không che đậy nổi cái thực lực của mình. Hóa ra chẳng phải chỉ một cá biệt do thiếu hiểu biết hoặc không thiện ý, nghĩ “oan” cho địa danh Cầu Bố, Rừng Thông, “oan” cho cả người Thanh Hóa !

Vậy cầu Bố là cầu gì ? Rừng Thông là rừng thế nào ?

1. Cầu Bố gọi cho thật đúng là cầu Bố Vệ, bắc qua sông (kênh) Bố Vệ ở xã Bố Vệ (có tài liệu chép hương Bố Vệ) thuộc địa phận huyện Đông Sơn trước kia. 

Trong sử nhà Trần đã thấy ghi địa danh Bố Vệ. Cầu Bố Vệ đời Lê đã có. Cầu làm theo kiểu thượng gia hạ Kiều, sau bị hư hỏng, gẫy nát, đến đời Nguyễn được bắc lại. Trong các văn bản giấy tờ đều ghi rõ cầu Bố Vệ. Cầu Bố là cách gọi tắt phổ biến đối với nhiều địa danh khác, không riêng gì trường hợp cầu Bố Vệ. Cầu Bố bởi vậy không có dụng ý nói lên mức độ to nhỏ của chiếc cầu mà do địa danh xã Bố Vệ hay kênh Bố Vệ mà có. Ngoài cách đặt tên cầu dựa vào tên đất, tên làng xã sẵn có như cầu Bố Vệ, cầu Lai Thành, cầu Hạc, cầu Voi, cầu Tào…ta còn thấy tên cầu gắn với tên sông ngòi, kênh rạch mà cầu bắc qua như cầu Ghép bắc qua sông Ghép, cầu Lý bắc qua sông Lý, cầu Lèn bắc qua sông Lèn,v.v…Hoặc tên cầu căn cứ vào chính kiểu dáng, chất liệu của chiếc cầu như: cầu Treo, cầu Sắt, cầu Đá, cầu Kè, cầu Tre,v.v…thường thấy ở nhiều vùng thông quê.

2. Rừng Thông là một quần sơn. 

Xưa kia có tên chữ Phượng Sơn hoặc Ngũ Phượng Sơn (núi có hình chim Phượng đang xòe cánh). Thời Pháp thuộc, nơi đây được trồng nhiều thông lấy nhựa. Thông mọc thành rừng bạt ngàn xanh tốt. Địa danh Phượng Sơn dần dần bị quên lãng và người ta gọi tên theo đặc điểm dễ nhận biết nhất của vùng đất là núi Rừng Thông-nơi có nhiều thông mọc thành rừng ở Thanh Hóa đương thời. Mấy thập kỷ gần đây, rừng thông bị tàn phá đến độ chỉ còn lưa thưa. Song địa danh Rừng Thông vẫn tồn tại theo cách gọi đã thành quen thuộc của dân chúng. Và bây giờ địa danh Rừng Thông chính thức được công nhận trên văn bản giấy tờ: Thị trấn Rừng Thông (thuộc huyện Đông Sơn). Hiện tượng này khá phổ biến trong nhiều địa danh ở làng quê. Ví như đình làng bị dỡ từ lâu, song khoảng đất ấy vẫn được gọi là Đình; chùa đã tàn phá không còn dấu tích nhưng giếng gần chùa xưa vẫn giữ tên Giếng Chùa. Đó là tính bền vững, lâu dài của địa danh mà khoa địa danh học đã khẳng định.

Nếu cứ suy diễn như một số người trên thì nhiều địa danh của Thanh Hóa còn bị lôi ra phê phán như: cầu lành thì gọi Cầu Ghép, cầu thẳng lại gọi Cầu Vạy (Cơn mưa Cầu Vạy đừng chạy mất công), cầu bé tí sao bảo Cầu Voi, chẳng thấy thành sao gọi Hồ Thành, núi không còn rừng sao gọi Ngàn Nưa ? Và không chỉ riêng gì Thanh Hóa. Ở Hà Nội cầu cũ đã lâu sao gọi Cầu Mới, cầu đen sì sao gọi Cầu Trắng (Hà Đông),v.v…Xin hỏi dân chúng ở những địa danh trên cũng khoác lác, ba hoa, cũng “nói trạng” cả hay sao ?

Cầu Bố và Rừng Thông là những địa danh lịch sử và cách mạng nổi tiếng. Thời Trần chống Nguyên Mông, một trận chiến ác liệt xảy ra tại kênh Bố Vệ. Xã Bố Vệ là quê hương của Tuyên Từ Thái hậu 10 năm nhiếp chính và vua Lê Anh tông đời Trung hưng. Nơi đây cũng có một số di tích, danh thắng cỡ Quốc gia: Chùa Đại Bi-Mật Sơn, đền Lê…Rừng Thông thời kháng chiến chống Pháp là tụ điểm thương mại phục vụ kháng chiến của đồng bào nhiều nơi tản cư đến. Đặc biệt, cũng tại núi Rừng Thông này, Bác Hồ đã nói chuyện với cán bộ và nhân dân trong dịp về thăm Thanh Hóa. Đó là những địa danh lấp lánh trang sử dân tộc, niềm tự hào của không riêng nhân dân Thanh Hóa. Mọi sự hiểu lầm hay xuyên tạc đều cần phải được đính chính.

(1) (2) (3) Bài này từng đăng trên Báo Văn Hóa thông tin Thanh Hóa năm1994. Bấy giờ, vì ngại “đụng chạm”, tên các bài viết, phim ảnh liên quan cụ thể đã được Ban biên tập “ẩn đi”. Nay HTC cũng không còn nhớ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *