Biết tôi công tác ở Đà Nẵng nên mấy hôm nay rất nhiều bạn bè và người thân trong khắp cả nước gọi điện, hỏi thăm về ông Nguyễn Bá Thanh. Không chỉ người dân Đà Nẵng, mà người dân trên cả nước đang hết sức quan tâm đến sức khỏe của ông. Vì sao như vậy?
Đơn giản hai chữ “vì dân”
Đúng như vậy, không phải lúc này ông đang lâm trọng bệnh mà người dân quan tâm đến ông. Còn nhớ năm 2012, khi nghe tin ông sắp ra Hà Nội nhận công tác mới, đại đa số người dân thành phố sông Hàn bùi ngùi, tiếc nuối, cảm thấy trống vắng. Nhiều người lo lắng không biết người kế nhiệm ông sẽ như thế nào…
Tôi đã được dự buổi ông tiếp xúc với gần 2.000 hộ tiểu thương buôn bán ở chợ Cồn và một số chợ lân cận. Thời ấy, các hộ buôn bán ở đây nhốn nháo trước tin thành phố sẽ lấy chợ Cồn để xây dựng Trung tâm thương mại. Là người buôn bán lâu năm tại đó, ai cũng lo sợ về kế sinh nhai của mình sẽ ra sao, nếu không còn chỗ buôn bán, phải chuyển sang chỗ mới. Không khí lo âu, băn khoăn bao trùm lên không gian vốn luôn náo nhiệt và sôi động. Song những toan lo, băn khoăn ấy được giải tỏa ngay sau cuộc tiếp xúc.
Chị Nguyễn Thị Thúy Hạnh, một tiểu thương đã vui sướng nói rằng “tôi cứ tưởng gặp ông Bí thư là khó lắm, ai ngờ ông dân giã và giải quyết nguyện vọng của chúng tôi một cách nhanh chóng như thế…”. Trong buổi tiếp xúc ấy, ông chăm chú lắng nghe là chính, ông không ngắt lời bất cứ ai, dù có người gay gắt, có người nặng lời phê phán. Tôi để ý, ông Thanh không hề khó chịu trước những lời nói gọi là “khó nghe” ấy. Kết luận buổi tiếp xúc, ông nhẹ nhàng nói rằng, chính quyền đã đáp ứng nguyện vọng, bà con cứ yên tâm buôn bán, nhưng tôi chỉ xin nhắc, làm nghề gì cũng vậy, cái tâm cái đức phải để hàng đầu, buôn bán cũng phải có văn hóa, ai dịu dàng chân thật thì được phúc, phúc ấy là khách hàng, ai buôn gian bán lận thì mất khách, nặng hơn thì bị phạt hành chính, nặng nữa thì bị xử lý theo quy định của pháp luật… Lúc đó gần 2.000 tiểu thương rất vui mừng. Song không ít người có những lời “quá đáng” trong cuộc tiếp xúc đã lặng lẽ cúi đầu…
Tôi cũng đã được dự cuộc tiếp xúc cử tri quận Sơn Trà của ông Nguyễn Bá Thanh, vào sáng 26/4/2013. Đây được coi là buổi tiếp xúc cuối cùng của ông trên cương vị Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng.
Ngoài việc trả lời thỏa đáng ý kiến cử tri, ông còn “mách nước” cho nhân dân cách xử lý về sự thiếu trung thực của một vài cán bộ thuộc ban quản lý dự án. Ông bảo, tại sao lại có trường hợp anh (Ban quản lý dự án-PV) “thoáng” với hộ này, “ép” hộ kia, vấn đề là ở chỗ ấy “thoáng” chưa hẳn là anh tận tụy vì dân đâu, mà phía sau ấy là có chuyện “đi đêm” đấy; còn anh “ép” tôi, “đì” tôi thì tôi kiến nghị, tôi kiện. Cái ghế anh ngồi coi chừng đổi chủ. Tất nhiên, ông nhấn mạnh, nhân dân có quyền giám sát, quyền được biết, có quyền kiến nghị, nhưng tất cả phải theo quy định, đừng đội đơn vượt cấp làm gì, vừa mất thời gian, vừa mất công sức, có gì cứ điện thoại cho ông.
Bà Nguyễn Thị Vân Lan, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng ban Dân vận thành phố, nay là Phó Chủ tịch Hội bảo trợ Phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố cho hay, bệnh viện ung thư Đà Nẵng được như ngày hôm nay công đầu thuộc về ông Nguyễn Bá Thanh. Bà Lan kể rằng, sau khi đi thăm quan cơ sở Bệnh viện Ung thư ở TP Hồ Chí Minh, ông Thanh thấy người nhà bệnh nhân phải nằm la liệt ngoài hành lang. Tình trạng ấy không riêng gì ở bệnh viện này, mà ở bệnh viện nào cũng có, ai vào bệnh viện cũng đều thấy cả. Nhưng duy nhất chỉ có ông Nguyễn Bá Thanh là người trăn trở, thấu hiểu và thông cảm với bệnh nhân và cả người nhà của họ. Chính vì vậy, khi xây dựng bệnh viện Ung thư tại Đà Nẵng, ông Bá Thanh đã đưa ra chủ trương xây thêm khu ký túc xá để có chỗ ở cho người nhà bệnh nhân. Không chỉ vậy, ông còn chỉ đạo trích ngân sách, vận động những nhà hảo tâm giúp đỡ thêm, nhờ đó người nhà người bệnh nhân có bữa ăn trong những ngày ở bệnh viện chăm sóc thân nhân của mình. Với tầm nhìn và tấm lòng của mình, ông Bá Thanh chính là người đã san sẻ bớt gánh nặng cho biết bao gia đình, cho biết bao con người không may mắc bệnh hiểm nghèo..
Bà Vân Lan nói: “Dù anh đã ra Trung ương làm việc, nhưng anh vẫn là Chủ tịch Hội bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố. Với tinh thần làm việc vì cái lợi chung, với tấm lòng vì dân, thương dân. Tôi tin rằng anh Bá Thanh sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và tiếp tục chỉ đạo, dìu dắt Hội chúng tôi trong thời gian tới”.
Cầu cho ông Thanh qua cơn bạo bệnh
Nhiều ngày qua người dân Đà Nẵng không ai bảo ai nhưng đều có chung một tâm trạng, đấy là sự bồn chồn, lo lắng về sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh. Cách đây mấy ngày, nhiều người dân không chỉ ở quận Liên Chiểu mà ở các quận huyện trên địa bàn thành phố đã về Tịnh thất Bửu Sơn ở đường Đà Sơn, quận Liên Chiểu cầu an cho ông Nguyễn Bá Thanh.
Thượng tọa Thích Quảng Tâm, chủ trì buổi lễ cầu an cho chúng tôi biết, buổi lễ cầu an này không phải do ai đứng ra tổ chức cả. Nhiều ngày qua có rất nhiều phật tử, nhiều người dân khi nghe ông Thanh lâm bạo bệnh đã lo lắng tự động đến đây để thắp hương cầu an cho ông. Buổi lễ được tổ chức kết hợp với lễ cầu siêu cho thân phụ của Thượng tọa là liệt sĩ.
Trước đó, ngay từ tháng 10/2014 khi nghe tin ông Bá Thanh lâm trọng bệnh, nhiều người dân cũng đã đến chùa Linh Ứng ở Sơn Trà lập đàn cầu an cho ông, mong ông sớm bình phục sức khỏe về lo việc dân, việc nước. Có thể nói, tấm lòng của người dân Đà Nẵng đối với ông Nguyễn Bá Thanh là hết sức chân thành, người dân lo lắng cho ông, như lo cho chính người thân của chính mình. Trong mấy ngày qua, chính bản thân tôi cũng như nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí khác, lúc thì ở sân bay quốc tế Đà Nẵng, khi thì về địa chỉ nhà riêng của ông. Và tại đây chúng tôi đã gặp rất nhiều người dân thành phố cùng chung tâm trạng.
Chiều ngày 2/1, gặp chị Trần Thị Chính, một thương binh ở gần chợ Hàn Đà Nẵng tại cổng nhà riêng ông Nguyễn Bá Thanh ở đường Cách mạng tháng Tám. Chị Chính hai mắt đỏ hoe, chị bảo: “Tôi hoang mang quá, mấy ngày nay đọc thông tin trên mạng, chẳng biết thực hư thế nào, tôi phải nhờ người chở lên nhà anh Thanh hỏi thăm”.
Cũng như chị Chính, anh Nguyễn Xuân Trình, một thời là Phó chủ nhiệm hợp tác xã, khi ông Bá Thanh làm Chủ nhiệm, anh bảo: “Tôi ở quận Cẩm Lệ, mấy ngày nay tôi cứ chừng chừng phóng xe xuống nhà anh Thanh, ở nhà nóng ruột không yên…”.
Tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, chúng tôi gặp không ít cựu chiến binh, những người lao động bình thường, nghe tin ông Nguyễn Bá Thanh về nước chữa bệnh, ai cũng mong muốn được nhìn thấy ông, ai ai cũng cùng chung suy nghĩ, cùng cầu mong cho ông vượt qua bạo bệnh và sớm bình phục. Ông Chế Đăng Khoa, một cựu chiến binh nói: “Nghe tin ông Thanh về nước chữa bệnh, tôi cùng mấy người bạn ra sân bay, chúng tôi ra đây không phải vì sự hiếu kỳ, chúng tôi ra đây với tấm lòng của một công dân đối với người lãnh đạo để lại nhiều dấu ấn của sự phát triển của thành phố”.
Tôi cũng đã gặp anh em trong đội xe gắn máy làm nghề chở khách ở phường Hòa Thọ Tây, mà mọi người quen gọi là xe ôm. Thời ông Bá Thanh làm Bí thư Thành ủy, Đội xe này được ông biểu dương về thành tích giữ gìn an ninh trật tự, anh em trong đội vừa hành nghề kiếm sống, vừa là những đội viên bắt cướp, giữ gìn trật tự an ninh trên địa bàn. Anh Lê Đức Tịnh, một thành viên trong đội nói rằng: “Có lần chúng tôi xem truyền hình trực tiếp từ cuộc họp Hội đồng nhân dân thành phố, anh em chúng tôi sướng rơn khi được nghe chính ông Nguyễn Bá Thanh biểu dương, ông nói với các đại biểu lúc nào rảnh rỗi xách rượu xuống uống với anh em chúng tôi. Anh em bọn tôi không cho đây là chuyện “lời nói gió bay”, mà đấy là tấm lòng của người lãnh đạo đối với người dân, biết rằng ông bận nhiều công việc, nhưng được nghe ông nói vậy là anh em vui lắm”.
Anh Tịnh bảo, khi nghe tin ông ra Hà Nội, anh em tụi tôi buồn, thấy trống vắng, anh em bảo nhau vậy là từ nay không được nghe, được xem ông trên truyền hình qua các buổi chất vấn ở các cuộc họp Hội đồng nhân dân nữa. Giờ lại nghe ông lâm bệnh nặng, thú thực ông không phải bà con, ruột rà của bọn tôi, nhưng chúng tôi thực sự lo lắng cho sức khỏe của ông, anh em chúng tôi cầu mong ông sớm bình phục.
Tôi cũng đã được nghe nhiều ý kiến của các nhà đầu tư, trong đó có cả những Việt kiều đang làm ăn tại Đà Nẵng, họ đều nhận xét về ông với một tình cảm mến mộ, ông Nguyễn Bá Thanh là con người của công việc, ông làm việc nguyên tắc, nhưng trong cái nguyên tắc ấy đều có cái tình, ông luôn lắng nghe ý kiến các nhà đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi có thể để các nhà đầu tư làm việc có hiệu quả, chúng tôi thật sự kính trọng nhân cách của ông, nhân cách của một quan chức chính quyền đầy tâm huyết…
Có thể nói, những tình cảm chân thành của các tầng lớp nhân dân thành phố Đà Nẵng và cả nước dành cho ông Nguyễn Bá Thanh là tấm lòng, là niềm tin và cả sự ngưỡng mộ trước một nhân cách; một cán bộ tận tụy với công việc; một con người luôn trăn trở, lo toan cho sự phát triển bền vững của Đà Nẵng; sự tâm huyết xây dựng chính quyền vì dân; sự đau đáu với từng mảnh đời, từng số phận. Cái tình mà người dân dành cho ông xuất phát từ tự đáy lòng. Cuộc sống bình dị và hành động quyết liệt của ông đã lay động hàng triệu trái tim.
Cầu mong cho ông qua cơn bạo bệnh để tiếp tục lo cho dân, cho nước.
Đà Nẵng ngày đầu năm
Đặng Trung Hội (tổng hợp)
Báo Petrotimes
Tin cùng chuyên mục:
Nguyễn Xuân Diện và sự thật lịch sử về Hải chiến Hoàng sa
Con trai ông Trump nói Tổng thống Zelensky nài nỉ được mời đến buổi lễ nhậm chức
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA