Lời giới thiệu (SH mến gửi Tạ Phong Tần và Nguyễn Văn Hải – để có đủ ánh sáng tự do báo chí): Trong cuộc phỏng vấn bà Tạ Phong Tần của báo Người Việt (Nam California) ngày 22 tháng 9 năm 2015, khi được hỏi: “Nếu trong buổi tối hôm đó, khi người đồng hương đến đón mang cờ vàng ba sọc đỏ ra trao cho chị thì chị sẽ phản ứng ra sao?”
Blogger Tạ Phong Tần với xâu chuỗi Đức Mẹ Mân Côi đeo nổi bật trên cổ, đã trả lời: “Đưa thì mình nhận, chẳng sao cả. Mình sẽ nhận, mình sẽ công bố ngay đây là lá cờ của tự do, của tự do ngôn luận. Vì chuyện rõ ràng lắm, lá cờ vàng ba sọc đỏ đã từng ở miền Nam Việt Nam, và miền Nam Việt Nam từng có tự do ngôn luận, tự do báo chí…”
Câu tuyên bố nầy chứng tỏ bà cựu sĩ quan Công an Cộng sản sinh năm 1968 nầy chẳng biết gì về tình hình báo chí của miền Nam Việt Nam cả! Chắc mấy ông “đồng chí” của bà trong Dòng Chúa Cứu Thế ở 38 đường Kỳ Đồng mớm cho bà cái gì thì bây giờ chỉ nhai lại điều đó mà thôi.
Tình trạng báo chí thời Ngô Đình Diệm có thể tóm tắt bằng Lời Hiệu triệu của ba nhà báo tên tuổi là Từ Chung (báo Chính Luận), Hiếu Chân (tên thật llà Nguyễn Hoạt làm báo Tự Do) và Chu Tử (tên thật là Chu Văn Bình làm báo Sống), ngay sau khi chế độ Diệm sụp đổ.
Ảnh báo Sống bị đốt. Trích “Báo Sống và những lần nhà văn Chu Tử bị ám sát (DTL/NV)”.
Trong “Lời Hiệu triệu các Nhà Văn Nhà Báo” đăng trên báo Ngôn Luận số ra ngày 4/11/1963, họ đã hối hận thú nhận rằng vì chính sách khống chế và đàn áp báo chí tàn bạo của Công an Mật vụ của chính quyền Diệm nên trong 9 năm bạo trị của chế độ Diệm, tuy
“… Mang danh là những người cầm bút chiến đấu cho Tự Do, Dân Chủ, giải phóng con người vậy mà trong thời gian vừa qua, vì cơm áo, khiếp nhược, đớn hèn, chúng ta đã nhắm mắt ăn dơ, đánh đĩ tâm hồn, phản bội sự thật, phản bội dân tộc, cam tâm làm gia nô cho bè lũ họ Ngô. Dù chúng ta có viện bất cứ lẽ gì để bào chữa, chúng ta cũng không thể chối cãi được tội lỗi của chúng ta đối với đồng bào, lịch sử…
Cách mạng 1/11/1963 là cơ hội duy nhất để chúng ta thoát khỏi cảnh huống bồi bút phi cầm phi thú, cơ hội duy nhất để chúng ta trở lại làm người đã tới… Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi văn nghệ sĩ, bằng máu và nước mắt, mồ hôi mà trong chín năm qua bè lũ họ Ngô đã làm hoen ố…”
Trích đoạn dưới đây từ tác phẩm “BỐN MƯƠI NĂM ‘NÓI LÁO’ ” của nhà văn nhà báo VŨ BẰNG (Cơ sở Xuất bản Sống Mới, Sài Gòn, 1969, trang 204-263) mô tả vài nét, nhưng khá đầy đủ, về cái gọi là “tự do báo chí và tự do ngôn luận” của miền Nam mà bà Tạ Phong Tần đã bị tẫy não tin theo.
Còn dưới thời Nguyễn Văn Thiệu, lúc đầu còn có chút tự do, hay nói đúng ra là “loạn” báo chí, nhưng từ những năm 1970’ trở đi, cụm từ “tự ý đục bỏ” và cuộc biểu tình “Ngày ký giả đi ăn mày” (10-10-1974) đã là hai hiện tượng đặc trưng cho chế độ kiểm duyệt báo chí và khống chế tự do ngôn luận của nền Đệ nhị Cộng hòa.
Ký giả Nguyễn Vạn Hồng (tức Cung Văn), nhà văn Sơn Nam, dân biểu Lý Chánh Trung… trong ngày xuống đường vì tự do báo chí – Ảnh: báo Điện Tín
“Ký giả đi ăn mày” đối diện hàng rào dày đặc của cảnh sát – Ảnh: báo Điện Tín
Tài liệu và báo giấy nguyên bản về giai đoạn nầy của miền Nam hiện được trữ tại Thư viện Quốc hội tại Washington DC, bà Tạ Phong Tần nên qua đấy tìm đọc để đừng tuyên bố lếu láo về miền Nam một cách gian trá như thế. (Nam Giao)
BÁO CHÍ THỜI NGÔ ĐÌNH DIỆM
Vũ Bằng
TỪ “HOÀ BÌNH” ĐẾN “DÂN CHÚNG”
(Trang 205)
… Như thường lệ, vào dịp hai mươi ba Tết năm ấy, trong mục “Thiên hạ sự”, tôi có viết một bài tếu nói về việc đốt vàng mã và nhân dịp có kể lại câu hát cũ:
Ba mươi tết, tết lại ba mươi,
Vợ thằng Ngô đốt vàng cho chú khách,
Một tay cầm cái dù rách
Một tay xách cái chăn bông
Em đứng bờ sông
Em trông sang nước người:
“Hỡi chú chiệc ơi là chú chiệc ơi”
Một tay em cầm quan tiền,
Một tay em xách thằng bù nhìn
Quan tiền nặng thì quan tiền chìm
Bù nhìn nhẹ thì bù nhìn nổi,
Ới ai ơi, của nặng hơn người …
Ai ngờ chỉ có thế mà sanh ra to chuyện. Bộ Thông tin – hồi ấy do ông Trần Chánh Thành điều khiển – cho chữ “thằng Ngô” đó là nói sỏ ông Ngô Đình Diệm, nhờ Công An điều tra và làm lung tung lên một dạo, tưởng chừng như là sắp tận thế đến nơi.
…
Bây giờ, mỗi khi nói đến chế độ kiểm duyệt, tôi hay đem hai sự việc (“thằng Ngô” và “chó Nhựt”) trên kia ra so sánh và buồn cười không chịu được. Nhưng biết làm sao, ở một nước có tổng thống, có hiến pháp như mình, có bao nhiêu quốc gia thừa nhận, luật pháp không phải là trò đùa, chống đối lại chỉ là chơi với lửa. Hầu hết các báo đều hiền như con cừu. Gan lắm thì im lặng, không công kích, không nói bóng nói gió một câu đến chính quyền; còn lại bao nhiêu báo khác thì a dua, nịnh bợ không tiếc lời; hơn thế, lại còn tiếc là sao chữ Việt mình nghèo qúa, để cho mình không đủ chữ để mà nịnh cho thực đã … Vì thế, ta thấy có ông nhà báo xin đến ngâm thơ cho tổng thống nghe; có ông đề nghị lập tượng tổng thống ở chợ Bình Tây và có ông được tổng thống tiếp kiến về viết bài ca tụng tổng thống, ví tổng thống với mặt trời ở trong dinh Độc Lập.
Thực ra, các nhà báo ấy viết ra như thế, in lên như thế, nhưng ở thâm tâm thì một số lớn chửi thầm tổng thống, song cái việc phải nịnh thì cứ nịnh, nịnh bất cứ ai, miễn có lợi thì thôi, nếu dại dột mà đả kích Ngài thì chỉ có mà…ăn sắn. Nghĩa là nhà báo chống đối chẳng trước thì sau cũng bị lâm vào mấy cái thế sau đây: báo bị đóng cửa; chủ nhiệm, quản lý…bị đưa đi bí mật ban đêm; nếu không thế thì một ngày đẹp trời nào đó tự nhiên cũng bị ghép vào tội gá bạc, tống tiền, dỗ gái vị thành niên hay đi lừa đảo, đưa ra toà, gia sản bị tịch biên, có bao nhiêu vốn liếng đi tiêu hết.
Lúc ấy sau ba lần thắng Bình Xuyên và áp dụng biện pháp mạnh đối với các giáo phái, thắng lợi, Ngô Đình Diệm bắt đầu có lông có cánh, ra mặt chống Bảo Đại, không đi Pháp để trình với Quốc trưởng về các biến cố ở nước nhà, nhưng ở lì trong nước tập làm độc tài cỏ, đưa họ hàng lên nắm hết các chức vụ quan trọng. Ông Trần Văn Chương, thân phụ bà Ngô Đình Nhu, được đưa lên chức Quốc vụ khanh. Các cuộc tranh giành quyền thế, và cũng là những cuộc thanh toán, bắt đầu diễn ra trong dinh Độc Lập. Từ một nội trợ giặt áo, nấu cơm, tắm rửa cho con, bà Nhu thành một nhân vật của nhà Ngô và bà đã nhờ cái sếch-áp-pin(sex-appeal) thuyết phục các lãnh tụ quân sự và các cố vấn và ngoại giao Mỹ ở Sài Gòn. Nhưng đồng thời giúp ích cho họ Ngô Đình, bà không quên nghĩ đến cho gia đình bà trước: mẹ bà, bà Trần Văn Chương, lên như diều; ông Chương làm đại sứ ở Hoa Thịnh Đốn; Nguyễn Hữu Châu, em rể của bà, cũng có tiếng là người tình cũ, làm bộ trưởng tại phủ tổng thống, em ruột Trần Văn Chương là Trần Văn Đỗ được tôn lên làm ngoại trưởng; con trai của ông Chương là Trần Văn Khiêm làm giám đốc báo chí, rồi được bổ làm giám đốc Mật vụ. Việc thay đổi bộ máy cầm quyền từ 1954 đến 1956 nhắm mục đích dành quyền của bà Chương về cho bà Nhu. Nói một cách khác, ngay trong gia đình Trần Văn đã có sự tranh giành quyền thế, mà giữa họ Trần Văn và họ Ngô Đình lại cũng có sự tranh giành nữa; nhưng tựu trung Việt Nam lúc bấy giờ là một quốc gia cảnh sát do hai gia đình quan lại Trần Văn và Ngô Đình nắm hết quyền hành. Gia đình Trần Văn tương đối còn trung thành phần nào với tập tục cổ truyền của nhà vua Bảo Đại, chớ họ Ngô Đình thì trắng trợn ly khai với chế độ cũ và nuôi cái mộng lập một triều đại mới: triều đại Ngô Đình.
Cố nhiên muốn thực hiện mộng đó, phải tàn ác diệt trừ những cá nhân, đoàn thể chống đối, mà cá nhân và đoàn thể chống đối lúc ấy là những người gốc ở miền Bắc và miền Nam chỉ muốn nhà Ngô giữ lời đã hứa là tổ chức một cuộc bầu cử để họ có thể bầu người đại diện của họ lên lo việc nước. Theo những người có tiếng là chống đối này, ông Diệm là một lính nhảy dù do Mỹ thả từ trên trời xuống và không có rễ ở dưới đất. Đứng trước sự chỉ trích hỗn xược đó, ông Nhu và vợ đặt ở các văn phòng các đường phố một số mật báo viên , có nhiệm vụ báo cáo những phần tử chỉ trích chánh phủ; ngoài ra theo dõi hành động của các tờ báo khác, hồ thấy viết một câu nào xa xôi, xách mé bóng gió thì đóng cửa vĩnh viễn, còn ký giả nào bướng bỉnh, không quy phục thì chụp cái nón cối Cọng sản lên đầu, cho xuống hầm tối để không bao giờ lên được đất liền nữa, hoặc có lên được cũng mù loà, què quặt, bán thân bất toại.
Không khí làng báo lúc ấy thực đìu hiu, tẻ lạnh. Mỗi buổi sáng, người làm báo nhận được những cú điện thoại cho biết phải tránh những tin gì không được nói, những lời tuyên bố nào của ông Diệm, bà Nhu phải làm to; thậm chí lại có khi buộc phải đưa câu nói này của bà Nhu lên làm vơ-đét tám cột, diễn văn kia của ông Diệm năm cột và kèm theo thật nhiều tranh ảnh.
…
Tôi yên lặng ngồi viết sách cho nhà xuất bản “Phạm Văn Tươi”, “Thế Giới”, và nghe thấy từ dưới đường vọng lên những tiếng chuyển động khác thường: đó là tiếng oán than của những cuống họng bị bóp nghẹt lẫn với tiếng cười của trai gái đú đởn trong ánh đèn mầu, tiếng nguyền rủa não nề của dân chúng tắt thở vì chế độ tự do bị nhà Ngô bóp chẹt. Các giáo phái, các chánh đảng, các tầng lớp nhân dân nghĩ phải làm một cái gì, nếu không thì quá trễ, nhưng, thay vì đoàn kết để chống lại nhà Ngô thì họ lại chia rẽ, kình chống nhau. Các chánh đảng không thể thống nhứt trong một mặt trận chung, vì thế vợ chồng ông Nhu càng đắc thế và càng áp dụng hữu hiệu nhiều chiến thuật “chia để trị”.
Ngô Đình Diệm
Báo chí cúi đầu theo răm rắp, suy tôn Ngô tổng thống. Vào chiếu bóng, rạp hát, phải chào cờ và đứng nghiêm nghe nhạc trổi bài “Toàn dân Việt Nam biết ơn Ngô tổng thống – Ngô tổng thống, Ngô tổng thống…muôn năm” cho đến khi lá cờ vàng sọc đỏ mờ dần cùng với cái hình ông lùn mập, mới có quyền ngồi xuống để xem “đượi” Âu Châu nhảy tuýt. Báo câm như hến. Không có một ký giả nào dám lên tiếng phản đối anh em nhà Ngô, dù là phản đối xa xôi.
Phải đợi mãi đến năm 1960, cơn sốt mới bùng lên : đại tá Nguyễn Chánh Thi, trung tá Vương Văn Đông , cùng một số sỹ quan đem quân vây dinh Độc Lập và đòi Ngô Đình Diệm rút lui. Ngô Đình Diệm trao quyền cho những tướng lãnh để lập chính phủ khác, nhưng sau nhờ các sư đòan 7 ở Biên Hoà và sư đòan 21 ở Mỹ Tho về ứng cứu kịp thời, Ngô Đình Diệm thóat chết: Đại tá Nguyễn Chánh Thi và trung tá Vương Văn Đông rời khỏi Việt Nam, Ngô Đình Diệm lại phệnh phà phệnh phạo tuyên bố hỗn xượckhông chê được, và cố nhiên Quốc Hội lại ngỏ lời trung thành, các đoàn thể lại biểu tình ủng hộ và lũ cầy cáo hèn nhát đi với cách mạng lại quay về thần phục nhà Ngô.
Lúc ấy, tôi đang làm “Dân Chúng”. Tôi còn nhớ bầu không khí nẩy lửa đó, ai cũng hăng say muốn thấy Ngô Đình Diệm và công ty, bị chết đâm chết chém.. Cứ đăng hết những tin tức đảo chánh lúc đó, không thêm bớt, thì độc giả cũng đã khóai tỉ lắm rổi , khỏi cần bình luận; nhưng đa số nhân viên “Dân Chúng” dè dặt không dám đăng thật rõ, có ý muốn “trông và chờ”, một phần vì sợ cho tính mạng tờ báo sau này nếu cuộc đảo chánh không thành và mặt khác thì anh em không dám quyết định một thái độ dứt khoát vì lẽ khi ấy giám đốc tờ “Dân Chúng” là ông Mạc Kinh Trần Thế Xương, lại không có mặt ở Việt Nam. Tô Văn và Cát Hữu thấy Phi Vân tỏ ra sợ sệt, chửi ầm cả lên, nhưng rút lại báo “Dân Chúng” tương đối lúc ấy “hiền lành” và mỗi khi có tin gì bất lợi cho Ngô Đình Diệm thì viết một giọng hoài nghi, đánh dấu hỏi, chớ không dám quả quyết như mấy tờ báo khác.
…
Bây giờ, nói đến chuyện hiệp thương, hoà hội là thưòng, nhưng có ai đã sống sát với thời cuộc lúc đó đều thấy rằng đưa vấn đề ấy ra làm tám cột, kéo dài hàng tháng phải là “trì” lắm. Nhất là đối với Ngô Đình Diệm là một thứ ngưòi có thành kiến, lỳ lợm, thì sự việc ấy lại càng đáng kể lắm, vì Diệm không thích cái gì thì không muốn cho ai nói tới. Trái lại, dân chúng chán ngấy chế độ tự do dân chủ ngụy tạo của Diệm, lại muốn hiêp thương hai miền Nam Bắc, nên loạt bài của “Dân Chúng” ra đời thì độc giả tìm đọc “không chịu được”, nhất là họ lại không biết – vì chánh quyền giấu kín lắm – bức thư của Phạm Văn Đồng gửi cho Ngô Đình Diệm, nên cho rằng việc báo “Dân Chúng” đề cập đến vấn đề hiệp thương Nam Bắc là một hành động can đảm và sáng suốt. Thế là báo “Dân Chúng”một phát hồi lại như thường. Lúc ấy đi lại chặt chẽ với nhau có Trần Tế Xương, Bùi Anh Tuần và tôi, các bạn bè ở ngoài phần nhiều không giao thiệp công khai, môt phần vì sợ mật vụ của Ngô Đình Diệm theo dõi và chơi vố gì xấu chăng.
…
Nhưng báo hay cũng như người đẹp: Không để cho người ta thấy bạc đầu. Sau vụ đảo chánh 1960, Ngô Đình Diệm không chết, nhưng lại chết tờ báo tương đối e dè nhất, cân nhắc nhất, khi tường thuật các biến cố xảy ra. Tôi và mấy người bạn đang ngồi ở trên lầu vừa đánh phé, vừa ôn lại mấy ngày sôi nổi vừa qua, thì hàng chục xe ô tô nhà binh và Cảnh Sát đến khám xét nhà báo, đập phá máy in, tung hê các ô chữ ra đường, rồi lấy giấy tờ, máy chữ, bút máy, bình mực, búp bê, nón mốt săng, áo mưa … lấy hết, đem đi. Nhà báo thì khóa ba khóa, niêm phong cẩn thận, sau khi để cho các người ở trong toà báo vừa kịp khoác cái sơ mi, đi ra ngoài. Một vài tờ báo khác cũng lâm vào trường hợp như chúng tôi lúc đó. Anh em “Dân Chúng” tản mác mỗi người mỗi ngả. Cố nhiên là trong bọn có một vài người vì vấn đề cơm áo, vợ con, ngầm đi với bọn mật vụ còm để xin tha tội “treo cổ” – vì ở đâu cũng có bích chương viết tay đòi treo cổ người này, bắn chết người kia – nhưng đa số thì lì lợm, ăn xong ngồi đánh phé và loan báo cho nhau biết bọn chánh khách, quân nhân nào đã xé hàng rào cách mạng, chạy vào dinh Độc Lập, bọn nào đã làm hư cuộc đảo chánh và đã khóc lóc như trẻ con lúc bị trói ở trường bay Tân Sơn Nhứt và không quên theo dõi hành động của Nhu Diệm cùng bề tôi nhắm củng cố địa vị, uy tín, đồng thời sẽ đối phó với những người tham gia cuộc đảo chánh ra sao.
SAU KHI ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM THOÁT CHẾT LẦN THỨ NHẤT
(Trang 218)
Saigon, sau ngày đảo chánh hụt 1-11-60, lần lần trở lại bộ mặt bình thường. Những báo đăng những tin bất lợi cho ông Ngô Đình Diệm trong cuộc đảo chánh lo sốt vó. Lúc ấy, những người có công với các ông Diệm và Nhu giả thử muốn phá nhà báo nào, cho ký giả nào đi mò tôm cũng cứ được đi, nhưng họ đã khôn khéo không nghĩ tới việc đối phó mà chỉ lo củng cố địa vị cho ông Diệm. Nhất cử, nhất động lúc ấy là thận trọng. Ngoài mấy tờ báo đóng cửa, chính phủ không cho ra thêm một tờ báo nào hết, trừ ba người có thể chắc chắn là không phản bội, hơn thế lại có công lao không ít thì nhiều với họ Ngô hay bác sĩ Trần Kim Tuyến: ông Huỳnh Thành Vị được phép xuất bản tờ “Đồng Nai”, Ngô Quân tờ “Saigon Mai” và Trung tá Châu (Giám đốc Nha Chiến tranh Tâm lý) tờ “Tiếng Dân”.
… thật ra báo cũng chẳng có gì đọc được, nếu không đề cao luật gia đình của bà Nhu thì lại đăng tin chiến sự: hành quân Bình Tây tại U Minh Hạ, hành quân ở Củ Chi, hành quân Lam Sơn II, hành quân ở Cao Lãnh, hành quân ở Mỹ An … Một đống hành quân, giết không còn một mống Việt Cộng – ông Ngô Đình Diệm tuyên bố Việt Cộng chết hết rồi – hay tường thuật bốn năm cột báo bà Nhu đi thăm Phụ nữ Liên đới, vì phong trào này vừa được thừa nhận là một hội công ích do sắc lệnh 84/NV; ông Nhu đi thăm Sihanouk vì có tin Sihanouk tuyên bố thừa nhận Trung Cộng, cả về phương diện pháp lý; hoặc Liên Đoàn Công Chức Cách Mạng Quốc Gia kịch liệt lên án những người thân Pháp, yêu cầu chánh phủ chấm dứt nhiệm vụ của công chức điều khiển từ Chủ sự, nếu không từ bỏ quốc tịch Pháp.
Ối chao ngán quá, ngán đến nỗi không buồn xem hình nữa, không buồn đọc bài nữa, dù là những bài tối quan trọng như bài tường thuật lễ cửu tuần khánh thọ bà mẹ ông Ngô Đình Diệm ở Huế có nhiều đại diện các đoàn thể và rất đông cao cấp trong chánh quyền về chúc mừng “thái từ”, mà bộ Nội vụ lại tổ chức một lễ tạ ơn tại Vương Cung Thánh Đường.
…
Tự sĩ trước những cảm nghĩ lông bông như thế, các anh em và tôi quyết định làm tờ “Tiếng Dân” của Trung tá Châu thành một tờ báo “sạch” cũng như “bom nguyên tử sạch”, bom nguyên tử không có quá nhiều phóng xạ làm ô nhiễm bàu không khí của thế giới tự do. Sau này, nghĩ lại thì qủa lúc đó tôi khùng, vì cái “tri” và cái “hành” của tôi ngay lúc gặp Trần Thiện Phúc, đại diện gián tiếp của Trung tá Châu, đã mâu thuẫn với nhau rồi. Định làm một tờ báo sạch mà cư xử không sạch tí nào: tôi đặt điều kiện báo phải đưa cho anh em toà soạn một tháng lương để ngồi suy nghĩ về cách làm ăn; nhưng cái đó không quan hệ lắm bằng mâu thuẫn dưới đây: làm một tờ báo cho Trung tá Châu ủng hộ Ngô Đình Diệm mà lại nói chuyện “sạch” thì có khác gì nói chuyện “giây thừng ở trong nhà có người thắt cổ?…”
Tờ “Tiếng Dân” gặp sự bê bối ngay từ lúc ra số 1, vì mỗi phe có một số người của riêng mình, mà cũng ngay từ lúc mới quãng cáo, ở Huế, đã có con cháu của cụ Huỳnh Thúc Kháng bắn tin là không thể đem bôi nhọ tên một tờ baó đã có hồi lừng danh ở Huế. Nói như vậy, tức là tờ “Tiếng Dân” đã mang tiếng là báo của nhà Ngô ít nhiều rồi; vì thế chúng tôi phải hết sức tìm cách né tránh, viết lách thế nào để cho thiên hạ đỡ chửi là quân liếm gót. Dù biết rằng báo này có hai mục tiêu, một là suy tôn Ngô Đình Diệm, thần thánh hoá ông ta (vì ông ta đã mất uy tín rất nhiều sau cuộc đảo chánh 1960) và hai là đối phó với những liên danh chống đối ông trong cuộc tranh cử Tổng Thống nhiệm kỳ I I vào đầu năm 1961, chúng tôi cố ý làm ra mặt dớ dẩn, toàn bàn về vấn đề nông thôn và đăng những tin tức cố tránh đụng chạm đến Nhu và Diệm, không đả kích những người đảo chánh Diệm mà cũng chẳng hề đụng chạm đến những liên danh II và III mà ngay từ tháng giêng 1961, chúng tôi đã biết có ai, tuy là các liên danh ấy chưa tiết lộ ra bên ngoài. Đó là liên danh Nguyễn Đình Quát – Nguyễn Thành Phương và liên danh Hồ Nhựt Tân – Nguyễn Thế Truyền, ấy là không kể nhiều liên danh khác hoặc trù trừ không quyết định ra vì biết sẽ bị gian lận, mất công vô ích, hoặc bị Nhu Diệm cho người đến mua chuộc, tống ít tiền lẻ để đừng ra ứng cử làm gì cho quẩn chân.
Lúc ấy, Mỹ còn nuôi hy vọng ăn đứt Việt Nam, dù cách gì đi nữa thì Diệm cũng vẫn ngồi vững ở ghế Tổng Thống như thường; ai cũng biết như vậy, kể cả Nguyễn Đình Quát; nhưng đã chót cưỡi lên lưng cọp rồi, Quát cứ phải liều, dù phải trả mắc tiền: Quát chưởi Diệm đã sướng miệng và kể từ lúc bấy giờ về trước, có lẽ không có ai dám khi quân chửi Diệm đau như thế, và hơn nữa lại công khai dám công bố ở rạp Thống Nhất một ý kiến mà cũng từ trước cho tới lúc đó không ai dám hé môi nói ra lời: ông hứa nếu đắc cử sẽ điều đình ngưng bắn, tái lập hoà bình ở Việt Nam! Tất cả những tin tức liên quan đến cuộc vận động bầu cử Tổng Thống, chúng tôi cho vào một mục ở cuối trang nhất, không lấy gì làm long trọng…Phần chính của báo là đề cao Phật Giáo ngay giữa lúc Công Giáo đang lên hương, bọn Nhu Diệm làm chúa tể, Đức cha Nguyễn Văn Bình làm lễ nhậm chức Tổng giám mục ở Saigon mà Ngô Đình Cẩn thì bắt đầu ngấm ngầm chơi tăng ni, phật tử ở Huế. Chúng tôi đánh một trận hoả mù làm cho không ai hiểu đường lối của báo ra sao, nhắm mục đích là nếu có một số đọc giả cố định rồi thì quay về làm tin tức và chú tâm mổ xẻ, cưú xét các vấn đề thời sự, nhưng không thể được. Riêng tôi thấy rằng làm báo ở dưới một chính thể độc tài độc đóan, thì dù muốn xoay sở thế nào, bịp bợm thế nào cũng vẫn không thể thoát khỏi được ra ngoài quỹ đạo cuả chế độ và cuối cùng đọc giả cũng biết ai ngay, ai gian. Báo nào mới ra đời cũng la thét ghê gớm lắm: nào dám nói, dám làm, dám chửi; nào phục vụ nhân dân, đứng hẳn về phiá đối lập, đòi công bằng xã hội, tranh đấu cho đồng bào có cơm no áo ấm; nào quét sạch thối tha, nhơ bẩn, dám làm, dám chết…nhưng rút cục trong một chính thể độc tài, nô lệ, dân chủ ngụy tạo như chính thể nhà Ngô, chẳng có một tờ báo nào thoát được ra ngoài quỹ đạo của chế độ Ngô Đình Diệm.
Sau cuộc đảo chánh hụt Ngô Đình Diệm, đa số dân chúng đều tỏ ý tịếc rẻ sao trung tá Đông không giết phắt Diệm đi lại cứ hội đàm vớ vẩn với Diệm làm gì, bàn tính chuyện chia đôi Saigon làm gì để cho ông ta lật lại được thế cờ, trở lại sống phây phây, ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ II. Do đó người dân lúc ấy theo sát thời cuộc để xem Mỹ đối phó ra sao, phe cách mạng còn làm gì nữa không, và Ngô Đình Diệm sẽ gẫy hay là cứ sống nhăn như thế mãi. Người ta lại càng tò mò muốn biết Ngô Đình Diệm, sau vụ sống sót này, có thay đổi thái độ đi không.
Ngay từ cuối năm Tý, đã có tin Diệm cải tổ chánh phủ. Thường thường nghe thấy tin cải tổ, người dân không để ý, vì họ cho là nội các nào cũng “hầm bà làng” giống như nhau, nhưng đặc biệt lần này họ chú ý nghe ngóng xem Diệm cải tổ ra sao, vì họ tin rằng cuộc đảo chánh vừa qua ít ra cũng mở mắt cho Diệm và Diệm cũng đỡ độc tài như trước. Báo “Saigon Mai” đã nắm lấy cơ hội đưa ra những tin sốt dẻo lượm lặt được ở các nơi “có thẩm quyền” : một số chính khách, nhân sĩ nhóm họp để bàn việc lập Nghị Hội Đại Đoàn Kết toàn dân chống Cộng, có bác sĩ Phan Huy Quát, bác sĩ Lý Trung Dung, Đặng Văn Sung v.v…bà Ngô Đình Nhu đi các tỉnh cổ võ cho phong trào Phụ Nữ Liên Đới và Phụ Nữ Bán Quân Sự; các chính khách hầu hạ dưới trướng Diệm đang bí mật liên minh các đảng phái để đúc lại thành một đảng chánh quyền do ông Ngô Đình Nhu điều khiển.
ĐÀN ÁP PHẬT GIÁO: BÁO GIỚI KHÔNG HO HE MỘT TIẾNG
(Trang 238)
Hai năm 1962 và 1963 là hai năm xui xẻo nhất của Ngô Đình Diệm. Dinh Độc Lập bị hai phi cơ Việt Nam ném bom và bắn phá làm hư phía tay trái, gây tổn thất nặng cho tư thất của cố vấn Ngô Đình Nhu, và phòng giấy của bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần. Trong khi bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vẫn gia công tuyên bố tình hình Việt Nam vẫn vững; trong khi nhà Ngô làm ra bộ phớt tỉnh và tiếp tục đàn áp các nhà ái quốc tiến bộ, thì kinh tế trong nước bắt đầu suy sụp: gạo tăng giá, thịt heo khan tăng từ 30 lên 50 đồng một ký mỡ, từ 60 lên 90 đồng một ký nạc, dân chúng bắt đầu thấy reo neo; nhưng toàn dân, không phân biệt giai cấp, phải góp tiền để tái thiết dinh Độc lập. Số Kiến Thiết từ 1.600.000 in tăng lên 3 triệu.
Báo chí không lúc nào ngưng suy tôn Ngô tổng thống. Mọi việc đều trơn tru, êm đẹp. Nếu không có Ngô tổng thống thì toàn dân chết không còn một mống. Muôn năm, muôn năm. Hơn 300 căn nhà cháy ở Xóm Chiếu; 100 nóc nhà khác bị kéo sập; không ngày nào không bắt được những tên châm lửa đốt nhà. Một ngàn rưởi căn nhà cháy rụi ở đường Trần Quốc Toản; 30 nhà khác ra tro ở đường Trương Minh Giảng; lại ba vụ khác nữa gây thiệt hại không nhỏ ở Khánh Hội; đó là nhờ ơn đức của Ngô Đình Diệm nữa. Muôn năm, muôn năm. Nhưng báo chí bắt đầu tăng cường muôn năm, muôn năm Ngô Đình Diệm dữ dội nhất từ lúc cảnh sát hạ cờ Phật Giáo ở Huế nhân ngày Phật Đản, các lực lượng an ninh giải tán các cuộc tụ họp của Phật Giáo ở Huế cũng như ở Saigon.
Một phái đoàn gồm sáu thượng toạ và đại đức yết kiến Ngô Đình Diệm đưa ranăm nguyện vọng: bãi bỏ lịnh cấm treo cờ Phật Giáo; cho Phật Giáo hưởng chế độ ngang hàng với các hội truyền giáo Thiên Chúa; chấm dứt khủng bố và bắt bớ phật tử; để Tăng ni và Phật tử tự do truyền đạo và hành đạo; bồi thường cho các gia đình nạn nhân và trừng trị những nhân viên có lỗi làm đổ máu.
Cuộc tranh chấp bắt đầu găng từ đó. Nay, Phật tử biểu tình ờ Huế. Có xô xát. Một số lớn bị thương. Mai, Phật tử biểu tình ở Saigon. Hơi cay xịt ra tứ tung làm cho dân chúng sưng cả mắt. Mốt, ruồng bắt các chùa chiền, cảnh sát cho biết là bắt được nhiều lựu đạn và súng ống. Thế rồi, trước một số đông tăng ni, tại ngã tư đường Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng, Thượng Toạ Thích Quảng Đức tự thiêu bằng dầu xăng. Cả thế giới rung động. Có nhiều người khóc. Lòng căm thù oán trách Ngô Đình Diệm bay cao thấu trời. Việt Nam Cộng Hòa, như nhà có tang, một mặt phải lo chống Cộng, một mặt phải đối phó với cao trào Phật Giáo mỗi ngày một găng hơn: Ngô Đình Diệm gửi thông điệp kêu gọi dân chúng bình tĩnh. Paulus Hiếu – cũng nhận là họ Ngô – thề bán sống bán chết không tuyên bố điều gì vu khống hay công kích Phật Giáo; Nguyễn Ngọc Thơ mời Hoà Thượng Thích Tịnh Khiết tới họp với Ủy Ban liên bộ, nhưng tất cả đều vô ích.
Tăng ni biểu tình trước nhà đại sứ Hoa Kỳ. Phật tử, đại đức thi đua tự thiêu ở khắp nơi. Sự công phẫn tràn lan khắp nước. Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ bù đầu – tuy đầu sói – về việc lập ủy ban hỗn hợp để thi hành thông cáo chung. Bà Ngô Đình Nhu chửi bố là Trần Văn Chương, vì đại sứ Chương đã trách bà “thiếu lễ độ” đối với Phật Giáo. Lịnh giới ghiêm được ban hành. Các chùa Xá Lợi, Ấn Quang, Kỳ Viên Tự bị khám xét .Máu Phật tử đổ khắp nơi. Hội Đồng Chính Phủ họp lúc gần sáng. Saigon và Gia Định cũng thi hành lịnh giới nghiêm, cấm đi lại ban đêm từ 9giờ đến 5 giờ sáng. Nhà họ Ngô khát máu tiếp tục thi hành chính sách cường hào ác bá, giết kỳ hết những người phản đối họ. Trong khi đó thì có tin Việt Cộng sắp tràn ngập thủ đô, Ngô Đình Diệm đặt thiếu tướng Tôn Thất Đính làm tổng trấn Saigon – Gia Định và giao cho quân đội bảo vệ an ninh, trật tự, Phật tử nào biểu tình , trí thức nào chống đối cho phơ tuốt. May cho bố bà Nhu là Trần Văn Chương không bị phơ, mà chỉ bị dứt nhiệm vụ đại sứ thôi.
Trong suốt một thời gian kéo dài từ tháng 5 năm 1963 cho đến tháng 11 cùng năm đó, tràn đầy máu lửa và nước mắt, tàn sát Phật tử không khác gì phát xít Đức tàn sát người Do Thái trong thế chiến thứ nhì, không có một tờ báo chánh thức nào dám ho he một lời can ngăn – chớ đừng nói cảnh cáo hay đả kích – Ngô Đình Diệm và gia đình ông ta. Được lịnh của cố vấn Ngô Đình Nhu, Tổng giám đốc Thông Tin mỗi ngày ra một chỉ thị cho các báo. Báo nào báo nấy theo răm rắp, nhưng cũng chưa yên; đến lúc đưa kiểm duyệt, lại thay đổi ý kiến, có tin cấm lại cho ra, có tin không nói đến, tới giờ cuối cùng lại cấm. Báo nào báo nấy cứ điên lên, không biết phải làm ăn ra thế nào.
Lúc ấy, tôi là tổng thư ký của nhựt báo “Báo Mới” do Huỳnh Tấn Phẩm đứng ra làm, mà măng xét thì của Văn Giang. Lúc chưa ra, báo này nhắm làm việc về ấp chiến lược, mở một mục đặc biệt về ấp, vì Nhu cho đó là quốc sách, bao nhiêu tiền đổ dồn cả về việc xây dựng ấp. Tiền tái thiết dinh Độc Lập thu được 19 triệu, thì bỏ vào ấp chiến lược 10 triệu, quỹ chống Cộng thu được 30 triệu, đem dùng hết cả vào việc ấp. Dù đã được chỉ thị riêng rồi, “Báo Mới” cũng bị xoá lện xoá xuống vì những tin Phật Giáo, nói xấu chính phủ không được mà nói tốt cũng không được nữa. Rút cục, người làm báo phải tự hỏi không biết nhà Ngô muốn gì, muốn sống hay muốn tự tử.
Lập ra ủy ban liên bộ, ủy ban liên phái, ra thông cáo chung, cấm đăng; Thượng toạ Thích Thiện Minh gửi thư cho Ngô Đình Diệm vì thông cáo chung chưa được thi hành, cấm đăng; nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam uống thuốc ngủ tư tử để phản đối chính sách độc tài, đàn áp Phật Giáo của Ngô Đình Diệm, cấm đăng; tăng ni và Phật tử biểu tình ở trước nhà đại sứ Hoa Kỳ, trước chùa Giác Minh, bị đánh đập tàn nhẫn, bị bắn, bị giết, bị giam, lại có nơi bị xe tăng nghiền nát ra,cấm đăng; ni cô Diệu Quang, đại đức Thích Tiêu Diêu, Thích Quảng Hương, Thích Thanh Tuệ và hàng trăm đaị đức, ni cô khác tự thiêu hoặc bị đâm, chém, bắt cóc mang đi mất xác, cấm đăng.
Về sau, thông bạch của nhà chùa gửi đến báo (đăng trả tiền) mời Phật tử đến chùa lễ Phật, kiểm duyệt cũng bắt phải bỏ;
Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu xuống tóc, bỏ; phái đoàn tăng ni và báo giới tới thăm Hoà Thượng Thích Tịnh Khiết, bỏ; sinh viên, học sinh biểu tình ở chợ Bến Thành, Quách Thị Trang bị bắn nát đầu, 1300 nguời bị trói giật cánh khuỷu, đưa xuống trại huấn luyện Quang Trung, bỏ luôn.
Có tin ở ngoài phố Ngô Đình Nhu muốn điên, chích nha phiến trắng cả ngày đêm trong khi vợ gia công gia sức hiệu triệu Phụ Nữ Bán Quân Sự khoá III và lên án những vụ tranh đấu về tôn giáo: báo chí tuyệt đối không được nói tới, kể gì những tin mà dân chúng ai cũng nói tới như: ảnh Ngô Đình Diệm bị tháo gỡ ở vài nơi công sở và thay bằng ảnh cố vấn Tổng lãnh tụ Thanh Niên Cộng Hoà: Nhu sắp đảo chính, lên cầm quyền để thi hành một chánh sách độc tài đanh thép hơn; bà Nhu tới La Mã bị nhiều người đón đường phản đối, qua Ba Lê bị ném trứng thối vào đầu, qua Hoa Kỳ diễn thuyết phủ nhận sự đàn áp Phật Giáo, không được Tổng thống Kennedy tiếp kiến. Trần Văn Chương công kích chính sách Ngô Đình Diệm; Diệm Nhu tung tin sẽ phá toà đại sứ Mỹ, ám sát nhân viên ngoại giao Mỹ và cả đại sứ Cabot Lodge.
Tất cả những tin tức liên quan đến vấn đề tàn sát Phật tử, đàn áp Phật Giáo, kể cả những mánh lới bỉ ổi mà vợ chồng Nhu đưa ra để “mua” phái đoàn điều tra về vụ Phật Giáo do Liên Hiệp Quốc cử sang (chụp hình các thành viên của phái đoàn L.H.Q. đang mua dâm trong những ngày làm việc ở Sài Gòn – LND), nhà báo có thể đem ra viết mười năm không hết, khả dĩ làm cho thế giới biết suy nghĩ phải khóc ròng trước những khổ aỉ đắng cay của dân tộc Việt Nam, nhưng rút cục không có một tờ báo chính thức nào dám viết, vì Nhu, Diệm và tất cả các tay sai của họ lúc nào cũng sẵn sàng cho nhà báo phản đối xuống hầm kín hay bắn một phát vào đầu, cán xe hơi, bịt mắt đem đi rồi đâm hàng trăm nhát, chất thành một đống, cho xuống bè thả ra sông. Nhưng…
Xã hội ta lúc đó y như thể nước đại dương: bên trên thì êm ả, nhưng sóng ngầm bủa giăng ở dưới. Trong khi dân chúng rên siết trong máu lửa và nước mắt: trong khi bọn Nhu Diệm giết hết, đốt hết những cái gì liên quan đến Phật Giáo; trong khi bọn tay sai của Nhu Diệm thưà nước đục thả câu, ăn cướp công khai cả vật chất lẫn tinh thần người dân, thì chính ở bên trong các báo chính thức xuất bản, và cả ở ngoài làng báo, một số lớn bọn người “nói láo ăn tiền” vẫn bí mật hoạt động chống Nhu Diệm và kết hợp các từng lớp nhân dân để chờ một ngày quyết định. Mà khí giới của họ vẫn là ngòi bút! Ngòi bút cùn, nhưng có tác động vô song là động viên được tinh thần bất khuất của người Việt Nam đúng giờ, đúng khắc thì vươn lên, không sợ chết, không sợ gian khổ, không sợ võ khí tối tân và khoa học nhất.
Hoà mình với Phật tử, sinh viên, học sinh, các người “nói láo ăn tiền” đó không uống uýt ky nhưng uống nước lạnh, không ở nhà lầu nhưng chiu vào những ổ chuột, không ăn đồ ăn Pháp nhưng ăn cơm nguội, muối mè và nhiều khi nhịn đói để làm báo lậu, những truyền đơn, những cuốn sách bỏ túi để phát đi trong quảng đại quần chúng, hô hào dân chúng nổi lên chống độc tài , áp bức, tranh thủ tự do, dân chủ thực sự. Ông lái buôn no đủ , ông bộ trưởng, giám đốc thừa tiêu, ông tích trữ đầu cơ, có mèo chó, vợ con phè phỡn, một hôm, tư nhiên thấy người làm bưu điện gửi tới một bao thư: giở ra coi thì là báo lậu. Có khi báo lậu, truyền đơn, sách bỏ túi, chui qua kẽ cửa vào trong nhà cô nữ sinh; có khi ông công chức đến sở vừa mở hộc bàn ra để lấy sổ sách ra làm việc thì đã thấy lù lù một tập, lại cũng có khi nhận hàng ở máy bay về, mở hộp ra thì đã có một đống truyền đơn báo lậu. Mật vụ Dương Văn Hiếu, quả đã trải một thời gian điêu đứng, bắt “phiến loạn” không thể nào xuể: chưa xong bọn này đã đến bọn kia thoá mạ vàkêu gọi lật Ngô Đình Diệm để mau chấm dứt Phật nạn và chận đứng cuộc tàn sát dã man, vô đạo.
Tôi không biết có bao nhiêu báo lậu, truyền đơn, sách bỏ túi tung ra thời ấy, nhưng tôi nhớ trong số đó có mấy tờ viết vô cùng thống thiết: đó là tờ “Vạc Dầu”, tờ “Nhị Thập Bát Tú”, tờ “Tin Tức Phật Giáo”, còn sách thì phổ biến rộng rãi nhất là loại “Những Vấn Đề Cấp Thiết” xuất bản “vào giờ giới nghiêm”. Vì nghề nghiệp, tôi được biết một vài người bạn trẻ đứng ra làm những tờ báo đó. Phần nhiều những báo ấy viết bài ở một chỗ, thâu thập để sửa chữa ở một chỗ, chia nhau đánh máy ở nhiều chỗ khác nhau rồi quay ronéo ở những chỗ thay đổi luôn luôn, không bọn nào biết bọn nào. Cố nhiên làm báo như thế thì không hòng có một xu dính túi, nhiều khi lại phải bỏ tiền của mình ra là khác; nhưng các ký giả, sinh viên, học sinh, Phật tử làm việc say sưa, mê mệt, làm việc như điên, người thường trông thấy phát ớn lên, vì không hiểu tại sao con người lại có thể có sức sống tuyệt vời đến thế.
NGÔ ĐÌNH DIỆM BỊ GIẾT, MUÔN NĂM NGÔ ĐÌNH DIỆM
(Trang 247)
Hiện giờ, chưa ai biết rõ là phe quân nhân cách mạng nổi lên đảo chánh Ngô Đình Diệm lần thứ ba có nghiên cứu về tâm lý của người dân trước khi tiến đánh dinh Độc lập hay không, nhưng có một điều chắc chắn là tình thế lúc đó đã chín mùì và dân chúng đã thấy cách gì cũng phải hạ ngay Ngô Đình Diệm. Phe cách mạng được dân chúng ủng hộ và làm hậu thuẫn nên đã thành công rực rỡ; nhưng sửa soạn được tâm lý quần chúng như thế, muốn nói gì thì nói, muốn bài bác thế nào thì bài bác, ai cũng phải nhận rằng báo chí đã tiền phong trong công việc chuẩn bị cách mạng, triệt hạ Ngô gia để mở đầu cho một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên tự do, dân chủ – dù lúc đầu chỉ là một thứ tự do, dân chủ đi tập tà tập tễnh.
Như trên kia đã nói, báo lậu không ngớt kêu gọi dân chúng nổi lên chống Diệm. Cuối năm 1963, lúc nào xe thiết giáp cũng nằm ụ trước dinh Độc Lập và Gia Long, đề phòng các cuộc biểu tình. Ngô Đình Diệm, vừa tiễn Đô đốc Harry D. Felt, tổng tư lệnh tại Thái Bình Dương, được một lát, chưa kịp ăn cơm, thì tiếng súng nổ ran ở nhiều nơi trong Đô Thành. Quân đội rầm rộ chiếm đóng Tổng Nha Cảnh Sát, đài Phát thanh, nha Truyền Tin, bộ Nội Vụ… Các lực lượng tấn công gồm một đội pháo binh 105, tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến, các đội khác chuyển từ Biên Hoà, Thủ Đức, Long An, Bình Dương. Sẩm tối hôm ấy, quân cách mạng tấn công mạnh vào thành Cộng Hoà: nhiều sinh viên Phật Tử được phóng thích. Lệnh giới nghiêm được ban hành trên toàn quốc. Hôm sau, dinh Gia Long bị chiếm; có tin Nhu Diệm tự tử, nhưng thực ra thì họ trốn về nhà thờ Cha Tam ở Chợ lớn và buổi trưa hôm ấy, có tin Nhu Diệm đã bị hạ sát thê thảm trong chiếc xe bít bùng từ nhà thờ Cha Tam về Saigon.
Dân chúng vui mừng kéo nhau đập tượng hai mẹ con Ngô Đình Nhu
Người ta muốn biết ai đã giết Diệm Nhu, nhưng không ai biết đích xác; dù saoDiệm Nhu chết đi thì đại đa số dân chúng cũng mừng. Có người tế con heo; có người lập bàn thờ cảm tạ trời đất; còn thì hầu hết nhà nào cũng làm tiệc, rủ bè bạn, thân thích đến để nhậu nhẹt cho “phỉ chí tang bồng”.
Một vài tờ báo nổi tiếng trung thành với Nhu Diệm, hay làm tay sai cho “con khỉ đột” Lê Quang Tung, chỉ huy Lực Lượng Đặc Biệt, tự động đóng cửa; chủ nhiệm, quản lý, chủ bút, trốn luôn; còn đa số bị bịt mắt, bưng miệng lâu ngày, bây giờ tha hồ nói hươu, nói vượn, chạy theo Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng và chánh phủ lâm thời, và đá những “cú hậu” rất hăng vào hai cái xác chết thối ra là xác Nhu và Diệm.
Bộ trưởng Thông Tin lúc ấy, Thiếu tướng Trần Tử Oai, bị các hồ sơ đè nặng chĩu cả đầu cả cổ, không biết phải đối xử với các báo thân Diệm và chống Diệm ra sao, đành phải vừa làm việc vừa nghe ngóng. Trong khi ấy thì báo được phép xuất bản như nấm; những tờ bị Nhu Diệm đóng cửa cũng tục bản; nhiều ông không hề biết báo chí ra gì, thấy làm báo “hay hay”, cũng gửi đơn xin phép ra một tờ chơi cho hả, thành thử chưa bao giờ ở đây người ta lại thấy sự cạnh tranh gay gắt đến thế, mà nghề ký giả lại được mua chuộc và chiêu đãi đến như thế.
…
Trụ sở Báo chí gia nô của chế độ Ngô Đình Diệm bị dân chúng thủ đô đập phá, và các tàn tích bị quẳng đầy đường phố
(Trang 253) Không thoát được công lệ lúc đó để làm cho báo chạy, báo “Dân Chúng” cũng có những bài to tổ bố chửi chế độ Ngô gia và đánh đập ra rít bọn mật vụ của chế độ cũ như Dương Văn Hiếu, Lê Quang Tung, Cao Xuân Vỹ, … Một phần các tài liệu dùng để viết rút tỉa ở cuốn “Nhật ký” của Ngô Đình Lệ Thủy(con gái đầu lòng của ông bà Ngô Đình Nhu), đã lượm được trong lúc đánh phá dinh Độc Lập, trong đó có nhiều sự việc mà người ngoài không biết, đại khái vụ vợ chồng Ngô Đình Nhu lên nghỉ ở Ban Mê Thuộc bàn về việc làm “săng ta” Mỹ; vụ mụ Nhu cáo đau bụng, bắt con gái đi dự tiệc “làm quen” với đại sứ Nolting; vụ “mua chuộc” phái đoàn điều tra về Phật Giáo do Liên Hiệp Quốc cử sang liên quan tới Phụ Nữ Liên Đới và Phụ Nữ Bán Quân Sự ra sao; vụ Ngô Đình Lệ Thủy thi tú tài trong đó có sự xếp đặt, bợ đỡ của các giám khảo như thế nào … Tất cả những tài liệu đó, do chính tay Ngô Đình Lệ Thủy ghi lại trong một cuốn nhật ký dầy, “Dân Chúng” đem ra khai thác. Đến vụ Ngô Đình Lệ Thủy thi tú tài, chúng tôi kêu đích danh một người vẫn tự nhận là quốc gia chính cống (có khi lại tự nhận là đệ tứ) làm giáo sư đại học, đặt thành vấn đề chất vấn, thì viên giáo sư ấy không trả lời…
…
(Trang 263) … nhiều người tuyên bố liên hiệp với MTGPMN (Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam) là tự sát, không bao giờ nhìn nhận Mặt trận là một tổ chức hợp pháp, nhưng rồi cũng mật đàm với Mặt trận; thiếu tướng Kỳ thề không bao giờ ngồi chung một bàn với Cộng sản nhưng rồi cũng cùng họp bàn tròn ở hội nghị Ba Lê;bất cứ ai nói chuyện hoà bình cũng bị kể như là thân cộng và cần bắt nhốt hoặc đưa sang bên kia vĩ tuyến, nhưng rồi, theo tờ báo chính thức của Công-giáo ở La-Mã đầu năm 1968, tờ Observatore Romano, Toà thánh dự định gửi một phái đoàn qua Hà-nội vận động hoà bình, trong khi Dean Rusk tuyên bố sẵn sàng nói chuyện hoà bình với Bắc Việt, nếu Cộng sản ngưng tấn công thủy quân lục chiến Hoa Kỳ.
Trích từ sách “BỐN MƯƠI NĂM ‘NÓI LÁO’ ” của VŨ BẰNG
Cơ sở Xuất Bản Sống Mới – Sài Gòn – 1969 (Trang 204 – 263)
Bắt đầu viết tháng Giêng năm 1967. Sửa lại, viết thêm năm 1968-1969 và xong vào ngày Phật Đản 2513 tức 30 tháng 5 dương lịch 1969.
[đã đăng ở:]
– http://sachhiem.net/THOISU_CT/ChuV/VuBang.php 29 tháng 8, 2010
Bài viết khác về tình trạng báo chí thời Ngô Đình Diệm:
Tin cùng chuyên mục:
Phiên tòa xét xử Lưu Bình Nhưỡng: Sự thật và những luận điệu xuyên tạc
Chuyện quý bà và ‘soái ca nước yến’
TikToker say rượu, đi ngược chiều, livestream thách thức CSGT khi bị kiểm tra
Không thể đổ lỗi cho đèn tín hiệu giao thông khi vi phạm luật