MẶC SEO CHO VỪA…LÒNG NGƯỜI?

Người xem: 181

Từ lệnh cấm nữ sinh mặc quần bó sát

Đó là nghiêm lệnh đề ngày 10-02-2014 của trường trung học Rockport ở tiểu bang Massachusetts. Loại quần bị ban Giám Hiệu đòi “xóa tên khỏi sổ bụi đời” gọi bằng tiếng Anh là “yoga pants” và “legging,” còn trong Việt ngữ của ta không có tên riêng nhưng kêu bằng cách mô tả, đại khái như quần bó sát cẳng, quần ôm dính chân và được “cấu tạo” bằng thứ vải thun…

Nói “bó sát cẳng” hay “ôm dính chân” nhằm giữ ý tứ và lịch sự, tế nhị, chứ thật tình diễn tả thì phải nhấn mạnh là loại quần này “bó sát” cả phần hạ thể, “ôm dính” toàn bộ diện tích từ thắt lưng đổ xuống đến tận cổ chân. Nói “đổ thóc giống ra ăn,” nếu bà Hồ Xuân Huơng mà sống vào thời đại này, kho tàng thi ca của bà bảo đảm thể nào cũng có vài bài vịnh cái quần bó sát; trong đó lại tha hồ “hiện hữu” những đồi núi, thung lũng… đồng thời có cả cảnh “trông xa khắp mọi chòm” (Tự Tình) và “…rêu từng đám… đá mấy hòn” (Than Thân)…

Theo thiển ý, loại quần này thật sự đã chào đời từ khuya rồi nhưng không hiểu vì động lực nào mà nay bỗng “tái xuất giang hồ” ở một ngôi truờng trung học đệ nhị cấp (nay ở Việt Nam gọi là cấp 3); cấp mà học sinh đã sắp sửa vĩnh biệt giai đoạn “tuổi mới lớn” để anh dũng bước lên ngưỡng cửa Đại Học.

Trai gái ở cấp 3 đã khởi sự trổ mã; trai thì râu ria tun lún phún ở bờ mép, dưới cằm vốn báo hiệu là một “trung tâm gây mê” sắp xuất hiện hoặc cho phép tiên đoán “chủ nhân” nay mai sẽ “mệt không nghỉ” về công tác giữ gìn “mày râu nhẵn nhụi…”; còn gái thì cũng đã có thể khoe “hàng,” phô “của” hoặc có thể nở mày nở mặt về lãnh vực “điện nước” phong phú của mình. Đó là nói về khía cạnh “mặt bằng” thôi; còn về phạm vi “nội thất,” tức phần bên trong thì xin… miễn bàn ở đây.

Một điều đáng nhấn mạnh hơn nữa là luật cấm mặc quần bó sát của trường Rockport chỉ áp dụng cho nữ sinh mà thôi. Thế nhưng chẳng ai có thể quả quyết rằng trong thực tế chẳng có nam sinh nào bận quần bó sát hết. Thật là “bé cái lầm” khi vẫn thấy nhiều học trò con giai đeo bông tai hay kẻ lông mày. Đó là chưa kể đến những “bóng” hay những “bán nam, bán nữ” thứ thiệt. Thời buổi “vàng thau lẫn lộn” thì việc phân biệt đực, cái cũng “trần ai khoai củ” lắm.

Phe nữ sinh phản đối – Cũng vì luật nói trên có tính kỳ thị “hệ” mà ngay sau ngày ban hành nghiêm lệnh kể trên, hơn 20 nữ sinh đã cố tình diện quần bó sát đến trường – không phải thứ thun và kích thước bình thường nhưng là thứ “co rút” bạo theo mỗi nhịp bước hay cử động của chủ nhân; và số “size” lại rất “khiêm nhượng” khiến kẻ thấy liền có cảm tưởng người mặc sẽ chẳng có cơ hội mà… cởi ra.

Bởi có dụng ý phản đối ban Giám Hiệu, các nữ sinh này đã tỏ vẻ “ngây thơ… cụ” mà “vô tư” đi qua, diễu lại trước văn phòng ông Tổng Giám Đốc, bà Tổng Giám Thị. Gặp thầy nào, cô nào, các “em” cũng lại ưỡn ẹo sà đến… chào hỏi quá ư lễ phép. Dĩ nhiên các màn “trình diễn thời trang” kiểu này đã không qua mặt nổi các bậc nhà giáo để rồi kết quả chung cuộc được công bố trên hệ thống phát thanh của nhà trường, trước giờ vào lớp: Nhóm “nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò” này đã bị bắt buộc cấp tốc trở về nhà thay… quần – cả áo, càng tốt. Thêm vào đó, một số nữ sinh được đánh giá là các “nữ tướng lãnh tụ” còn nhận được văn thư cảnh cáo chính thức, đe dọa bị trục xuất khỏi trường nếu không biết “ăn năn tội” mà “cải tà quy chánh.”…

“Gái nóng” Việt chẳng kém cạnh với nữ sinh Mỹ

Nguyên nhân cấm “mặc quần bó sát” – Ở một đất nước tôn trọng tự do và dân chủ như Hoa Kỳ thì một thằng nhỏ mới biết nói sõi, một bé hĩm mới đi vững cũng mặc nhiên có quyền bộc lộ ý nghĩ của mình, và phải được lắng nghe. Hơn nữa, theo kế hoạch cải tổ Giáo Dục mới của Hoa Kỳ, phương pháp giáo dục thực tiễn là nhằm khuyến khích trẻ em suy luận và diễn đạt quan điểm và lập trường của mình. Hình thức học từ chương, học như con két đã bị bắt buộc “đi chỗ khác chơi.” Ngoài ra không chỉ học đường mà gia đình cũng giữ một vai trò quan trọng trong việc gây phát triển cho trẻ em về mọi mặt, thể chất lẫn tinh thần. Phụ huynh được khuyến khích “tranh luận” với con em mình cũng như lắng nghe và tôn trọng ý kiến, quan điểm của chúng…

Bởi thế không lạ khi học sinh trường Rockport ở tiểu bang Massachusetts đã nghiêm túc đối thoại với ban Giám Hiệu, chất vấn động lực ban hành luật không cho phép nữ sinh “mặc quần bó sát” đồng thời phê bình mạnh mẽ rằng mệnh lệnh ấy vô lý “can không nổi.”

Nhà trường bèn trả lời rằng sở dĩ có quy định cấm các loại quần ôm dính chân là bởi hai nguyên nhân “chính quy” sau đây: Thứ nhất, vì kiểu quần này gây cho nam sinh “bị phân tâm” – thứ hai, vì trang phục này không phù hợp với môi trường lớp học.


Lập tức nổi lên những tiếng la lối từ phía nam sinh khi thấy mình bỗng lãnh “búa tạ” về thứ gọi là phản xạ “bị phân tâm.” Thế là lại hội thảo, lại bàn cãi, lại tranh luận mà chủ đề là: “Tại sao các đực rựa nhìn nữ giới mặc quần bó sát lại… phân tâm?” để rồi cho tới nay vẫn không thể “nhất trí” được một “bản tuyên cáo chung” kết cuộc. Theo đó phần lớn bởi chữ “phân tâm” quá… siêu thực khiến người ta bất khả diễn tả ra hết sự thực.

Được biết, sau đó không lâu, ban Giám Hiệu trường Rockport đã thu hồi lệnh cấm mặc quần bó sát tuy vẫn có lời khuyên học trò nên ăn mặc “phù hợp với môi trường học đường.” Nhưng lạ, những ngày kế tiếp, số nữ sinh mặc quần bó sát tự nhiên… giảm bớt rõ rệt. Phải chăng “trái cấm” bao giờ cũng có sức hấp dẫn?

Chiêu đãi viên Cathay Pacific

Đến chiêu đãi viên hàng không than ‘đồng phục chật quá, ngắn quá’

Đúng, các cụ mình nói quá đúng: “Ở sao cho vừa lòng người.” Trong khi nữ sinh Hoa Kỳ đòi mặc quần bó sát thì các nữ chiêu đãi viên hàng không Á Đông của hãng Cathay Pacific – căn cứ đặt tại Hong Kong – lại than đồng phục hiện thời của họ vừa ngắn, vừa chật… khiến họ lâm vào cảnh “trần ai khoai củ.”

Hãy nghe một chút lời “thành khẩn khai báo” của cô Julian Yau được đăng tải trên tờ Daily Mail ngày 08-05-2014: “Nhiều nhân viên quả quyết rằng cái áo chật, cái váy ngắn làm cho nhiều thứ “của quý” của họ bị… lộ tẩy.”

Julian Yau không những là chiêu đãi viên chuyên nghiệp mà còn được bầu làm Chủ Tịch của “Cathay Pacific Airways Flight Attendants Union” nên miệng của cô được “đánh giá” là “có gang có thép”; lời phát biểu của cô vì thế hẳn nhiên nặng ký.

Hàng không Nhật Bổn

Nhiều người than phiền – Chữ “nhiều người” ở đây có ý chỉ các nữ chiêu đãi viên hãng Cathay Pacific, bởi họ là nạn nhân nên mới “than phiền,” chứ còn hành khách, đặc biệt giới mày râu thì “ngu gì mà than,” “chật hay ngắn có chi mà… phiền.” Vâng, đồng phục mà các nhân viên của hãng hàng không này hiện mặc vốn từ khi khởi sự vào năm 2011 cho tới ngày nay đã khiến nhiều người than phiền vì chiếc áo sơ-mi trắng quá chật, trong khi cái váy hồng đậm lại quá ngắn, thành ra họ khó cử động, bị trắc trở làm việc; hơn nữa bị “quấy rối tình dục.”

Một cuộc khảo sát cho biết trên 27% trong tổng số nhân viên của Cathay Pacific quả quyết rằng họ thường xuyên bị “quấy nhiễu tình dục” trong năm vừa qua. Nói cách khác, trong gần 400 “nạn nhân” này thì 9 trong số 10 người là phụ nữ.

Các hình thức “quấy nhiễu tình dục” mà các nữ chiêu đãi viên kể trên vẫn thường xuyên “lãnh đủ,” gồm có: (Bị) sờ mó, bốc hốt, véo bẹo, cọ xát, hôn và “nhìn chòng chọc một cách… ham muốn hay đĩ thõa.” Một số cô còn bị hỏi thẳng thừng về “dịch vụ chiêu đãi tình dục” trên các chuyến bay và sau giờ làm.

Nghiêm trọng – Theo đa số nhân viên của Cathay Pacific, chính bộ đồng phục “chật và ngắn” là “thủ phạm” khiến nhiều “dê xồm” xổ chuồng trên máy bay, bởi thế cô Julian Yau đại diện nghiệp đoàn đề nghị: “Đồng phục tượng trưng cho công ty, và cần phải giúp cho nhân viên hàng không cảm thấy thoải mái và tự tin. Chúng tôi thật sự hy vọng là Cathay sẽ làm gì đó cho điều vừa nói.”

Ngay sau khi kết quả cuộc điều nghiên kể trên được công bố, công ty hàng không này đã phổ biến bản tuyên cáo: “Chúng tôi không cho phép bất cứ hình thức quấy nhiễu nào; và nghiêm cấm tệ nạn quấy nhiễu tình dục.” Ở phần cuối văn bản này còn có một câu cũng đáng “đồng tiền bát gạo” rằng toàn thể nhân viên đều được hân hoan đón mời – welcome – đến đổi đồng phục nếu thấy không vừa với kích thước hiện tại…

Air Asia Mã Lai

Hè này về… Việt Nam, nhé! Hành khách Việt Nam dường như chẳng ai còn lạ gì với hình ảnh các nữ chiêu đãi viên của hãng Cathay Pacific. Riêng với quí ông, tôi không dám hỗn mà “vơ đũa cả nắm,” nhưng chắc cũng không ít “ngài” đã được khối dịp “rửa mắt” trên các chuyến bay về “thăm quê hương” hay về bế “bồ nhí.” Mà cũng phải thôi, ngồi cháy cả bàn tọa suốt 18, 19 tiếng đồng hồ mà mắt chỉ “hướng thượng” hoặc quay phía trái thì thấy bà xã, ngó mạn phải lại đụng mẹ vợ… thú thật, chết còn sướng hơn. Thế nhưng, nếu được như trong một bài hát: “Nghiêng sang bên, anh thấy… nắng vàng” – chợt bắt gặp những chiếc áo bó sát, các cái váy cũn cỡn, thì hết sẩy; có đến thánh cũng “sướng mé đìu hiu”; phi cơ có bay cả vòng trái đất, vẫn thấy đường ngắn, thời giờ như thể tên bay…

Trước khi chấm dứt câu chuyện hôm nay, kẻ viết bài này cũng chẳng dám “liều mạng sa truờng” mà xúi dại, nhưng trân trọng đề nghị quí ông dù đang bị “ung thư trĩ nội, trĩ ngoại” khiến khó an tọa lâu dài, cũng cứ nên “bốc” ngay vé về Việt Nam nhân dịp hè này – nhớ Cathay Pcific nhé! – sở dĩ phải nhanh chân vì sợ họ đổi đồng phục vừa vặn kích thước thì đúng là số… “trâu chậm uống nước đục.”

Người xưa có câu: “Lúa tốt nhờ phân; người đẹp nhờ lụa là.” Nói chệch đi chút xíu thì y phục có thể giúp cho “ngoại thất” của một người trở nên “ngon lành” hơn sự thật hoặc khiến một người nhìn hấp dẫn hơn là thực tế. Còn một khi đã “trần như nhộng” thì ai cũng như ai, bình đẳng và sòng phẳng, trúng y boong lời phán đầy bóng bảy: “Tắt đèn, nhà tranh cũng như nhà ngói.”

Thế nhưng ngày nay phần đông nhân loại trên thế giới đã văn minh – tuy mức độ văn minh không đồng đều – thì đã là người, dứt khoát không ai được phép công khai “ăn lông ở lỗ” nhưng phải ăn mặc áo quần đàng hoàng. Chữ “đàng hoàng” này xét ra cũng mông lung lắm, trừu tượng hết sức mà nếu tranh luận thì chắc chắn sẽ đưa đến cuộc khẩu chiến bất phân thắng bại hay tối thiểu cũng khiến những người hiện diện “cãi nhau như mổ bò” mà tối đa thì nhiều “lỗ mũi ăn trầu” cùng một lúc. Mặt khác, cổ nhân Việt Nam cũng đã mô tả “sự đời” như sau: “Ở sao cho vừa lòng người: Ở rộng người cười, ở chật người chê…” – Bây giờ mạn phép thay chữ “ở” bằng chữ “mặc” cho hợp với chủ đề của bài, ta cũng thấy “chuẩn… hết ý”: “Mặc” sao cho vừa lòng người? “Mặc” chật người cười; “mặc rộng người chê.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *