“Hội chứng vô trách nhiệm” trong đưa tin và bình luận

Người xem: 136

Lâu nay, việc khai thác và công bố thông tin mà không kiểm chứng, xác minh rõ nguồn gốc đã trở thành một xu hướng đáng quan ngại xuất hiện trên một số tờ báo ở Việt Nam (nhất là báo điện tử và trang điện tử). Xu hướng này không chỉ làm sai nhiễu sự thật mà một số trường hợp còn gây tổn hại tới uy tín, hình ảnh của cá nhân, tổ chức liên quan, nhất là tới quan hệ quốc tế. 

Có thể nói gần đây, thông tin từ báo chí, nhất là từ báo và trang tin điện tử đã trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu với nhiều người, nhất là bạn đọc trẻ. Với tiện ích của internet, người đọc báo và trang tin điện tử không chỉ tiếp nhận thông tin, mà có thể comment để bình luận; hoặc khai thác bài vở đưa về blog, facebook cá nhân để trao đổi. Tuy nhiên, việc một số tờ báo có xu hướng câu “view” (lượt xem) bằng thông tin sốt, sốc, giật gân, không kiểm chứng trước khi đăng tải, không cần biết đúng sai, thậm chí có tin bài cực kỳ “rác rưởi”,… thật sự trở thành loại thông tin đầu độc người xem và cần phải phê phán. Thí dụ điển hình của hiện tượng này là việc khai thác tin tức một cách vội vã, thiếu thận trọng từ báo chí nước ngoài.

Cách đây vài năm, một số tờ báo ở Việt Nam đã đồng loạt hùa theo báo chí phương Tây vẽ nên chân dung của ông Gaddafi, cố lãnh đạo của Lybia như là “một nhà độc tài tham lam và lập dị, một tên bạo chúa cuồng dâm…”; vì thế, người dân Lybia phải “rên xiết” dưới “ách độc tài tàn bạo”! Người ta đưa tin, bình luận nhưng không đếm xỉa tới thực tế mà lẽ ra, nếu có trách nhiệm, trước khi khai thác từ báo chí phương Tây, cần phải kiểm chứng. Bởi nếu kiểm chứng sẽ thấy chí ít trong mục từ Libya trên Wikipedia viết như sau: “dưới chế độ của Ghadafi, tỷ lệ biết chữ tăng từ 10% lên 90%, tuổi thọ trung bình tăng từ 57 lên 77 tuổi, quyền bình đẳng được bảo vệ cho phụ nữ và người da đen, cơ hội việc làm được nâng cao cho các công nhân nhập cư, hệ thống phúc lợi được đầu tư cho phép người dân tiếp cận với giáo dục, chăm sóc y tế miễn phí cũng như hỗ trợ về nhà ở. Dòng sông Nhân tạo là dự án tưới tiêu lớn nhất thế giới cũng được đào để cung cấp nước ngọt cho Libya. Ngoài ra, việc hỗ trợ tài chính cũng được cấp cho các trường đại học để trao học bổng và chương trình phát triển việc làm. Do vậy, Chỉ số phát triển con người (HDI) của Libya được xếp vào mức cao trên thế giới, thứ hạng 58/177 nước năm 2005. Và Libya không hề có nợ nước ngoài”. Ngoài ra, còn có thể biết những thông tin khác như: người dân Lybia có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất châu Phi (khi ấy ước chừng 6.700 USD), chính sách bảo hiểm xã hội ưu việt; các ngân hàng cho vay không lấy lãi, mua xe hơi sẽ được nhà nước hỗ trợ 50% giá, mỗi cặp vợ chồng mới cưới được nhà nước hỗ trợ 50.000 USD tiền mua nhà, mỗi bà mẹ sinh con được nhà nước hỗ trợ 5.000 USD, v.v. Đó là các thông tin tuyệt nhiên báo chí phương Tây không đề cập. Khi người ta bắt đầu tiến công Libya và chính quyền của Gaddafi bị lật đổ, bỗng dưng nhiều việc bị “khui ra ánh sáng”, từ “Gaddafi mang máy bay đi đàn áp dân chúng” tới “Gaddafi ủng hộ khủng bố”,… Tất cả chỉ nhằm biện hộ cho hành động lật đổ chính quyền hợp pháp ở một nước có chủ quyền. Rồi lại thấy một số tờ báo bê về nguyên xi “phát hiện động trời” của phương Tây rằng, ông Gaddafi có khối tài sản khổng lồ đến gần 200 tỷ USD! Và điều hài hước là người ta trút vào “tài sản khổng lồ” đó cả những khoản tiền đầu tư của chính phủ Libya, tiền thuộc sở hữu hợp pháp của các tổ chức nhà nước, rồi giải thích một cách kỳ quặc vì… Gaddafi “coi tài sản quốc gia là tài sản của gia đình”!?

Gần đây, liên quan đến các sự kiện ở Ucraina cũng có nhiều chuyện để bàn. Như việc một số báo mạng đăng hình lính đặc nhiệm “Berkut” của Ukraine quỳ gối và đưa tin: “Cảnh sát chống bạo động quỳ gối xin lỗi người dân ở thành phố Lviv vì các hành động đánh đập và nổ súng vào người biểu tình trong những cuộc đụng độ xảy ra ở Quảng trường Độc lập Kiev”. Chộp được tin này, một số diễn đàn của các thế lực thù địch và mấy nhà “dân chủ giả hiệu” lập tức té nước theo mưa, đưa lên bolg và facebook đăng ngay trạng thái (status) “khi nào thì công an Việt Nam mới xin lỗi nhân dân”!? Sau khi một video clip được công bố trên internet, dư luận mới biết chuyện những người cực đoan ở thành phố Lviv và Lutsk đã buộc cảnh sát đặc nhiệm “Berkut” của Ukraine phải quỳ gối xin lỗi, thậm chí có một số phần tử quá khích không chấp nhận và vội nhặt bất cứ cái gì trong tầm tay, ném vào các cảnh sát này. Sự kiện được làm sáng tỏ, một số báo và trang tin điện tử đã đăng tin sai vẫn không đính chính hoặc gỡ xuống. Họ coi thường người đọc, hay họ muốn “tiếp sức” cho những kẻ lợi dụng tin này để bình luận tiêu cực về Việt Nam?

Thông tin về dinh thự của Tổng thống Ucraina Yanukovych bị lật đổ cũng vậy. Nhiều tờ báo tập trung khía cạnh xa hoa của ngôi nhà mà quên kiểm chứng để thấy rằng ngôi nhà (hay khu phức hợp) đó là tài sản quốc gia, có nguồn gốc lâu đời. Khi còn là Thủ tướng (2002), ông Yanukovych đã được cấp một căn hộ trong khu đó. Sau đó ông thuê lại với giá rẻ. Và đến năm 2010, khi đắc cử Tổng thống, ông Yanukovych chọn khu này làm nơi ở của mình. Cho đến khi ông bị lật đổ, việc ai là chủ sở hữu thật sự của ngôi nhà vẫn còn đang là vấn đề tranh cãi. Thông thường, nhà ở của các nguyên thủ quốc gia ở phương Tây có tiêu chuẩn cao cấp nhất định, vì đó không đơn thuần là nhà ở mà còn là nơi tiếp khách của nguyên thủ, có thể coi là một yếu tố góp phần giữ gìn “bộ mặt” của quốc gia. Vậy việc có ngôi nhà này đâu phải do ông Yanukovych tham nhũng mà có được? Thế nhưng, thấy báo chí phương Tây làm ầm ĩ, lập tức một số tờ báo ở Việt Nam cũng nhanh nhảu hùa theo, để rồi cư dân mạng cứ thế a dua chửi bới (?)

Gần đây, không ít người đọc bày tỏ sự phẫn nộ khi báo chí giật tít sốc liên quan đến Triều Tiên như “cho 120 chó đói xé xác người dượng?”, “xử tử chú dượng bằng chó đói” và dẫn nguồn tin từ “báo Strait Times”. Rồi hóa ra tin này từ một blogger mà tờ “Văn hối” của Hồng Kông khai thác. Sau khi xác minh, các tờ báo trên liền rào rào đính chính đó là “tin vịt”, nhưng không hề đưa ra một lời xin lỗi bạn đọc. Không nhẽ làm báo thì muốn đưa tin gì thì đưa, nếu sai thì “đính chính” là xong? Gần đây hơn, hơn chục tờ báo giật tít “đàn ông Triều Tiên buộc phải để tóc giống Kim Jong-un”, “Kim Jong-un áp đặt kiểu tóc “gáo dừa” cho nam giới Triều Tiên”… Trong khi theo Washington Post, thông tin về việc thanh niên Triều Tiên phải để kiểu tóc giống nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong Un xuất hiện từ một nguồn tin không đáng tin cậy. Và đường đi của thông tin này là: “BBC dẫn lại bản tin trên từ blog Elsewhere và từ tờ Korea Times, một tờ báo tiếng Anh của tập đoàn Hankook Ilbo. Trong khi đó, tờ Korea Times dường như đã lấy câu chuyện trên từ RFA, một tổ chức phi lợi nhuận được chính phủ Mỹ tài trợ”! Và “Chad O’Carroll, biên tập viên của trang web NKNews, cũng hoài nghi và cho đăng tải thông tin từ một độc giả. Người này mới ở Bình Nhưỡng về và không hề thấy kiểu tóc của ông Kim được nhân rộng khắp nơi”.

Lối làm ăn cẩu thả đến vô trách nhiệm của một số tờ báo hiện nay thật đáng báo động. Nó thậm chí góp phần không nhỏ phụ họa theo những nguồn tin bịa đặt với mưu đồ xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của một số cá nhân, đến thể diện của một số nước. Khoản 5 Điều 6, Chương III Luật Báo chí Việt Nam ghi rõ, báo chí có nhiệm vụ: “Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”. Vậy thì với các thí dụ được dẫn ra trên đây, thử hỏi liệu một số tờ báo (trong đó phần lớn là báo điện tử, trang điện tử) có làm đúng nhiệm vụ và quyền hạn của mình theo luật định? Phải chăng những người tổ chức, thực hiện các tờ báo này không cần luật, không cần biết đạo đức nghề nghiệp, hay chỉ vì giật tít câu view kiếm tiền mà họ sẵn sàng “đầu độc” người xem?

Thái Vũ/Nhân Dân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *