THAM NHŨNG – ĐỪNG CÓ NGHĨ VỀ HƯU LÀ THOÁT

Người xem: 161

Nghỉ hưu như ông Trần Văn Truyền… nếu tham nhũng, không tha!

“Chống tham nhũng phải chống cả những người đã nghỉ, không còn chức vụ”, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ chia sẻ.

Theo tin từ AFP, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã bị truy tố vì tham nhũng, liên quan đến việc can thiệp trái pháp luật vào quá trình xét xử trong một trong các vụ án tham nhũng mà ông dính vào. Trong buổi tiếp xúc cử tri TP Hà Nội mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã trả lời chất vấn của cử tri về vấn đề tài sản của ông Trần Văn Truyền. Tổng Bí thư khẳng định, dù đã về hưu vẫn phải làm, vẫn phải kiểm điểm tại cơ quan thanh tra. Thái độ là không buông, không nhân nhượng, không cho qua.

Về vấn đề này ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng bày tỏ quan điểm: “Có những người đã nghỉ hưu nhưng vẫn lợi dụng các mối quan hệ để cài cắm con cháu vào các vị trí công vụ, thậm chí còn sử dụng chức vụ đã từng có để vụ lợi, tham nhũng. Chống tham nhũng phải chống cả những người đã nghỉ, không còn chức vụ nữa”.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Đừng nghĩ nghỉ hưu là “thoát”

Chống tham nhũng cả những người về hưu có phải là vấn đề mới thưa ông?

Tôi phải khẳng định trong phòng chống tham nhũng, nghỉ hưu không có nghĩa là đã hạ cánh an toàn, đã “thoát”. Kể cả khi chạy khỏi đất nước thì vẫn có lực lượng cảnh sát quốc tế bắt giữ. Không thể chạy trốn được nếu các lực lượng chuyên môn quyết tâm làm rõ, làm đến cùng. Việc cựu Tổng thống Pháp bị truy tố là một sự việc khá hi hữu, nhưng nó thể hiện rằng kể cả khi đã nghỉ hưu thì vẫn phải chịu trách nhiệm về những sai phạm. Dù chế độ chính trị của Việt Nam và Pháp khác nhau thì đó vẫn là nguyên tắc trong công cuộc phòng chống tham nhũng.

Vậy là ông đồng tình với quan điểm dù đã nghỉ hưu cũng phải truy tới cùng?

Đúng.

Ông đánh giá thế nào về trả lời của Tổng bí thư khi tiếp xúc cử tri?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rất đúng. Chống tham nhũng không có vùng cấm cho bất kỳ một ai cả, kể cả người cấp cao đương chức hay những người đã về hưu. Khi đã về hưu rồi mới phát hiện ra vi phạm lúc còn đương chức thì sử dụng luật hồi tố. Còn khi về hưu rồi mới vi phạm thì chính quyền địa phương, tổ chức Đảng địa phương xem xét. Ví dụ, với vụ việc của ông Trần Văn Truyền thì chi bộ, chính quyền địa phương phải có ý kiến. Chứ cái nhà nó to đùng như thế, làm sao bảo là không biết được.

Rõ ràng nếu làm tốt việc này sẽ hạn chế tình trạng có những người khi chuẩn bị về hưu thì cố gắng vơ vét thật nhiều để lúc nghỉ hưu hưởng thụ?

Đúng quá! Thế nên phải có những cơ chế từ trên xuống, dưới lên, trong ra, ngoài vào, làm sao để không ai dám tham nhũng. Cơ chế không có vùng cấm, đến như cựu Tổng thống Pháp còn bị truy tố, thì chắc chắn người đương chức sẽ ngại.

Người đương chức có dám dũng cảm?

Việc truy trách nhiệm với những người đã nghỉ hưu có khó lắm không?

Thực ra là dễ hơn việc truy trách nhiệm những người đương chức. Với tinh thần thượng tôn pháp luật, mọi người đều bình đẳng, nếu có sai phạm thì bất luận người đó ở vị trí nào, dù đương chức hay đã nghỉ rồi thì vẫn phải chịu trách nhiệm.

Trước đây hình như chúng ta còn xem nhẹ đối tượng những người đã nghỉ hưu trong phòng chống tham nhũng?
Đúng thế, chúng ta chưa quen và chưa nghĩ nhiều đến chuyện đó. Ta thường có tâm lý rằng “thôi thì ông ấy đã nghỉ rồi thì động làm gì đến nữa”. Nhưng thực tế tôi đã chứng kiến một số trường hợp khi về hưu rồi vẫn bị xử lý do những sai phạm gây ra lúc còn đương chức, dù chưa nhiều người bị xử lý. Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn dù không vi phạm về tham nhũng nhưng để xảy ra những sai sót trong vụ Lã Thị Kim Oanh nên vẫn bị kiểm điểm, xem xét kỷ luật.

Nghĩa là chúng ta cũng đã xử lý một số trường hợp khá quyết liệt?

Đúng vậy, một số trường hợp đã bị xử lý nên việc chống tham nhũng đối với người đã nghỉ hưu không có gì mới. Vấn đề là những người đương chức có dũng cảm không, có nể nang né tranh hay không mà thôi. Còn các quy định, nguyên tắc đã có hết rồi.

Giả sử với cá nhân ông, bây giờ thanh tra phanh phui ra vụ việc ông tham nhũng, ông sẽ nghĩ sao?

Tôi nghỉ hưu đã lâu, chức vụ từng làm cũng va chạm nhiều. Nhưng tôi bình đẳng như tất cả các công dân khác trước pháp luật. Có tội thì phải chịu. Tôi mà có tội thì cớ gì tôi không nhận chứ. Vì nếu thế thật, mình có chối, có phủ nhận, thì sự thật nó vẫn cứ là sự thật kia mà (cười).
Điều hành ngầm

Ông giải thích thế nào về việc những người đã nghỉ hưu đồng nghĩa với không còn quyền lực nữa nhưng vẫn tham nhũng được?

Họ lợi dụng ảnh hưởng, uy tín của mình để làm lợi cho bản thân như can thiệp vào việc này việc khác của những người đương chức. Lợi dụng sự kính trọng của người đương chức để tham nhũng, ủng hộ tham nhũng, bảo vệ tham nhũng, đứng sau các vụ việc tham nhũng. Họ nhờ đưa con đưa cháu, đưa họ hàng không đủ tiêu chuẩn năng lực vào các vị trí công việc, thậm chí là đưa người không quen biết vào các cơ quan để ăn chia tiền “chạy”. Trong khi đó rất nhiều người tài giỏi thì phải đứng ngoài nhìn.

Theo ông được biết thì số người vẫn sử dụng quyền lực khi nghỉ hưu có nhiều không?

Thực ra cũng không có phép thống kê nào, chỉ biết rằng có hiện tượng đó, có những người như thế. Đâu đó có người dù không còn làm nhưng vẫn có thể điều hành bộ máy do khi còn đương chức, người đó đã cài cắm “chân tay”, con cháu họ hàng mình vào các vị trí quan trọng đó rồi. Tôi cũng không biết địa chỉ người cụ thể, chỉ nghe người này người kia nói như vậy thôi.

Rõ ràng quyền lực “điều hành ngầm” là không nhỏ, vậy làm sao để phát hiện ra họ?

Người dân bình thường còn biết thì làm sao thanh tra lại không biết được. Vấn đề là có xử lý hay không mà thôi.

Vậy theo ông một người đã nghỉ hưu thì nên làm gì để đóng góp cho thế hệ sau mà không mang tiếng là can thiệp vào công việc chung?

Thế nên quan điểm của tôi, người về hưu cũng phải giữ trọn bản thân, tu thân, tích đức và không can thiệp mang tính chất vụ lợi vào công việc của các đồng chí đương chức. Nhiều người đã nghỉ rồi nhưng vẫn đến cơ quan sinh hoạt cũng không được. Nghỉ rồi thì phải về địa phương. Còn “mũ ni che tai” cũng không được. Thờ ơ với mọi chuyện của cuộc sống, chỉ muốn yên ổn, ăn chơi, ngủ nghỉ dưỡng già là cũng không ổn. Dù có nghỉ hưu cũng phải là công dân tích cực theo điều kiện cho phép.

Theo ông có nên tập trung chống tham nhũng với những người về hưu?

Tôi nghĩ là không phải tập trung mũi nhọn vào những người về hưu mà là phải lưu tâm đến vấn đề này. Chống tham nhũng những người còn đương chức tốt thì đương nhiên tham nhũng từ những người về hưu cũng ít đi.

Xin cảm ơn ông!

“Thông thường thì người ta ngại động vào các cụ về hưu vì động vào các cụ là động vào thanh danh, nhưng nếu có sai phạm thì vẫn phải xử lý giống như mọi người đương chức khác. Người Việt Nam vốn coi trọng tình nghĩa, đạo lý, sự cống hiến của lớp người già… nhưng theo tôi đạo lý lớn nhất là phải sống đúng pháp luật, đúng với lương tâm của mình, bình đẳng trước Điều lệ Đảng” – ông Vũ Quốc Hùng.

Theo Tô Hội/kienthuc (thực hiện)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *