Khoai@
Đọc bài “Chừ tui liều mạng luôn” trên Lao Động Online thấy cay cay nơi sống mũi. Cuộc sống vốn dĩ không công bằng và ngay cả cái quyền được bảo vệ quyền lợi chính đáng của với tư cách là một công dân cũng không thoát. Cụm từ “liều mạng” mà ông Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thừa Thiên – Huế sử dụng cho thấy ông quyết tâm hành động, cho dù biết mình khó thắng.
Câu chuyện Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thừa Thiên – Huế nhất quyết không chịu dời nhà, bàn giao mặt bằng làm đường đang là tâm điểm của dư luận. Được biết đó là căn nhà duy nhất còn lại không chịu di dời.
Ông chủ nhà huỵch toẹt: “Chừ có cách chức anh thì chả có vấn đề gì cả. Nhưng mất của anh 200 triệu đồng thì cuộc đời làm phó giám đốc của anh có bòn được hai chục triệu đâu!”. Thế và, với 6 lá đơn kiện không được giải quyết, ông tuyên bố “chừ tôi liều mạng luôn”!
Mới nghe có vẻ trái khoáy, nhưng ông ta nói đúng.
Nhiều người nhầm lẫn rằng, ông chủ nhà đó là Phó Giám đốc sở Tư pháp nên không được “chống đối“. “Chống đối” là sai, là ngồi xổm trên pháp luật. Đó là lối tư duy thủ cựu và chúng ta không nên quan niệm đó là sự “chống đối“, hãy quan niệm rằng, ông ta đang thực hiện quyền công dân của mình.
Thật ra, ông Phó Giám đốc Sở đã không sai khi bảo vệ quyền lợi của mình và ở đây là quyền khiếu nại, rằng: “Trước khi làm lãnh đạo thì tôi phải làm công dân đã, tôi khiếu nại với tư cách công dân chứ không phải làm lãnh đạo là cúi đầu chịu thiệt, bởi pháp luật là công bằng, ai cũng được hưởng“. Lại một lần nữa ông ta đúng.
Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ thiện cận rằng, làm lãnh đạo làm đảng viên thì không được kiện. Mặc dù không thể moi đâu ra cái thứ văn bản quy định cái điều ấy, nhưng nó hầu như là giá trị mặc định mà những người làm quan hoặc có ước vọng sải bước trên con đường chính trị không được làm. Rõ ràng, người làm lãnh đạo, thậm chí cả đảng viên đang tự trói mình vào thứ “luật lệ vô hình” nào đó. Và trên bình diện chung, chính tư duy này đã góp phần cản trở sự tiến bộ của xã hội.
Chính vị Phó Giám đốc Sở ấy, đã phải tự hỏi: “Làm lãnh đạo là không có quyền khiếu nại à? Tại sao là đảng viên thì phải chịu thiệt”?
Đã có ai thực sự nghĩ đến điều này?
Không biết đúng sai thế nào, nhưng những phát ngôn của ông là đúng, và sự kiện ông “liều mạng” để bảo vệ quyền lợi của mình đang phản ánh một thực trạng xã hội trì trệ.
Đã có nhiều đảng viên, có nhiều người là lãnh đạo đang phải chịu thiệt thòi bởi lợi ích của họ bị xâm hại mà không được kiện. Vì là đảng viên, vì là lãnh đạo nên họ đã nhẫn nhục chịu thiệt. Ở trên cao, người ta bảo, mình phải gương mẫu chấp hành (dù biết là sai, biết là thiệt) và đắng lòng là chính cái sự “gương mẫu” ấy đã hủy hoại tính phản biện ngay trong hàng ngũ lãnh đạo và ngay cả trong đảng. Điều nguy hiểm là ở chỗ tư duy ấy được duy trì dẫn tới hệ lụy, là người lãnh đạo, hoặc là đảng viên thấy sai mà không nói, không dám nói; thấy vô lý mà không dám đấu tranh để tìm ra chân lý; biết không đúng vẫn cứ làm (chấp hành). Trong trường hợp này, cả xã hội bị thiệt thòi!
Câu chuyện của vị Phó Giám đốc sở Tư pháp Thừa thiên – Huế chưa có hồi kết, song những gì ông hành xử với tư cách là một công dân rất đáng để chúng ta suy ngẫm.
Hy vọng, khi xử lý vụ việc, những người cầm cân nảy mực có cái nhìn công tâm, thực thi phản biện một cách minh bạch, vì trên hết vị ấy là một công dân.
Cũng nên nhớ, từ “liều mạng” chỉ được sử dụng khi người ta thấy rằng họ sẽ phải đối mặt với những mối nguy hiểm khi quyết định làm một việc gì đó, mà ý thức được rằng phần lớn là họ sẽ bị thua, nhưng họ vẫn làm.
Rất không nên để người dân “liều mạng”!
Tin cùng chuyên mục:
Con trai ông Trump nói Tổng thống Zelensky nài nỉ được mời đến buổi lễ nhậm chức
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA
Hương sắc Hà Nội – Một trong 50 thành phố tuyệt vời nhất thế giới