Hoàng Hữu Phước: VỀ PHÁT BIỂU CỦA ÔNG TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA TRÊN BÁO TUỔI TRẺ

Người xem: 190

Khoai@

Phát biểu của ông Hoàng Hữu Phước về ông Trương Trọng Nghĩa gây ra sự tranh cãi ồn ĩ trong dư luận. Đẩy vụ việc tới đỉnh điểm chính là báo chí, mặc dù dưới góc nhìn dân chủ, một nhận xét thẳng thắn, trách nhiệm như thế việc hoàn toàn bình thường.

Cá nhân Khoai@ không thấy có vấn đề gì phải nặng lời với ông Phước, và nếu như được sự góp ý như vậy, ông Nghĩa cũng nên vui mừng mới phải.

Xin giới thiệu bài của ông Hoàng Hữu Phước khiến cho ông Trương Trọng Nghĩa có phản ứng và báo giới có việc để tung hứng.

Hoàng Hữu Phước, MIB

Một cử tri bức xúc gởi tin nhắn cho tôi nói về một phát biểu của Ông Trương Trọng Nghĩa trên báo Tuổi Trẻ về tình trạng “gánh nhiều vai” của Đại biểu Quốc hội và cái gọi là “lương tâm” nên có nơi những Đại biểu Quốc hội nên “từ nhiệm” nếu không thể “gánh nhiều vai” ấy. Tôi tìm xem phát biểu ấy của Ông Trương Trọng Nghĩa và xin có nhận xét sau:

Việt Nam có luật pháp của Việt Nam. Quốc Hội Việt Nam hoạt động trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc luật pháp của Việt Nam. Khi nói Đại biểu Quốc hội Việt Nam “gánh nhiều vai” nên khó thể toàn tâm toàn lực phục vụ nhân dân, rồi so sánh với nghị sĩ nước ngoài (ắt là so sánh với nghị sĩ Hoa Kỳ) chỉ gánh có một vai nên suy ra toàn tâm toàn lực phục vụ nhân dân, Ông Trương Trọng Nghĩa sẽ dễ bị hiểu lầm là muốn nêu lên sự hồ nghi đối với chất lượng chuyên nghiệp, cái tâm, cái tầm, cái bản lĩnh, và cái quyết tâm vì nước vì dân của đại đa số Đại biểu Quốc hội Việt Nam vốn không là đại biểu chuyên trách.

Thố lộ sự trăn trở về việc “gánh nhiều vai”, Ông Trương Trọng Nghĩa có thể đã lo lắng rằng đa số các nghị sĩ Việt Nam là các chức sắc lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể ở 64 tỉnh thành, nên (a) các vị này rất có thể sẽ “đá lộn sân” giữa hành pháp với lập pháp hoặc sẽ dính đến lợi ích nhóm nếu người thuộc tư pháp lại tham gia lập pháp, (b) các vị này bận lo trọng trách ở cơ quan nên ắt sẽ không toàn tâm lo việc Quốc hội, và (c) có thể các vị này không mong muốn làm Đại biểu Quốc hội do không tự ra ứng cử. Ông Trương Trọng Nghĩa do đó đề xuất rằng vị nào không cáng đáng nổi thì hãy xin “từ nhiệm để cho người khác làm”. Đề xuất này rất lạ lùng vì:

1) Đại biểu Quốc hội do dân bầu lên theo Hiến Pháp và luật pháp về bầu cử Quốc hội nê không thể có việc hễ có một Đại biểu Quốc hội nào đó từ nhiệm là có người khác vào làm Đại biểu Quốc hội thay thế.

2) Lãnh đạo các cơ quan trọng yếu của nhà nước hoặc do Chính Phủ bổ nhiệm (được Quốc hội chuẩn y) hoặc do Ủy Ban Nhân Dân bổ nhiệm (được Hội đồng Nhân dân chuẩn y) theo hiến định và pháp định, nên càng không thể có việc hễ có một vị Đại biểu Quốc hội từ bỏ chức vụ trong hệ thống hành chính công quyền (để tập trung cho công việc Đại biểu Quốc hội dù thuộc diện không chuyên trách) là có người nào đó từ ngoài vào làm chức sắc hành chính công quyền thay thế.

3) Khi trăn trở về số lượng đại biểu chuyên trách quá ít, Ông Trương Trọng Nghĩa dễ gây hiểu lầm rằng đại đa số Đại biểu Quốc hội toàn là kiêm nhiệm nên khó thể làm tròn trách nhiệm đại biểu dân cử trong Quốc hội. Việc gia tăng số lượng đại biểu chuyên trách là việc rất bình thường và tất yếu vì để đáp ứng yêu cầu cao của đất nước Việt Nam ngày càng phát triển cao. Chưa kể thực tế là Quốc Hội khóa nào cũng có các đại biểu chuyên trách và các ủy ban chuyên môn, song kết quả công việc không khả quan đồng bộ y như nhau, thí dụ như an ninh quốc phòng thì hiệu quả, tài chính ngân hàng thì tiến chậm, còn giáo dục thì thất bại, v.v., nghĩa là nhất thiết phải có lộ trình để gia tăng dần dần số lượng đại biểu chuyên trách do chưa thể đáp ứng đầy đủ nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc hiệu quả cao cho hình thái lý tưởng của 100% chuyên trách, chưa kể cái gọi là “nguồn nhân lực” ấy có uy tín cá nhân về đạo đức, thành quả, và hiệu suất công tác cao để được người dân bầu vào cơ quan quyền lực nhất nước này để trở thành đại biểu chuyên trách hay không. Ngoài ra, ngân sách Nhà Nước Việt Nam chưa thể “trả lương” cho các Đại biểu Quốc hội khi 100% các vị này là “chuyên trách”.

4) Khi dùng từ “vai” trong “gánh nhiều vai”, Ông Trương Trọng Nghĩa đã thiếu cẩn trọng trong sử dụng ngôn từ vì vai trò rất khác với vai diễn. Trong hoàn cảnh thù trong, giặc ngoài rình rập đánh phá bằng vũ khí truyền thông thì sự bất cẩn trong từ ngữ dùng để nói về những điều trọng đại mang tính quốc gia và quốc thể sẽ nhanh chóng được lợi dụng bởi các kẻ thù của chế độ.

5) Và cuối cùng Ông Trương Trọng Nghĩa đã dùng chữ “lương tâm” trong khi không thể vạch mặt chỉ tên ai hoặc những ai đang không làm được việc do “gánh nhiều vai” để người dân biết ai là Đại biểu Quốc hội không có lương tâm nên từ nhiệm.

Ở Mỹ, khi đắc cử nghị sĩ, các vị đại gia tư bản từ chức vì (a) hiến định, (b) lương nghị sĩ rất cao, (c) phục vụ lợi ích nhóm hiệu quả hơn, (d) được bố trí làm lãnh đạo cấp cao của tập đoàn nếu phải từ chức lúc đương nhiệm do “nhận trách nhiệm trước một sự cố” hoặc do “bãi nhiệm” vì bị phát hiện tích cực phục vụ lợi ích nhóm. Trò chơi chính trị ở đây là: thí dụ như Đảng của Ông Obama muốn thân mật với Việt Nam, tất dẫn đến các sự việc tuần tự trước sau như sau:

– Đảng phải chiếm nhiều ghế tại Hạ Viện hay Thượng Viện – cả hai viện càng tuyệt – để dễ dàng ủng hộ thông qua tất cả các quyết sách của Obama.

– Các ứng cử viên Quốc Hội của Đảng thi nhau lấy lòng cử tri, chẳng hạn nữ nghị sĩ X muốn thu nhiều phiếu của cộng đồng người Việt ở California sẽ luôn mồm hô hào chống Cộng sản Việt Nam, luôn miệng sủa Việt Nam vi phạm nhân quyền; còn nam nghị sĩ Y muốn thu nhiều phiếu của người Mỹ gốc Mễ sẽ đến diễn thuyết kêu gào rằng y sẽ đòi Chính Phủ Liên Bang không được trục xuất người Mễ vượt biên vào đất Mỹ.

– Các ứng cử viên của Đảng đắc cử nên phải làm hài lòng cử tri: Nữ nghị sĩ X qua Việt Nam, chẳng cần đi đến vùng sâu vùng xa làm gì mà ở hotel ngắm phố phường Hà Nội rồi về Cali tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền.

– Việt Nam phản ứng chiếu lệ vì Việt Nam biết trò chơi chính trị rằng phải ủng hộ Đảng của Obama, nên phải lên tiếng phàn nàn để các cử tri chống Cộng đã dồn phiếu cho Bà Nghị sĩ X hả hê khi thấy bà ấy làm được việc khiến Việt Nam mất mặt phải phát ngôn này nọ than phiền.

– Bà Nghị sĩ X trở thành người sẽ biểu quyết ủng hộ tất cả các kế sách của Obama, kể cả kế sách tiến gần hữu hảo với Việt Nam hay viện trợ này nọ cho Việt Nam, v.v.

Đó là cái zigzag của trò chơi chính trị ở Mỹ của các nghị sĩ chỉ gánh một vai.

Ở Việt Nam, điểm đặc biệt là các nghị sĩ – đa số là kiêm nhiệm tức không hưởng lương của Quốc Hội – phải vừa thực sự phục vụ nhân dân trực tiếp qua các gánh vác trách nhiệm công quyền (trừ vài vị nghị sĩ thường dân tự ứng cử), vừa gián tiếp phục vụ nhân dân qua các kỳ họp Quốc hội, tại những Ủy ban mà họ là thành viên, và ở những khoản thời gian hiến định mà họ dành cho công tác người đại biểu dân cử.
******
Báo Tuổi Trẻ đăng ý kiến của Ông Trương Trọng Nghĩa mà không quan tâm đến những nội hàm tế nhị từ nội dung phát biểu của Ông Trương Trọng Nghĩa. Cái khó của báo chí là hầu như không thể kiểm tra chi li tất cả những nội dung trước khi lên khuôn, nhất là khi nội dung ấy của những vị có tiếng tăm thường hay xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đó là lý do gần đây trên Báo Tuổi Trẻ có những sai sót thí dụ như:

1) Số Tuổi Trẻ Cuối Tuần cận Tết ra ngày 19-01-2014 tại trang 11 có bài mang tựa đề Nhảy Với Sói của tác giả có cái tên Lê Nguyễn Minh, nói về cái gọi là “lợi thế ẩm thực Việt Nam” và ghi rằng Giáo sư Michael E. Porter lúc đến Việt Nam năm 2008 dự hội nghị về “cạnh tranh toàn cầu và thế mạnh Việt Nam” đã “gợi ý Việt Nam nên là bếp ăn của thế giới”. Đây là điều sai hoàn toàn vì nội dung “bếp ăn của thế giới” là ở sự kiện tháng 8 năm 2007 mà diễn giả là Giáo sư Philip Kotler.

2) Ngoài ra, cách chọn từ ngữ của Tuổi Trẻ rất không đúng khi thay vì dùng Người Việt Gốc Hoa lại dùng từ “Người Hoa”.



Những nhân vật được nói đến trong các bài báo trên của Tuổi Trẻ đều là Người Việt Nam, và họ được chính phủ giúp đỡ vì họ là Người Việt Nam, và tất nhiên họ thuộc một trong những dân tộc hoặc đa số hoặc thiểu số hoặc mới nhập tịch ở Việt Nam, mà ngôn ngữ chính thức gọi là Người Việt Gốc Hoa, Người Việt Gốc Khmer, Người Việt Gốc Pháp, Người Việt Gốc Hoa Kỳ, v.v. Trong khi Chính phủ Việt Nam ra sức yêu cầu Chính Phủ Campuchia có các biện pháp hành chính đúng đắn đối với những “người Campuchia gốc Việt” đã sống có khi đến cả đời hay nửa thế kỷ ở Campuchia không còn liên hệ huyết thống gia tộc gì với bất kỳ ai ở Việt Nam và không có bất cứ giấy tờ tùy thân hay tài liệu nào chứng minh họ trước đây là dân Việt Nam vậy mà vẫn không được Campuchia công nhận, không bao giờ được cấp giấy tờ, giấy hôn thú, giấy khai sinh, không được đi làm, không được đi học, không được hưởng bất kỳ phúc lợi nào từ đất nước Campuchia của họ, thậm chí bị đuổi xua và đối xử tàn tệ, v.v., thì báo chí viết bài giật tít “đồng bào”, “kiều bào ở Campuchia”, “người Việt ở Campuchia” , v.v. rất là tai hại.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *