THƯỢNG TỌA THÍCH THANH QUYẾT NÓI RẤT ĐÚNG ĐẤY, THƯA ÔNG LUẬT SƯ ĐỖ VĂN HIỀN !

Người xem: 188

Cuteo@

Chuyện kể là có một ông luật sư vào nhà thổ quan hệ tình dục với 1 cô gái mại dâm. Chả kiểu quan hệ kiểu gì mà sau khi xong sự vụ, cô gái mại dâm lên báo phàn nàn: “Luật sư mà chơi gái không sòng phẳng, không đúng luật“.

Biết được câu chuyện trên qua báo chí, đa số các luật sư đều bảo vệ ông bạn bằng cách trả lời báo chí rằng: “Khi tôi vào nhà thổ, tôi không còn là luật sư mà tôi vào đó với tư cách 1 người đàn ông. Vậy vì sao lại lại gắn cái mác luật sư vào đây làm ảnh hưởng đến thanh danh của giới thầy cãi“?

Đó là câu chuyện vui và đây là câu chuyện thật.

Trên báo Người Đưa Tin có bài (bấm vào đây để đọc): Thượng tọa là người nhà phật, nhưng phát ngôn về oan sai thiếu tính nhân văn, phản ánh Thượng tọa Thích Thanh Quyết (mặc dù là người nhà Phật) phát ngôn về oan sai thiếu tính nhân văn hôm 5/6/15 khi bàn về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật“, tại phiên thảo luận báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước hết, phải thừa nhận là, người dân có quyền kì vọng vào các đại biểu của mình nơi Quốc Hội. Chúng ta sẽ thất vọng khi các đại biểu không thể hiện được trách nhiệm của mình và không làm được những gì mà chúng ta mong muốn. Vì điều đó, chúng ta có quyền lên tiếng góp ý (tinh thần xây dựng) cho các đại biểu của mình, và ông Thích Thanh Quyết là một trường hợp như vậy. Hãy góp ý cho ông với tư cách là Đại biểu QH và không nên bỉ bôi, chê bai ông với tư cách là một người của nhà Phật.

Ông Luật sư Đỗ Văn Hiền (VP Luật sư Đỗ Thành Nam) cho rằng, “Thượng tọa là người của nhà Phật nhưng trong phát ngôn lại chưa thể hiện được “tâm phật” là phải coi trọng tính mạng con người” và “Oan sai ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng và danh sự của con người nhưng với 71 vụ oan sai xảy ra trong 3 năm, Thượng tọa vẫn có thể coi là con số rất nhỏ. Vậy cái tâm của người nhà Phật được đặt ở đâu?”, theo tôi là thiếu cẩn trọng mặc dù sự quan tâm của ông Hiền là đáng trân trọng.


Nghiên cứu những gì ông Quyết phát biểu và cả những “cáo buộc” của ông Hiền, tôi thấy ông Hiền đã sai.

Tôi không hề thấy ông Thích Thanh Quyết phát biểu sai chỗ nào. Ông phát biểu với tư cách là một Đại biểu Quốc Hội, rất thật, thẳng, và không né tránh. Đây là điều chúng ta rất cần ở một người làm Đại biểu cho người dân.

Tôi đồng ý với Đại biểu Quyết rằng, tỷ lệ án oan sai trong điều tra, tố tụng hình sự hiện nay là rất nhỏ trong tổng số các vụ án được điều tra, xét xử. 

Trong kỳ giám sát (từ 2011-2014), các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.379 bị can nhưng số vụ làm oan người vô tội trong 3 năm chỉ có 71 trường hợp, chiếm 0,02%. Số người bị oan trên chủ yếu thuộc loại án giết người, cướp tài sản, hiếp dâm trẻ em không quả tang mà quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn và loại án về kinh tế do chủ quan của người tiến hành tố tụng (Theo Báo cáo giám sát của Quốc Hội). Trong khi đó ở Mỹ, theo điều tra của Giáo sư luật Ronader Haff và cộng sự thì, tỉ lệ án sai (hoặc sửa sai) ở Mỹ tới 0,5%; năm 2001 trong số các tội phạm nghiêm trọng ở Mỹ có khoảng 7.500 người bị xét xử sai. Như vậy, án oan sai hằng năm ở Mỹ là con số không nhỏ. 


Những con số trên dẫu chưa phải là tuyệt đối đúng, thì nó cũng phản ánh sự thật là án oan sai ở đâu cũng có, đúng như ông Thích Than Quyết đã phát biểu. Và nó cũng chứng minh rằng, ông luật sư Đỗ Văn Hiền này đã sai khi phát biểu: “hầu như ở bất cứ quốc gia nào cũng tồn tại oan sai nhưng thường là số lượng rất hạn hữu. Còn ở nước ta, chỉ trong vòng 3 năm vừa qua nhưng đã để xảy ra 71 người bị oan và một số trường hợp khác có dấu hiệu bị oan” là . Trong đó, có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân với công lý, giảm sút uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật… Đây là con số đáng báo động chứ không thể gọi là “số lượng rất ít” như lời phát biểu của Thượng tọa“.

Viết ra như thế không có nghĩa là chúng ta tự hào vì tỷ lệ oan sai ít hơn Mỹ, mà cái chính là để thấy, tỉ lệ án oan sai mà ông Quyết nói là đúng. 

