Món ăn mang tên ‘vô cảm’

Người xem: 256

Lương Đình Khoa

VNN – Bình minh của phố bị đánh cắp bởi những tiếng rao báo oang oang, rè khàn từ những chiếc xe đạp cà tàng rong qua khắp các ngóc ngách, vỉa hè.

Phố nghiêng mình đứng bên sông, nghe những thanh âm của đất trời, phù sa du ca qua chốn này kể về chuyện đời ở phố.

Ban đầu, là những thanh âm trong trẻo, bình yên của hơi thở gần gũi giữa người với người, vẫn mang dáng dấp của cái tình, sự gắn bó đậm sâu… Nhưng vào một thời khắc tinh mơ trong ngày, “thanh âm Người” ấy dần mất đi, nhường chỗ cho những “thanh âm của sự vô cảm”.

Phố rùng mình ngơ ngác… Phố ngạt thở vì thanh âm. “Phố đã không còn là phố, đánh mất mình từ thuở được yêu thương” như những lời thơ trong một bài viết mang tên “Anh chẳng bao giờ thuộc về phố – như em chẳng bao giờ thuộc về anh” mà một đêm từ phố trở về mệt nhoài ta đã viết…

Bình minh của phố không phải tiếng chim ríu rít trong mơ với bầu không khí thanh sạch như trong tâm thức bao người mà “dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”. Bình minh của phố bị đánh cắp bởi những tiếng rao báo oang oang, rè khàn từ những chiếc xe đạp cà tàng rong qua khắp các ngóc ngách, vỉa hè. Chúng như một thứ thủy triều dâng tràn mỗi sáng. Không gian phố bấy giờ tựa như là độc quyền của thứ thanh âm ấy, nên chúng tự do chảy tràn, làm ướt mặt ngày, lênh láng trên mặt phố và len lỏi, tạo thành một thứ “ráy tai” trong những đôi tai người.

Để đôi tai ấy u u, không còn cảm nhận được những thanh âm dịu dàng khác của cuộc sống. Để tâm hồn ấy dần mỏi mệt vì kiểu tra tấn vô tình này, và quen thuộc với những tin tức rợn người từ những thanh âm rao báo.

Để dần dần, có thể trong đầu chúng ta hình thành một ý niệm rằng: chuyện những đứa trẻ chưa đủ tuổi vị thành niên gây án, chàng trai giết bạn tình đồng tính, người thân ra tay với bố/ mẹ/ ông/ bà, hay người mẹ vứt bỏ cả đứa con ruột bé bỏng để trả thù chồng… đã thành chuyện thường ngày. Và một cách vô thức, họ muốn biết, đón đọc mỗi ngày, xem hôm nay, món “tin tức rùng rợn” ấy sẽ mang hình hài ra sao, do những đối tượng nào tạo ra?

Xem vì tò mò, rồi cảm thấy cuộc sống đỡ tẻ nhạt khi đã đọc được một tin nào đó ly kỳ, hấp dẫn. Sự tò mò ấy còn thể hiện rõ hơn khi đi trên phố, bất chợt gặp một vụ việc nào đó thấy đông người xúm lại, là mình cũng phải dừng xe lại, nghe ngóng, dò hỏi xem có chuyện gì xảy ra, tưởng tượng những “kịch bản” gay cấn nhất… Rồi sau đó, ta kể lại với bạn bè, đồng nghiệp, người thân như một câu chuyện giàu kịch tính.

Và có thể người ta bắt đầu hoài nghi vào mọi điều, vào những con người hàng ngày họ gặp, họ giao tiếp, hoài nghi vào cuộc sống. Và le lói, người ta bắt đầu vô cảm dần với những nỗi thiệt thòi, mất mát quanh mình…

Như khi một con mèo lạc đến một quán ăn, người ta xua đuổi nó chạy xuống lòng đường, giữa rừng ô tô, xe máy. Như khi người ta hắt hủi một đứa trẻ ăn xin rách rưới nào đó vì sợ làm mất mỹ quan của quán, khách không dám vào.

Như khi một cậu học trò 18 tuổi ở quê ra phố thi Đại học, không người thân đưa đi, xe ôm chở vòng vèo đường dài và khi thanh toán tiền sẽ là gấp đôi so với thực tế. Vậy là bữa trưa hôm đó, em sẽ phải nhịn đói, không dám ăn cơm, để bù vào số tiền xe ôm quá lớn ấy, để số tiền ít ỏi còn lại đủ chống chọi cho mấy ngày đi thi đắt đỏ nơi phố thị.

Như cái cách một cậu thanh niên có thể nổi khùng, sẵng giọng quát mắng, thậm chí là thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với một người phụ nữ yếu thế nào đó đi xe đạp chở sọt bán rau, nếu chẳng may va quệt trên đường…

Nguy hiểm hơn là sự vô cảm khi tự con người đang ngầm làm hại nhau bằng thuốc sâu, thuốc kích thích, bảo quản… trong rau củ quả, cá thịt ở các chợ, bằng những chất thải gây ô nhiễm các khu dân cư, nguồn nước… Hậu quả để lại là bệnh tật nơi thân thể, cả những bệnh nan y có thể cướp sinh mạng con người như ung thư.

Hóa ra, cái thanh âm rè khàn rao báo mỗi sớm mai trong lòng phố kia vốn dĩ cũng là tiếng chuông cảnh báo mỗi ngày về sự vô cảm giữa người với người trong nhịp sống toan tính, gấp gáp ngày nay. Nhưng nó vang nhiều quá, “thé thé” quá, khiến người ta nghe miết thành quen, thành chai, không ai còn nghĩ nó là tiếng chuông cảnh báo nữa, mà đơn giản chỉ là một phương tiện chào mời của một món ăn mang tên “vô cảm”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *