ĐỪNG KỲ THỊ DÂN TỘC

Người xem: 152

Khoai@: Tên gốc của bài là Không nên kỳ thị dân tộc!

(PetroTimes) – “Việt Nam – Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông” – khúc hát xưa thấm đẫm tình đồng chí, gắn bó với tình cảm người dân 2 nước Việt, Trung nay đã không còn ai hát nữa. Thay vào đó là những giọng điệu ngang ngược, bá quyền của người Trung Quốc và nỗi căm phẫn của người Việt Nam trước nguy cơ lãnh thổ thiêng liêng bị xâm phạm.

Trừ mâu thuẫn đỉnh điểm được bạo lực hóa bằng chiến tranh biên giới 1979 ra, có lẽ chưa có thời điểm nào mâu thuẫn giữa 2 nước Việt Nam, Trung Hoa lại lớn như thời điểm này. Làn sóng biểu tình đã xuất hiện ở Việt Nam, và tràn trong lòng người Việt Nam là niềm thất vọng về người bạn lớn thậm chí đã từng là “như môi với răng” cùng nhau. Người dân Trung Quốc thì bị chính quyền tiêm vào đầu vô số những thông tin, những khái niệm theo chiều hướng xấu và sai lệch về người láng giềng của họ.

Sự kiện khách sạn Olympic ở Nha Trang đưa ra câu khẩu hiệu: “Chúng tôi sẽ không phục vụ du khách Trung Quốc, trừ khi chính phủ của các bạn đưa giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi lãnh hải Việt Nam” đã đặt ra một vấn đề lớn, liệu chúng ta có nên phân biệt đối xử với người Trung Quốc?

Phải thừa nhận đây là một sự từ chối lịch thiệp hơn rất nhiều so với khẩu hiệu trước đó mà một nhà hàng ở Trung Quốc đưa ra: “Không đón tiếp người Nhật bản, người Phillippines, người Việt Nam và chó”.

Câu khẩu hiệu ở Nha Trang không phải là sự kỳ thị, mà chỉ là sự nhắc nhở cho người Trung Hoa thấy thái độ kiên quyết của người Việt Nam. Tuy nhiên, sự kiện này cũng như một tiếng chuông, nhắc nhở chúng ta phản ứng một cách bình tĩnh, tránh xa thái độ kỳ thị dân tộc với Trung Quốc – những người từng là anh em, là đồng chí, là bạn tốt.

Người Trung Hoa và người Việt Nam có những đặc điểm giống nhau, đó là tinh thần dân tộc và tính duy tình. Có thể nói không ai hiểu người Trung Hoa bằng người Việt Nam – cũng không ai hiểu người Việt Nam bằng người Trung Hoa.

Chỉ có điều…

Để phục vụ cho tham vọng bá quyền, mở rộng lãnh thổ, giải tỏa những mối bức xúc trong quá trình phát triển, những người lãnh đạo ở Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp nhưng thỏa ước, những cam kết mà họ đã ký liên quan đến Biển Đông trong những năm gần đây, và cũng làm tổn thương tình hữu nghị của 2 dân tộc.

Người Việt Nam đã thể hiện lòng yêu nước của mình một cách văn minh.

Người Việt Nam không ghét người Trung Quốc và ngược lại. Nhưng chính giới cầm quyền Trung Quốc qua bộ máy tuyên truyền của mình đã từng ngày, từng ngày tiêm nhiễm vào đầu người dân tư tưởng chống lại Việt Nam, vu cho Việt Nam đủ mọi chuyện xấu. Họ lừa mị cả người dân Trung Quốc để phục vụ cho tham vọng vĩ cuồng của mình.

Hơn ai hết, cũng như người dân Việt Nam, người dân Trung Quốc yêu chuộng hòa bình. Ở dọc biên giới Việt – Trung đã có những gia đình mà thành phần 2 dòng máu Việt – Trung hòa lẫn vào nhau. Họ sống tình cảm, đoàn kết, giao thương với nhau. Trong cuộc sống của họ không có sự kỳ thị, phân biệt.

Chỉ có điều, ở đầu não của đất nước, nơi có những cái đầu mang tư tưởng “nước lớn” với tham vọng “cường quốc” đã lôi người dân Trung Quốc vào guồng máy của họ.

Ở Trung Quốc đã từng xuất hiện với những phong trào tẩy chay hàng Nhật, đốt ôtô Nhật, đập phá cửa hàng Nhật… và xuất hiện phong trào chống Nhật Bản, chống Philippines và Việt Nam là do bị kích động bởi dư luận cho rằng đất của Trung Quốc, biển của Trung Quốc đã bị xâm lấn, chủ quyền của Trung Quốc bị vi phạm, “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc bị cướp đoạt…(!?).

Đây là kết quả của một sự tuyên truyền quá khích, không khách quan của một thế lực nào đó theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang hiện hữu tại Trung Quốc. Chính điều đó đã gây ra bất lợi cho quan hệ ngoại giao quốc tế mà hình ảnh của người Trung Quốc cũng bị phương hại nặng nề.

Các cơ quan truyền thông, cơ quan quản lý Trung Quốc cần phải có điều chỉnh trong tương lai nếu họ không muốn uy tín và vai trò của Trung Quốc trên trường quốc tế tiếp tục bị suy giảm… Mọi thông tin, đặc biệt là thông tin cho đại chúng, không nên một chiều, quá khích dễ dẫn đến tình trạng không kiểm soát nổi, nhất là trong tình hình có những thế lực “diều hâu” đang luôn rình rập lợi dụng nhằm phục vụ cho những mục đích chính trị đen tối của mình.

Kỳ thị dân tộc là điều tối kỵ trong thế giới văn minh, vậy nên, người Việt Nam chúng ta không bao giờ nên sa vào vết xe đổ chính Trung Quốc đã từng phạm phải. Hãy xem khẩu hiệu ở Nha Trang như một sự thể hiện niềm tự hào dân tộc, không nên để vấn đề đi quá xa – vì như thế có thể gây hiểu nhầm với người dân Trung Quốc – vốn là những người bạn của chúng ta.

H.C.T

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *