Em trai bầu Kiên: CHÚNG TÔI KHÔNG BAO GIỜ ĐI CÙNG TRÊN MỘT CHUYẾN BAY

Người xem: 217

“Bầu” Kiên là anh cả trong gia đình có 4 anh em, ông Cương là thứ hai. Hai anh em ông giống nhau ở niềm đam mê thể thao nhưng bầu Kiên nổi tiếng trong giới tài chính – ngân hàng, ông Cương lại theo con đường văn hóa nghệ thuật.

(PLO) – Trong 11 ngày xét xử liên tục, đại án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, có một người đàn ông luôn cần mẫn đến tòa theo dõi diễn biến phiên xử, hồi hộp lo lắng và phấp phỏng cho số phận của bầu Kiên và các bị cáo. Đó là ông Nguyễn Đức Cương – em trai của bầu Kiên, người giống bầu Kiên từ mái tóc, dáng đi, khuôn mặt đến dáng vẻ; chỉ khác ở người này là áo quần, giày dép đều giản dị và phóng xe máy một mình giữa cái nắng như đổ lửa.

Ngày xử cuối trước khi Tòa nghị án vừa qua, trong lúc chờ tạm biệt anh trai về trại tạm giam, ông Nguyễn Đức Cương chia sẻ đôi điều về người anh trai của mình với phóng viên Báo PLVN và “bật mí” sự tự tin khi đối đáp của anh trai phần nhiều do khả năng thiên bẩm và quá trình tôi luyện trong môi trường kinh doanh khắc nghiệt, lắm rủi ro mà bị cáo đã trải qua. 

Thừa hưởng gen hùng biện 

Ông Cương tâm sự, “bầu” Kiên là anh cả trong gia đình có 4 anh em, ông Cương là thứ hai. Hai anh em ông giống nhau ở niềm đam mê thể thao nhưng bầu Kiên nổi tiếng trong giới tài chính – ngân hàng, ông Cương lại theo con đường văn hóa nghệ thuật. Hiện ông Cương là Phó Chủ nhiệm điều hành CLB Văn hóa Nghệ thuật Thăng Long (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội).

Gây chú ý cho nhiều người tại phiên tòa xử bầu Kiên và đồng phạm là trí nhớ không thể chê của bầu Kiên về từng việc đã xảy ra, từng điều luật ở rất nhiều các văn bản luật khác nhau. Bầu Kiên khẳng định với Hội đồng xét xử (HĐXX): “Tôi có trí nhớ rất tốt và nguyên tắc làm việc rất cẩn trọng khi nói rằng hợp đồng ký kết bán cổ phần giữa ACB và Hòa Phát đã bị thay đổi: “Tôi nhớ tất cả các trang của hợp đồng có chữ ký nháy chứ không chỉ có trang cuối như bản tôi đã nhìn thấy và ở trang 1 tôi khoanh tròn vào mục “giá”. Đặc biệt, bầu Kiên “nói vo” các điều trong Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… trong quá trình tự bào chữa và xin HĐXX đừng ngắt “mạch tư duy” của mình khi nói lời sau cùng nếu không cần thiết. 

Dễ nhận thấy ông Cương quá thần tượng người anh trai của mình. Còn nhớ, khi bầu Kiên tự bào chữa trong gần 2 tiếng đồng hồ và nói lời sau cùng gần một tiếng, ông Cương bước xuống sân Tòa thốt lên: “Anh Kiên nói quá tốt!”. 

Rồi ông Cương chia sẻ, việc bầu Kiên nắm chắc luật không phải do phải bào chữa ở phiên tòa này mà là vốn tích lũy trong suốt quá trình kinh doanh với ý thức nghiên cứu kỹ càng, cẩn trọng. Tuy nhiên, ông Cương không hiểu sao anh trai mình lại có tài nhớ những gì đã đọc, dù là lướt qua một cách siêu phàm như vậy: “Các văn bản về thương mại, ví dụ như mở L/C, anh ấy có thể đọc qua rất nhanh rồi nói lại cả trang không thiếu một chữ. 

Ông Cương nói: “Từ bé, anh Kiên đã có một trí nhớ gần như chụp ảnh tất cả các sự kiện, sau này anh Kiên học ở Hungari, anh ấy nói tiếng Hungari như tiếng mẹ đẻ. Bây giờ sức khỏe anh yếu đi nhưng khả năng nhớ đặc biệt đó vẫn không suy giảm”. 

Ông Cương thừa nhận khả năng hùng biện của hai anh em ông được thừa hưởng gen từ người cha – một nhà giáo, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao Bá Quát (Hà Nội). Dù rất phục tài kinh doanh của anh trai nhưng người ông Cương hâm mộ nhất là cha mình. Cụ quyết đoán, nghiêm khắc và mẫu mực, ông và bầu Kiên không bao giờ hút thuốc cũng bởi sự nghiêm khắc của cha.
Suy nghĩ về lời nói sau cùng của bầu Kiên với gia đình, ông Cương chia sẻ: “Anh Kiên nói rất thật lòng là mong mẹ và các em thông cảm vì sao anh không cho các em giữ vị trí quan trọng ở ngân hàng dù mình hoàn toàn có đủ khả năng làm điều đó. Lời này anh cũng dành nói với tôi vì trước đây nhiều lần anh nói tôi thông minh nhưng anh không “dùng” vì anh thấy các rủi ro trong kinh doanh ở Việt Nam, không muốn các em phải chịu các rủi ro này, cũng giống như đi máy bay, không bao giờ hai anh em tôi đi cùng một chuyến”.
Không bình luận nhiều về việc kế toán Nguyễn Thị Hải Yến đổ tội cho bầu Kiên chỉ đạo làm trái, ông Cương chỉ nói bầu Kiên là người rất hiền lành, luôn rộng lượng với người khác, dù Yến có khai bất lợi thì trước Tòa, bầu Kiên vẫn xin HĐXX miễn trách nhiệm cho. 

Ông Cương nói, nhiều người hiểu lầm ánh mắt bầu Kiên có nét “gian hùng” nhưng kỳ thực bầu Kiên rất hiền lành, ánh mắt là do môi trường kinh doanh khốc liệt mà dần hình thành, thể hiện quyền uy trong lãnh đạo. Ông cũng “đính chính” tóc bầu Kiên và cả ông nữa bạc trắng là do thời trẻ học hành nhiều và đặc biệt thức khuya xem bóng đá chứ chẳng liên quan gì đến buôn vàng đau đầu như một vài người suy luận. Về thông tin vệ sỹ bảo vệ cho vợ bầu Kiên, ông Cương nói mọi người đã nhầm, đó là người em đồng hao của bầu Kiên.

Sẽ kháng cáo, nếu không thỏa đáng

Sau phiên tòa vừa qua, thấy gia đình bầu Kiên bắt tay rất chặt cảm ơn các Luật sư (LS). Trước khi một số LS bay vào Sài Gòn, họ đã cùng ký một bản kiến nghị gửi HĐXX đọc xem xét trước khi tuyên án. Ông Cương nói, các LS đã làm rất tốt việc bào chữa cho bầu Kiên và đã có dự định kháng cáo lên TANDTC nếu bản án tuyên không thỏa đáng. 

Điều ông lo lắng nhất hiện nay là sức khỏe của “bầu” Kiên trong trại; quá thương anh sa vào vòng lao lý, ông Cương thậm chí còn mơ thấy anh mình báo mộng bị gây khó khăn trong quá trình điều tra. 

Ngày xử cuối vừa qua, ông Cương nán lại tòa chờ đợi rất lâu để được xin bắt tay anh trai mình một cái thật chặt với lời động viên: “Cố lên anh nhé!”. Có lẽ chỉ có ông, người đàn ông gần gũi nhất với bầu Kiên mới có thể hiểu ẩn ý của bầu Kiên khi không tố cáo những bạn bè ở Tập đoàn Hòa Phát, không trách móc một câu dù ở Tòa những người bạn này đối đầu mình:

“Họ có đến gặp riêng gia đình xin lỗi nhưng muộn quá rồi, đối xử với bạn bè như thế là không phải nhưng anh Kiên “biết dung kẻ dưới” để “lượng trên” khi nói việc thế chấp hoàn toàn nằm trong ý thức của Thép Hòa Phát, mình không có lỗi”.

Ông Cương tin rằng anh trai mình vô tội, bằng tất cả tình yêu thương với anh, ông Cương thổ lộ đang viết một bài hát tặng riêng anh trai trong lúc sóng gió này.
————————-

Theo dõi phiên xử, tôi thực sự ấn tượng trước tài năng hùng biện cũng như tài kinh doanh của “ông trùm” Nguyễn Đức Kiên. Chỉ tiếc rằng trên thương trường khốc liệt, tài năng đó đã bị chệch hướng. Trong thời kỳ kinh tế hội nhập như hiện nay, cuộc sống vô cùng sôi động, phát triển, biến động từng ngày từng giờ, phát sinh nhiều quan hệ pháp luật mới mà nhà làm luật chưa tiên liệu, điều chỉnh kịp. Điều này là một thực tế hoàn toàn dễ hiểu. Một doanh nhân có Tâm, có Tài sẽ không bao giờ lợi dụng khoảng trống pháp lý, không lách luật, không đi ra ngoài đạo kinh doanh.” 

(Ý kiến của một Luật gia quan tâm đến vụ án)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *