PUTIN GỬI TỐI HẬU THƯ ĐẾN 18 NHÀ LÃNH ĐẠO CHÂU ÂU

Người xem: 121

Tổng thống Nga gửi thư tới 18 nhà lãnh đạo châu Âu hôm 10/4 để cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng của Ukraina đang ở mức “nghiêm trọng” và yêu cầu châu Âu giúp Kiev thanh toán nợ.

Danh sách nguyên thủ nhận thư của Putin bao gồm 18 lãnh đạo ở khu vực Đông Âu vốn đang mua khí đốt của Nga, AP đưa tin.

Ảnh: Tổng số tiền khí đốt mà Ukraina nợ Nga là khoảng 35,4 tỷ USD. Ảnh: EPA.

Theo nội dung bức thư, Nga có thể cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu nếu khu vực này không giúp đỡ Ukraina trả hóa đơn mà Kiev nợ Moscow – món nợ vượt xa gói cứu trợ tài chính mà Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) đồng ý cấp cho Ukraina.

Thông điệp của ông Putin rất rõ ràng: Châu Âu đã lôi kéo Ukraina ra khỏi quỹ đạo của Nga. Do vậy, khu vực này nên thanh toán hóa đơn khí đốt của Ukraina nếu không muốn chứng kiến nền kinh tế Ukraina sụp đổ và sự gián đoạn trong quá trình cung cấp khí đốt.

Trong thư, ông chủ điện Kremlin cho biết, hóa đơn mua khí đốt mà Ukraina chưa thanh toán ở mức 17 tỷ USD kèm theo khoản tiền phạt 18,4 tỷ USD vì vi phạm hợp đồng năm 2009. Như vậy tổng số tiền mà Ukraina nợ Nga vào khoảng 35,4 tỷ USD. Bên cạnh đó, Nga cũng nắm lượng trái phiếu chính phủ trị giá 3 tỷ USD của Ukraina.

Gói cứu trợ mà IMF dành cho Ukraina là khoảng 14 – 18 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với khoản tiền mà Kiev nợ Moscow.

Nếu Ukraina không trả khoản nợ, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga sẽ buộc phải chuyển sang chế độ cung cấp khí đốt dựa trên hoạt động thanh toán trước hoặc chấm dứt hoàn toàn hợp đồng khí đốt tự nhiên, Điện Kremlin cảnh báo.

Ông Putin cũng kêu gọi các đối tác châu Âu tham gia tham vấn cấp bộ trưởng để giúp nền kinh tế Ukraina thoát khỏi tình trạng đổ vỡ.

“Nhiều đối tác châu Âu đã đơn phương rút khỏi các cuộc tham vấn với phía Nga, khiến Moscow không còn sự lựa chọn nào khác”, ông Putin nhấn mạnh.

Số tiền Ukraina nợ Nga đang tăng mỗi tuần. Bức thư của ông Putin làm tăng nỗi ám ảnh về viễn cảnh tranh chấp khí đốt giữa Nga và Ukraina. Tình trạng này có thể ảnh hưởng tới các quốc gia châu Âu giống như sự kiện diễn ra vào mùa đông năm 2009. Khi đó, Moscow đã ngừng cung cấp khí đốt khiến người dân ở nhiều nơi thuộc Đông Âu không có khí đốt để sưởi ấm trong mùa đông khắc nghiệt.

Hải Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *