Ủng hộ người dám làm

Người xem: 195

KD: Anh Bảy Nhị mới có bài viết đăng trên báo Tuổi trẻ. Đây là bản gốc ảnh gửi cho mình. Xin được đăng lên Blog để bạn đọc gần xa đọc, chia sẻ và suy ngẫm.
 
Mình cũng càng ngày càng thấy thiện cảm với Bộ trưởng Đinh La Thăng, một con người nhiệt huyết thật sự, dám nói và dám làm. Xã hội mình đang quá cần những quan chức lăn xả vào việc, không cần các vị cứ ngồi phòng máy lạnh, quan liêu vô cùng với đời sống dân, và phát ngôn câu nào thành… ấn tượng dở, ấn tượng xấu với xã hội câu đó 😛
 
Cảm ơn anh Bảy!
 
———–
 
Báo Tuổi trẻ ngày 4/6 đưa tin: Bộ trường Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng thay Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt VN ông Nguyễn Đạt Tường. Lý do mà Bộ trưởng trả lời khi ông Tường trực tiếp gặp: “Anh là người đạo đức quá tốt, trong sáng, phẩm chất tốt. Tôi phát hiện anh chưa có khuyết điểm gì. Đối với tôi anh là người rất tốt nhưng công việc không chạy nên tôi phải thay. Anh đứng đầu một đơn vị mà công việc trì trệ như thế thì anh phải làm việc khác”.
 
Từ khi ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng GTVT, là người được báo chí nói đến nhiều về những phát ngôn và việc làm của ông, nhất là về tổ chức – nhân sự ông giải quyết nhanh và kiên quyết nên còn có danh là “trảm tướng”. Tôi không đủ thông tin và tư cách bình luận việc ông làm.
 
Nhưng tôi thích cách giải quyết vấn đề gảy gọn như ông, còn đúng sai hạ hồi phân giải. Cái tôi thích nhất lần nầy là việc ông thay Tổng giám đốc Đường sắt VN, vì nó giống trường hợp 23 năm về trước tôi thay một cán bộ đứng đầu một Doanh nghiệp Nhà nước mà đạo đức tư cách đều tốt, duy chỉ có vấn đề là làm kinh doanh mà dư vốn lưu động nhiều quá, gởi Ngân hàng sướng hơn làm (lãi rất cao).Tôi làm như vậy mà không sợ phản ứng là do tôi được Tỉnh ủy An giang khi đó cho tôi cái quyền ấy. Nay không biết cơ chế mới, có cho ông rộng quyền về cán bộ không. Nhưng dù sao thì cách làm của ông là không thấy ai dám làm trong cơ chế hiện thời. Đó mới là điều đáng nói.
Tháng trước, dư luận đang râm ran về bộ máy có 30% biên chế không làm gì mà báo cáo của ngành đường sắt lại có đến trên 90% cán bộ, công chức hoàn hành nhiệm vụ. Ông nói ông “rất xấu hổ” khi đọc thông tin ấy!. Ông thật sự gây ấn tượng cho tôi từ đó. Ông còn một số việc làm được nữa nhưng tôi không nhớ hết, song làm và nói như trên thì tôi hoàn toàn đồng tình ủng hộ. Lãnh đạo làm và nói có khi cũng sai, nhưng vấn đề là dám làm và dám nói rồi mới xem: biết làm, biết nói hay không, và có làm đúng, nói đúng hay không. Có người không làm mà cũng không nói suốt năm, suốt nhiệm kỳ cũng không sao!?.
 
Cán bộ phải có “4 biết”: Biết tự viết văn bản theo ý mình, biết nói trước công chúng (không đọc), biết tự mình chỉ đạo – chỉ huy (tổ chức thực hiện) và biết tự điều tra – kiểm tra. Có người được lên chức, người ta hỏi vì sao anh được lên chức?. Không biết!. Không làm và không nói được cái gì là của mình cả. Đó chẳng khác nào nhà văn mà không có tác phẩm!. 
 
Bộ máy ta nặng nề, ì ạch là vì người nào ngồi ghế nào thì cứ ngồi cho “hết đát” , trừ phi bị bắt tại tay những sai phạm nghiêm trọng. Thông thường thì khi nghe cán bộ có dư luận sai phạm, cấp dưới sợ trù dập đã đành, cấp trên cũng sợ oán thù hoặc vì “bánh sáp đi bánh qui lại” nên không dám phê bình hoặc nhẹ nhàng mời nói riêng để sửa.
 
Việc thay cán bộ thường chỉ xảy ra khi kết thúc nhiệm kỳ goặc hết thời hạn bổ nhiệm, còn nếu thay vì lý do tham nhũng thì mức sai cũng suýt ở tù hoặc “bồ nhí” thì cũng đã có con. Mà làm được một vụ cũng không dưới năm ba năm, như vụ ông Hồ Xuân Mãn ở Thừa Thiên-Huế đấy. Tình hình nầy ngày càng nghiêm trọng mà Chỉ thị 03 của Bộ chánh trị và NQ 4 TW khóa nầy dần tới dần lui mà xem ra không chuyển và cơ chế đề bạt, bổ nhiệm, cách chức người đứng đầu nói riêng, trong hàng lãnh đạo nói chung như hiện nay nhất định bộ máy không bao giờ năng động và hiệu quả, nếu không có cách làm như ông Đinh La Thăng. Và người dám làm, dám nói như vậy, đương nhiên là người “sạch bệnh”. “Người sạch bệnh” bấy giờ là “người quí hiếm!”. Tiếc là, qua theo dõi người như Đinh bộ trưởng chỉ đếm trên đầu ngón tay, song họ cũng già rồi, khóa sau chắc gì còn làm.
 
Muốn có cán bộ tốt, cơ quan Tổ chức chỉ nên định hướng, còn định hình, định danh, định vị, định lượng thì hãy để cho dân, cho hiệu quả công việc chứng nhận và người đứng đầu chịu trách nhiệm toàn bộ. Nếu muốn làm vậy thì phải chấp nhận bỏ giáo điều, bỏ cái khung hay cái trật tự “nấc thang đề bạt” hoặc “luân chuyển” lòng vòng mà không thiết thực cho công việc sẽ làm, cán bộ sẽ già mà khả năng hoàn thành nhiệm vụ thì vẫn luôn còn non./.
 
Tác giả: Nguyễn Minh Nhị (Cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang)
Long xuyên, ngày 04/6/2014.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *