Phận người và mạng chó
Ba con chó bị cẩu tặc bắt đi bán được hai triệu đồng nhưng đánh đổi lại là ba mạng người. Chuyện tưởng chỉ có ở thời mông muội.
Mấy ngày nay, vụ cẩu tặc bắn chết ba người truy đuổi đang làm rúng động cả xã hội. Sau khi trộm được ba con chó, nhóm cẩu tặc bỏ chạy thì bị ba người dân truy đuổi. Bọn chúng đã dùng súng bắn điện tự chế bắn trả để mở đường thoát thân và hậu quả làm cho ba người truy đuổi mất mạng.
Đám tang nghèo của một nạn nhân vụ ăn trộm chó.
Ba con chó ăn trộm sau đó được bán với giá hai triệu đồng. Làm sao có thể tránh khỏi những suy nghĩ so sánh về thân phận con người và loài vật gắn bó yêu thương nhất với họ.
Câu chuyện về thịt chó cứ mãi làm đau lòng người, trộm chó bị đánh chết rồi lại đến trộm chó đánh chết người.
Không ít kẻ trộm chó đã bị đánh, nhẹ thì què quặt, thương tích, nặng thì mất mạng. Và để phản kháng lại, những kẻ trộm chó này cũng tước đoạt lại sinh mạng của người truy đuổi mình. Một câu chuyện sẽ không bao giờ có điểm dừng nếu như vấn đề thịt chó không được giải quyết.
Người Việt Nam có thói quen ăn thịt chó quanh năm suốt tháng. Nắm bắt được thói quen này nên nhiều người đã chọn “nghề” cẩu tặc để kiếm sống, bởi lợi nhuận mà nó mang về không phải là nhỏ. Điều này đã khiến cuộc sống của nhiều người dân ở vùng nông thôn bị xáo trộn, và gây ra bức xúc không nhỏ cho những gia đinh bị mất đi con vật nuôi thân thiết hàng ngày.
Có nhiều quốc gia có người ăn thịt chó, như Hàn Quốc chẳng hạn,… nhưng có lẽ không đâu lại có vấn nạn “cẩu tặc” như ở Việt Nam. Rõ ràng vấn đề không ở con chó và cũng không phải ở việc ăn thịt chó hay không, mà là ăn thịt chó như thế nào?
Một con chó bị trộm cướp để bán vào các nhà hàng thì món ngon cũng trở thành thuốc độc. Chưa có một cuộc thống kê chi tiết nào về việc lượng thịt chó cung cấp ra thị trường Việt Nam hiện nay có bao nhiêu là từ nguồn cẩu tặc, còn bao nhiêu là từ việc nuôi chó để lấy thịt. Nhưng chắc chắn nguồn cung cấp từ cẩu tặc sẽ chiếm đa số.
Đã từng có 5 lao động người Việt Nam tại Đài Loan đã phải quỳ suốt hai tiếng đồng hồ, trong một “nghi lễ cầu siêu”, để chuộc tội với “vong khuyển” mà họ đã trót bắt trộm và ăn vào bụng.
Họ bị bắt quỳ một chân trước ban thờ “vong khuyển” và xung quanh là những gương mặt hằm hằm tức giận. Lỗi của họ là đã ăn trộm, sau đó ăn thịt hai con chó có tên là “Tiểu Hắc” và “Happy”. Tội của họ, theo luật Đài Loan, có mức phạt 100.000 Đài tệ/người, tương đương 73 triệu đồng Việt Nam. Nếu họ không ăn cắp con chó của người khác, theo cách gọi hiện tại là “cẩu tặc” thì mọi chuyện đã không đến mức tệ hại như vậy.
Thế nên trước khi bàn về việc chấm dứt ăn thịt chó thì hãy bàn xem làm thế nào để ăn thịt chó mà vẫn là văn minh và thịt chó không phải đánh đổi bởi mạng người. Bởi nói thật, việc chấm dứt ăn thịt chó trong hoàn cảnh hiện nay là không thể. Bạn có quyền không ăn nhưng không thể cấm người khác không ăn, đó là quyền của họ.
Nhưng luật pháp hoàn toàn có quyền cấm mọi người mua bán và ăn những con chó do ăn trộm mà ra.
Ăn cái gì cũng phải biết suy nghĩ là cái mình đang ăn do đâu mà có, phải biết nguồn gốc của nó chứ không phải cái thứ gì cũng có thể bỏ vào mồm ăn mà không biết suy nghĩ. Hàn Quốc có cả một nền công nghiệp nuôi chó chỉ để lấy thịt như nuôi gà, nuôi lợn vậy, nên chẳng bao giờ để xảy ra chuyện cẩu tặc như ở Việt Nam.
Nếu coi hành động của những kẻ trộm chó là tội ác, thì hành động tiêu diệt kẻ trộm chó của những người dân và việc chống trả của tên trộm chó cũng là những hành động dùng tội ác để triệt tiêu tội ác. Mà thường với phương thức này, tội ác không thể thể bị triệt tiêu.
Vòng luẩn quẩn trộm chó, bị đánh chết, người đuổi trộm chó cũng chết,… bao giờ mới có thể chấm dứt được.
Tin cùng chuyên mục:
Hương sắc Hà Nội – Một trong 50 thành phố tuyệt vời nhất thế giới
Nóng: Giám đốc Đại học Huế bị bắt
Nhà báo quay clip xe múc đất rồi “gợi ý quà Tết”
Phương án cải tạo sông Tô Lịch: Cần làm rõ để đảm bảo hiệu quả