Khoai@: Bài “Nịnh” của tác giả Tiến Hải được đưa về từ blog Kim Dung.
——————
KD: Đọc bài này, lại muốn “nịnh” ông anh Tiến Hải một tý: Anh TH ơi, bọn “nịnh” đọc bài viết này của anh họ thích lắm đó! 😀
Cảm ơn anh Tiến Hải!
Cô con gái cưng của Mác hỏi cha: “Ba ơi, thói xấu đáng ghét nhất của con người là gì?”. Mác trả lời ngay không một chút do dự: “Thói nịnh hót”. Không riêng gì Mác, mọi người chân chính từ xưa đến nay đều có ý kiến tương tự như vậy. Vua Pie đệ nhất của Nga thường nói: “Thà tôi có một kẻ thù trắng trợn còn hơn có một nịnh thần bịp bợm”. Còn nhà dân chủ Ôgut Bêben thì gọi những kẻ nịnh là bọn “chỉ quen vẫy đuôi mừng trước chủ”…
Biểu hiện của thói nịnh hót rất phong phú. Loại nịnh phổ biến nhất, thường gặp nhất là dùng lời nói để tâng bốc người khác một cách quá đáng, có khi hèn hạ nhằm mục đích cầu lợi. Đối tượng để kẻ nịnh tâng bốc chủ yếu là người có chức, có quyền. Anh là thủ trưởng của kẻ nịnh ư? Thế thì anh lập tức trở thành con người “toàn thiện, toàn mỹ” rồi. Mọi lời nói, cử chỉ, hành động của anh đều trở thành mẫu mực.
Nếu anh nói dài, lượng thông tin quá nghèo nàn thì kẻ nịnh vẫn bảo rằng anh phát biểu sâu sắc, phong phú; những ý kiến anh nêu ra mang tính khoa học và có giá trị chỉ đạo làm cho mọi người “sáng ra”. Nếu anh phát biểu cụt lủn, ấp a ấp úng như ngậm hột thị, chẳng ai hiểu anh muốn nói gì thì kẻ nịnh sẽ bảo rằng anh phát biểu ngắn gọn, súc tích và dễ tiếp thu.
Nếu anh thô bạo, kẻ nịnh sẽ nói rằng anh có thái độ nghiêm khắc cần thiết của người lãnh đạo. Nếu anh mềm yếu, rụt rè, kẻ nịnh sẽ bảo là anh tế nhị, độ lượng. Nếu anh ăn mặc cầu kỳ, xa hoa, kẻ nịnh sẽ bảo rằng anh lịch sự. Ngược lại, anh ăn mặc cẩu thả, lôi thôi, lếch thếch, kẻ nịnh sẽ bảo rằng anh giản dị, tiết kiệm…Thôi thì đủ thứ. Những ưu điểm, sở trường của anh, kẻ nịnh sẽ “bốc” lên theo cấp số nhân. Những khuyết điểm, nhược điểm của anh, kẻ nịnh sẽ hóa phép, biến tất cả thành những điều hay, lẽ phải.
Một loại nịnh khác là cùng với việc dùng lời nói, kẻ nịnh còn có những cử chỉ và hành động thích hợp. Thông thường thì những kẻ nịnh hay khúm núm, xun xoe trước đối tượng mà hắn thấy cần thiết phải nịnh. Anh là thủ trưởng của hắn? Thế thì khi gặp hắn, anh chỉ việc hững hờ chìa bàn tay trái của mình ra (không cần chìa tay phải) kẻ nịnh sẽ dùng cả hai tay của hắn ôm chặt lấy bàn tay anh, mắt hắn long lanh sung sướng, đầu hắn hơi cúi xuống, lưng hắn hơi khom lại, hai gối hơi chùng với tư thế nửa đứng, nửa quỳ và kèm theo lời chào hỏi tâng bốc ngọt ngào.
Những cử chỉ và hành động của kẻ nịnh thường khá lộ liễu, nhưng đôi khi lại rất kín đáo, tinh vi; phải chú ý quan sát thật kỹ mới thấy được.
Những kẻ nịnh cũng thường là những kẻ hay xúc xiểm và hay nói xấu người khác. Bởi thế ngôn ngữ dân gian mới có khái niệm “xiểm nịnh”. Họ đã nịnh anh thì trước mặt anh thế nào họ cũng tìm được những đối tượng mà anh không ưa thích để nói xấu. Họ ca ngợi anh là thông minh, lịch sự, độ lượng … thì thế nào họ chê người mà anh không thích là ngu đần thiếu văn hóa và hẹp hòi…
Kẻ nịnh không chỉ nịnh cấp trên thôi đâu; nhiều khi họ nịnh cả đồng cấp và cấp dưới nữa đấy. Sắp đến kỳ xét lương, nâng ngạch bậc cán bộ; sắp bầu cấp ủy mới hoặc cơ quan sắp lấy ý kiến của quần chúng về việc đề bạt cán bộ… Toàn những việc hệ trọng cả. Những kẻ nịnh đánh hơi các khoản ấy tinh lắm. Họ thừa hiểu rằng muốn vào được cấp ủy phải có sự tín nhiệm của đa số đảng viên; muốn được đề bạt, được nâng lương sớm thì cũng phải có sự ủng hộ của quần chúng. Chỉ được lòng cấp trên thôi thì chưa đủ. Thế là họ mở chiến dịch lấy lòng tất cả mọi người, tìm mọi cách tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng.
