KHÔNG LỆ THUỘC ĐỂ ĐỔI LẤY HÒA BÌNH

Người xem: 114

Không lệ thuộc để đổi hòa bình

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Việt Nam dứt khoát không nhân nhượng, sẽ giữ chủ quyền bằng mọi cách. Đội quân bảo vệ đất nước không bao giờ cạn, người này ngã xuống thì sẽ có người khác đứng lên chống giặc ngoại xâm


Ngày 26-6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi tiếp xúc Ủy ban MTTQ TP HCM và cử tri quận 1, TP HCM. Cử tri bày tỏ nhiều tâm huyết gửi đến Chủ tịch nước trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Có còn bạn bè tốt?

Cử tri Nguyễn Xuân Đáng (quận 1) nói: “Mấy ngày qua, xem tivi, nhìn thấy tàu Trung Quốc đâm tàu ngư dân, lực lượng cảnh sát biển ta mà thấy đau lòng ghê gớm. Đất nước ta trải qua 18 cuộc chiến tranh thì hết 15 cuộc chống phương Bắc. Chúng ta đừng say sưa 16 chữ và 4 tốt nữa”.

Đồng tình, Chủ tịch Hội Khoa học, Kỹ thuật và Kinh tế biển TP HCM Lê Kế Lâm khẳng định hiện nay, nhân dân rất muốn biết nhà nước nhìn nhận quan hệ với Trung Quốc như thế nào? “Có còn đồng chí tốt, bạn bè tốt, láng giềng tốt và đối tác tốt nữa không?” – ông Lâm đặt câu hỏi và cho rằng: “Trên thực tế, họ không có gì tốt cả”…

Ông Lâm cũng đặt vấn đề: Hiện nay, 80% xi măng của Việt Nam là do Trung Quốc cung cấp; ngành công nghiệp phụ trợ cũng nhập nguyên liệu lớn từ Trung Quốc. Người Trung Quốc mua nông sản rồi ép giá, quấy nhiễu, phá hoại nền nông nghiệp nước ta… Vậy là lệ thuộc hay không lệ thuộc? Chúng ta phải thoát ra sự lệ thuộc này. Thoát ra sẽ có đau đớn, tổn thất nhưng thà đau đớn, tổn thất một thời gian còn hơn là lệ thuộc suốt đời.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ cử tri quận 1, TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh

Trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết kể từ đổi mới đến nay, Đảng và nhà nước nhất quán đường lối đối ngoại: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, cùng hợp tác trên cơ sở bình đẳng, các bên cùng có lợi”. “Từ đường lối này, chúng ta quan hệ hầu khắp các nước trên thế giới. Tôi muốn nói điều này để khẳng định rằng chúng ta không lệ thuộc bất cứ ai. Trong lãnh đạo có thể có sai sót nhưng đường lối xuyên suốt là không lệ thuộc. Và cũng nhờ đó mà đất nước chúng ta đã thay da đổi thịt. Trong tương lai, chúng ta sẽ làm sâu sắc hơn đường lối này” – Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước cũng khẳng định: Hòa bình không phải là lệ thuộc hay van xin. Từ ngàn đời nay, cha ông ta đã khẳng định như vậy chứ không phải bây giờ. Chúng ta luôn luôn mong muốn hòa bình, hữu nghị nhưng điều này phải dựa trên sự tôn trọng, hai bên cùng có lợi.

Cái gì của chúng ta là của chúng ta!

Quá bức bối trước sự việc Trung Quốc ngày càng hung hăng, coi thường luật pháp quốc tế trong vấn đề biển Đông, ông Huỳnh Tấn Mẫm, Ủy viên MTTQ TP HCM, nói: “Nếu như Trung Quốc cứ lấn tới, tạo nên sự đã rồi mà chúng ta không phản ứng mạnh mẽ hơn, chỉ dừng lại ở việc phản đối thì sẽ rất khó”. Còn ông Trần Thiện Tứ, Ủy viên Ủy ban MTTQ TP HCM, nêu: “Trung Quốc đang chuẩn bị 3, 4 giàn khoan nữa để đưa ra biển Đông. Chúng ta sợ gì mà không đưa họ ra tòa án quốc tế. Bác Hồ từng nói “đối với Trung Quốc nghĩa tình thì đầy đủ nhưng đúng sai thì phải rõ ràng”, mình cứ để hoài vậy sao?”…

“Tôi biết bà con, anh chị còn bức xúc, chạnh lòng nghĩ “chắc mấy cha trung ương sợ” nhưng vấn đề chủ quyền Tổ quốc là thiêng liêng nên chúng ta phải thận trọng” – Chủ tịch nước giãi bày. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “Cử tri hỏi có phải sợ hay không? Không sợ. Vấn đề Tổ quốc không phải chữ đó. Đó là vấn đề sống còn của một dân tộc, đặc biệt là trong những thời điểm quan trọng lịch sử của đất nước, mình phải hành xử làm sao để bảo vệ lợi ích quốc gia cao nhất, đồng thời tôn trọng lợi ích quốc gia khác. Đôi bên cùng có lợi, sòng phẳng, không có chuyện nước lớn – nước nhỏ, nước giàu – nước nghèo”.

Chủ tịch nước nói chúng ta ngoài dựa vào dân tộc mình cũng phải dựa vào toàn thế giới và luật pháp quốc tế, đồng thời cho biết Trung Quốc đã làm đủ thứ chuyện và thậm chí đã lưu hành 2 tài liệu rất quan trọng phản bác Việt Nam tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc trong thời gian gần đây. “Người ta nẻ mình từng chuyện một, nào là thư cụ Đồng (công thư năm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng – PV), nào là sách giáo khoa thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đọc kỹ từng chữ công thư năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cụ nói xung quanh công nhận 12 hải lý. Lúc bấy giờ, lãnh hải có 3 hải lý thôi. Thế giới cũng bàn luận từ năm đó đến năm 1982, Công ước quốc tế về Luật Biển mới thừa nhận nội thủy 3 hải lý, lãnh hải 12 hải lý. Cụ Đồng chưa bao giờ nói Hoàng Sa – Trường Sa là của Trung Quốc” – Chủ tịch nước lý giải.

Chủ tịch nước khẳng định thêm: “Cái gì của chúng ta là của chúng ta. Chúng ta có cơ sở pháp lý, bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế. Đội quân bảo vệ đất nước không bao giờ cạn, người này ngã xuống thì người khác đứng lên vì chống giặc không chỉ một người hay vài người mà là toàn thể nhân dân. Dứt khoát là như vậy!”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *