Những người “khiếm thị” trước sự thật lịch sử !?
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc Việt Nam – đó là một sự thật không thể phủ nhận. Dù là những tiếng nói lạc lõng và không được hưởng ứng, các thế lực thù địch cùng một số người thiếu thiện chí vẫn cố tình xuyên tạc, phủ nhận ý nghĩa to lớn của thắng lợi vĩ đại này.
Đầu tháng 8 vừa qua, không chỉ tổ chức “bàn tròn” với người dẫn chuyện cố hướng cử tọa tới mục đích xấu của BBC là hạ thấp ý nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam, mà cơ quan truyền thông này còn đăng bài viết của Trương Nhân Tuấn đưa ra một số suy diễn, cùng những lập luận quái gở của một người mang nhãn hiệu “nhà nghiên cứu”. Bởi nếu BBC, Trương Nhân Tuấn có tinh thần lương thiện trí thức khi nghiên cứu tài liệu, phim ảnh phản ánh về cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam được lưu giữ khá nhiều, hẳn họ sẽ cân nhắc trước khi đưa ra ý kiến kỳ quái như: “Ta thấy không hề có việc lực lượng cách mạng “chạy đua giành chính quyền” với quân đội Đồng minh, hay việc “20 triệu nhân dân ta nhất tề vùng dậy giành lại chính quyền” như các sử gia đã viết… Trên thực tế không có “đánh đấm” gì cả” vì “cuộc “cách mạng” xảy ra sau ngày 15-8, tức lúc quân Nhật đã có lệnh bỏ súng đầu hàng. Thẩm quyền của Nhật tại Việt Nam ngay từ lúc đó đã chuyển sang lực lượng Đồng minh. Quân Nhật không còn nắm chính quyền mà chỉ có trách nhiệm “giữ an ninh trật tự”…”; rồi kết luận kỳ quái hơn nữa rằng: “Thực chất “cuộc chạy đua giành chính quyền” là Việt Minh lợi dụng khoảng trống quyền lực sau khi Nhật đầu hàng để nắm lấy chính quyền, hy vọng đặt Đồng minh vào sự đã rồi… “Hai mươi triệu nhân dân ta nhất tề vùng dậy” cũng chỉ là điều tưởng tượng… Nói 20 triệu người “nhất tề vùng dậy” là điều hoang đường, không thuyết phục được ai hết. Thực chất của Cách mạng Tháng Tám là vậy”!
Thực ra, điều BBC đề cập trong “bàn tròn” và ý kiến của Trương Nhân Tuấn không có gì mới mẻ, chúng chỉ là sự nối dài ý kiến và cái gọi là “nghiên cứu” mà nhiều năm qua một số kẻ “khiếm thị” trước sự thật lịch sử vẫn thực hiện hòng phủ nhận vai trò, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam, từ đó xuyên tạc và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cùng các thành tựu mà dân tộc Việt Nam đã giành được trong 70 năm qua. Điều đáng nói là các luận điệu phi lịch sử, xuyên tạc lịch sử, bất chấp lịch sử như vậy thường xuất hiện trong mỗi dịp toàn dân Việt Nam kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9; và cho thấy nỗi ám ảnh và sự cay cú, hằn học trước một sự kiện lịch sử vĩ đại vẫn đeo bám tâm trí của mấy kẻ dù đã thất bại ê chề nhưng vẫn cố nhân danh “nghiên cứu” để tìm cách tiến công vào Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Từ bối cảnh lịch sử Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 20, bất kỳ người nghiên cứu chân chính nào cũng đều sẽ thấy những sự kiện dồn dập diễn ra trong nửa cuối tháng 8-1945 là hệ quả của một quá trình đấu tranh gian khổ với rất nhiều hy sinh để giành lại nền độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam. Hay như đánh giá của nhà sử học người Pháp P.Devillers (Đơn-vin-lơ) trong cuốn sách Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952 thì thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 “là kết quả logic của Việt Minh trong mọi khu vực của đời sống đất nước” như Mặt trận Việt Minh được thành lập theo sáng kiến của Hồ Chí Minh (5-1941), khi Nhật Bản còn chưa tham chiến, và liên tục phát triển trên địa bàn ngày càng rộng. Đây là tổ chức tập hợp được đông đảo quần chúng nhất, hơn bất cứ tổ chức nào khác ở Việt Nam khi đó và đã tuyên bố (từ rất sớm) đứng về phía Đồng minh trong cuộc chiến đấu chống phát-xít. Viên sĩ quan tình báo Mỹ A.Patti (A.Pát-ti) trong tháng 5-1945, đã trình lên người chỉ huy OSS (Cơ quan tình báo chiến lược, tiền thân của CIA ngày nay) ở Côn Minh một bản báo cáo về những thành tích của Việt Minh như: “đã đặt sáu tỉnh ở phía bắc Bắc kỳ dưới sự quản lý quân sự và hành chính, đã thành lập giải phóng quân cùng các đơn vị du kích và tự vệ”. A.Patti đánh giá: “đây (Việt Minh – T.P) là thành phần quan trọng nhất, được ủng hộ rộng rãi nhất từ nhân dân Việt Nam”. Cần nói thêm, ông A.Patti viết điều này khi đã biết khá rõ về lực lượng to lớn cũng như ảnh hưởng rộng rãi ở trong nước và khuynh hướng chính trị của Việt Minh: “họ theo chủ nghĩa Mác” nhưng “mối quan tâm trực tiếp của họ là đánh đuổi Nhật” (OSS và Hồ Chí Minh Đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến đấu chống phát xít Nhật (Lương Lê Giang dịch), NXB Thế giới, H.2007, tr.293-296). Đáng chú ý là đến ngày 19-8-1945, chính phủ thân Nhật thành lập vào ngày 17-4-1945 do ông Trần Trọng Kim đứng đầu vẫn tồn tại, và một trong các cố gắng cuối cùng của chính phủ này là tổ chức cuộc mít-tinh của Tổng hội công chức tại Hà Nội chiều 17-8-1945. Đây là thời điểm một đảng phái, tổ chức chính trị khác cũng nhận thấy cơ hội đang đến và gấp rút chạy đua trong nỗ lực xúc tiến các hoạt động nhằm giành địa vị chính trị. Nhưng cuối cùng, Việt Minh đã lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền. Tổng khởi nghĩa nhanh chóng thành công trên phạm vi cả nước, nhân dân Việt Nam đã thật sự nắm giữ cương vị người chủ đất nước để “đón tiếp” quân Đồng minh vào Việt Nam và sẵn sàng đối phó mọi thế lực thù địch với vị thế của một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Khát vọng thoát khỏi ách thống trị của thực dân đế quốc, được sống trong độc lập, tự do của người Việt Nam được tích tụ và thổi bùng trong thời cơ ngàn năm có một. Trong những ngày sôi động, trên khắp cả nước, toàn dân Việt Nam đã nhất tề nổi dậy như sóng trào, lũ cuốn. Về điều này, trái ngược với đánh giá của Trương Nhân Tuấn, tại “bàn tròn” của BBC, mấy người chứng kiến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cũng phải thừa nhận: “Số đảng viên chỉ trên một nghìn, nhưng quan trọng là kỳ vọng của nhân dân không muốn sống nô lệ nữa”, “cả những người không phải là Việt Minh cũng xưng là Việt Minh tạo nên một làn sóng rất dữ dội”…
Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã chứng minh bản lĩnh, nghệ thuật nắm thời cơ, chớp thời cơ của Đảng Cộng sản Đông Dương. Nghệ thuật đó biểu hiện tập trung trong việc dự đoán xu thế phát triển tình hình và xác định đúng thời điểm phát-xít Nhật đầu hàng để phát động Tổng khởi nghĩa bằng thực lực của toàn dân tộc Việt Nam, bằng tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Đây là điều không có bất cứ tổ chức chính trị nào ở Việt Nam trong giai đoạn lịch sử đó có thể thực hiện. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng: Để có được cuộc Tổng khởi nghĩa toàn dân giành chính quyền nhanh chóng, trọn vẹn, tổn thất ở mức thấp nhất, trong nửa cuối tháng 8-1945 tại Việt Nam, không thể không nhắc đến và nhấn mạnh vai trò của lãnh tụ Hồ Chí Minh với nhãn quan chính trị sâu sắc với những quyết định kiên quyết và kịp thời. Tháng 5-1945, phát-xít Đức, Ý đã bại trận trên chiến trường châu Âu. Ba tháng sau, ở châu Á, phát-xít Nhật đang trên đường thất bại và sụp đổ. Dù đang ốm nặng ở Tân Trào, Hồ Chí Minh vẫn chỉ thị cho các đồng chí của mình: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Về tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Quân đội Nhân dân, H.1993, tr.196). Và trong Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Ủy ban Giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh gửi toàn thể quốc dân Việt Nam, ngày 16-8-1945 đã nhấn mạnh: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta… Chúng ta không thể chậm trễ” (Hồ Chí Minh – Toàn tập – tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tr.596). Đó cũng là lý do để trong Hội thảo quốc tế kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Hồ Chí Minh tổ chức năm 2010 tại Hà Nội, nhà báo, nhà nghiên cứu người Mỹ bà L.Borton (L.Bô-tơn) cho rằng: Hồ Chí Minh là nhà cách mạng Việt Nam nhận được thông tin sớm nhất về việc quân Nhật đầu hàng Đồng minh. Hồ Chí Minh nhận tin này qua ra-đi-ô và ông đã hành động rất kịp thời.
Thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Việt Nam là kết quả của một quá trình tổ chức lực lượng chính trị của quần chúng, từ đấu tranh chính trị tiến lên xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang… Nhờ có sự chuẩn bị tích cực và chu đáo trước đó, như: tuyên truyền giác ngộ và phát triển lực lượng quần chúng, xây dựng căn cứ địa, chiến khu kháng chiến, phát triển các hoạt động chiến tranh du kích và tập dượt phong trào đấu tranh… chỉ trong nửa cuối tháng 8-1945, toàn dân ta đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước. Vì thế, dù nhãn quan chính trị khác nhau dẫn tới một số khác biệt trong đánh giá nguyên nhân, bản chất của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam, nhưng các sử gia nước ngoài vẫn không thể phủ nhận nguồn sức mạnh to lớn của dân tộc được Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương phát huy cao độ. Đó chính là động lực làm nên thắng lợi của cách mạng chứ không phải nguyên nhân nào khác từ bên ngoài. Với lực lượng hùng hậu được tập hợp, rèn luyện đấu tranh trong tổ chức Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã đứng lên giành chính quyền, thoát khỏi gông cùm nô lệ. Đúng như lời khẳng định của Bác Hồ trong Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam DCCH: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Đó là sự thật mà BBC, Trương Nhân Tuấn hay bất kỳ kẻ bất lương nào khác cũng không thể phủ nhận!
Thiên Phương/Nhân dân Điện tử
Tin cùng chuyên mục:
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn bốn nhóm vấn đề nóng
Sự thật về công tác phòng chống buôn người ở Việt Nam và những luận điệu xuyên tạc của BPSOS
Bê bối của văn nghệ sĩ với “Mai Thúy”: Bài học về trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp
Cảnh giác trước luận điệu của phản động lưu vong: Bài học từ vụ việc Trần Khắc Đức