Thêm nữa, cần nói cho rõ, Báo cáo của QH là Báo cáo giám sát tình hình oan, sai trong 3 năm, từ 2011 đến 2014, nhưng luật sư Hiền lại lấy ví dụ từ những vụ án xảy ra đã quá lâu (như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, xảy ra đã 10 năm) để minh họa cho sự nghiêm trọng của vấn đề là không đúng. Vì thế ông Hiền nói: “Thậm chí, có những vụ oan sai tới cả chục năm mới được phát hiện” là không thỏa đáng. Ở khía cạnh này, ông Thích Thanh Quyết tỉnh táo hơn hẳn ông Đỗ Văn Hiền.

Ông Hiền viết: “Hơn 70 vụ oan sai, đồng nghĩa với việc tính mạng, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của hơn 70 con người và gia đình, người thân của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong trường hợp đáng ra họ không liên quan tới “án” nhưng lại phải chịu đựng sự trừng phạt của luật pháp, sự kỳ thị của xã hội và sự mặc cảm của chính bản thân. Nhiều trường hợp, do không chịu nổi những sức ép đó và bản thân đã phải tự tìm đến cái chết. Như vậy, chúng ta vẫn có thể nói đó chỉ là vấn đề nhỏ hay sao?“. 

Xin lưu ý ông Hiền, trong báo cáo của QH, và ngay cả trong lời nói của ông Thích Thanh Quyết, không có chỗ nào nó “đó chỉ là vấn đề nhỏ” cả. Xin ông tinh mắt chỉ ra hộ bạn đọc được không? Ở đây, ông đồng nhất việc ông Quyết nói về tỷ lệ án oan sai mà ông Quyết cho đó là tỷ lệ nhỏ với tính nghiêm trọng của vấn đề. Đó là một thủ đoạn gian dối trong lập luận.

Phía người viết, đồng ý với ý kiến của Đại biểu Quốc Hội Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre): “Dù chỉ một vụ oan, sai, chúng tôi cũng thấy rất đau“. 

Bài báo bình luận: “Theo quan điểm của luật sư Hiền, trên cương vị của một người đã xuất gia, tâm hướng thiện thì lẽ ra, Thượng tọa Thích Thanh Quyết nên có một phát biểu nhân văn hơn. Vì trong khi cả xã hội thừa nhận một thực tế rằng oan sai đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nạn nhân, đặc biệt có nhiều trường hợp đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình thì dường như trong phát biểu của Thượng tọa, tính mạng con người có vẻ đã bị xem nhẹ. Điều này dường như không phù hợp với tiên chỉ của nhà Phật – là yếu tố con người phải được đặt lên hàng đầu“. 

Đọc đoạn này, tôi có cảm tưởng ông Hiền và PV đã có ý chỉ trích cá nhân ông Thích Thanh Quyết và chĩa mũi nhọn vào cơ quan điều tra. Thực tế, ông và ngay cả một số PV báo chí đã nhầm lẫn tư cách của một Đại biểu QH với tư cách của một nhà tu hành khi thực hiện vai trò của họ trước Quốc Hội. 

Nói thật tôi không hề thấy đoạn nào ông Quyết “xem nhẹ tính mạng của con người” cả (Ông Luật sư Hiền có đưa ra được bằng chứng không?). Ngược lại, nó công bằng, không cực đoan. Chính ông Thích Thanh Quyết mới là người có trách nhiệm, và nói thẳng ra sự thật như thế mới là nhân văn.

Một nhà báo lâu năm đã phát biểu: “Hôm qua ngồi chứng kiến một vị thượng toạ ngồi giữa, hai cớm bự cỡ thiếu tướng ngồi một bên, bên kia hai doanh nghiệp cỡ bự. Lại thêm một lần khâm phục vì sự thông minh và sắc sảo và nhạy cảm kinh hồn của vị thượng toạ. Cảm giác nếu không khoác áo tu hành, mà là một bộ comple chẳng hạn, thì chắc chắn phải nghĩ rằng đó ít ra cũng tầm một trong tứ trụ chứ chả đùa.

Nói về cách làm kinh tế, hai nhà doanh nghiệp tròn mắt. Nói về chính trị, hai vị cớm bự gật như bổ củi. Nói về triết lý tôn giáo, cả cớm lẫn doanh nghiệp bỗng thấy mình như nhỏ bé hẳn. 


Cậu chả thấy ông sư Thích Thanh Quyết sai chỗ nào cả, thậm chí thấy ông rất sắc sảo và khéo léo là đằng khác. 

Và hãy quên đi kiểu dèm pha là nhà tu hành thì nên nói này mà không nên nói nọ. Chắc chắn một điều rằng đối với họ, thì ba thứ ong ve dư luận kiểu này chỉ là muỗi mà thôi“.

Thế mới biết, làm Đại biểu Quốc hội không phải dạng vừa đâu


————–

Tham khảo bài trên Người Đưa Tin theo đường link này: 

http://www.tinmoi.vn/luat-su-do-van-hien-thuong-toa-la-nguoi-nha-phat-nhung-phat-ngon-ve-oan-sai-thieu-tinh-nhan-van-011361852.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *