Triện vắn của con Lọc Chọn Bùi
MÙA HOA GÁO
(Truyện đăng trên báo Ngày Nay, bản full không che).
Cuối hè, bà tôi thường thái những quả gáo ương vàng đem phơi vài ba nắng. Gáo phơi ấy sẽ dùng để kho cá hay nấu canh chua chờ cho tới mùa gáo chín năm sau.
Quê tôi vùng chiêm trũng, nơi giao nhau của hai nhánh sông tạo thành cái túi chứa nước nằm ở giữa. Năm nào nước cả, người ta xả lũ vào để cứu đô thị những vùng kinh tế quan trọng hơn. Một dạng hi sinh truyền kiếp.
Sau mỗi lần nước ngập, hoa màu ngoài đồng lẫn rau cỏ trong vườn đều chết sạch. Khó có cây nào chịu được cảnh lặn sâu trong nước cả tháng trời. Có lẽ vì thế mà dân quê tôi nhà nào cũng có ít nhiều một cây gáo. Nhà tôi đất rộng có cả hàng gáo làm mốc, đa phần mới trồng nhưng có một cây to lắm và nổi tiếng ngon quả.
Mẹ tôi vẫn nhờ anh Thảo hàng xóm bứt hộ. Anh người nhỏ thó nhưng chân tay săn lại như gỗ quý lâu ngày lên nước. Học lên tận cao đẳng nhưng cái gì ở quê anh cũng rành. Thời ông tôi còn sống, ông vẫn nhờ anh dạy cho đan quạt cài hoa rất đẹp. Có lẽ chính vì cái thân hình ấy mà anh trèo rất giỏi, nhanh như sóc chuyền cành nọ sang cành kia mặc kệ mẹ tôi đứng dưới hét ầm lên cẩn thận, cẩn thận. Ấy vậy mà anh cấm tiệt tôi trèo. Ổi, khế thấp thấp thì được chứ nhìn tôi lò dò ra gốc gáo là quát bắt đi vào.
***
Những ngày nước nổi, tôi hay theo anh Thảo đi thả lờ, đặt đó. Lờ và đó lúc nào cũng gác sẵn trên khói bếp. Những thanh nan tre vót bóng lưỡng giờ ánh lên màu bồ hóng ủ nâu nâu cánh gián. Bọn cá rô mải đi ăn thóc sẽ ngơ ngẩn lóc vào theo cửa ngóng mở một chiều.
Cá tôm chiến lợi phẩm ấy đem nấu với quả gáo chín vàng tươi thì ngon quắt lưỡi. Dù là nấu canh chua hay kho nước hay kho khô, hương vị thật dễ làm người ta thôi chùng nếp nhăn trán lo âu vụ lúa tháng mười đã mất trắng ngoài kia mà nhẹ lòng bưng bát cơm gạo chiêm thưởng thức.
Tôi được anh cắt cho cái chân mang đồ và thi thoảng đi tuần để xem có ai vớt đó trộm. Chủ yếu là phòng lão Tứ ở cái lán bán hàng xén đầu làng. Lão to cao nhưng xấu bụng, hở ra là tắt mắt. Lão nghiện rượu nên luôn tìm cách trộm vặt đổi rượu hoặc bỏ vào mồm. Từ ngày vợ lão bị lão ghen tuông đánh đập bỏ đi thì lão đổ đốn hơn. Đã có lần bị công an xã mời lên vì dắt cái xe đạp của khách vào chơi nhà bà Dậu sơ ý để ngoài cổng không khoá.
Buổi trưa tôi và anh Thảo đi đổ đó thì mất dăm cái chả có con nào, dấu chân vừa lội. Biết ngay là có người đổ trộm. Anh Thảo bảo tôi:
– Đi qua chỗ lão Tứ xem sao. Tao nghi thằng cha này lắm.
– Em thề chỉ có lão nhưng còn lâu lão mới cho mình thấy. Tôi bảo.
Về qua hàng lão thì thấy lão đang ngang nhiên ngồi rán cá, mồm quát:
– Thằng Bưởi đâu, mang cái đĩa nhựa ra đây.
Thằng này năm tuổi, quắt queo như cái nắm cơm, mũi dãi thò lò xanh lét trông đến khiếp. Nhìn thấy anh Thảo lão cười hềnh hệch bảo:
– Có vào làm chén không hai thằng. Nay tao lại buồn mồm quá nên vừa mượn tạm bọn mày tí, hề hề. Địt mẹ, con kia vừa quay lại van xin nhưng tao đuổi cút rồi. Tao nghĩ cái đồ đàn bà ấy, y như mấy con cá rô này đi ăn lúa. Mày biết tại sao không. Chui qua cửa ngóng một phát mà muốn ra là chỉ có vào nồi, hề hề.
Anh Thảo cười nhạt bảo:
– Chứ không phải muốn thoát ra là đi đò sang bên kia sông hả bố?
Lão tắt ngay nụ cười và chửi:
– Địt mẹ thằng Bưởi đâu, nhanh cái chân mày lên.
***
– Ối làng ơi, trộm trộm trộm….
Tiếng chị Giang con bác Miêng thợ xẻ hò to thất thanh giữa trưa. Làng xóm chạy cả ra thì thấy một cảnh tượng vừa khốn khổ vừa buồn cười. Chị Giang lồm cồm bò lết túm ống quần lão Tứ. Một ổ gà ấp dưới đất, trứng vỡ toe toét văng khắp xung quanh.
Chục đàn ông lao vào lão. Anh Thảo đỡ Giang dậy. Chị Giang chồm lên xỉa vào mặt lão chửi:
– Quân khốn nạn. Quân trộm cắp. Đồ mạt hạng vợ bỏ theo giai.
Lão Tứ bị gô cứng người nhưng vẫn gào lên:
– Á, tiên nhân con đĩ. Mày bảo ai mạt hạng. Tao mượn tạm ổ trứng chứ làm gì mày.
Chị vừa lúc lắc cái đầu hoa gáo nhảy choi choi để chửi. Chị chửi tục lắm. Anh Thảo vừa kéo tay chị vào nhà vừa quát:
– Thôi im mồm đi. Đúng là đồ đàn bà.
***
Rồi thì làm lại gian buồng đã xuống cấp vì mấy lần ngập nước, nhất là sau vụ lụt vừa rồi lên tận nóc nhà. Bố tôi thuê bố con bác Miêng lên cưa cây gáo để xẻ gỗ. Chị Giang giờ đã đến tuổi tơ tằm, xinh nhất làng tôi. Chị khoẻ lắm, có thể cầm một đầu cưa phụ bác Miêng xẻ gỗ. Duy chỉ có mái tóc vẫn xù dù chị suốt ngày ngồi chải. Mẹ tôi bảo da trắng, môi đỏ, tóc xù thì lại chỉ khổ thôi.
Cả ngày anh Thảo lăng xăng cả ngày sang giúp quên cả việc đi giám sát lờ, đó. Tôi chả việc gì làm cứ chạy qua, chạy lại rồi đặt vè trêu chị:
– Nghe vẻ nghe ve, nghe vè Giang gáo, cưa không chịu cưa, đòi lấy anh Thảo.
– Thằng quỷ sứ. Chị xấu hổ nên rượt tôi chạy bán sống bán chết. Chị đuổi chắc để cho bớt ngượng thôi chứ bắt được tôi cũng chỉ dứ dứ vào trán bảo liệu thần hồn.
Tối bố con bác ở lại ăn cơm rồi bác Miêng ngồi uống chè bàn với bố tôi chuyện dựng kèo, dựng cột. Chị với tôi và anh Thảo ngồi trên cây gáo đã đốn ngoài vườn nói đủ thứ chuyện trời ơi đất hỡi. Mùi hoa gáo thơm ngào ngạt, ngào ngạt làm tôi thích thú vô cùng. Giời đông se lạnh nên tôi kệ hai anh chị bỏ vào nhà. Nằm một lúc lâu rồi mà vẫn thấy rì rầm, rì rầm.
***
Rồi loanh quanh tôi ra phố học. Bẵng đi cả năm, mùa xuân hoa gáo nở hoa tôi về, anh Thảo bảo tôi Giang bỏ vào Nam rồi. Nghe đâu vừa đẻ. Tôi giật mình hỏi làm sao? Anh bỏ thanh tre đang vót dở rồi chặt mạnh dao xuống tấm kê làm hằn lên một vết sâu hoắm. Anh bảo tôi:
– Thằng Tứ, địt mẹ nó. Tao không thương thằng Bưởi thì… Anh bỏ lừng câu nói và nhìn ra xa xăm. Mắt ầng ậng nước.
Tôi ngồi lặng nhìn hoa gáo rụng vàng cả một góc sân.
Tin cùng chuyên mục:
Nguyễn Xuân Diện và sự thật lịch sử về Hải chiến Hoàng sa
Con trai ông Trump nói Tổng thống Zelensky nài nỉ được mời đến buổi lễ nhậm chức
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA