Ký ức Hà Nội: Cẩu thả và lừa dối

Người xem: 341

Ký ức Hà Nội: Cẩu thả và lừa dối
 
 
Nghe các phương tiện thông tin viết bài, chụp ảnh ca ngợi hết lời về “Ký ức Hà Nội”, được tổ chức tại sát khu vực Hoàng Thành, tôi cũng rất háo hức muốn đi xem ngay.
 

Toa tàu điện “đểu” ở “Ký ức Hà Nội”
 
Với những người thế hệ 5X như chúng tôi, ký ức về Hà Nội một thời (cứ tạm gọi từ 1960 đến 1986), là một thời bi hùng.
 
Nhân đây, chúng tôi cũng rất cám ơn Đài Truyền hình Việt Nam đã có chương trình Ký ức Việt Nam. Bằng những thước phim tư liệu quý giá, chương trình gợi lại cho ta nhiều điều, và mỗi lần xem, thấy ầng ậng nước mắt… “Ôn cố tri tân” – Nhớ lại chuyện cũ, để biết giá trị của cái mới hôm nay. Chương trình Ký ức Việt Nam của VTV đã làm được điều đó.
 
Nhớ lại ngày ấy, lắm lúc tôi thấy rùng mình và tự hỏi: Tại sao ngày ấy vẫn sống được nhỉ trong hoàn cảnh đói như thế, thiếu như thế? Tại sao ngày ấy vẫn đi học trong hoàn cảnh hai đứa chung nhau một cuốn sách giáo khoa, vẫn “cất tiếng hát làm át tiếng bom”… Vô vàn những câu chuyện về cuộc sống Hà Nội – đặc biệt là trong những năm từ 1965 đến 1980.
 
Và ký ức về Hà Nội một thời đói khổ, một thời đạn bom vẫn cứ ùa về bất cứ lúc nào.
 
Thế là tôi đến xem “Ký ức Hà Nội” trong tâm trạng biết ơn những người có sáng kiến tổ chức ra cuộc này. Nhưng mới bước vào cửa, đập vào mắt tôi là “Ô Quan Chưởng” dựng bằng gỗ dán sơn phết, kẻ vẽ nom lòe loẹt như bức tranh Bờ Hồ thời xửa xưa… Rồi những phố Hàng Bạc, phố Lãn Ông… mà chỉ có mỗi tên, còn đặc trưng của phố ấy thời xưa là gì, thì không có.
 
Tột đỉnh của sự cẩu thả là hai toa xe điện, sai kích cỡ, sai màu sắc đã đành, nhưng nom giả tạo hệt như món đồ âm phủ. Không hiểu những người “chế tạo” toa tàu điện này có xem lại những toa tàu điện ngày xưa còn giữ lại không? Mà nếu không có thì cứ xem phim tư liệu là khắc biết, khắc hình dung ra…
 
“Ký ức Hà Nội” thực chất là nơi cho thuê mặt bằng để bán những thứ đồ lôm côm, thượng vàng hạ cám, và có giời biết là đồ cổ hay giả cổ… Rồi bên cạnh đó là những gian quảng cáo, giới thiệu du lịch trong và ngoài nước.
 
Lẽ ra, khi đã muốn tổ chức “Ký ức Hà Nội” thì những người có ý tưởng này phải đặt ra tiêu chí, mục đích là: Bằng những hiện vật, những bối cảnh sinh hoạt được phục dựng lại y như thật để thế hệ hôm nay hiểu rằng ngày xưa, người Hà Nội ăn thế nào, uống thế nào, mặc thế nào… Người Hà Nội ngày ấy sinh hoạt thế nào, từ chuyện cưới xin, ma chay, từ chuyện xếp hàng mua lạng thịt, xếp hàng đong gạo… Rồi Tết đến, túi hàng Tết có gì? Tiêu chuẩn được mua ra sao? Biết bao nhiêu cái để bày, để nói…
 
Thậm chí người ta sẽ rất vui nếu như được ăn lại bát mì “không người lái”, ăn đĩa cơm độn ngô của mậu dịch giá 3 hào; ăn chiếc bánh mì 225gr nướng bằng những chiếc lò xây gạch… Người ta muốn xem lại chiếc xe Hải Âu chở khách, chiếc xe con Matxcovic dành cho Thứ trưởng, Bộ trưởng; xe Vonga dành cho cấp cao hơn, hoặc những chiếc xe đạp, xe máy… thứ thì của các nước XHCN, thứ là do Việt Nam sản xuất…
 
Đằng này, chỉ có mỗi cái tên là ấn tượng, còn tất cả mọi thứ trưng bày, cách bố trí đều nghèo nàn, thiếu thốn và cẩu thả… Và nói nặng lời hơn nữa thì đúng là bịp bợm, lừa dối người xem – đặc biệt là lừa được những người thuộc thế hệ không biết mùi chiến tranh, không biết cái khổ của thời bao cấp.
 
Như Thổ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *