Bố con Cù Huy Hà Vũ tiếp tục cù nhầy

Người xem: 146

LâmTrực@
 
Hôm nay đọc trên Dân Luận và Ba Sàm cùng một số trang khác thấy có bài “Ông Cù Huy Xuân Đức bác bỏ Chủ tịch UBND phường Điện Biên về “công trình tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội“. Nội dung cơ bản là UBND phường Điện Biên mời ông Cù Huy Xuân Đức, cùng bà Trần Lệ Thu, ông Cù Thu Anh, và ông Vũ Anh Tuấn nhằm “Tổ chức xác minh hiện trạng công trình tại số nhà 24 Điện Biên Phủ, phường Điện Biên theo nội dung đơn để làm cơ sở xem xét việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng”. Giấy mời do ông Lê Tất Thành ký.
 
Thậm chí, nhân sự kiện này, trên trang Quê Choa của Nguyễn Quang Lập có bài: “Vì đâu khiếu kiện đất đai ngày một nhiều“? Trong đó đăng tấm hình với lời chú thích: “Ảnh bên: Tường rào nhà Luật sư Cù Huy Hà Vũ ở số 24 Điện Biên Phủ Hà Nội bị chính quyền địa phương đập phá hồi năm 2010“. Việc chú thích cho bức ảnh với nội dung như thế là một kiểu xuyên tạc sự thật của RFA và Nguyễn Quang Lập là người tiếp tay. Thực tế là chính quyền địa phương không hề đập phá tường rào hợp pháp của ông Cù Huy Hà Vũ. Chỉ có đội Trật tự đô thị tiến hành tháo dỡ tường rào do ông Cù Huy Hà Vũ xây dựng trái phép mà thôi. 
 
1. Sự thật: Tại số nhà 24 Điện Biên Phủ (Hà Nội), gia đình luật sư Cù Huy Hà Vũ vi phạm trật tự xây dựng.
 
Theo UBND quận Ba Đình, lợi dụng bức tường rào bị đổ, ông Vũ đã cho xây dựng lại không có giấy phép xây dựng, không đúng nguyên trạng ban đầu gây khiếu kiện. Ngoài ra, ông Cù Huy Hà Vũ còn cho lắp dựng vì kèo thép trong khuôn viên đất lưu không của khu biệt thự với diện tích 23m2 mà không có giấy phép xây dựng (đây là diện tích nằm trong số 97,4m2 đất UBND TP đã có quyết định thu hồi từ năm 2003 để làm phòng lưu niệm của cố nhà thơ Xuân Diệu).
 
Việc tổ chức xây dựng trái phép nói trên của gia đình ông Cù Huy Hà Vũ vi phạm vào các quy định về quản lý trật tự xây dựng theo Nghị định số 180/2007/NĐ-CP và Nghị định 23/2009/NĐ-CP… Sau khi phát hiện các hành vi vi phạm trên, UBND phường Điện Biên đã lập biên bản và ban hành quyết định đình chỉ thi công. UBND phường cũng đã có thông báo yêu cầu gia đình ông Vũ phải phá dỡ phần vi phạm, khôi phục lại nguyên trạng ban đầu. Tuy nhiên, yêu cầu này không được gia đình ông Vũ chấp hành. Ngày 5-10-2009 và ngày 7-11-2009, UBND phường Điện Biên đã ban hành các quyết định cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng của ông Vũ. Ngày 27-1-2010, UBND phường đã tổ chức thực hiện cưỡng chế các vi phạm và khôi phục lại nguyên trạng ban đầu của bức tường rào. Việc xử lý vi phạm căn cứ Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18-6-2007 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định pháp luật khác. UBND quận cho biết, trong quá trình xử lý vi phạm, gia đình ông Vũ luôn tỏ thái độ bất hợp tác và chống đối, không thực hiện việc tự khắc phục lỗi vi phạm.
 
Tại địa chỉ 24 đường Điện Biên Phủ hiện đang có tranh chấp về quyền quản lý sử dụng nhà, đất giữa bà Trần Lệ Thu (vợ cố nhà thơ Huy Cận), ông Ngô Xuân Huy (em của nhà thơ Xuân Diệu) với gia đình ông Cù Huy Hà Vũ.
 
Lẽ ra, một TS Luật thì cần phải gương mẫu chấp hành luật pháp chứ không thể hành xử kiểu côn đồ chợ búa như thế được. 
 
Về ông Lập, lẽ ra với tư cách là một nhà văn, ông không nên và không được phép có hành động tiếp tay cho RFA để xuyên tạc sự thật như vậy.
 
 
2. Về Đơn khẩn báo của Cù Huy Xuân Đức
 
Thực chất, cái gọi là “Đơn khẩn báo” là của Cù Huy Hà Vũ, nhưng đứng tên con trai là Cù Huy Xuân Đức. Điều này hoàn toàn bình thường, không có gì đáng nói. Bỏ qua việc ông Vũ suy luận hồ đồ khi viết: “Do đó Giấy mời này là bước chuẩn bị cho việc đập nhà trái pháp luật nhà của gia đình tôi trong vài ngày tới“, thì ở đây có 2 điều đáng quan tâm:
 
Thứ nhất, ông Đức nói nhà ông “không có bất cứ công trình nào, vì thế không có vi phạm nào về trật tự xây dựng” là sai. Bố con ông Đức định dùng con “chữ” để đánh lận đỏ đen.
 
Theo Wikipedia: “Công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước, được xây dựng theo thiết kế. Công trình xây dựng bao gồm công trình xây dựng công cộng, nhà ở, công trình công nghiệp, giao thông, thủy lợi, năng lượng và các công trình khác.[1]
 
Cũng theo Wikipedia: “Công trình dân dụng gồm: “Nhà ở gồm nhà chung cư và nhà riêng lẻ;[2]Công trình công cộng gồm: công trình văn hóa; công trình giáo dục; công trình y tế; công trình thương nghiệp, dịch vụ; nhà làm việc; khách sạn, nhà khách; nhà phục vụ giao thông; nhà phục vụ thông tin liên lạc, tháp thu phát sóng phát thanh, phát sóng truyền hình; nhà ga, bến xe; công trình thể thao các loại”.[2]
 
Thông tư số 10/2014/TT-BXD “Quy định một số nội dung về quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ“. Tại Điều 3, mục giải thích từ ngữ có viết chính xác và rõ ràng:
  • 1. Nhà ở riêng lẻ (dưới đây viết tắt là nhà ở) là công trình được xây dựng trên diện tích khuôn viên đất ở thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật kể cả trường hợp xây dựng trên lô đất của dự án nhà ở.
  • 2. Công trình liền kề là công trình nằm sát nhà ở được xây dựng, có chung hoặc không có chung bộ phận kết cấu (móng, cột, tường, sàn, mái…) với nhà ở được xây dựng.
  • 3. Công trình lân cận là các công trình ở gần vị trí xây dựng nhà ở có thể bị ảnh hưởng lún, biến dạng hoặc bị các hư hại khác do việc xây dựng nhà ở gây nên.
Ông Vũ là tiến sĩ Luật, và con ông lại không hiểu “công trình” là gì ư? Vậy các ông đang sống ở đâu? 
 
Thứ hai, ông Đức viết: “chủ nhà là bố tôi, ông Cù Huy Hà Vũ, nên mọi việc liên quan đến nhà 24 Điện Biên Phủ chính quyền phải làm việc với ông Cù Huy Hà Vũ. Khi nào UBND phường Điện Biên gửi Giấy mời ông Cù Huy Hà Vũ làm việc với UBND phường và khi nào ông Cù Huy Hà Vũ có văn bản ủy quyền tôi tham dự họp với UBND phường thì tôi mới có thẩm quyền làm việc với UBND phường“.
 
Vâng, có thể ông Đức nói đúng. Nói “Có thể” là vì tôi không được biết căn nhà 24 Điện Biên Phủ hiện ai là người đứng tên chủ sở hữu. Nhưng có một điều chắc chắn là hiện đang có tranh chấp về quyền quản lý sử dụng nhà, đất giữa bà Trần Lệ Thu (vợ cố nhà thơ Huy Cận), ông Ngô Xuân Huy (em của nhà thơ Xuân Diệu) với gia đình ông Cù Huy Hà Vũ.
 
Ông nói ông không có thẩm quyền làm việc với UBND phường cũng chứng tỏ ông (cả bố ông) không hiểu luật pháp, và cũng có thể hiểu mà làm ngơ để tạo cớ gây sự với chính quyền.
 
Ý của ông là nhà số 24 hiện vắng chủ và ông muốn có ủy quyền của bố ông. Nếu đúng vậy thì nhà ông hiện vắng chủ.
 
Về việc này, không phải bây giờ mà từ lâu, nhà nước đã có văn bản quy định về nhà vắng chủ. Đó là Thông tư số 02/1999/TT- BXD về “Hướng dẫn quản lý nhà vắng chủ giữa cá nhân với cá nhân quy định tại Nghị quyết về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1/7/1991 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội“. Căn cứ vào Thông tư này, ông thuộc dạng được ủy quyền không hợp pháp. Tại mục II Quản lý nhà ở vắng chủ quy định: “Uỷ quyền quản lý không hợp pháp là việc chủ sở hữu có ủy quyền cho người khác quản lý nhà ở của mình nhưng không đúng với quy định của pháp luật về ủy quyền quản lý nhà ở đã nêu trên tại thời điểm ủy quyền. Trước khi đi vắng chủ sở hữu không có ủy quyền hoặc có ủy quyền nhưng không hợp pháp đều được coi là không có ủy quyền quản lý hợp pháp.”. 
 
Ở mục III, về người quản lý sử dụng nhà ở vắng chủ cũng quy định: “Người sử dụng nhà ở vắng chủ: Người đang ở tại nhà ở vắng chủ là người sử dụng nhà ở đó. Người sử dụng nhà ở vắng chủ có thể đồng thời là người quản lý (có tên trong giấy ủy quyền) hoặc là thân nhân của người quản lý nhà (bố, mẹ, vợ, chồng, con, cháu,…) hoặc cũng có thể là người không hề có quan hệ nhân thân gì với chủ sở hữu nhà ở hoặc với người quản lý nhà ở vắng chủ (người ở thuê, ở nhờ, người vào ở nhà vắng chủ do chủ đi vắng không ủy quyền cho ai quản lý v.v…).“. 
 
Như vậy, ông Đức là người quản lý, sử dụng theo dạng ủy quyền không hợp pháp căn nhà 24 Điện Biên Phủ. Và ngôi nhà đó thuộc diện “Nhà ở vắng chủ do tư nhân quản lý“.
 
Với loại “Nhà ở vắng chủ do tư nhân quản lý“, theo Thông tư 02, “Khi chưa xác lập xong quyền sở hữu đối với nhà ở vắng chủ (thể hiện bằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở) thì phải giữ nguyên hiện trạng nhà ở đó. Mọi việc mua bán, chuyển nhượng, cải tạo, xây dựng lại nhà ở vắng chủ đều coi là bất hợp pháp và Uỷ ban nhân dân các cấp không thụ lý hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở“.
 
Được biết, căn nhà 24 Điện Biên Phủ do ông Đức quản lý hiện đang có tranh chấp về quyền quản lý sử dụng nhà, đất giữa bà Trần Lệ Thu (vợ cố nhà thơ Huy Cận), ông Ngô Xuân Huy (em của nhà thơ Xuân Diệu) với gia đình ông Cù Huy Hà Vũ. Với tư cách là thân nhân của ông Cù Huy Hà Vũ, ông Đức có trách nhiệm tham gia với tư cách người quản lý sư dụng không hợp pháp. Vì thế, việc UBND phường Điện Biên mời ông để chứng kiến việc “UBND phường Điện Biên tổ chức buổi kiểm tra xác minh hiện trạng công trình tại số nhà 24 Điện Biên Phủ, phường Điện Biên theo nội dung đơn để làm cơ sở xem xét việc xử lý vi phạm về trật tự xây dựng” là hoàn toàn đúng đắn.
 
Tương tự như vậy, việc ông có “Đơn khẩn báo” gửi công an phường Điện Biên, thì việc công an phường đó mời ông đến làm việc cũng là đúng đắn và đáng hoan nghênh.
 
Sự việc chỉ đơn giản có thế, vậy tại sao bố con ông Cù Huy Hà Vũ lại phải gửi bài cho Dân Luận để làm rùm beng sự việc?
 
Câu trả lời không khó, khi Cù Huy Hà Vũ “được chính quyền cho đi Mỹ” đang “lịm dần”, và giá trị sử dụng tại nước Mỹ không còn thì việc nhân sự kiện này “hâm nóng” lại tên tuổi là điều dễ hiểu.
 
Tái xuất kiểu cù nhầy như thế này liệu có nên với một “nhà zân chủ“?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *