Khoai@: Tên bài nguyên gốc là: “Kẻ thù của các cô gái mại dâm” của tác giả Đào Tuấn đăng link trên PhuocBeo
Vào tháng 6-2010, “pháo dàn”, một từ lóng, trước nay vẫn chỉ dùng trong “thế giới góc khuất” lần đầu tiên được công bố trong một nghiên cứu khoa học. ThS xã hội học Đỗ Văn Quân, viết trong nghiên cứu xã hội học của mình rằng: Bạo hành lớn nhất, theo ngôn ngữ của các cô gái là “pháo dàn”- tức là bị làm tình tập thể, bị hiếp dâm tập thể.
Đó là nỗi kinh hoàng
Chúng ta hãy cùng tưởng tượng một cô gái mại dâm được một lời ngọt ngào hứa hẹn về một khoản thù lao hấp dẫn. Cô gái ấy đến một nhà nghỉ và cái mà cô nhìn thấy đầu tiên là 5-7 gã đàn ông người xăm trổ chằng chịt đang hít héroin hoặc “đập đá”. Điều gì sẽ xảy ra sau đó?
Y kể: Khi bước chân vào phòng thì làm gì còn lối thoát nữa. Em nghĩ là mình… đối diện với thần chết. Mọi lời van xin là vô ý nghĩa. Giá của bất kỳ biểu hiện từ chối nào, là những trận mưa đòn. Chính Y đã có lần bị 7 “con thú người” hành hạ. “Em đã phải trải qua địa ngục trong suốt từ 10-5h sáng. Bị làm nhục vô điều kiện. Bị ăn đập tóe máu mồm, bị giật từng đám tóc, bị véo tím da tím thịt, với lý do duy nhất: Chỉ vì “bọn nó” muốn hành hạ cho vui. Và đó là thứ “đòn thù” của những người khi đó đã không còn là con người nữa.
Gặp “pháo dàn”, có nghĩa cô gái mại dâm không may đó sẽ bị coi như một món đồ chơi. Sẽ bị lần lượt từng người đàn ông, hoặc cùng lúc 2-3 người đàn ông, khi đó có thể đã “phê lòi” hoặc “ngáo đá” hãm hiếp trước sự chứng kiến của đồng bọn còn lại. Cứ thế, cuộc hãm hiếp mà các cô gái coi là “làm nhục” kéo dài nhiều khi từ 8h tối hôm trước đến 7h sáng hôm sau, ngay cả khi các cô đã hoàn toàn kiệt sức.
Nghiên cứu nhóm của Th.s Đỗ Văn Quân đã cho thấy có tới 5/35 trường hợp khảo sát đã từng phải đối mặt với “pháo dàn”. Có lẽ, những người làm khoa học như ThS Quân đã rất đau lòng khi đưa vào công trình của mình lời kể của một nạn nhân bị “pháo dàn” như sau: Sức khoẻ của em bị ảnh hưởng nhiều. Em mất 40% sức khỏe, hoảng loạn tinh thần. Đau liên tục. Mình uống thuốc giảm đau thì nó có đỡ. Lần đó em phải đi chữa trị tai bệnh viện 354 của quân đội. Sau đấy em phải mất 3 tháng để phục hồi. Em phải về nhà để dưỡng bệnh. Sau lần đó em bị u nang. Vâng em bị ảnh hưởng. Một tháng sau khi điều trị em phải đi mổ một bên u nang. Bây giờ còn một bên nang nữa thì bác sĩ chẩn đoán là em chỉ có 20 % (khả năng) mang thai.
ThS Quân khẳng định: Đây là hình thức bạo lực khủng khiếp nhất. Không, không thể chỉ gọi là sợ hãi. Đó là nỗi kinh hoàng. Gây thương tổn đến nỗi nó gắn chặt với nỗi sợ hãi đeo đẳng trong ký ức suốt phần đời còn lại.
Ánh mắt, thứ bạo lực vô hình
Giờ là lúc giới thiệu đến Y. Khi nói chuyện với chúng tôi bây giờ, cô đã là một “nữ đồng đẳng”, tuy nhiên, cô cũng không muốn che dấu rằng trước đó cô là một “cô gái chuyên nghiệp”. Và ngay từ đầu, trong một quán café nhỏ- cô có vẻ đã rất sẵn lòng vạch áo cho chúng tôi xem những dấu vết bạo hành, sau nhiều năm, vẫn còn hằn trên cơ thể mình.
Đối với “chị em”- như cách nói của Y. Bạo hành tình dục không phải là nguy cơ nữa. “Nó giống với cơm bữa”- cô nói. Bao cao su à, ăn tát. Không “nằm sấp xuống” ư- Một cú thoi thẳng vào mặt. Thế giới của khách làng chơi là vô số những bạo dâm, khổ dâm với những yêu cầu đôi khi thách thức trí tưởng tượng của ngay những cô gái thâm niên lão luyện nhất. Nhiều vị khách buộc các cô phải nói bậy, cực bậy, bằng những từ mà thậm chí các cô trong câu chuyện kể cho nhau nghe còn không dám nhắc lại. Đối với các cô gái mại dâm, cực hình nhất là phải phục vụ các khách hàng sử dụng ma túy. Cắn. Cấu. Bạo dâm. Đánh đập. Bị xem như những “con phò”. Y bị đánh nhiều đến mức giờ cô không nhớ nổi. Đến mức “Cũng phải ngậm miệng lại mà quen đi chứ biết kêu ai”.
Trong nghiên cứu, nhóm ThS Đỗ Văn Quân có nhắc đến một hình thức bạo hành là “Biến nữ mại dâm thành nô lệ tình dục”. Có tới 5/35 trường hợp khảo sát đã từng bị chủ chứa giam hãm, biến thành nô lệ tình dục trong thời gian từ 3-6 tháng. Khi rơi vào tình cảnh này thì cuộc sống của các nữ mại dâm chỉ là một vòng tròn mang tính chất khép kín trong ngày: ăn, trang điểm, quan hệ tình dục…Không có liên hệ với bên ngoài. Không tự do. Họ biến thành tù nhân và bị bóc lột tình dục “như những cái máy”.
Nhưng đó là thứ có thể nhìn thấy. Vậy thì cái không nhìn thấy là gì.
Lắc lắc những lọn tóc qua vai, Y kể cho tôi nghe lần cô đi khám phụ khoa cách đây nhiều năm mà đến giờ cô nói vẫn nhớ như in ánh mắt của người bác sĩ. “Bà ấy nhìn em từ đầu đến chân, rồi lại từ chân lên đầu”- bằng một ánh mắt không thể gọi khác hơn là chứa đầy sự ghê tởm và căm ghét.
Nghiên cứu XHH của ThS Quân cũng trích dẫn 2 lời tâm sự.
Trường hợp của Ph: Về (quê) thì em cũng chẳng về nhà vì em không muốn họ hàng, gia đình em nhìn em với ánh mắt khinh bỉ. Ở quê cứ ăn diện một chút, xe xủng, dây lắc, người ta bảo con này đi làm cave. Đấy là quan niệm ở quê từ xưa đến nay rồi.
Trường hợp của L: Có lần trở về, sau khi ăn uống với gia đình em bắt đầu đi tắm, các cháu và các anh chị đã về nhà hết. Em đi tắm xong, từ trong nhà tắm bước ra thì, ôi giời ơi, hàng xóm người ta thậm thụt người ta nhìn. Lúc đấy, cảm giác rất là khó tả vừa xấu hổ, vừa sợ, lại vừa buồn cười nữa. Có khoảng 15-20 người nhìn, kiểu như em không phải là người trái đất hay sao.
L nói cô “đau lòng lắm”. Còn các nhà xã hội học như ông Quân gọi những “ánh mắt” đó là “một thứ bạo lực vô hình mà xã hội gây ra đối với nữ mại dâm”, mà đôi khi, nó khiến các cô gái còn đau hơn cả khi bị “pháo dàn”.
Và sự kỳ thị, thật bất ngờ, đến từ chính các cô, với bản thân mình.
Trở lại với Y. Cô năm nay đã 35 tuổi, đã có 2 con gái, đều “xinh, ngoan, học giỏi. Không biết tí gì về quá khứ của mẹ. Coi mẹ như thần tượng”. Cô vẫn mặc áo dài tay để che vết sẹo, trong chính cái đêm bị “pháo dàn” cô đã bị “khách hàng” cắn đến đứt da đứt thịt, mà sau bao năm thời gian vẫn không xóa hết được. Nếu con gái có hỏi, Y vẫn nửa đùa nửa thật “Chó dại nó cắn mẹ”.
“Sao cô không đi báo cảnh sát”- Tôi hỏi cô lúc chia tay.
“Cảnh sát ư?” Y hỏi lại. Trong ánh mắt của cô một nửa là sự ngỡ ngàng, nửa còn lại là sự hoài nghi, diễu cợt. Đối với các cô gái như Y. “Cảnh sát” là từ không có trong từ điển.
Tin cùng chuyên mục:
Những người thầy ươm dưỡng tương lai
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện