Đây là bài viết của tác giả Hà Văn Tiện gửi đến Blog Hahien. Bài viết dưới góc độ pháp luật, rất đáng để suy ngẫm. Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.
Nhạc sĩ văn Cao, tác giả bài Tiến Quân Ca (Ảnh: Internet)
Từ khoảng hai tuần gần đây, vấn đề thu phí tác quyền bài Tiến Quân Ca được nêu lên, xuất phát từ yêu cầu của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và những người thừa kế nhạc sĩ Văn Cao (dưới đây gọi chung là chủ sở hữu cho gọn), sau đó là ý kiến của một số người.
Câu chuyện đang được nhiều người bàn luận có gì đó không ăn nhập với nhau. Nguyên nhân thật dễ hiểu : phía chủ sở hữu đặt vấn đề theo phương diện pháp luật về kinh tế và quyền sở hữu, , trong khi nhiều người lại tiếp cận vấn đề theo phương diện đạo lý, đạo đức, tình cảm v.v…, là những phạm trù chưa được luật hóa. Cũng có người nêu vấn đề pháp lý, nhưng chưa đầy đủ. Khi một bên nói về cái LỢI theo quy định của pháp luật mà bên kia đem chuyện cái DANH theo quy tắc của đạo lý ra bàn thì muôn năm không có hồi kết, giống như những người điếc nói chuyện với nhau vậy.
Chủ sở hữu giữ quyền chủ động của câu chuyện, có quyền thu hay không thu tiền khi bài hát được sử dụng, vì thế, người viết bài này chọn cách tiếp cận vấn đề giống như chủ sở hữu, tức là chỉ xem xét thuần túy khía cạnh pháp luật của vấn đề, bỏ sang một bên những hỉ, nộ, ái, ố…, những khái niệm tự trọng, tự hào, vinh dự, vinh quang …, bỏ qua việc hát Tiến Quân Ca thì nên rưng rưng nước mắt hay không, bỏ qua những bình phẩm NÊN thế này, KHÔNG NÊN thế kia, thậm chí không quan tâm đến gia cảnh (sung túc hoặc khó khăn) của những người thừa kế bài hát vì đấy là chuyện riêng, có khi còn là bí mật đời tư của cá nhân nữa. Chỉ bàn đến những chuyện ĐƯỢC HAY KHÔNG ĐƯỢC, PHẢI HAY KHÔNG PHẢI, theo ngôn ngữ đặc trưng của pháp lý mà thôi.
Khi xem xét vấn đề theo pháp luật (nhất là vấn đề sở hữu, kinh tế, tiền bạc) thì nhất định phải theo cách chẻ sợi tóc làm tư, làm tám… một cách vô cảm, như một câu ngạn ngữ của phương Tây (nơi có nền kinh tế thị trường đích thực) là “khi nói đến tiền là kết thúc tình hữu nghị”.
Dưới đây xin xem xét lần lượt từng chi tiết.
1. Tác quyền Tiến Quân Ca gồm những gì ?
Tiến Quân Ca là một bài hát, gồm phần nhạc và phần lời. Phần nhạc là của Văn Cao, phần lời trước đây đã có tranh chấp, cho đến nay không thấy khiếu nại gì nữa, cho nên cũng thuộc về Văn Cao, trừ trường hợp một thời điểm nào đó ở tương lai trong giai đoạn bài hát còn được bảo hộ quyền tác giả, một người nào đó chính thức khiếu kiện kèm theo bằng chứng, lúc đó vấn đề sẽ được xem xét theo pháp luật. Lời bài hát cũng đã được sửa vài chỗ so với bản gốc, được xác nhận là đã có sự đồng ý của Văn Cao, cũng không có ai đòi chia tác quyền về lời. Do đó ở thời điểm này, Tiến Quân Ca được xem là thuộc về Văn Cao 100%.
2. Những ai được thừa kế quyền sở hữu Tiến Quân Ca ?
Vấn đề thừa kế là chuyện nội bộ của mỗi gia đình, nhưng khi vấn đề tác động đến xã hội thì không còn là việc riêng nữa. Đố với Tiến Quân Ca, vấn đề này quyết định đến quyền thu tiền và mức thu tiền, dù rằng cả hai chuyện này đều thuộc thẩm quyền của chủ sở hữu.
Ai được thừa kế là quyền của ông Văn Cao nếu ông để lại di chúc. Nếu không thì theo quy định của Bộ Luật Dân sự, những người này là bà Thúy Băng, các con và các đối tượng luật định. Mỗi người được hưởng một phần theo sự phân chia của Luật.
Việc bà Thúy Băng có văn bản gửi cơ quan nhà nước thông báo hiến tặng Tiến Quân Ca cho Nhà nước, nếu không được sự đồng ý của các đồng sở hữu khác được coi là vượt quyền. Vậy thì văn bản đó chỉ được xem là cá nhân bà Thúy Băng tuyên bố chính thức và công khai từ bỏ phần thừa kế cúa riêng mình, và bà Thúy Băng có thể lấy lại quyền ấy khi chính thức có văn bản tuyên bố rút lại văn bản trước. Tuy vậy cho đến nay bà Thúy Băng chưa làm việc đó.
Như vậy, bà Thúy Băng đã không còn quyền thừa kế một phần của Tiến Quân Ca nữa, cho dù Nhà nước không có phản hồi gì về tuyên bố của bà. Những người thừa kế của ông Văn Cao còn quyền thừa kế PHẦN CÒN LẠI của Tiến Quân Ca chứ không có quyền sở hữu toàn bộ tác phẩm nữa.
3. Ai được quyền thu tác quyền ?
Các chủ sở hữu có thể trực tiếp đứng ra thu hoặc ủy quyền cho một cá nhân hay tổ chứ nào đó thu thay mình. Từ đó, thấy rằng giữa những người đang thừa kế Tiến Quân Ca với người được ủy quyền ( ở đây là Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam) nhất thiết phải có một hợp đồng ủy quyền, có đầy đủ chữ ký hoặc bằng chứng cho thấy TẤT CẢ những người đang sở hữu Tiến quân ca đều ủy thác việc này cho Trung tâm. Bởi vì nếu có ai đó không ủy thác việc này thì quyền của Trung Tâm bị hạn chế một phần, sẽ có khả năng người sử dụng bài hát bị thu tiền hai hoặc nhiều lần cho một vụ, vì người không ủy quyền cho Trung tâm có quyền trực tiếp thu tiền cho phần sở hữu của mình , song song với quyền của Trung tâm thu hộ những người còn lại.
4. Thu tác quyền Tiến Quân Ca trong trường hợp nào ?
Câu trả lời là “trong mọi trường hợp, và quyền quyết định hoàn toàn thuộc về chủ sở hữu”.
Tuy thế, quy về có hai trường hợp cụ thể sau, là sử dụng Tiến Quân Ca khi là nghi lễ bắt buộc và những vụ khác.
Trước hết, cần phải nói ngay là việc thu và trả tiền tác quyền là một hợp đồng thương mại, giữa môt bên bán và một bên mua. Việc ký kết hợp đồng thương mại được tuân theo nhiều quy định, trong đó có quy định về tự nguyện không bị ép buộc của các bên và nguyên tắc công bằng.
Đối với trường hợp là nghi lễ bắt buộc, (ví dụ như cử quốc ca khi mở đầu trận bóng đá có đội tuyển VN dự, hoặc khi vận động viên VN lên nhận huy chương vàng trong cuộc thi quốc tế…) người chơi nhạc hoặc hát Tiến Quân ca không có quyền lựa chọn nào khác là phải sử dụng dù muốn hay không, và nguyên nhân là do Quốc hội quyết định lấy Tiến Quân Ca làm quốc ca. Đối với trường hợp này, nguyên tắc tự nguyện và không bị ép buộc bị phá vỡ, và do đó việc thương lượng giá cả mất đi tính công bằng. Bên mua là bên bị bắt buộc phải sử dụng bài hát là bên yếu thế, sẽ dẫn đến bị bên bán ép giá không hợp lý mà vẫn phải trả tiền.
Hiện nay chưa có quy định nào về trả tiền trong trường hợp này, sẽ gây khó cho các bên. Tôi đề xuất kiến nghị người trả tiền trong trường hợp này là Quốc hội (lấy từ ngân sách Nhà nước), vì Quốc hội thông qua Hiến pháp chọn Quốc ca. Nếu được như vậy, công việc của Trung Tâm đơn giản chỉ là gửi báo giá cho Quốc hôi và nhận tiền là xong.
Đố với các trường hợp còn lại, quyền của bên bán và bên mua trở lại công bằng và tự nguyện. Chỉ lưu ý bên mua có quyền yêu cầu bên bán cung cấp bằng chứng về quyền và phạm vi quyền của mình. Bên bán có quyền ra giá, có quyền bán hoặc không bán, bên mua có quyền mặc cả, có quyền mua hoặc không mua, thỏa thuận được thì hoàn tất hợp đồng, không thỏa thuận được thì chia tay, sau đó dành chỗ cho “tình hữu nghị” nảy nở kết hoa.
5. Mấy lời kết.
– Người viết bài này có chút ít hiểu biết về pháp luật nhưng không phải là chuyên gia về pháp luật, do đó những ý kiến trên đây khó tránh khỏi có chỗ chưa đúng hoặc chưa đủ, mong được những người am hiểu chỉ dẫn thêm.
– Người viết không có ý tư vấn gì gì đó cho bên bán vì biết rằng bên ấy sống và làm việc bằng pháp luật, họ hiểu biết rành rẽ chuyện này. May ra thì có bên mua nào đó tham khảo ý kiến của người viết thì cũng xem là có ích.
– Người viết dự phòng khả năng có bạn nào đó nhận xét là làm dung tục hóa vấn đề. Người viết nhận về mình cái ý “dung tục hóa” với lý do là khi nói chuyện về tiền bạc thì không tránh được chuyện dung tục vốn là bản chất của tiền bạc.
H.V.T
Tin cùng chuyên mục:
Nguyễn Xuân Diện và sự thật lịch sử về Hải chiến Hoàng sa
Con trai ông Trump nói Tổng thống Zelensky nài nỉ được mời đến buổi lễ nhậm chức
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA