SỰ KIỆN CHÙA BỒ ĐỀ KHÔNG ẢNH HƯỞNG TỚI BẢN CHẤT NHÂN ĐẠO TRỌNG PHẬT GIÁO

Người xem: 195

Giáo sư Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Tôn giáo – UBTƯ MTTQ Việt Nam: Sự kiện chùa Bồ Đề không ảnh hưởng đến bản chất nhân đạo trong Phật giáo (09/08/2014)


Đọc thêm: Khi bụi trần lấm lem cửa phật

Trở về sau chuyến công tác khảo sát về chính sách xã hội hóa của tôn giáo tại Huế và Đà Nẵng, Giáo sư Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn (HĐTV) về Tôn giáo – UBTƯ MTTQ Việt Nam đã dành cho PV Đại Đoàn Kết một cuộc trò chuyện xung quanh những sự việc đang diễn ra tại chùa Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội. Theo Giáo sư, sự kiện ở chùa Bồ Đề dù có thế nào cũng không ảnh hưởng quá lớn đến tính đúng đắn trong chủ trương tạo mọi điều kiện để các tổ chức tôn giáo có thể tham gia thực hiện nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta. 

Số lượng trẻ mồ côi, khuyết tật được gửi đến các ngôi chùa khá đông 

Nhân dân đồng tình với chủ trương của Đảng và Nhà nước

Thưa GS, mấy ngày gần đây, dù chưa có kết luận chính thức từ cơ quan điều tra nhưng những sự việc đáng tiếc xảy ra tại trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi của chùa Bồ Đề cũng đủ khiến dư luận có nhiều hoài nghi, bức xúc. Nhìn từ vụ việc này, GS suy nghĩ gì?

– Giáo sư Đỗ Quang Hưng: Đúng là những ngày gần đây qua các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận xã hội theo dõi những việc đã xảy ra tại chùa Bồ Đề. Một ngôi chùa mà trong công tác nghiên cứu của bản thân tôi cũng như công tác của HĐTV về tôn giáo của Mặt trận là khá quen thuộc. Nhưng hãy khoan nhận định về vấn đề này vì sự việc còn chưa ngã ngũ mà chúng ta đều biết, từ lâu xã hội và nhân dân rất đồng tình với chủ trương của Nhà nước, tạo mọi điều kiện để các tổ chức tôn giáo có thể tham gia các hoạt động Y tế, Giáo dục và thực hiện nhân đạo. Chúng tôi cũng vừa có cuộc khảo sát công tác này tại Huế, Đà Nẵng. Dù đây không phải là chuyến đi đầu tiên nhưng đã để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng. Đặc biệt, với những hoạt động từ thiện, nhân đạo của Cô nhi viện Đức Sơn do Ni sư trụ trì Minh Trí phụ trách. Đây là một trong những cơ sở từ thiện có hiệu quả của Phật giáo Huế trong nhiều thập kỷ nay. Dưới mái ấm tình thương tại cô nhi viện, hàng trăm trẻ em mồ côi đã trưởng thành, không ít em đã vào đại học, nhiều em đi học nước ngoài, nhiều em có nghề nghiệp ổn định, trở thành cán bộ nhà nước. Bên cạnh đó, cũng không ít em tiếp tục ở lại cô nhi viện để giúp đỡ, nuôi dạy, truyền nghề cho những em nhỏ hơn. 

Chính vì thế, việc chùa Bồ Đề, chúng ta cần kiên nhẫn chờ đợi kết quả điều tra của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân tôi, sự kiện ở chùa Bồ Đề cũng không ảnh hưởng quá lớn đến tính đúng đắn của chủ trương nói trên của Đảng, Nhà nước cũng như bản chất nhân đạo của Phật giáo trong việc “bố thí” chúng sinh. 

Vi phạm pháp luật rất dễ xảy ra nếu không được quản lý chặt chẽ

Theo GS, điều gì hợp lý và chưa hợp lý trong các mô hình nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật ở các ngôi chùa?

– Như chúng ta đã biết, hoạt động của các cô nhi viện, nhóm trẻ đặc biệt trong các nhà chùa đã được phát triển hơn 20 năm nay. Cá biệt như ở Huế việc này đã được hoạt động từ năm 1975 đến nay, không hề ngắt quãng. Có một thực tế là khi một ngôi chùa đẩy mạnh các hoạt động này đến một độ lớn như chùa Bồ Đề chẳng hạn sẽ phát sinh hai vấn đề. Thứ nhất, khi “không gian thế tục” (bộ máy tổ chức và hoạt động nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật…) chắc hẳn ảnh hưởng, lấn át không gian thiêng của việc tu hành, ảnh hưởng đến đời sống tu trì của nhà Phật. Thứ hai, về nguyên tắc, các hoạt động từ thiện, nhân đạo nói chung thuộc quyền quản lý trực tiếp của Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các cơ quan hữu quan khác như công an, UBND phường… Thông thường công tác từ thiện, nhân đạo với những quy mô và tính cách như thế thường phải có những quy chuẩn nhất định, trước hết về phương diện pháp lý. Nhưng thực tế ở nước ta, theo các số liệu chính thức, Nhà nước mới chỉ đảm bảo 20% nhu cầu nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật… Trong tình hình như vậy, vai trò của tư nhân, các tổ chức xã hội và tôn giáo là rất lớn nhưng các cơ sở từ thiện đều vấp phải những khó khăn về điều kiện vật chất, nhân sự, pháp lý. Nếu gọi các cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật như chùa Bồ Đề là một “mô hình” thì chúng ta cho rằng bản thân nó là một chiếc áo quá chật và khả năng vi phạm pháp luật rất dễ xảy ra nếu không được quản lý chặt chẽ. 


Vậy cần có cơ chế, chính sách thế nào để hỗ trợ, thưa GS?

– Việc này, về cơ bản hiện nay đã có khung pháp lý, đã có cơ quan chuyên trách, chính quyền địa phương quản lý. Cơ quan chuyên trách ở đây chính là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Đối với các tổ chức tôn giáo, cụ thể là ngôi chùa thì điều quan trọng là phải thực hiện đúng quyết định của Nhà nước. Trong thực tế có không ít những tấm gương tốt được xã hội hoan nghênh nhưng nói chung nhiều ngôi chùa còn đơn giản hóa việc này, nhất là khi các cơ quan chức năng chưa thực hiện đúng chức trách của mình. Chúng tôi đã nói đến một số khó khăn nhưng có lẽ gốc rễ sâu xa của vấn đề là bản thân nhà chùa chưa có đầy đủ pháp nhân dân sự.

Có những mâu thuẫn cần giải quyết

Với tư cách là Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, GS có suy nghĩ, kiến nghị gì xung quanh những cơ chế, chính sách cho các cơ sở tôn giáo làm từ thiện, nhân đạo?

– Tôi có 2 kiến nghị. Thứ nhất đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh lộ trình về pháp lý thích hợp để các tổ chức tôn giáo có thể tham gia các hoạt động y tế và từ thiện ở mức độ ngày càng cao, hiệu quả hơn. Lẽ dĩ nhiên đây là quá trình gắn liền việc xây dựng nhà nước pháp quyền trong lĩnh vực tôn giáo, trong đó cơ sở pháp lý là hệ thống luật pháp tôn giáo. Hy vọng tới đây khi Nhà nước có bộ luật về tôn giáo thì điều này sẽ trở thành hiện thực. Thứ hai là trong tình hình hiện nay, đã xuất hiện mâu thuẫn khá cao giữa tính hợp lý của các hoạt động nhân đạo, từ thiện của tôn giáo mà Đảng, Nhà nước khuyến khích với tư cách pháp nhân dân sự. Trước mắt có thể giải quyết mâu thuẫn này bằng hai cách: Có thể thúc đẩy mô hình tiến tới lập cô nhi viện tách riêng ra khỏi nhà chùa mà nhà Phật vẫn có thể tham gia theo một cách nào đó. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các địa phương cần có điều tra tổng thể, đầy đủ hơn về thực trạng của công tác này. Bởi vì hiện nay số liệu về việc các tôn giáo tham gia mở các lớp, trường mẫu giáo, nhà trẻ khá đầy đủ nhưng số liệu về các hoạt động từ thiện, nhân đạo lại không rõ ràng, chính xác. 

Trân trọng cảm ơn Giáo sư! 

Hòa thượng Thích Gia Quang
Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự kiêm Trưởng ban Thông tin – Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa cho biết: Sau sự việc xảy ra tại chùa Bồ Đề, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ yêu cầu Phật giáo các địa phương phối hợp với các ban ngành tiến hành rà soát việc nuôi dưỡng trẻ mồ côi, không nơi nương tựa. Theo hòa thượng Thích Gia Quang, ở miền Bắc hiện có chùa Bồ Đề – Hà Nội và chùa Thịnh Đại – Hà Nam. Ở TP HCM có chùa Hoằng Pháp và một số cơ sở thờ tự khác trên toàn quốc đang nuôi dưỡng các em nhỏ có hoàn cảnh này. Số lượng trẻ mồ côi được gửi đến đây ngày một đông. Tuy nhiên, việc chăm sóc hiện nay mang tính tự phát. Giáo hội không phải là cơ quan chuyên môn nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn. Hòa thượng Thích Gia Quang cũng khẳng định, trước thông tin cho rằng, chùa Bồ Đề không được phép nhận trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi là không đúng vì không có văn bản nào của Nhà nước quy định việc này. Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là khuyến khích các tôn giáo làm việc từ thiện nhân đạo nhưng cũng cần sớm có hành lang pháp lý rõ ràng hơn cho các tôn giáo, trong đó có Phật giáo để thực hiện cho đúng.

Lê Na

Nguyễn Phượng (thực hiện)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *