Hình thức tồn tại không thay thế bản chất của samizdat
Gần đây, sau khi tiếp xúc với tài liệu của một vài tác giả ở nước ngoài nghiên cứu samizdat, một số tác giả ở Việt Nam lại tỏ ra rất sốt sắng với hiện tượng đội lốt nghệ thuật để làm chính trị này. Và từ sự sốt sắng, họ đi tới chỗ cổ vũ, ca ngợi, coi samizdat như loại sản phẩm cần được thừa nhận!
Mê hoặc công chúng bằng khẩu hiệu “tự do sáng tác, tự do ngôn luận, tự do xuất bản” và lấy danh nghĩa “tự xuất bản”, thực chất samizdat là phong trào chính trị sử dụng các văn bản có hình thức nghệ thuật làm công cụ chống đối chính quyền ở một số nước XHCN trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Trên thực tế, samizdat chủ yếu là sản phẩm dối trá và phản văn hóa, mê dụ con người chạy theo tự do phù phiếm và vô chính phủ, rồi chối tội cho kẻ xấu bằng cách đổ lỗi cho chính quyền. Người ta dựng lên phong trào samizdat không nhằm xây dựng đất nước, mà là chống đối để phá hủy. Có thể ví samizdat như chợ trời của các văn bản, trong đó phần lớn vô giá trị nhưng lại được quảng cáo quá lời. Ðặc biệt là trong kho lưu trữ samizdat hiện nay, nhiều văn bản có nguồn gốc từ mưu đồ của các tổ chức tình báo phương Tây. Một số tài liệu giải mật gần đây cho biết, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, CIA có dính dáng tới việc phát tán khoảng mười triệu ấn bản tạp chí và sản phẩm mang nội dung chống đối nhà nước Liên Xô. Bài CIA và cuộc chiến văn hóa nhằm lật đổ Liên Xô đăng trên VOA ngày 16-4-2014 viết: “Washington Post mới đây tiết lộ Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã in và phát hành tiểu thuyết sử thi Bác sĩ Zhivago của nhà văn Boris Pasternak nhằm làm suy yếu Liên Xô. Nhưng theo những nhà sử học thời kỳ chiến tranh lạnh và những người từng sống phía bên kia bức màn sắt, tin này không có gì mới mẻ. CIA từ lâu đã xác định rằng, một cách hay để lật đổ Liên Xô không phải bằng bom đạn mà bằng các bức tranh, bản nhạc giao hưởng và tác phẩm văn xuôi” ! (Về vấn đề này, có thể tham khảo các bài: CIA giải mật về Bác sĩ Zhivago – báo Tuổi Trẻ ra ngày 14-4-2014, Tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago” là vũ khí tâm lý chiến – báo Tiền Phong ra ngày 24-4-2014,…).
Một số người lại cho rằng, nhờ có samizdat mà nhiều sáng tác của Bugacov, Pasternak, Solzhenitsyn đã đến với công chúng, tuy nhiên, thực tế lại cung cấp bằng chứng chứng minh ngược lại. Hầu hết những tác phẩm có giá trị của Pasternak và Solzhenitsyn đều được xuất bản khi họ còn sinh sống trong nước. Trường hợp tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago không được xuất bản ở Liên Xô là có lý do riêng, chứ không phải do nội dung, hay thông điệp từ tác phẩm. Là nhà văn tài năng, nhưng trong tài liệu được cả chính quyền Liên Xô và phương Tây xác nhận, thì Pasternak có dính dáng tới tù nhân chính trị, và có quan hệ với tình báo Anh. Ðặc biệt, tư tưởng của Pasternak khá hư vô và hoang tưởng khi cho rằng tự do của cá nhân phải được đặt cao hơn lợi ích đất nước; nhà nước phải tôn trọng quyền, đời sống riêng tư của cá nhân dù họ không có đóng góp cho sự phát triển đất nước, thậm chí có hành động ngược lại! Luận điểm đó đưa Pasternak tới hành động chống đối chính quyền, nên cuốn tiểu thuyết của ông bị từ chối xuất bản và điều này không liên quan gì tới việc kiểm duyệt. Tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago chỉ trở thành sự kiện khi cơ quan tình báo Anh (MI6) gợi ý cơ quan tình báo Mỹ (CIA) cần biến Bác sĩ Zhivago thành công cụ để chống phá chính quyền Xô-viết; lập tức qua samizdat, CIA đã in ấn và phát tán hàng nghìn bản tiểu thuyết này. Cộng đồng tôn giáo cực đoan ở Liên Xô khi đó coi đây là một thứ vũ khí để chống lại nhà nước. Một bộ phận sinh viên, trí thức lại căn cứ vào việc xuất bản Bác sĩ Zhivago ở nước ngoài để đánh giá lệch lạc về cuốn sách. Còn CIA thì hả hê, vì samizdat giúp họ hoàn thành công việc mà không lộ diện. Họ tỏ ra vô can trong nhiều năm trước khi mọi thứ được đưa ra ánh sáng.
Tuy nhiên, Pasternak không phải nhà văn duy nhất trở thành nạn nhân, hay công cụ để samizdat lợi dụng. Nạn nhân và cũng là nhân chứng cho điều này chính là Solzhenitsyn. Mặc dù là tù nhân chính trị trong nhiều năm, nhưng phần lớn tác phẩm có giá trị của Solzhenitsyn đã xuất bản ở Liên Xô, đặc biệt là tiểu thuyết Một ngày của Ivan Denisovich. Riêng Quần đảo Gulag thì ra mắt công chúng Mỹ vào năm 1974, và nhanh chóng được phương Tây ca ngợi hết lời. Có điều những gì họ ca ngợi lại không phải là nghệ thuật, mà chỉ hướng tới điều họ gọi là “sự thật”, “lật đổ chính quyền” vì chính quyền… “nói dối” ! Trong “tiểu thuyết sự thật” kiểu này, Solzhenitsyn cho thấy ông không có năng khiếu để viết ra các trang sử thực về Liên Xô. Chủ yếu sử dụng tài liệu xuyên tạc do tình báo Anh, Mỹ lén lút truyền tay tại Liên Xô, nên sự thật trong các tiểu thuyết của Solzhenitsyn viết về sau càng không đáng tin cậy. Quan niệm sống ảo tưởng, lại được các thế lực thù địch khuyến khích, Solzhenitsyn đã nhanh chóng trở thành biểu tượng của samizdat. Và ông chỉ hiểu ra sự thật sau bốn năm sống tại Mỹ. Năm 1978, bài diễn văn tại Ðại học Havard của Solzhenitsyn khiến ông không còn được trọng vọng. Trong diễn văn, Solzhenitsyn ngầm tố cáo cái gọi là dân chủ ở phương Tây mà những người chống đối ở Liên Xô khi ấy đang đòi hỏi, thực chất chỉ là dân chủ giả tạo. Theo ông, dân chủ này là sự cào bằng giữa tự do hướng thiện với tự do làm các công việc suy đồi, trong khi chính quyền không nỗ lực bảo vệ cái thiện; môi trường bình đẳng của phương Tây tạo điều kiện cho tội ác nảy sinh, tạo ra sản phẩm nhân danh văn hóa nhưng thực chất là ấn bản khiêu dâm, dung tục, đồi trụy, chứa đựng, dung dưỡng tư tưởng bệnh hoạn, lệch lạc và phá hoại xã hội. Dân chủ kiểu đó không tạo ra quyền lợi thật sự cho nhân dân khi họ không thể lựa chọn thứ gì tốt hơn loại sản phẩm được khuyến cáo có chứa yếu tố độc hại; vì thế, thực chất chính quyền ở phương Tây không cổ vũ cho dân chủ mà có hại cho dân chủ, vì không thực thi hành động có lợi cho nhân dân…
Về sau, phương Tây không còn ca ngợi Solzhenitsyn và tác phẩm như thời ông còn sinh sống ở Liên Xô nữa. Phải chăng, tác phẩm của Solzhenitsyn chỉ được đánh giá cao khi được lưu truyền trong samizdat, khi ông là người chống đối chính quyền? Có thể nói samizdat là một trong các tác nhân đã tham gia vẽ nên bức tranh rất đen tối về Liên Xô trước đây. Vì thế khi Liên Xô và Mỹ đang là hai siêu cường đứng đầu thế giới, mà nhiều người Mỹ vẫn đinh ninh rằng ở Liên Xô không khác gì trại tập trung khắc nghiệt của phát-xít Ðức. Theo mô tả của Geogre Meany trong diễn văn giới thiệu Solzhenitsyn tại Washington thì “hàng triệu người bị mắc kẹt trong các trại cải tạo lao động của Liên Xô, không thể đếm được bao nhiêu nghìn người đã bị đầu độc, bị đẩy vào thế khốn cùng trong những cái gọi là “nhà thương điên”, vô số lao động thấp cổ bé họng lao dịch trong các nhà máy dưới quyền của các chính ủy, tất cả mọi người căng cứng vì sự thật thoáng nghe được qua các tần số bị làm nhiễu từ các đài phát thanh bị cấm, qua những người ghi chép và tuyên truyền ngoài vòng pháp luật bằng việc trao tay dưới cái bóng của chế độ độc tài”! Nhiều người Mỹ tin đó là sự thật mà không đặt ra câu hỏi thiết thực và cụ thể rằng tại sao trong nhiều năm, Mỹ lại phải e ngại sự phát triển của Liên Xô!?
Nếu quan tâm tới samizdat, chỉ tra cứu một số trang tiếng Việt trên internet sẽ thấy đó là: “sách, tạp chí được xuất bản ngoài tầm kiểm soát của bộ máy cộng sản”, “hình thức chống đối cơ bản trong khối phía Ðông mà theo đó các cá nhân sao chép các ấn bản bị kiểm duyệt một cách thủ công và truyền tay các tài liệu đến người đọc”, “Trong thời chiến tranh lạnh, các hiện tượng samizdat và tamizdat nổi lên tại những xứ sở đảng Cộng sản nắm chính quyền đưa ra một hình thức văn chương mới chống lại cái văn chương “chính thống” ở trong nước”,… Trước các khẳng định như thế, không thấy tác giả nào ở Việt Nam lên tiếng bác bỏ, hay chứng minh samizdat không phải là “xuất bản ngoài tầm kiểm soát của bộ máy cộng sản, hình thức chống đối, chống lại văn chương chính thống”. Vậy mà gần đây, sau khi có ý kiến phê phán việc sử dụng samizdat biện hộ cho một số sản phẩm phản văn hóa, một số người lại khá hăng hái đứng ra “làm đẹp” cho nó! Thí dụ, biện hộ cho samizdat, một tác giả cho rằng tại Việt Nam đã và đang tồn tại samizdat với bằng chứng là thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp nhiều bài thơ của Quang Dũng được chép tay; hàng nghìn tập thơ của các câu lạc bộ thơ, của cá nhân chủ yếu được photocopy rồi lưu truyền với hình thức tự xuất bản; Ngày thơ ở Văn Miếu lại có hàng trăm sản phẩm thơ tự nhân bản truyền tay, phát tán; có thể coi hàng trăm blog, hàng triệu facebook với hàng vạn các bài viết mỗi ngày,… chính là hình thức tự xuất bản của samizdat (!)
Luận điểm trên cho thấy người ta đã cố tình nhập nhằng giữa xuất xứ nguyên gốc của samizdat với những hiện tượng đang diễn ra trong hiện tại, mà thực chất là sử dụng hình thức tồn tại để che giấu bản chất của samizdat. Ðể chống lại “kiểm duyệt bản thảo”, samizdat lựa chọn hình thức tự xuất bản. Nhưng điều quan trọng là khái niệm samizdat ra đời để chỉ hiện tượng sử dụng nghệ thuật làm phương tiện hoạt động chống đối một cách có chủ ý; nói cách khác, với samizdat, nghệ thuật chỉ là công cụ quảng bá cái xấu, sự thô lậu, chống đối chế độ,… và tự xuất bản chỉ là hình thức tồn tại. Là nhà khoa học, chẳng lẽ lại không nắm bắt được nguyên tắc cơ bản: mọi khái niệm chỉ ra đời từ việc khái quát thuộc tính, bản chất của một loại sự vật – hiện tượng, hình thức tồn tại không phải là yếu tố cơ bản đầu tiên xác định nội hàm khái niệm. Do đó, đánh giá một loại sự vật – hiện tượng trong xã hội, không thể chỉ căn cứ vào hình thức tồn tại, mà phải tìm hiểu, phân tích từ bản chất, thuộc tính, xem xét tác động, ảnh hưởng của nó tới xã hội, con người. Lấy hình thức tồn tại thay thế cho bản chất, thuộc tính của sự vật – hiện tượng là đánh tráo khái niệm, là cố gắng phi khoa học nhằm đánh đồng thơ cách mạng thời kỳ hoạt động bí mật, đánh đồng tâm hồn cao khiết, niềm vui thanh sạch của người yêu thơ khi trao đổi, trao tặng văn bản thơ được photocopy, hay tác giả công bố tác phẩm trên internet trước khi tập hợp để xuất bản với samizdat, qua đó đánh lận giữa văn hóa và phản văn hóa, giữa đẹp và xấu, giữa lương thiện và bất lương,… Thêm nữa, ở Việt Nam không có kiểm duyệt trước khi xuất bản, mà chỉ kiểm duyệt tác phẩm đã xuất bản, đã được ghi tại khoản 2 Ðiều 5 của Luật Xuất bản: “Nhà nước không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản”. Samizdat ra đời rồi biến mất ở Liên Xô và các nước XHCN Ðông Âu trước đây vì một phong trào dấn sâu vào chính trị, phản văn hóa, đi ngược lợi ích dân tộc thì tất yếu không thể tồn tại. Ðến nay, samizdat chủ yếu chỉ được nghiên cứu từ phương diện chính trị, bởi đây là một trong những loại hình hoạt động của cái gọi là chiến tranh chính trị (Political warfare) vốn được một số thế lực áp dụng từ thế kỷ trước. Ðó là sự thật ! Cho dù ai đó cố gắng dựa vào hình thức tồn tại, viện dẫn và bấu víu vào hình thức tự xuất bản để chống chế, cũng không thể bác bỏ!
Việt Quang/Nhân Dân
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố