Chuyện tiếng Anh trên bằng cử nhân và tôn trọng con người
tuan’s blog (GS Nguyễn Văn Tuấn): Chuyện sai sót về tiếng Anh trên bằng cấp đại học ở VN hình như cứ vài năm đến hẹn lại lên. Trước đây là sai sót về ngữ vựng, cách dùng từ, thuật ngữ, nay có người phát hiện sai sót đánh vần! Thay vì viết July (tháng 7), ai đó viết là Yuly (không có trong tiếng Anh). Một quan chức của Đại học Huế cho rằng đó chỉ là sai sót nhỏ thôi (1). Tôi cũng đồng ý là sai sót nhỏ, nhưng trên bằng cấp đại học thì nó không nhỏ chút nào. Nhưng ngoài sai sót đó, tôi còn thấy vài chỗ không ổn trong cái bằng.
Thứ nhất là không tôn trọng cá nhân người nhận bằng. Hai điểm đáng lí ra phải nhấn mạnh trong bất cứ văn bằng nào là tên của cá nhân và danh xưng của văn bằng. Cả hai danh tính phải viết một cách trang trọng. Còn văn bằng ở VN (như hình này cho thấy) tên của cá nhân chỉ là một cái gì rất hời hợt, hời hợt như năm tốt nghiệp. Thật là một sự xem thường sinh viên sau 4 năm miệt mài kinh sử.
Thứ hai là cách viết không đúng thứ tự. Hiện nay, trên văn bằng viết là “Chủ tịch Đại học Huế cấp bằng chử nhân về tourism cho Nguyễn Văn Tuấn”, nhưng đây là cách viết theo văn phong tiếng Việt. Theo văn phong tiếng Anh, phải nhấn mạnh con người trước, rồi mới tới tên văn bằng sau. Nhấn mạnh bằng cách dùng font lớn nhất, đẹp nhất, trang trọng nhất, và phải viết đậm. Do đó, phải viết đúng là:
The Rector of Hue University
has conferred on
NGUYỄN VĂN TUẤN
the degree of
BACHELOR OF TOURISM STUDIES
with all the honors, duties, privileges, and responsibilities of this degree
the Seal of the University is hereunto affixed
[các quan kí tên, ngày tháng năm]
Có nơi họ viết có phần nghiêm nghị hơn:
The Senate of the Hue University on the recommendation of
THE FACULTY OF TOURISM STUDIES
admits
NGUYỄN VĂN TUẤN
to the degree of
BACHELOR OF TOURISM STUDIES
with all the honors, duties, privileges, and responsibilities of this degree
[các quan kí tên, ngày tháng năm]
Viết theo cách nào thì tên của cá nhân phải đứng trước tên của môn học.
Thứ ba là các chi tiết về ngày tháng năm sinh, thứ hạng tốt nghiệp, học toàn thời gian hay bán thời gian là KHÔNG cần thiết trên văn bằng. Thông tin về tuổi để làm gì trên văn bằng. Hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì cả. Coi chừng bị kiện là kì thị tuổi tác! Viết hạng tốt nghiệp trên bằng cấp có thể là một sỉ nhục đối với người có bằng. Cá nhân sinh viên có thể có hạng thấp, nhưng trong các môn có thể có những môn có điểm cao, và điều đó mới quan trọng, chứ điểm quân bình chỉ là con số vô nghĩa. Vả lại, thông tin này có thể xem qua học bạ, tại sao phải viết trên bằng?
Ngoài ra, cách viết tiếng Anh trong bằng có chỗ chưa chuẩn hoặc thừa. Chẳng hạn như “Degree classification” có nghĩa là phân loại bằng đại học, nhưng tôi nghĩ người viết muốn nói là hạng tốt nghiệm, tức là grade (chứ không phải classification). Còn “Year of graduation” thì có vẻ thừa, vì đã có ngày tháng tốt nghiệp kí phía dưới rồi.
Nói chung, chỉ có vài chữ trong một văn bằng mà cũng viết sai hoặc không chuẩn, thì quả là đáng trách. Văn bằng, bất kể là đại học hay trung học, là hành trang quan trọng của một cá nhân. Nó làm niềm tự hào của một cá nhân, một chứng từ về sự thành đạt trong khoa bảng. Nó còn là niềm vinh dự của gia đình. Nó là giấy thông hành cho công việc và giúp hãnh tiến trong sự nghiệp. Nó sẽ theo cá nhân cho đến cuối đời. Không thể nào chấp nhận sai sót trong văn bằng, cho dù là sai sót nhỏ như cái dấu chấm. Không chấp nhận được. Vấn đề không phải là “sai sót nhỏ” hay sai sót lớn; vấn đề là sai sót trong văn bằng là không chấp nhận được.
Trường phải tỏ ra tôn trọng con người, và cách tôn trọng tốt nhất là phải viết cho đúng, viết cho trang trọng, và đặt tên của sinh viên lên hàng đầu.——————————————————————–
Baron Trịnh: Nhân bài viết của GS Nguyễn Văn Tuấn, nhớ lại chuyện của cơ quan mình trước đây.
Một đợt nhà trường gửi nội dung dịch thuật sang tiếng Anh đối với bằng tốt nghiệp đại học xuống cho các bộ môn có ý kiến gì để chỉnh sửa. Thấy nội dung dịch của ngành mình sai sót nhiều nên đã góp ý (bằng miệng) với bộ môn.
Có lẽ ý kiến của mình không được bộ môn đưa lên trường, nên kết quả bằng “Kỹ sư Kỹ thuật môi trường giao thông” của sinh viên mình bị dịch ra như thế này:
Sau đó 2 năm, dòng chữ “Kỹ sư Kỹ thuật môi trường giao thông” mà được dịch là “Transportation Environment Engineering” bị xóa bỏ luôn, như này:
Từ sau lúc góp ý, mình chả chú ý gì đến việc đó nữa. Mãi hơn 3 năm sau, có nhờ mấy cựu sinh viên của mình photo cho cái bằng để đưa vào làm hồ sơ thầu dự án nên mới phát hiện ra điều trên. Sau đó có phản ánh lại với trưởng bộ môn, nhớ là ở trên trên bàn bia, híc…
Mấy năm nay mình chuyển vào dạy trong SG, không biết bằng của sinh viên ngành mình giờ như thế nào nữa!?
Nguồn: Baron Trịnh
Tin cùng chuyên mục:
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA
Hương sắc Hà Nội – Một trong 50 thành phố tuyệt vời nhất thế giới
Nóng: Giám đốc Đại học Huế bị bắt