“Mạng người” và “mạng chó”!

Người xem: 169

Trong những ngày đầu năm, vụ hàng trăm người dân xã An Sinh (huyện Đông Triều, Quảng Ninh) đánh hội đồng 2 kẻ trộm chó khiến 1 người chết, 1 người bị thương nặng gây rúng động dư luận. Liên tiếp các vụ việc tương tự xảy ra khiến câu chuyện “trộm chó – chết người” trở nên đáng báo động. Phải chăng do luật pháp chưa được thực thi nghiêm hay do chính một bộ phận người đang xem nhẹ luật pháp?!

Hành vi phạm pháp nghiêm trọng

Tối ngày 2/1, người dân tại thôn Triều Phú, xã An Sinh phát hiện 2 người đàn ông lạ mặt đi xe máy mang BKS 34C1 – 9383 đi vào xã. Nghi ngờ 2 người này có hành vi trộm chó, nhiều người đã truy hô đuổi đánh. Hậu quả là 1 người bị đánh chết tại chỗ, người còn lại phải đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.


Không những thế, chiếc xe máy của họ còn bị người dân đốt cháy, trơ khung sắt. Sau khi nhận được tin báo, Công an huyện Đông Triều đã có mặt để làm rõ. Bước đầu xác định, có ít nhất 100 người dân tham gia vây bắt, đánh hội đồng gây ra hậu quả nghiêm trọng trên.

Trước đó không lâu, đêm 19/12, một vụ án nghiêm trọng khác xảy ra tại xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Người dân địa phương phát hiện 4 thanh niên đi xe máy trong làng, nghi là trộm chó nên đã tri hô vây bắt và đánh hội đồng, khiến 2 người chết, 2 bị thương. Trong vụ việc này, cơ quan điều tra Thanh Hóa đã khởi tố vụ án hình sự, đồng thời triệu tập hơn 50 người dân để điều tra, xác minh.

Đây chỉ là số ít trong rất nhiều vụ kẻ trộm chó bị người dân đánh đến chết xảy ra trong mấy năm trở lại đây. Theo phản ánh của báo chí, từ năm 2010 đến nay, đã có hàng chục “cẩu tặc” mất mạng vì bị người dân đánh hội đồng, kèm theo đó là hàng chục chiếc xe máy bị thiêu rụi. Những con số thống kê về các trường hợp “mạng người đổi mạng chó” có lẽ còn chưa dừng lại. Đáng ngại hơn, mức độ tàn bạo và manh động trong các vụ việc có xu hướng ngày càng tăng.

Bức xúc nhất là vụ việc tại xã Nghi Xuân (Nghi Lộc, Nghệ An) từng xảy ra vụ người dân ngăn cản xe cứu thương đưa trộm chó đi bệnh viện sau khi đối tượng này bị đánh hội đồng.

Chuyện là hai thanh niên này chạy xe máy đến địa bàn xã Nghi Xuân để câu trộm chó. Trong lúc đang bắt trộm chó thì bị phát hiện. Một đối tượng đã dùng dao mang theo chém chủ nhà và chạy thoát. Đối tượng còn lại bị người dân bắt được và xúm vào đấm đá túi bụi khiến đối tượng này gục tại chỗ. Nhận được tin báo, chính quyền địa phương cũng như lực lượng Cảnh sát 113 Công an tỉnh Nghệ An đã huy động hơn 20 chiến sĩ có mặt tại hiện trường, ổn định tình hình và gọi xe đưa nạn nhân đi cấp cứu. Tuy nhiên, xe cứu thương vào được nhưng không ra được do gia đình bị mất trộm chó và nhiều người khác đứng trước đầu xe 115 chặn lại.

Những người này bắt gia đình nạn nhân phải mang 20 triệu đồng gọi là “phí” thuốc men, khi đó mới được đưa đi. Nhận được tin con đang nguy kịch, bố đối tượng vội vã đến hiện trường. Nhưng khi đến nơi thì thanh niên đã tắt thở vì vết thương quá nặng và không được đưa đi bệnh viện kịp thời.

Sau vụ trộm chó xảy ra ở Nghệ An vào tháng 6/2014, có tờ báo thực hiện một khảo sát với câu hỏi: “Khi bắt được cẩu tặc, bạn có nên…?” – với 3 phương án trả lời. Đáng ngạc nhiên là có đến 40,87% số người được hỏi đã chọn phương án đánh chết.

Những con số thống kê trên cho thấy, cùng với số vụ đánh chết người trộm chó đáng báo động, người dân dường như đã hành động theo tâm lý đám đông và pháp luật trở nên bất lực. Để không tiếp diễn những vụ việc tương tự, cần bắt đầu siết chặt chế tài luật pháp cho hành vi trộm chó để giải quyết vấn đề từ gốc rễ.

Bản thân nhiều chuyên gia pháp lý cũng bày tỏ sự lo ngại sâu sắc trước tình trạng gia tăng đáng báo động của những vụ người dân “tự xử”, đánh hội đồng làm chết người trong thời gian qua.

Theo Luật sư Chu Bá Thực – Công ty Luật Dân Việt, vì bất cứ lý do gì, việc người dân đánh hội đồng khiến nhiều kẻ trộm chó thiệt mạng là hành động vi phạm pháp luật rõ ràng và phải bị xử lý nghiêm trước pháp luật. Người dân không thể dùng hành vi phạm pháp để tự ý xử lý một hành vi phạm pháp luật khác.

“Với quy định pháp luật hiện hành, những người tham gia đánh kẻ trộm chó đến chết sẽ bị khép vào tội “Gây thương tích, dẫn đến chết người” nếu họ chỉ dùng tay chân tác động vào nạn nhân. Trường hợp những người đánh hội đồng dùng hung khí như gậy, dao… tấn công làm nạn nhân chết thì sẽ bị khép vào tội “Giết người”. Cả hai trường hợp trên đều phải chịu mức án rất nặng. Ngoài tội giết người, các vụ “tự xử” kẻ trộm chó còn có dấu hiệu của các tội cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản (đốt xe máy của đối tượng trộm chó), gây rối trật tự công cộng…”, Luật sư Thực nói.

Trộm chó cũng là trộm

Để ngăn chặn trình trạng trộm chó lẫn hành vi quá khích dẫn đến đánh hội đồng chết người của người dân, Luật sư La Văn Thái (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cần đưa trộm chó thành một tội danh trong Bộ luật Hình sự chứ không thể xử phạt hành chính đơn thuần.

Theo Luật sư Thái, nguyên nhân sâu xa của những vụ người dân đánh hội đồng đối tượng trộm chó đến chết do chế tài xử lý đối với hành vi trộm chó còn nhẹ.

Hai đối tượng trộm chó bị người dân đánh hội đồng tại Quảng Bình

Ví dụ, khi công an bắt giữ một đối tượng có hành vi trộm chó sau đó sẽ định giá con vật để xử lý hành vi phạm tội. Theo cách tính định giá như hiện nay, một con chó 10kg là 1 triệu đồng. Như vậy, đối tượng chỉ bị xử lý hành chính vì theo quy định tài sản trộm cắp trên 2 triệu đồng mới bị xử lý hình sự. Chính vì thế người dân khi phát giác ra đối tượng có hành vi trộm chó họ quá bức xúc và vây đánh hội đồng.

“Muốn giải quyết phải đi từ gốc rễ, phải tăng hình phạt vì đây không phải là vụ trộm vặt bình thường. Thế nên hệ thống pháp luật cần thiết bổ sung quy định pháp lý giúp người dân chứng minh, khẳng định quyền sở hữu chó, có cơ chế định giá rõ ràng như là tài sản cá nhân bình đẳng như những đồ vật, phương tiện khác để phân xử các tình huống tranh chấp hoặc làm căn cứ khép tội. Trong trường hợp, chó có giấy tờ chứng nhận mua bán có thể xem đây là căn cứ xử lý hình sự mà không cần phải đưa ra định giá. Mạnh hơn nữa là đưa tội trộm chó vào Bộ luật Hình sự và đưa các vụ trộm chó ra xử lưu động…”, Luật sư Thái kiến nghị.

Cũng theo Luật sư Thái, đối với các đối tượng cầm đầu trong vụ đánh hội đồng kẻ trộm chó cũng phải xử lý nghiêm chứ không thể “hòa cả làng” được. Từ đó, chính quyền địa phương cần tuyên truyền sâu rộng đến toàn dân về vấn đề tư pháp trong việc phòng chống và xử lý các đối tượng có hành vi trộm chó để người dân hiểu được để tránh các hành động quá khích.

Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình với quan điểm trên. Đành rằng chó là vật nuôi trung thành với nhiều gia đình, tuy nhiên việc cả làng quây đánh một người trộm chó đến chết là hành động coi thường pháp luật nghiêm trọng. Với xu hướng gia tăng như vừa qua, chắc chắn có những kẻ cầm đầu, kích động.

Việc người dân vừa làm quan tòa, vừa làm người thi hành án là hành động không thế chấp nhận. Nếu cứ để người dân tự xử như vậy, xã hội sẽ loạn.

“Chính việc chính quyền không xử nghiêm ngay từ đầu các trường hợp đánh hội đồng làm chết người đã tạo điều kiện cho nhiều đối tượng tái diễn hành vi coi thường mạng người, vi phạm pháp luật. Mọi vụ án khi có người chết đều xếp vào loại có tính chất nghiêm trọng trở lên. Nhưng lấy lý do “khó xác định thủ phạm”, nhiều cơ quan chức năng đã không sát sao điều tra đến cùng, dẫn đến người chết thì chịu thiệt, thủ phạm vẫn nhởn nhơ. Rõ ràng, chính quyền không thể vô can trước thực trạng trên”, một chuyên gia khác nói.

Thảo Phượng/PetroTimes

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *