Ông Hoàng Văn Nghiên xin trả biệt thự
TP – Ngày 8/12, Thường trực Thành ủy chấp thuận nguyện vọng của nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên là trả lại biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa. Biệt thự sẽ được thu lại ngay trong tháng này.
Biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa và một số tít các bài báo trên Tiền Phong từ năm 2006 đến nay. Ảnh: Như Ý
Tháng 3/2013, Sở Xây dựng thành phố Hà Nội nỗ lực tìm địa điểm mới là căn nhà tại Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) để ông Nghiên an cư và trả lại biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa để thành phố dùng vào việc khác. Ngày 20/5/2013, ông Nghiên có thư chấp thuận với phương án này. Tuy nhiên, đến tháng 7/2013, ông Nghiên bất ngờ đổi ý, đề nghị tìm nhà ở vị trí mới. Điều này khiến cho công việc tìm nhà cho ông Nghiên kéo dài hơn một năm nữa, từ giữa năm 2013 đến cuối năm 2014.
Trong lúc dư luận sôi sục về khối tài sản phải bị thu hồi của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, tại Hà Nội, ngày 20/11/2014, ông Nghiên chính thức có thư chấp thuận phương án mà Sở Xây dựng đề xuất trước đó. Theo đó, sau khi trả lại biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa, ông sẽ được thành phố mua một lô đất 163m2 tại khu đô thị Đông Hồ, Nghĩa Đô, sau đó thành phố xây nhà và cho ông Nghiên thuê. Nếu có nhu cầu, thành phố sẽ bán căn biệt thự trên cho ông theo Nghị định 61. Theo giới kinh doanh bất động sản, khối tài sản này có giá trên 30 tỷ đồng.Tuy nhiên, sau khi báo Tiền Phong liên tiếp nêu về sự việc này, ngày 5/12, ông Nghiên có thư gửi Sở Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội xin trả lại biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa. Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, lý do ông đưa ra là “vụ việc xảy ra đã kéo dài” và “ít nhiều ảnh hưởng đến công việc chung của thành phố”…
Ngay sau khi có đơn xin trả lại nhà của ông Nghiên, Thường trực UBND thành phố Hà Nội họp bàn giải quyết vụ việc này. Tinh thần cuộc họp là thống nhất chấp thuận nguyện vọng trả lại biệt thự. Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng giao Sở Xây dựng và Cty Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội căn cứ pháp luật, có thể tìm chỗ ở mới cho ông Nghiên nếu ông có nguyện vọng.
Nguồn tin của Tiền Phong cho biết, phương án mua đất xây nhà tại khu đô thị Đông Hồ Nghĩa Đô cho ông Nghiên thuê như đề xuất trước đây đã không được đề cập.
Mặt tiền biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa Ảnh: Ngọc ChâuTheo thông tin của Tiền Phong, chiều 8/12, Ban cán sự Đảng thành phố Hà Nội có báo cáo gửi Thường trực Thành ủy về vụ việc biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa và có cuộc họp ngay trong chiều 8/12. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo thành phố Hà Nội, Thường trực Thành ủy chấp thuận với phương án mà UBND thành phố Hà Nội đề xuất.
Cụ thể, Thường trực Thành ủy chấp thuận với nguyện vọng được trả lại biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa. Các cơ quan chức năng của thành phố sẽ thanh lý hợp đồng thuê biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa và bàn giao lại cho thành phố xong trong tháng 12. Theo tìm hiểu của Tiền Phong, thành phố dùng thuật ngữ “ thanh lý” thay vì “thu hồi” vì ông Nghiên vẫn đang thực hiện hợp đồng thuê nhà và làm nghĩa vụ tài chính đầy đủ.
Sau khi trả nhà 12 Nguyễn Chế Nghĩa, ông Nghiên có được thuê, mua biệt thự tại Nghĩa Đô nữa hay không? Một nguồn tin của Tiền Phong nói rằng, lãnh đạo thành phố không đề cập việc này nữa mà chỉ giao cơ quan chức năng giúp ông Nghiên tìm chỗ ở mới trên tinh thần những quy định hiện có của luật pháp để đảm bảo lợi ích (nếu có) của ông.
Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, việc thành phố Hà Nội dự định mua căn nhà 163m2 tại quận Cầu Giấy (như trong đề xuất tháng 3/2013 của Sở Xây dựng Hà Nội gửi ông Hoàng Văn Nghiên) để ông thuê và mua lại nếu có nhu cầu là không đúng quy định. Vì nếu hình thành do ngân sách mua và xây mới, căn nhà sẽ không phải là nhà thuộc sở hữu nhà nước trong quỹ nhà được quản lý bởi Nghị định 61 trước đây (nay là Nghị định 34).
Dự kiến, trong ngày hôm nay (9/12), UBND thành phố Hà Nội sẽ có thông báo chính thức về vụ việc liên quan biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa.
Tin cùng chuyên mục:
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga
Trừng phạt Nga hay cuộc ‘chiến tranh kinh tế’ tổng lực của phương Tây trên khắp thế giới