Cần phân biệt nịnh với quý mến và kính trọng. Chúng ta không phủ nhận sự quý mến và kính trọng thật sự thường thấy trong quan hệ giao tiếp ứng xử giữa người và người. Không phải cứ khen nhau, tôn trọng nhau, tặng nhau thứ này, thứ khác đều là những hiện tượng xu nịnh. Chúng ta không vơ đũa cả nắm, không hồ đồ và thiển cận như vậy. Trong cuộc sống , sự quý mến và tôn trọng nhau một cách chân thành; sự thương yêu đùm bọc lẫn nhau, quan tâm lẫn nhau, tặng nhau, giúp nhau khi cái này, khi cái khác là những chuyện thường tình, là những điều cần thiết.
Đó là biểu hiện của sự quý mến và kính trọng thật sự, là những nét đẹp trong truyền thống đạo đức của dân tộc ta. Chúng ta chỉ phê phán thói nịnh hót nấp dưới chiêu bài quý mến và kính trọng; bởi vì đó là sự giả dối. Trong thực tế, những kẻ nịnh thường nấp dưới chiêu bài quý mến và kính trọng cho nên dễ làm cho nhiều người bị lừa. Không phải họ nịnh anh tức là họ quý mến hay kính trọng anh đâu. Khi nào anh hết vai trò quan trọng đối với họ, hoặc anh thất thế thì họ sẽ hững hờ, lạnh nhạt với anh ngay, thậm chí họ còn có thể quay lại đá đít anh cho mà xem.
Thói nịnh hót gây ra tác hại không nhỏ, thậm chí dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Trước hết nó làm cho kẻ nịnh mất hết bản lĩnh, mất hết nhân cách, trở nên thoái hóa biến chất, bị mọi người khinh bỉ. Nó làm cho người được nịnh không đánh giá đúng mình, sinh ra chủ quan, tự mãn, dễ mắc khuyết điểm, sai lầm. Nó uốn lệch nhận thức của người được nịnh. Nếu người được nịnh đó là cán bộ lãnh đạo, quản lý thì sẽ làm tổn hại đến công việc chung như: Đánh giá sai lệch đội ngũ cán bộ dưới quyền mình, dẫn tới tình trạng người tốt không được trọng dụng, kẻ xấu lộng hành… Thói nịnh hót còn là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ, tạo ra sự chia rẽ, bè phái, làm suy yếu tổ chức .
Nịnh và ưa nịnh là hai mặt của một vấn đề . Kẻ nịnh và kẻ ưa nịnh là tiền đề tồn tại của nhau . Có kẻ nịnh bởi vì có người ưa nịnh và ngược lại . Sự tồn tại của hai hiện tượng : nịnh và ưa nịnh chứng tỏ một điều là do chúng ta tu dưỡng kém , do việc tự phê bình và phê bình không được đẩy mạnh trong các tổ chức đảng , chính quyền , đoàn thể và trong các tổ chức quần chúng khác. Thường có tình trạng là mọi người có thể tự nhận mình có khuyết điểm này khuyết điểm khác, nhưng ít ai dám dũng cảm nhận mình có thói nịnh hót hoặc ưa nịnh. Khi phê bình người khác cũng vậy; dường như chúng ta đều cảm thấy có gì khó nói khi phê bình đồng chí mình, bạn mình là có thói nịnh hót hoặc thích được nịnh hót.
Muốn hạn chế được thói nịnh hót điều quan trọng nhất là phải tạo ra được dư luận xã hội rộng rãi lên án thật mạnh mẽ thói nịnh và ưa nịnh. Phải làm cho những kẻ nịnh và ưa nịnh cảm thấy xấu hổ, nhục nhã khi mắc phải căn bệnh này. Đáng tiếc là trong pháp luật của ta không thấy có điều khoản nào xác định khung hình phạt đối với thói nịnh và ưa nịnh. Nó chưa bị coi là một tội giống như tội giết người, tội tham nhũng…Đành phải sống chung với thói nịnh và ưa nịnh vậy thôi chứ biết làm sao bây giờ.
Tin cùng chuyên mục:
Nguyễn Xuân Diện và sự thật lịch sử về Hải chiến Hoàng sa
Con trai ông Trump nói Tổng thống Zelensky nài nỉ được mời đến buổi lễ nhậm chức
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA