ĐỂ TRẢ MÓN NỢ “BIỂU TÌNH” CHO DÂN

Người xem: 157

Để trả món nợ “biểu tình” cho dân

TS. Võ Trí Hảo (*)

Quốc hội khóa 13 đưa Luật Biểu tình vào chương trình làm luật năm 2015.

(TBKTSG) – Người dân hoan nghênh việc Quốc hội khóa 13 đưa Luật Biểu tình vào chương trình làm luật năm 2015. Nếu thực hiện được điều này, Quốc hội khóa này trả được món nợ 70 năm (Hiến pháp 1946 quy định công dân có quyền biểu tình). Tại sao tự do biểu tình lại là món nợ lâu đến vậy? Và lần này chúng ta có trả được cho dân một cách sòng phẳng hay không? 

Biểu tình: phương thức để người dân biểu đạt các bức xúc

Trong xã hội phong kiến và xã hội chuyên chính, việc thỏa hiệp chính trị bị xem là cải lương; bày tỏ bất bình đối với điều hành của chính quyền bị xem là tạo phản.

Không có con đường hòa bình, thần dân trong các xã hội này không còn cách nào để tác động, thay đổi cách thức điều hành của chính quyền ngoài việc phải bạo động. Các cuộc khởi nghĩa nông dân diễn ra triền miên trong lịch sử phong kiến Việt Nam là một minh chứng cho sự phá vỡ giới hạn chịu đựng của người dân.

Bước sang xã hội văn minh, ngoài việc chấp nhận bầu cử là phương thức hòa bình để thay thế quyền lực nhằm chấm dứt việc giết người đứng đầu hay đảo chính, thì biểu tình được chấp nhận như một phương thức hòa bình để biểu đạt những bức xúc của người dân. Khi bức xúc được bày tỏ, tâm lý được giải tỏa, nguyện vọng được lắng nghe, hành xử của nhà nước được điều chỉnh, thì trật tự hòa bình sẽ được xác lập ở một trạng thái cân bằng mới, bền vững hơn. Như vậy, với việc biểu tình, người dân “xả” được những bất bình, “xả” xong, nếu chính quyền có những điều chỉnh cần thiết thì “áp suất trong lòng xã hội” giảm xuống mức an toàn, người dân và chính quyền tiếp tục hợp tác.

Quyền biểu tình là quyền hiến định của người dân, không phải là thứ ban phát hay phải xin – cho từ Nhà nước.

Điều thường làm cho chính quyền e ngại với biểu tình là khi quyền lợi không được giải quyết thỏa đáng, biểu tình có thể trở thành nguồn cơn kích động một số người vượt quá giới hạn biểu tình hòa bình, trở nên bạo lực. Thế nhưng, việc có luật biểu tình hay không, không ngăn được hiện tượng “xả xu páp”. Trung Quốc là quốc gia không có luật biểu tình nhưng số lượng các cuộc biểu tình diễn ra còn nhiều hơn nước Đức hay Hoa Kỳ.

Biểu tình như nhiệt kế của chính quyền

Sự khác nhau giữa quốc gia có luật biểu tình và quốc gia từ chối hợp pháp hóa biểu tình ở chỗ: các chính trị gia có công cụ gì để đo lường sự bất bình của dân chúng ở mức độ nào, đã sắp bùng nổ hay chưa, nhằm có sự điều chỉnh cần thiết.

Nếu không có biểu tình, thì người “cai trị” chỉ nhận biết sự bất bình của dân chúng qua các lời tâu có phần xu nịnh của “hạ quan”. Nếu có luật biểu tình thì “hạ quan” muốn tâu sai cũng khó lòng che đậy.

Quản trị quốc gia mà từ chối hợp pháp hóa biểu tình sẽ giống như nấu thức ăn trong cái nồi áp suất mà không có xu páp, cũng chẳng có nhiệt kế. Có Luật Biểu tình, có cái xu páp hay nhiệt kế, thì nhiệt độ sẽ được đo và điều tiết về mức hợp lý, tránh nóng quá gây vỡ nồi hay làm thức ăn cháy khét.

Đừng để luật Biểu tình thành luật chống biểu tình

Quyền biểu tình là quyền hiến định của người dân, không phải là thứ ban phát hay phải xin – cho từ Nhà nước. Thủ tướng đã khẳng định trước Quốc hội: làm Luật Biểu tình cần phù hợp với thông lệ quốc tế và mục đích là bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân.

Để bám sát mục tiêu mà Thủ tướng nêu ra, nên xây dựng Luật Biểu tình, theo hướng biểu tình là một quyền chỉ cần đăng ký mà không cần phải xin phép. Không thể lấy lợi ích nhà nước ra làm mục tiêu chủ đạo để hạn chế quyền biểu tình; quyền biểu tình chủ yếu chỉ bị hạn chế bởi lợi ích duy trì sinh hoạt thông thường của những người không tham gia biểu tình.

Các hạn chế đối với quyền biểu tình chỉ nên dừng lại ở các biện pháp giữ cho cuộc biểu tình diễn ra một cách hòa bình. Những hành vi vượt quá giới hạn biểu tình hòa bình đã có rất nhiều chế tài trong Bộ luật Hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính rồi.

Các mục tiêu, địa điểm quan trọng của quốc gia cần được cách ly ở một khoảng cách an toàn với các cuộc biểu tình; cũng như cần có định nghĩa, tiêu chí rõ ràng làm căn cứ giải tán các cuộc biểu tình bạo lực, bất hợp pháp.

Tất cả các vấn đề cốt lõi nêu trên, cần được quy định cụ thể trong Luật Biểu tình, tránh giao cho nghị định, thông tư hướng dẫn.

Cũng cần tránh việc phó thác khâu soạn thảo cho “cơ quan chống biểu tình bất hợp pháp” để rồi, lợi ích ngành dẫn dắt hình thành cơ chế “nhàn cho cơ quan chống biểu tình bất hợp pháp, mệt cho dân”.
—————–
(*) Khoa luật, Đại học Kinh tế TPHCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *