Những ai vượt qua được rào cản này thì hướng đi khả dĩ nhất của họ là tiếp tục ở lại nước ngoài làm việc. Con đường trở về giúp ích cho đất nước cứ xa vời vợi.
Ai theo đuổi nghiệp nghiên cứu?
Với thực tế đang bày ra trước mắt của những thế hệ “đàn anh” đi trước, thì tương lai với những ai muốn theo đuổi nghề nghiệp nghiên cứu không mấy sáng sủa.
Cơ chế làm việc tệ hại, đồng lương quá thấp, chính sách về khoa học công nghệ chưa thuận lợi và rất nhiều rào cản khác là những điều họ có thể nhìn thấy khá rõ ràng. Họ cũng khó mà được khích lệ hay có cảm hứng khi nhìn vào các thế hệ trước, từ năng lực, sự say mê với công việc nghiên cứu cho đến điều kiện vật chất, tinh thần.
Chưa kể, việc lựa chọn nghề nghiệp hiện nay lại còn bị bủa vây trong tâm lý chung của xã hội Việt Nam là chỉ nhăm nhăm học ngành nào, làm cái gì để kiếm được nhiều tiền. Có thể tìm thấy vô số những lời phàn nàn về chuyện này, từ các hội thảo chuyên môn cho đến thông tin trên báo chí phổ thông.
Tất cả những điều đó làm cho nhiều người trong số các thành phần HSG không mấy mặn mà với việc đi theo con đường học thuật. Trong số khá nhiều đội tuyển HSG quốc gia thời phổ thông, hầu hết thành viên đều chọn đi theo những con đường khác. Một số người, tuy đi làm kiếm tiền (và kiếm được khá nhiều) nhưng trong thâm tâm họ vẫn luôn tiếc nuối về con đường học hành nghiên cứu dang dở. Rất đáng tiếc.
Ảnh minh họa
Với những người vẫn còn chút yêu thích nghiên cứu và có ý định đi theo lĩnh vực này, sau khi học xong ĐH ở VN, con đường khả dĩ nhất của họ là du học. Tuy nhiên thực tế cho thấy nhiều người rất vất vả để theo kịp bạn bè, đồng nghiệp ở các trường ĐH phương Tây. Ngoài những vấn đề chung như khả năng chuyên môn, trình độ ngoại ngữ thì họ còn gặp phải vấn đề về kỹ năng làm việc. Lý do cơ bản là họ không được hướng dẫn làm việc nghiêm túc, đúng cách ngay từ đầu: trường ĐH không có đủ thầy giỏi để hướng dẫn họ. Sự thành công vượt bậc của những HSG có năng lực tương đương nhưng có cơ hội đi học ở các nước phát triển ngay sau phổ thông là một minh chứng cho điều này.
Rất khó để cải thiện trong ngày một ngày hai, không chỉ kiến thức, khả năng mà còn cả những thói quen làm việc thiếu chuyên nghiệp đã hình thành và bám rễ vững chắc trong suốt những năm học ĐH ở VN, trong khi thời gian thì không chờ đợi ai. Điều này rất dễ làm nản chí ngay cả những người có tố chất tốt.
Những ai vượt qua được rào cản này thì hướng đi khả dĩ nhất của họ là tiếp tục ở lại nước ngoài làm việc. Con đường trở về giúp ích cho đất nước cứ xa vời vợi.
Khả năng và bằng cấp: thiếu và thừa
Khác với nhiều lao động thông thường khác, nghiên cứu khoa học là lao động đặc thù, không thể đào tạo cấp tốc trong mấy tháng, mấy năm được. Cần phải có một chiến lược lâu dài, có tính hệ thống, đồng bộ và nhất quán. Hậu quả của những bất cập nói trên thì không cần sau này mới thấy.
Chẳng hạn hiện nay khi cần đào tạo hàng chục nghìn tiến sỹ (TS) cho các trường ĐH trong vòng 10-15 năm tới thì người ta mới quáng quàng đi tìm cho đủ số để đào tạo. Nhưng không chăm lo từ gốc, thì đào đâu ra đủ người? Có tìm đủ đi nữa, thì chất lượng cũng có vấn đề. Điều này có thể nhận ra từ những vấn đề về chuyên môn và ngoại ngữ nảy sinh trong quá trình tuyển chọn người đi học TS ở các nước phát triển. Chúng ta đã lãng phí một số lượng không nhỏ người có nền tảng tốt từ bậc học phổ thông, đồng thời cũng là những người có tiềm năng làm khoa học tốt.
Trong tình trạng thiếu hụt nhân lực đó, hàng năm đất nước vẫn sản sinh ra hàng trăm, hàng nghìn “TS giấy”. Họ có bằng TS nhưng không tham gia nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc, không theo đuổi nghiên cứu khoa học, không giảng dạy, nghiên cứu trong các trường ĐH hay làm nghiên cứu ở các cơ sở nghiên cứu. Họ lấy bằng TS vì mục đích khác, với sự tiếp tay của những cơ sở đào tạo dễ dãi, thậm chí còn mua bán bằng cấp từ bí mật tới công khai. Trong khi tình trạng này đã diễn ra đến mức báo động, thì chính sách để hạn chế nó vẫn chưa có cải thiện gì đáng kể. Thực tế này làm lòng tin của xã hội vào tấm bằng TS bị xói mòn nghiêm trọng, lòng tự hào của những người lấy bằng TS bằng con đường nghiên cứu nghiêm túc bị tổn thương, từ đó góp phần làm nản chí những ai có ý định lựa chọn nghề nghiệp rất đặc thù này.
Chọn công việc thời thượng… dễ hơn làm nghiên cứu?
Tất cả những điều trên dẫn đến một hệ lụy là số HSG ở bậc học PT muốn học chuyên sâu ngày càng ít dần đi.
Phần nhiều trong số họ chỉ học những gì cần cho kỳ thi đầu vào ĐH mà thôi, trong khi kỳ thi hiện nay, vì tính chất và đối tượng của nó, không có nhiều tác dụng khuyến khích HSG học chuyên sâu.
Ngoài ra nhiều người trong số họ cũng lựa chọn các các ngành thời thượng, dễ kiếm tiền, rời xa các ngành khoa học, kỹ thuật, đặc biệt là khoa học cơ bản vì thiếu chính sách khuyến khích thích hợp. Một số nữa thì lao vào rèn luyện những thứ cần cho việc đi học nước ngoài từ sớm mà trong nhiều trường hợp không cần học chuyên sâu. Tệ hơn, một số khác thì chỉ lao đầu vào học ngoại ngữ, kỹ năng sống… mà xem nhẹ việc học chuyên môn.
Điều đó có thể quan sát được qua vô số tin tức hàng ngày, từ việc tranh luận trên báo chí về kỳ thi ĐH cũng như điểm chuẩn vào các ngành, các trường, đến việc thảo luận trên các diễn đàn về con đường du học, các phát biểu của giới trẻ về định hướng tương lai của họ. Không thể nói rằng những định hướng trên là sai, ngược lại nó còn cần thiết để tạo ra một lớp người mới năng động, sáng tạo với tài năng đa dạng hơn cho đất nước.
Nhưng sự mất dần hứng thú, mục tiêu với việc học chuyên sâu của HSG qua thời gian là điều mà có lẽ chúng ta cần phải lưu ý trong việc đào tạo nguồn nhân lực khoa học cho nước nhà. Nếu không có biện pháp khắc phục, tài năng khoa học sẽ mai một dần, vì quá trình học tập chuyên sâu từ sớm là rất quan trọng trong việc tạo nền tảng tốt cho người làm khoa học nói chung.
Không rõ là trong thời gian tới, chúng ta sẽ có những biện pháp nào để cải thiện tình trạng nêu trên. Nếu cải thiện được thì với nền tảng đã có được, tôi tin rằng chỉ cần 20-30 năm là đủ để tạo dựng được một đội ngũ làm nghiên cứu mạnh, giúp cho nền khoa học – kỹ thuật của đất nước có thể bứt phá.
Sự thành công của Hàn Quốc và phần nào đó là Đài Loan từ một xuất phát điểm tương tự chúng ta là một bài học đáng suy ngẫm. Tuy nhiên khác với các nước này, điều kiện hiện nay của Việt Nam có những nét đặc thù, chưa thuận lợi cho những cải cách cần thiết. Do vậy để đạt được thành công như họ, chúng ta sẽ phải nỗ lực rất nhiều.
Tâm Trí
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, từng là HSG Toán quốc gia thời phổ thông, giảng viên ĐH và hiện đang làm nghiên cứu sinh tại Mỹ. Mời bạn đọc tranh luận.
Tuần Việt Nam
Tin cùng chuyên mục:
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA
Hương sắc Hà Nội – Một trong 50 thành phố tuyệt vời nhất thế giới
Nóng: Giám đốc Đại học Huế bị bắt