VỠ ĐẬP THỦY ĐIỆN IA KRÊL 2

Người xem: 163

Vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2: Hàng chục hộ dân thoát chết trong gang tấc

02/08/2014 08:45

Có mặt tại hiện trường chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ vỡ đập, ông Hoàng Công Lự Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Gia Lai khẳng định: “Tỉnh sẽ chỉ đạo điều tra, xử lý những tập thể, cá nhân để xảy ra vụ việc này”.

Chưa hết bàng hoàng sau trận lũ dữ, chị Siu Bom, ở làng Bi, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ (Gia Lai) cho chúng tôi biết: “Mình làm rẫy ở khu vực suối Đôi nhiều năm nay rồi nhưng chưa lần nào sợ như lần này. Mới nghe cán bộ xã và đồn Biên phòng đến báo vỡ đập, có lũ về là cả nhà cắm đầu chạy lên đồi cao. Nước tràn xuống nhanh quá, mới một chút đã ngập quá đầu người rồi. Khu rẫy của nhà mình có cà phê và cao su ngập hết cả…”

Thân đê quai bị lũ xé toác

Hàng chục hộ dân khi hay tin vỡ đập đã hoảng loạn chạy lên các vùng đất cao để tránh lũ dữ. Nhiều công nhân của Công ty 72 thuộc Binh đoàn 15 đang làm cao su ở gần khu vực suối Đôi đã tháo chạy kịp thời. Tại làng Bi, 18 hộ dân làm rẫy ở gần suối đã bị ảnh hưởng nặng nề. Hoa màu, cây trồng, tài sản bị ngập hoặc bị lũ cuốn. Những căn nhà chòi ngập sâu trong nước từ 1-3m. Theo thống kê sơ bộ của chính quyền xã Ia Dom, toàn xã có 56 hộ bị ảnh hưởng, dòng nước cuốn trôi và làm ngập trên 60ha hoa màu, cao su, hồ tiêu, cà phê..v.v., cuốn trôi 28 chòi rẫy, 1 con trâu, 2 tivi và 2 tủ lạnh.

Trong vòng chưa đầy một năm trở lại đây, công trình thủy điện Ia Krel 2 đã 2 lần bị vỡ đập gây thiệt hại cho nhân dân trên khu vực biên giới. Đại diện chủ đầu tư công trình thủy điện Ia Krêl 2, ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Phó giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp và thủy điện Bảo Long Gia Lai nói: “Do mưa nhiều ngày, nước về nhiều quá nên đê quai không chịu nổi. Chúng tôi đã dự lường, định dùng mìn phá bớt đập tràn để thoát nước nhưng chưa làm kịp…”.

Chị Đặng Thị Kim Dung, 50 tuổi ở làng Bi đang ở trong chòi rẫy ở khu vực suối Đôi đã không kịp thoát thân, phải leo lên cây trốn lũ. Cán bộ chiến sỹ Đồn BP CK Quốc tế Lệ Thanh đã bất chấp hiểm nguy dùng áo phao bơi ra tiếp cận nạn nhân để làm công tác cứu hộ cứu nạn nhưng vẫn không được. Mãi đến chiều ngày 1/8/2014, sau khi nước lũ rút, chị Dung mới được đưa đến nơi an toàn . Dọc theo khu vực suối Đôi kéo dài hàng chục cây số nhiều người dân làm rẫy cũng đã thoát chết trong gang tấc.

Lực lượng cứu hộ cứu nạn đồn BP CKQT Lệ Thanh bất chấp hiểm nguy bơi ra giữa dòng lũ dữ để cứu chị Dung. Ảnh: Thái Kim Nga

Ông Võ Thanh Hùng- Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết: “Khi hay tin đập chuẩn bị vỡ, chúng tôi đã cảnh báo người dân chạy lên các khu vực cao tránh lũ, đồng thời huy động bộ đội biên phòng, công an…với phương tiện sẵn sàng ứng cứu…”.

Tại hiện trường, hàng chục ngàn mét khối nước đã xé toác cả đoạn đê quai với chiều cao chừng 20m, dài hơn 50m. Ngoài ra, nước cũng cuốn trôi một phần thân đập chính. Trước đó, Sở Công thương Gia Lai qua kiểm tra đã phát hiện chủ đầu tư thi công lại khi chưa đủ điều kiện và yêu cầu dừng ngay việc thi công, hạ mực nước hồ chứa để đảm bảo an toàn cho hạ du. Tuy nhiên, sở này đã không hề có những cảnh báo sớm mặc dù nguy cơ vỡ đập luôn treo lơ lửng trên đầu nhân dân.

Có mặt trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả trận lũ, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Gia Lai, ông Hoàng Công Lự cho biết: Chúng tôi sẽ có báo cáo ngay với Thủ tướng Chính phủ về sự việc này. Chúng tôi cũng chỉ đạo cho các lực lượng cứu hộ rà soát, túc trực ở khu vực nước sâu để đề phòng mưa lớn, lũ lại tràn xuống. Các sở ngành chức năng và chính quyền huyện Đức Cơ phải phối hợp kiểm tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc, thống kê số lượng hoa màu, tài sản của người dân bị thiệt hại để buộc chủ đầu tư hỗ trợ, đền bù. Công an tỉnh cần vào cuộc điều tra để có cơ sở xử lý những tập thể, cá nhân để xảy ra tại vụ việc này”.

Thái Kim Nga

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *