CHƯA GIÀU ĐÃ THÍCH SANG

Người xem: 187

(PetroTimes) – Trong công cuộc xây dựng đất nước, hiện nay đây đó vẫn có hiện tượng “chưa giàu đã muốn sang” gây lãng phí ghê gớm.

Năng lượng Mới số 400

Bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu” cách nay đã trên 60 năm vẫn là một tài liệu tham khảo quan trọng và có ý nghĩa to lớn và vẫn mang tính thời sự trong việc giáo dục ý thức cần kiệm. Ngay trong phần đầu, Bác Hồ đã nói rất kỹ về “tiết kiệm”. Sau khi định nghĩa “Tiết kiệm là gì?”, “Vì sao phải tiết kiệm?”. Người chỉ rõ rằng “Tiết kiệm để tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của ta”. “Chúng ta phải tiết kiệm sức lao động”, “chúng ta phải tiết kiệm thời giờ”, “chúng ta phải tiết kiệm tiền của”, “chúng ta phải tìm cách tổ chức sắp đặt cho hợp lý, để một người có thể làm việc như hai người, một ngày có thể làm việc của hai ngày, một đồng có thể dùng bằng hai đồng”. Người khẳng định: “Tất cả mọi người đều phải tiết kiệm… ai cũng có thể và cũng nên tiết kiệm”.

Nhà chờ “5 sao” trong Dự án Hanoi BRT

Người kết luận “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”. Không chỉ thế, nó còn là “Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của chúng ta, để làm hỏng công việc của ta”. Người nói, “tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến”. Người coi “chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng, chính trị”.

Bác Hồ chỉ rõ những biểu hiện của tư tưởng không lành mạnh trong các tầng lớp nhân dân và cán bộ, đồng thời Người cũng đã vạch ra cách tổ chức đấu tranh với những tư tưởng đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chứng minh một cách biện chứng: “Chống tham ô, lãng phí, quan liêu “là cách mạng”… “là dân chủ”. Người đề ra nhiệm vụ của quần chúng là phải hăng hái tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu”. Người khẳng định, “tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng… Người gọi đó là “giặc nội xâm”.

Năm tháng qua đi, ngỡ rằng lời dạy của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho các nhà lãnh đạo khi thực hành tiết kiệm.

Trong công cuộc xây dựng đất nước, nào ngờ, hiện nay đây đó vẫn có hiện tượng “chưa giàu đã muốn sang” gây lãng phí ghê gớm.

Nếu cần tìm một địa chỉ “chưa giàu đã học làm sang” ở các công trình siêu lãng phí thì sẵn lắm. Nhưng sau tết vẫn kẹt xe, xin hãy để mắt tới vài địa chỉ lãng phí gần gần đã.

Đó là dự án xe buýt nhanh của Hà Nội (Hanoi BRT) với tổng vốn đầu tư lên đến 55 triệu USD sẽ đi vào hoạt động năm 2015 này. Đến nay một số nhà chờ xe buýt chờ theo mẫu đã có tại ngã tư Hoàng Minh Giám và Lê Văn Lương đang hoàn tất gắn mác “5 sao”, với đầy đủ công năng của một nhà chờ xe buýt nhanh theo chuẩn quốc tế. Không biết “nó” đạt “5 sao” ở chỗ nào khi xây dựng trên dải phân cách nghĩa là khách muốn lên xe và sau khi xuống xe phải băng qua đường một chiều “ngựa xe như nước” này. Bất tiện là điều rõ nhất của nhà chờ này. Ngoài ra, thấy kết cấu toàn sắt thép thì vào ngày hè sẽ nắng nung lửa đốt, hiện đại hại điện điều hòa nhiệt độ và mùa đông chắc cũng tốn điện sưởi ấm…

Hệ thống giao thông công cộng được nâng đời có thể là điều đáng mừng nhưng đã xuất hiện mối quan tâm tính hữu dụng của dự án.

Người dân thủ đô lo ngại rằng, liệu nó có giống y chang hàng chục bốt thông tin du lịch hỏng hóc, hoen gỉ bị biến thành nơi trú mưa nắng, xả rác, tiểu tiện thậm chí chứa đồ, nấu cơm… của người dân và nay gom về làm sắt vụn. Gần 10 năm trước, dự án cung cấp thông tin cho du khách khi đến Hà Nội bằng 40 bốt thông tin du lịch được đầu tư xây dựng với số tiền lên tới gần nửa triệu USD. Tính ra chi phí mỗi một bốt như vậy lên tới 10.000USD chưa tính đến chi phí bảo trì bảo dưỡng. Tốn kém là thế nhưng sau 8 năm vô dụng đến nay toàn bộ các bốt thông tin du lịch đã thành sắt vụn.

Gần hơn là Dự án Nhà hát Đan Phượng – nhà hát của giấc mơ bất thành trị giá 117 tỉ đồng đang đắp chiếu chờ bao giờ có tiền sẽ làm tiếp. Dự án 3 không của huyện Đan Phượng (không được phép, không quy hoạch, không có tiền) đang làm khó HĐND, UBND huyện về món nợ đầu tư công. Giả dụ có vay được tiền hoàn tất, Đan Phượng lấy gì nuôi nhà hát đây? Các showbiz liệu có chịu về đàn hát như văn công huyện bán vé 5.000 đồng?

Câu chuyện bốt thông tin du lịch, nhà chờ xe “5 sao” Hanoi BRT, Nhà hát huyện Đan Phượng có thể đưa thành tài liệu tuyên truyền học tập về chống lãng phí.

Đầu tư công lâu nay là mốt, không chú trọng hiệu quả và các giá trị bền vững. Người dân không ngại ngần huỵch toẹt ra rằng, nếu không “thoải con gà mái” chi tiêu, có lại quả từ bên B thì chẳng ai thích đầu tư công. Lời dạy tiết kiệm của Bác Hồ không biết bao giờ các quan chức mới ngấm!

Thọ Vinh/PetroTimes

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *