SỰ TRÁO TRỞ CỦA MỘT NGƯỜI TỪNG LÀ…LUẬT SƯ

Người xem: 398

Sự tráo trở của một người từng là… luật sư !

Thứ ba, 18/11/2014 – 03:03 AM (GMT+7)

Sau hơn ba năm chấp hành án vì “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, ngày 6-2-2013, Lê Công Định được ra tù trước thời hạn. Ngỡ rằng sau khi được hưởng lượng khoan hồng của Nhà nước, Lê Công Định sẽ rút ra bài học để làm lại cuộc đời, song qua một số ý kiến đã công bố, lại thấy dường như anh ta đang muốn chứng minh mình là con người tráo trở?

Năm 2010, trước khi tòa nghị án, Lê Công Định đã thành khẩn nhận tội, tỏ ra ân hận vì “đi ngược lại những đóng góp của gia đình trong hai cuộc kháng chiến”. Đến hôm nay, vi-đê-ô clip và lời nhận tội của Lê Công Định vẫn còn nguyên trên internet, cho thấy việc làm “có mục đích tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam, hành vi của tôi đã vi phạm pháp luật Việt Nam, cụ thể là Điều 88 Bộ luật Hình sự, như tôi bị khởi tố. Tôi rất hối hận về sai lầm của mình mà vì đó mà tôi đã bị bắt tạm giam như ngày hôm nay. Do vậy, tôi đã hợp tác khai báo đầy đủ về việc làm của mình cho cơ quan điều tra, mong muốn được hưởng các tình tiết giảm nhẹ và sự khoan hồng theo quy định của pháp luật”.

Sau hơn ba năm, do chấp hành tốt nội quy trại giam trong quá trình thụ án, Lê Công Định đã được ra tù trước thời hạn. Trở về với gia đình, với xã hội, thời gian đầu, Lê Công Định khá im hơi lặng tiếng, nhưng từ ngày 3-2-2014, sau khi trả lời phỏng vấn của BBC với những dòng phác họa “Từ năm lên bảy tuổi, tôi đã bắt đầu quan tâm đến chính trị. Năm lên 14 tuổi, tư tưởng tôi dần định hình. Đến năm 20 tuổi, khi sự kiện Đông Âu diễn ra, tôi xác định phải làm gì đó để thay đổi đất nước theo hướng xây dựng một quốc gia pháp trị và xã hội dân sự. Hơn 20 năm nay vẫn như vậy, không lý do gì để biến cố của bốn năm vừa qua có thể thay đổi lý tưởng của tôi” thì dường như anh ta bắt đầu hoạt động trở lại thông qua facebook, qua những bài viết, bài trả lời phỏng vấn trên một số diễn đàn của các thế lực thù địch, hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam?

Ai cũng hiểu một điều đơn giản, một người có bản lĩnh sẽ rất khó có thể bị lôi kéo. Song theo lời khai của Lê Công Định với Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) vào năm 2009 thì anh ta lại liên tục bị lôi kéo, lúc thì: “Với sự lôi kéo của Nguyễn Sĩ Bình, tôi đã tham gia Đảng Dân chủ Việt Nam và là thành viên Ban Thường vụ tổ chức này và đã tham gia các việc làm tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam”, lúc thì “Đầu tháng 3-2009, tại Pattaya, Thái-lan, tôi đã bị tổ chức Việt tân lôi kéo tham gia lớp huấn luyện đấu tranh bất bạo động”! Và đâu là sự chín chắn khi một người từng mang danh “luật sư” mà khi bàn về tự do ngôn luận, tự do báo chí trên BBC lại chỉ dẫn lại điều luật quốc tế hay điều luật nước này, nước khác có lợi cho mình (như để lòe bịp người chưa đọc các văn bản đó?), tảng lờ các nội dung có tính chế định và ràng buộc: “Trong khi thực hiện những quyền và quyền tự do cho cá nhân, mọi người chỉ phải tuân thủ các hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền và quyền tự do của những người khác, đáp ứng được các đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ” (khoản 2 Điều 29 Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế); “Việc hành xử quyền tự do phát biểu quan điểm (…) đòi hỏi đương sự phải có những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu: a. Tôn trọng các quyền tự do và thanh danh của người khác; b. Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý” (khoản 3 Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị); “việc thực thi các quyền con người phải được xem xét trong bối cảnh khu vực và quốc gia, tính đến hoàn cảnh khác nhau về chính trị, kinh tế, pháp lý, xã hội, văn hóa, lịch sử và tôn giáo” và “Việc thực thi nhân quyền và các quyền tự do cơ bản sẽ chỉ được giới hạn theo quy định của luật pháp nhằm mục đích bảo đảm việc thừa nhận nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của những người khác, và để đáp ứng các yêu cầu chính đáng về an ninh quốc gia, trật tự công cộng, y tế công cộng, an toàn công cộng, đạo đức công cộng, cũng như phúc lợi chung của tất cả mọi người trong một xã hội dân chủ” (Điều 7, Điều 8 Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN)?

Đồng thời với việc đưa ra ý kiến không hoàn chỉnh về tự do ngôn luận, tự do báo chí, Lê Công Định còn có xu hướng “hoài cổ”, soi mói lịch sử nhằm xuyên tạc (hay mê hoặc người đọc thiếu am hiểu lịch sử?). Thí dụ, để hạ thấp ý nghĩa trọng đại của ngày 2-9, mấy tháng trước, trong khi nhân dân cả nước hồ hởi đón chào Quốc khánh thì Lê Công Định công bố trên facebook, sau đó gửi đăng trên BBC ý kiến cho rằng, ngày 11-3-1945 “Bảo Đại ký đạo dụ “Tuyên cáo Việt Nam độc lập”, hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884 cùng các hiệp ước nhận bảo hộ và từ bỏ chủ quyền khác, khôi phục nền độc lập của đất nước, thống nhất Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ” là “thời điểm đáng lưu ý… xét về phương diện thực tế và pháp lý, Việt Nam đã thực sự độc lập từ ngày 11-3-1945”! Viết như vậy, Lê Công Định tự chứng tỏ anh ta hoặc là người rất kém hiểu biết lịch sử, hoặc cố tình xuyên tạc lịch sử để phủ nhận một sự kiện, một giá trị quan trọng của đất nước Việt Nam. Bởi người Việt Nam am hiểu lịch sử dân tộc đều biết ngày 11-3-1945 Bảo Đại ký đạo dụ “Tuyên cáo Việt Nam độc lập”, ra tuyên bố này khác,… là do sức ép của phát-xít Nhật, qua đó chấp nhận thay thế thế lực ngoại xâm đô hộ này (Pháp) bằng thế lực ngoại xâm đô hộ khác (phát-xít Nhật). Để sáng tỏ, Lê Công Định nên tìm đọc hồi ký của ông Trần Trọng Kim cùng các tài liệu liên quan để hiểu quan hệ của ông với người Nhật như thế nào, tại sao lại có ý kiến cho rằng “Trần Trọng Kim bị người ta dùng làm con bài, mà vẫn tưởng là họ cho ông ra đóng góp với dân tộc”!

Phát ngôn bừa bãi về ngày độc lập của dân tộc xong, Lê Công Định chuyển sang ca ngợi… chế độ Sài Gòn trước đây! Như muốn hùa theo mấy kẻ chống cộng người Mỹ gốc Việt đang sống ngày tàn nơi đất khách quê người và tự huyễn hoặc, tự an ủi nhau về “quá khứ oai hùng”, Lê Công Định làm thơ “kính tặng” một viên tướng vì bại trận phải tự sát và “tướng lĩnh, binh sĩ VNCH”, mà qua câu thơ “Từng thao lược, can trường xông trận mạc – Giặc thù phơi xác, máu loang chân” (!) là có thể hiểu anh ta đứng về phía nào. Sau đó, nhân “ngày giỗ Ngô chí sĩ” và kỷ niệm sự kiện Ngô Đình Diệm phế truất Bảo Đại, Lê Công Định vừa viết trên facebook coi Ngô Đình Diệm là “nhân vật từng có sự nghiệp vĩ đại nhất của dân tộc ở thế kỷ 20…, nhân vật lịch sử đã từng tranh đấu và ngã xuống vì quốc gia Việt Nam” (!), vừa đưa lên internet bức ảnh chụp anh ta đứng bên mộ Ngô Đình Diệm như muốn khẳng định không nói suông!? Thậm chí mới đây, trong một status đăng trên facebook cá nhân, trong khi xưng xưng viết “lịch sử phải khách quan”, anh ta lại bất chấp sự thật lịch sử, ngang nhiên coi việc chính quyền Ngô Đình Diệm “lê máy chém” giết hại nhân dân miền nam là “vu cáo… luận điệu tuyên truyền của nhà nước”! Bàn về một vấn đề hệ trọng như thế, nhưng không tìm hiểu lịch sử, hay anh ta cố tình bỏ qua lịch sử để “làm đẹp thần tượng Ngô chí sĩ”!? Rất nhiều tài liệu về tội ác của chính quyền Ngô Đình Diệm do chính người Mỹ và nhiều người nước ngoài viết đã xuất bản, chẳng lẽ Lê Công Định không đọc? Còn về máy chém, mọi người đều biết đó là một công cụ man rợ mà chính quyền Ngô Đình Diệm sử dụng để giết hại đồng bào, mà cái chết của Ba Cụt (tức Lê Quang Vinh, bị chém ở Cần Thơ năm 1956), Hoàng Lệ Kha (Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh, bị chém ở Tây Ninh năm 1960),… là những sự kiện đủ chứng minh Lê Công Định cố tình đổi trắng thay đen, phớt lờ sự thật lịch sử. Nếu là người cầu thị, Lê Công Định cần đọc mấy dòng của tác giả Cao Hữu Tâm khi trao đổi với một số người đang lao xao “hoài Ngô” đã viết trên trang mạng sachhiem.net: “Cụ đã mục xương lâu rồi, đừng mang cái xác thối của cụ ra bắt người khác ngửi mùi tử khí “anh minh” nữa. Cụ do Mỹ cho về, cũng lại do Mỹ bứng đi, đó là quy luật của nhờ cậy rồi phản bội, thôi. Còn muốn chống cộng, không phải chỉ văng tục chửi thề tục tĩu là cộng sản chết đâu, mà kết quả ngược lại, tức là bị phản ép – phê rồi đó!”.

Tuy nhiên, sự tráo trở của Lê Công Định thể hiện rõ nhất khi anh ta viết: “Chính biến cố bắt giam tôi ngày 13-6-2009 đã đẩy tôi vào con đường chính trị một cách bất đắc dĩ”! Viết như thế, chẳng hóa ra là Lê Công Định tự “vả” vào những gì anh ta nói khi trả lời phỏng vấn của BBC như đã dẫn ở trên? Từ sự thành khẩn nhận tội của anh ta trước tòa, thử hỏi ai đã tham gia “ban thường vụ” của cái gọi là “đảng dân chủ Việt Nam” của Nguyễn Sĩ Bình ở Hoa Kỳ, và nếu không bị bắt giữ thì còn giữ chức “tổng thư ký” của cái “đảng” bịp bợm này? Thử hỏi, ai đã tham gia “khóa huấn luyện” của tổ chức khủng bố “Việt tân” năm 2009 ở Pattaya (Thái-lan)? Thử hỏi, ai đã lấy các bí danh Nguyên Kha, Paul, C4 (Chị Tư) để liên lạc với đồng bọn, soạn thảo 33 tài liệu công kích chế độ? Thử hỏi, ai đã công khai thừa nhận “Tôi thấy những việc làm của tôi đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Tôi rất ân hận với hành vi sai trái của mình”? Chẳng lẽ đó không phải là hoạt động chính trị? Bằng các câu chữ này, Lê Công Định không chỉ tráo trở sổ toẹt lời khai mà qua đó như muốn đổ lỗi cho chính quyền đã đẩy anh ta vào “con đường chính trị”. Phải chăng Lê Công Định muốn dọn đường để tiếp tục đi trên con đường cũ bằng cách thức khác? Phải chăng anh ta muốn đánh tiếng về “lòng trung thành” với ai đó? Tiền hậu bất nhất, nhưng lời khai, vi-đê-ô clip nhận tội của anh ta thì vẫn còn rành rành trên internet. Thiết nghĩ, từng là một “luật sư” được ca ngợi có “tài năng”, nhưng Lê Công Định lại công khai thể hiện thái độ tráo trở như vậy thì thử hỏi, đâu là con người đích thực của anh ta?

Vũ Hợp Lân/Nhân Dân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *