Tuyên truyền và kỹ thuật chế tạo sự ưng thuận
Nói đến “tuyên truyền” người ta hay nghĩ đến đó là một phương pháp ảnh hưởng quần chúng của người cộng sản. Nhưng thực ra, ngành tuyên truyền không phải do người cộng sản phát triển, họ chỉ học từ người Anh và Mỹ. Ngành tuyên truyền có tổ chức xuất hiện lần đầu tiên trong Thế chiến thứ nhất. Lúc đó, Anh Quốc có một bộ gọi là “Ministry of Information” (Bộ Thông tin), và người Anh cần Bộ này để đưa người Mỹ vào cuộc chiến, nếu không thì Anh sẽ gặp trở ngại khi đối đầu với địch. Bộ Thông tin có nhiệm vụ tuyên truyền, kể cả bịa đặt thông tin. Họ sản xuất tin tức, làm bích chương, viết sách … nhắm vào giới trí thức Mỹ, thành phần có ảnh hưởng đến chính sách Mỹ và cũng là thành phần mà họ cho là dễ tin tưởng vào tuyên truyền. Chiến thuật này của người Anh có hiệu quả tuyệt vời: giới trí thức Mỹ tin những gì Bộ Thông tin Anh truyền đi.
Người Mỹ rất ấn tượng với sự thành công của Bộ Thông tin Anh, nên Tổng thống Woodrow Wilson (người đắc cử tổng thống năm 1916 nhờ vào chương trình vận động cho hòa bình) bèn thành lập một ủy ban có tên là “Committee on Public Information” (Ủy ban Thông tin Công cộng), được biết đến trong giới chính trị lúc đó như là “Creel Commission” (Ủy ban Creel) vì người đứng đầu Ủy ban này là một nhà báo, ông George Creel. Nhiệm vụ của Ủy ban này là tuyên truyền và kích động dân chúng [Mỹ] thành một dân tộc vốn hiền lành thành một dân tộc sô-vanh, hiếu chiến. Ủy ban Creel gồm có 19 tổ, mỗi tổ phụ trách một kỹ thuật riêng biệt, như tổ tin tức, tổ phim ảnh, tổ bích chương, tổ giáo dục quần chúng, v.v. Nhân viên của các tổ này là các giáo sư đại học, chuyên gia về tâm lí học, nghệ sĩ, và nhà báo. Trong các tổ này, tổ tin tức đóng một vai trò then chốt. Theo tài liệu còn lưu lại và được công bố sau này, chỉ trong vòng một năm đầu hoạt động, tổ này đã phân phối hơn 6000 thông cáo báo chí, viết hơn 20,000 bài xã luận, bình luận cho các tờ báo trên toàn nước Mỹ. Trong khi đó, các tổ khác bận rộn sản xuất phim ảnh ác quỷ hóa dân Đức, sản xuất bích chương nhằm kích động dân Mỹ chống lại người Đức. Ủy ban Creel hoàn thành nhiệm vụ một cách mỹ mãn: chỉ trong vòng 8 tháng, phong trào chiến tranh tràn lan khắp nước Mỹ và dân chúng sẵn sàng lao vào chiến tranh.
Rất nhiều người khâm phục sự thành công này của Ủy ban Creel. Một trong những người ngưỡng mộ là Adolf Hitler. Trong Mein Kampf, Hitler nhận định rằng Đức thua trận trong Thế chiến thứ nhất vì một phần họ thua trên mặt trận tuyên truyền. Quả vậy, lúc đó, Đức không thể nào cạnh tranh được với một bộ máy tuyên truyền kinh nghiệm của Anh và Mỹ. Hitler nhất định thiết lập một bộ máy tuyên truyền riêng cho Đức trong lần chiến sau, và đúng như lời Hitler tuyên bố, trong Thế chiến thứ hai, Đức đã có một hệ thống tuyên truyền tinh vi. Vì Đức quốc xã thành công trong chiến thuật tuyên truyền, chữ “propaganda” từ đó mang một ý nghĩa miệt thị.
Không chỉ những tay làm chính trị độc tài như Hitler học từ Anh và Mỹ, mà ngay cả giới thương mại Mỹ cũng rất cảm phục sự thành công của Ủy ban Creel, và họ bắt đầu suy nghĩ tìm cách ứng dụng thành tựu của Ủy ban này vào thương trường. Để làm việc này, họ tham vấn một nhân vật từ Ủy ban Creel là Edward Bernays. Bernays viết một cuốn sách có tựa đề là “Propaganda”, đưa ra những kĩ thuật mà giới thương gia kỹ nghệ có thể ứng dụng vào mục đích quảng cáo buôn bán hàng hóa. Sau này, cuốn sách trở thành một loại “kinh thánh” cho giới làm trong ngành thông tin tuyên truyền và quảng cáo. Để chứng tỏ lý thuyết của mình, Bernays tiến hành một cuộc vận động sao cho phụ nữ Mỹ hút thuốc! (Thời đó, phụ nữ không có thói quen hút thuốc). Bernays đã thành công một cách ngoạn mục. Chỉ vài năm sau khi vận động, số phụ nữ hút thuốc đã tăng từ khoảng 0% lên gần 10%! Chỉ với thành tích này, Bernays đã được tôn sùng như là một trong những ông tổ của ngành quảng cáo.
Sự thành công của tuyên truyền trong chiến tranh và thương trường cho ra đời một ngành mới:Dân vận (Public Relation, hay còn gọi tắt là PR). Lúc bấy giờ Mỹ đã là một nước cực kỳ giàu có, và dân chủ hơn lúc trước. Nhiều người có khả năng đi bầu. Di dân càng ngày càng gia tăng. Trong tình thế đó, giới thương mại kỹ nghệ Mỹ cảm thấy khó mà điều khiển công việc quốc gia trong một câu lạc bộ riêng tư như trước được. Họ phải tìm cách duy trì sự thống trị của mình. Có hai cách làm việc này: thứ nhất là ứng dụng thủ thuật của giới độc quyền; và thứ hai là ứng dụng nghệ thuật tuyên truyền, hay trong trường hợp này, dân vận.
Theo thủ thuật của giới độc quyền, họ cần phải có cái dùi cui (tức một bộ máy công an). Nếu quần chúng đi “trật” đường lối của nhà nước và đảng, cái dùi cui sẽ được đem ra sử dụng để phục hồi “trật tự.” Phương pháp này cũng giống như người chăn cừu, lúc nào trong tay cũng lăm le một phương tiện bạo lực để kiểm soát đám đông.
Tuy nhiên, trong một thể chế dân chủ, nhà nước không thể ứng dụng phương pháp dùi cui của giới độc quyền. Họ cần phải có một phương pháp khác, đó là dân vận. Giới cầm quyền Mỹ bèn tham vấn một nhân vật có tên là Walter Lipmann, nguyên là một thành viên “đáng kính” khác của Ủy ban Creel. Lipmann còn là một lý thuyết gia về dân chủ. Theo Lipmann, muốn có một nền dân chủ, cần phải phân biệt hai thành phần công dân. Thành phần thứ nhất gồm những người đóng vai trò phân tích, thi hành, và quyết định trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và hệ thống tư tưởng. Họ là một thiểu số trong xã hội, nhưng nắm quyền thống trị. Thành phần đa số là những người mà Lipmann gọi là “bewildered herd” (“lũ người ngơ ngác”). Nhóm thống trị cần phải duy trì sự thống trị của họ trên lũ người ngơ ngác. Muốn làm việc này, Lipmann đề xuất một khái niệm có tên là “manufacture consent” (chế tạo sự ưng thuận).
Trong một bài viết tiền phong, có ảnh hưởng lớn đến kỹ nghệ truyền thông, Lipmann cho rằng chế tạo ưng thuận là một nghệ thuật dân chủ (manufacture consent is an art of democracy), và qua nghệ thuật này, “ta có thể xây dựng thái độ và sự lựa chọn của đám đông dân chúng sao cho họ sẽ luôn luôn làm những gì mà ta bảo họ phải làm.” Nói một cách khác, đối với nhóm người thống trị, chính trị là một cuộc chiến, và muốn chiến thắng, họ cần phải sử dụng các cơ chế tuyên truyền trong thời chiến tranh để kiểm soát ý tưởng của lũ người ngơ ngác.
Mục tiêu tối hậu của dân vận là đánh lạc hướng lũ người ngơ ngác. Họ [thành phần thống trị, qua giới truyền thông] muốn lũ người ngơ ngác làm chuyện khác, không bận tâm đến những chuyện lớn, những chuyện mà họ cho là thuộc phạm vi trách nhiệm của họ. Để thực thi kế hoạch này, nhóm thống trị cần phải “gây mê” lũ người ngơ ngác bằng cách cho họ theo đuổi những mục tiêu tầm thường, đơn giản, và thực tế, những mục tiêu không cần họ phải suy nghĩ hay động não (vì nếu lũ người ngơ ngác động não suy nghĩ thì bọn thống trị sẽ không còn điều khiển lũ người này nữa). Điều này giải thích tại sao các bản tin, dù quan trọng cách mấy, các cơ quan thông tín đưa ra thường ngắn gọn. Một vụ bỏ bom làm chết 200 người chẳng hạn chỉ gói gọn trong vòng 200 chữ hay ngắn hơn. Vừa loan tin xong, họ lập tức quay sang các tin tức liên quan đến thể thao, đến xì căng đan về sex, hay một bản tin vớ vẩn về một chính khác địa phương nào đó. Tức là, họ muốn người dân ham mê theo trái banh, chạy theo túc cầu, theo dõi những câu chuyện giật gân không đâu vào đâu. Đó cũng là một cách nói: “Để chuyện lớn cho chúng tôi lo, các anh nên chú tâm vào những chuyện vui vẻ đó đi!”
Có một cách khác để kiểm soát lũ người ngơ ngác là tập trung thông tin vào tay một số thành phần then chốt. Trong các nước cộng sản, các cơ sở thông tin do nhà nước làm chủ. Trong các nước tư bản, như Mỹ chẳng hạn, một cơ chế độc quyền đó không có, nhưng khuynh hướng thì giống nhau: các cơ sở thông tin ở Mỹ đều do một số ít các nhà kĩ nghệ kiểm soát. Cũng cần nói thêm rằng những công ty kĩ nghệ lớn này cũng là nguồn cung cấp nhân lực cho chính phủ Mỹ. Nhiều chính khách Mỹ xuất thân từ các công ty kĩ nghệ. Hoặc, sau khi từ chức trong chính quyền, họ thường quay lại làm việc cho các cơ sở thương mại Mỹ. Do đó, trên phương diện làm chủ thông tin, không có gì khác nhau giữa tư bản và cộng sản về bản chất, nhưng chỉ khác nhau về tên gọi. Dù nằm trong tay nhà nước (như ở các nước cộng sản), hay nằm trong tay các nhà kĩ nghệ lớn (như ở các nước tư bản), các cơ sở thông tin chỉ cung cấp thông tin hoặc phản ánh, hoặc minh họa đường lối và chính sách của thành phần thống trị xã hội. “Thành phần thống trị” ở đây bao gồm cả chính khách, và chủ nhân các đại công ty kỹ nghệ. Do đó, không ai ngạc nhiên khi thấy các cơ sở thông tin Mỹ bị chính quyền chi phối và chỉ loan tin có lợi cho chính phủ và giới kĩ nghệ Mỹ. Tuy nhiên điều khá khôi hài là giới báo chí Tây phương không ngớt nhạo báng thế giới báo chí trong các nước cộng sản, nhưng hình như họ không biết rằng chính họ cũng chỉ là công cụ của giới thống trị!
Trích từ: Giaodiemonline
Chép từ: Lão Thợ Cạo
Tin cùng chuyên mục:
Nguyễn Xuân Diện và sự thật lịch sử về Hải chiến Hoàng sa
Con trai ông Trump nói Tổng thống Zelensky nài nỉ được mời đến buổi lễ nhậm chức
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA