Luật không cấm sao cứ đắn đo!
TT – Chưa xem xét ngay đến khía cạnh pháp lý thì câu chuyện bà Trần Thị M. (83 tuổi, ngụ P.12, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có chồng và con trai là liệt sĩ nhưng chưa được tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng chỉ vì tái giá làm nhiều người cảm thấy xốn xang.
(Phản hồi bài: “Tái giá, không được làm Bà mẹ VN anh hùng?”, Tuổi Trẻ ngày 19-7)
Thay vì chia sẻ và đồng cảm với quyết định rất đỗi bình thường của người phụ nữ có đến hai người thương yêu đã hi sinh cho cách mạng thì có vẻ như người ta đang xem việc tái giá ấy là lỗi lầm… Rồi thay vì ngồi lại để nhanh chóng tìm hướng giải quyết cho một khúc mắc không đáng có thì có vẻ như các cơ quan có thẩm quyền vẫn cứ thủng thỉnh trong khi những ngày cuối đời của bà M. và nhiều bà mẹ khác có hoàn cảnh tương tự đang trôi qua.
Tình là vậy, còn lý thì có nhiều điều liên quan cần được xem xét thấu đáo hơn. Quy định danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng để tặng hoặc truy tặng những bà mẹ có nhiều cống hiến, hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Theo điều 2, pháp lệnh quy định danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng (đã được sửa đổi, bổ sung) thì những bà mẹ thuộc một trong các trường hợp quy định (trong đó có trường hợp có một con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ) sẽ được tặng hoặc truy tặng danh hiệu này. Hướng dẫn thực hiện pháp lệnh, khoản 2, điều 2 nghị định 56/2013 của Chính phủ chỉ lưu ý: “Những trường hợp quy định nêu trên nhưng phản bội, đầu hàng địch, có hành động gây nguy hại cho cách mạng hoặc vi phạm pháp luật bị tòa án xét xử bằng hình thức phạt tù mà bản án, quyết định của tòa án đang có hiệu lực pháp luật (kể cả trường hợp được hưởng án treo) thì không được xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ VN anh hùng”. Như vậy, việc tái giá không thuộc trường hợp “không được xét tặng danh hiệu” nêu tại điều khoản này thì lý do gì các cơ quan lại dừng hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu cho các bà mẹ thuộc đúng đối tượng luật định?
Tiếp nữa, nghị định 31/2013 của Chính phủ (quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng) có nêu chế độ trợ cấp tiền tuất hằng tháng cho vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc lấy vợ khác. Đây đơn thuần là quy định về quyền lợi của thân nhân liệt sĩ (trong đó có vợ của liệt sĩ đã tái giá), tức không “đụng chạm” gì đến việc xét tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng. Vậy sao các cơ quan lại vin vào đó để đắn đo nào là “hướng dẫn của trung ương không rõ ràng nên không biết giải quyết thế nào”, nào là “không thể khẳng định có thể xét tặng, cũng không thể bác hồ sơ”…?
Về nguyên tắc, các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức “chỉ được làm những gì mà luật quy định”. Căn cứ vào quy định đã nêu của nghị định 56/2013, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng cần khẩn trương họp bàn để thống nhất cách xử lý các vướng mắc từ địa phương chuyển lên trong việc làm hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng, trong đó có trường hợp vợ liệt sĩ tái giá.
Luật sư TRẦN THỊ MIỀN
(Đoàn luật sư TP.HCM)
Tin cùng chuyên mục:
Quy định mới về cấp bậc và tuổi nghỉ hưu trong quân đội
Những người thầy ươm dưỡng tương lai
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân