Góc Rận: Nhân hậu kiểu Nguyễn Quang Lập

Người xem: 256

Chữ rằng nhân hậu cũng ba bảy đường


Phạm Xuân Nguyên khen Nguyễn Quang Lập là con người nhân hậu (Bạn văn. Nxb Trẻ, TP.HCM 2011, tr. 8). Nguyễn Quang Lập lại khen Xuân Sách: Anh sống đôn hậu thuỷ chung, người ta chỉ làm phiền anh thôi chứ anh có làm phiền ai bao giờ… (Sđd, tr. 199).

Cùng cánh cùng cạ thì yêu quí tâng bốc nhau lên. Thực tế không hẳn như vậy. Anh Xuân Sách không phải đôn hậu cả đâu. Xuân Sách là bậc đàn anh, cũng là đồng hương Thanh Hóa, đã qua đời. Nên để anh yên nghỉ. Nhưng vì người ta cứ “hồi sinh” anh lại mà tâng bốc theo ý họ nên cũng phải nói lại. Bởi có ai cũng biết cũng hiểu phía sau trang sách, “ý tại ngôn ngoại” cả đâu. Người xưa nói: Ngựa không thể bay, chim không thể chạy. Hà cớ gì mà chê bai cái chỗ bất túc của người khác. Lại nói: Người quân tử phải có cái tâm rộng lớn để dung được cả thiên hạ. Yêu quí kẻ có tài. Nâng đỡ kẻ yếu kém. Có đâu lại đố kỵ nhau. Về anh Xuân Sách, đã nói rõ ở bài trước (Bôi nhọ cả Chế Tiên sinh) nay không nhắc lại. Nhưng đại để như thế.

Còn Nguyễn Quang Lập “nhân hậu” đến đâu, xin dẫn mấy trường hợp để Tướng quân và bạn đọc cùng suy ngẫm.

1. Giễu cợt ngày 30-4-1975 

Nguyễn Quang Lập (NQL) viết: 

… Nếu không có một sự cố nào làm thay đổi căn bản và mãi mãi cuộc sống hiện thời, tôi dám chắc ngày 30 tháng 4 năm 1975 là một ngày ngọt ngào nhất mọi thời đại”… “Bảo đảm nếu có người tuột quần chạy rông giữa phố, vừa chạy vừa hô “muôn năm” – tất nhiên nếu “đả đảo” lại là chuyện khác – cũng không ai bắt phạt hoặc kết tội. Tôi được cô giáo toán xác suất gọi vào phòng cho ngủ, nói trắng ra là làm tình… Tôi làm tình cô giáo tôi trong niềm hân hoan không phải lần đầu trong đời biết thế nào là làm tình khiến tôi cứ chọc lung tung, sốt ruột cô phải cầm lấy nhét thẳng vào cái hõm xác suất luôn bằng một, mà vì vui sướng vô biên đón nhận tin chiến thắng… Ngày 30-4 quả là ngày trọng đại.

Thầy trò NQL đón nhận tin chiến thắng như thế đó. Ở đây phải nói NQL rất giỏi dùng cách nói mà như người Nam bộ nói “Zậy mà không phải Zậy!”. Nhưng mà vui đến như thế, vui mà làm như thế thì chỉ có đám heo lai hoặc heo rặt nọc. Bởi vì trong ngày ấy người chiến thắng không chỉ reo cười nhảy múa… mà người có lương tri thì xót xa, biết bao nhiêu nước mắt tuôn ra khi được tin chiến thắng. Một nhiếp ảnh gia đã ghi được khoảnh khắc ấy: người mẹ già gục mái đầu bạc vào ngực đứa con trai vừa thoát khỏi ngục tù. Ở Chuyện không có trong sự thật Nguyễn Quang Lập dựng và mô tả chuyện một phụ nữ làm tình với con bẹc-giê… đến mức móng chân con chó bấu vào lưng người phụ nữ rất đậm rõ… Con người với nhau không “cực khoái” bằng với con chó hay con người chỉ có, chỉ tìm thấy niềm vui sướng với chó má, với loài vật… Thế mà có người vội khen rất hay rồi đem in lên Văn nghệ quân đội…! Tìm niềm vui, hạnh phúc trong thú tính như thế mới là đổi mới văn học chăng?

Còn đây là chuyện thật: NQL giảng giải cho Hoàng Phủ Ngọc Tường rằng cái lưỡi không chỉ có chức năng lùa ngôn ngữ ra, mà còn là khí cụ của văn hóa giường chiếu và khen Hoàng Ngọc Hiến rất giỏi câu giờ như thế, đến hàng giờ đồng hồ… (Xem Bạn văn. Mục Hoàng Phủ Ngọc Tường và Đoàn Tử Huyến). Tư duy nghệ thuật của NQL kể cũng lạ. Cái phần thú tính, sao mà nhiều thế!

Nguyễn Quang Lập gọi đây là những chuyện có thật và bịa đặt của tôi, một cuốn tiểu thuyết của ông và ghi ở đầu sách: Tôi và tất cả những ai có tên trong cuốn sách này đều do tôi tạo ra, kể cả bố mẹ tôi. Đương nhiên tiểu thuyết, truyện hư cấu, thì phải như thế. Bịa như thật (Nguyễn Công Hoan) đã giỏi, mà bịa cho thật thành bịa cũng giỏi đấy. Rõ ràng là do nhà văn tạo ra. Ngoài đời nó có thể có có thể không nhưng trong lòng nhà văn, trong tâm tưởng nhà văn, là có. Và đấy là cơ sở để đánh giá tài năng, lòng nhân hậu của nhà văn (Blog Quê choa. Sunday June 29-2008).

2. Lạy ông con ở bụi này!

Cũng blog trên, NQL khoe: 

Thầy ba tôi, một người vĩ đại nhưng không hề nổi tiếng, vẫn dạy ông: để ứng xử tốt với đời cần phải tôn trọng mọi nguyên tắc và khinh bỉ chúng hết thảy. Đó là lời dạy của người cuồng nhưng nếu dịch thoát ra thì thật hay: Dĩ bất biến, ứng vạn biến.

Gần bảy mươi năm qua, ai cũng biết đó là câu nói mà quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng đã được dặn dò để lo việc nước trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

Người thấm nhuần ít nhiều Nho học đều hiểu đó nguyên tắc xử thế của người quân tử, vô cùng thâm sâu, cao quí: đối nhân xử thế (bên ngoài) và tự giữ mình (khí tiết, bên trong): Bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất… Người quân tử có thể bị bắt bớ, bị giết nhưng không thể bị xui khiến làm việc bậy.

Chỉ có đám con buôn, cơ hội vụ lợi, khi cần thì rối rít tôn trọng, kính trọng nữa. Xong việc thì khinh bỉ tuốt. Hồng quân đến thì treo cờ đỏ. Bạch vệ đến thì treo cờ trắng. Sản xuất nông cụ đồng thời với sản xuất dây thép gai để rào ấp “tân sinh”, làm tất, miễn là có tiền, có nhiều tiền.

Chỗ này thì đúng là riễu người mà không nghĩ đến ta!

Thành ra, không còn tin gì ở NQL nữa. Qua sông đấm sóng ai mà dám tin!

3. Phát hiện ra “… pháo chèn Tô Vĩnh Diện”

Trong bài “Nhớ Trần Dần” (Sđd, tr. 24), có đoạn thoại giữa anh Quán (Phùng Quán) và Trần Dần. Anh Quán nói: Nó (Nguyễn Quang Lập) bảo pháo chèn Tô Vĩnh Diện chứ không không phải Tô Vĩnh Diện chèn pháo… Trần Dần vỗ tay đánh bốp kêu to: Hay! Giỏi! Thông minh (Sđd trên tr. 24-25).

“Phát hiện” này được NQL giải thích rõ hơn trên Blog Quê choa (Friday June 6-2008). Anh (Trần Dần) nhìn mình hỏi sao? Mình nói khi kéo pháo lên dốc, đã đứt dây, anh Diện chạy không kịp thì bị chèn thôi.
Anh ngồi yên hồi lâu rồi hơ hơ, ngừng vài giây sau lại hơ hơ, vài giây sau nữa mới hơ hơ hơ thành một tràng, vỗ tay đánh bốp kêu to: Hay! Giỏi! Thông minh.

Cần đặt ra các tình huống về sự cố này.

a. Khi kéo pháo lên dốc, một bộ phận phía trên kéo dây. Một bộ phận phía dưới đẩy và chèn, nhích từng nhịp. Khi đứt dây, pháo tuột, lăn xuống. Sẽ có người bị đè ngay tại chỗ. Có người “nhanh chân” nhảy ra, có người dũng cảm, lo cho pháo trước, không nghĩ đến thân mình, lao ra lấy thân chèn vào pháo. Nhờ thế, khẩu pháo dừng lại, không tự lao xuống dốc.

b. Giả định là anh Diện không chạy kịp nên bị pháo chèn. Cho là như vậy. Nhưng không phải là nhờ thân xác anh mà khẩu pháo đã dừng lại, đã được cứu nguy.

Trong cả hai tình huống, không chỉ có một mình Tô Vĩnh Diện mà còn có cả tập thể chiến sỹ. Sự kiện về người anh hùng đã được xác nhận như thế.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như trong suốt cả cuộc chiến tranh, nếu suy nghĩ, tâm tưởng đều như NQL cả thì làm sao có được Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng… Trong thời chống Mỹ, một anh hùng không quân khi đã phóng hết đạn, thì lao cả máy bay của mình vào mục tiêu. Anh hi sinh nhưng mục tiêu địch bị tiêu diệt. Làm sao hiểu được các chiến sĩ đặc công, được làm lễ truy điệu trước khi xuất trận. Làm sao hiểu được một người như Chế Lan Viên lại tự nguyện xin vào Đảng ở mặt trận Quảng Trị hồi chống Pháp.

Suy luận như NQL và Trần Dần thì Tô Vĩnh Diện chẳng phải anh hùng gì! Nếu nhanh chân “thủ thân vi đại” pháo chết mặc pháo… chẳng qua là chậm chân! Cho hay lòng nhân hậu của nhà văn. Trước khi đọc Bạn Văn mình còn yêu kính Trần Dần. Đọc Bạn Văn, nghe cái lời khen Hay! Giỏi! Thông minh… của Anh, buồn quá, quên luôn.

4. Từ bụng ta suy ra bụng người

Trong Chuyện ma 2 (Monday July 14-2008), mục cóp nhặt giai thoại, NQL kể:

… Cuối năm đó bỗng nhiên chị Qui chạy sang hớn hở đưa cho vợ chồng mình cái nhẫn bạc đã gỉ rét, nói anh Thỉ đây rồi. Mình hỏi sao. Chị nói đây là cái nhẫn chị tặng anh trước khi vào Nam. Vợ mình nói chị kiếm được ở đâu. Chị nói thằng Líp nhà em đó, chị thấy nó cầm chơi, hỏi nó, nó bảo nó thấy trên cỏ… ở cái nơi thằng Líp chỉ là một cái lỗ nhỏ bằng đồng xu, năm sáu đường kiến lửa kiến hôi từ nhiều hướng bò vào cái lỗ đó. Mình nói có khi hài cốt anh Thỉ dưới này cũng nên.

Chị Qui mời thầy cúng vái rồi đào. Bộ hài cốt hiện ra. Chị Qui oà khóc…

Mấy người đào phát hiện còn một bộ hài cốt nữa. Nhìn cái thế hài cốt mấy người phán đoán bộ hài cốt còn lại phía dưới khả năng là một lính cộng hòa. Họ nói khả năng hai người này vật nhau, bóp cổ nhau rồi chết cả hai.

Chị Qui nói thôi thôi đừng đoán bậy, chẳng may là đồng đội anh Thỉ thì sao? Nói vậy rồi người ta không cho vào nghĩa trang liệt sĩ, tội nghiệp.

Bỗng một người kêu lên đây là hài cốt con gái. Anh này chìa ra một cái kẹp thép không rỉ và hai ba cái cúc sứ, màu hồng, đúng là cúc con gái.

Chị Qui rơi xuống ngồi bệt, mặt trắng bệch…

Một người đào nói è he, hai đứa ni rủ nhau ra đây đụ chắc, trúng bom chết thôi, chiến đấu chi mô. Chị Qui chồm lên, hét một tiếng rợn người: “Câm đi”.

Chỉ là đoán. Nhưng đây có phải là tình huống duy nhất, cuối cùng không? Không ai biết được khung cảnh lúc ấy. Có thể là khi máy bay ập đến, người chiến sĩ nam, anh Thỉ đã nhường cho cô gái xuống hầm trước, có thể trong tình huống ác liệt, anh đã nằm lên lấy thân mình che chắn cho cô gái và cả hai cùng bị bom vùi thì sao. Mà những tình huống này, đồng đội với nhau, bộ đội với nhân dân, trong chiến tranh xảy ra nhiều lắm. Bạc là kim loại có gỉ được không nhỉ. Và kiến chỉ tha mồi. Làm sao nó lôi cái nhẫn bạc bị vùi sâu lên được… Sự suy luận, suy đoán này chỉ có thể theo cái chất của NQL, tiếp theo cái tình huống với cô giáo khi đón tin chiến thắng 30-4-1975.

Con người nhân hậu sao lại suy bụng ta ra bụng người như vậy!

5. Bênh vực cho thú tính

Gần đây NQL bênh vực cho tội ác man rợ của Mỹ – Nguỵ ở các nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc… xem chỉ là chuyện “đấu tranh khai thác thông tin từ các tù binh trong cuộc chiến…” (thông tin của Đông La trên VN TP.HCM, số 288 ngày 23-1-2014).

Đây là lời bênh vực trắng trợn của NQL cho tội ác của nguỵ quyền trong các nhà tù ở miền Nam trước 1975 là sự chà đạp lên nỗi đau cùng cực của hàng vạn tù nhân Việt cộng ở các “địa ngục trần gian” như Côn Đảo, Phú Quốc. Tội ác man rợ của địch ở các nhà tù với các hình thức nhục hình, đày đọa, giết chết dần chết mòn người tù ở Ngục chín hầm, ở các chuồng cọp Côn Đảo, Phú Quốc… là đã đến độ thú tính, mất tính người. Mục đích của địch là muốn giết chết con người thể chất và tinh thần của các tù nhân. Không phải là việc “đấu tranh khai thác thông tin” như NQL cố tình đánh tráo sự việc mà chúng tôi sẽ nói sau. Chỉ xin dẫn mấy trường hợp:

– Qua hồi ký của ông Lê Quang Vịnh: ông bị kết án tử hình nhưng sau đó giảm xuống đày đi Côn Đảo. Trong thời chống Mỹ, đã có bài hát về Lê Quang Vịnh. Nhưng nguồn gốc là do đâu. Trong cuộc họp Thành đoàn bị vây ráp, mọi người đều bị bắt một số bị bắn ngay tại chỗ. Một tên lính nguỵ đè anh Vịnh ra, lấy mũi lê rạch vào phía hông. Anh biết là nó muốn mổ bụng anh để lấy mật tươi, đem về Sài Gòn bán cho đám Chệt rất cao giá. Nhưng phải là tươi, lấy từ người còn sống. Biết thế nên anh hết sức vùng vẫy lăn qua lăn lại không để nó mổ bụng. Tên nguỵ này bực mình đá anh mấy cái rồi bảo: Mày không muốn chết ngay thì tao cho mày đi Côn Đảo cho mày chết dần. Chúng đưa anh ra tòa, kết án rồi đày đi Côn Đảo. Anh Lê Quang Vịnh đã chịu đựng ở địa ngục trần gian Côn Đảo cho đến ngày giải phóng. Sau này, anh làm Trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ.

– Trong cuốn hồi ký Bất khuất nổi tiếng của đồng chí Nguyễn Đức Thuận, kể lại cuộc đấu tranh bảo vệ khí tiết người cộng sản, quyết không chào cờ nguỵ. Chúng giam các anh xuống hầm sâu một thời gian dài. Đến hôm tên chúa ngục Côn Đảo cho đưa các anh lên, bắt đứng xếp hàng. Nhưng vừa trông thấy, nó đã quì ngay xuống nói: Bạo lực không khuất phục được trái tim người. Xin các ông tha thứ cho tôi.

Vì sao thế? Trong lúc ấy các anh không còn hình người bình thường nữa mà như một thứ người rừng kỳ lạ: quần áo không còn, râu tóc tả tơi, chỉ có đôi mắt của các anh là còn sáng lên. Từ hôm đó, nó phải đối xử khác với các anh.

Thưa nhà văn Nguyễn Quang Lập, có thông tin gì ở trong túi mật của một tù nhân? Có thông tin gì ở trong những con người bị giam dưới hầm sâu?

Nếu trở lại thăm các nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc…, nếu hỏi lại những người bị giam cầm đày đọa trong các chuồng cọp như bà Trương Mỹ Hoa – Nguyên Phó chủ tịch nước – hay vợ chồng bà Võ Thị Thắng – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch và hàng vạn tù nhân vẫn còn sống trên khắp mọi miền của đất nước ta, thì sẽ hiểu thế nào là “đấu tranh để khai thác thông tin từ các tù binh trong cuộc chiến”!

Như nói trên, NQL đã cố tình đánh tráo hai công việc khác nhau: “đấu tranh khai thác thông tin từ các tù binh… và thụ án chịu sự giam cầm với mức độ và thời gian khác nhau. Đấu tranh khai thác thông tin, thông thường gọi là lấy khẩu cung, là việc phải làm để có cơ sở kết án. Sau khi đã kết án, thành án, rồi thì phải thụ án, chịu sự phán quyết của bản án. Người tù khi đã bị đưa vào trại tù thì không còn chuyện khai thác thông tin nữa”. Chế độ nhà tù ở mọi nơi mỗi xứ khác nhau. Có thông lệ quốc tế về tù binh chiến tranh, về tù nhân. Chuyện này sẽ nói sau. Nhưng hành hạ đầy đọa tù nhân cho chết dần chết mòn cả thể xác lẫn tinh thần với những hình thức man rợ mất nhân tính… thì các “địa ngục trần gian” ở Côn Đảo, Phú Quốc là vào loại hàng đầu.

Bào chữa, bênh vực cho những tội ác man rợ mất hết nhân tính như thế, thì “nhân hậu” của NQL là loại nhân hậu gì?

NQL chỉ “nhân hậu” với những người cùng cánh, cùng phe nhóm thôi. Nhân hậu với những kẻ cơ hội dối trá “tôn trọng tất cả rồi khinh bỉ tất cả”, nhân hậu với bọn người tàn ác mất hết nhân tính. 

Nhân hậu của NQL là như thế đó.

Ngày lành, tiết Trọng Xuân Giáp Ngọ

Chu Giang
————————
Bài viết trên đây là của nhà văn Chu Giang đăng trên tờ Văn nghệ TP Hồ Chí Minh với đề dẫn “Kính gửi tướng quân Nguyễn Trọng Vĩnh” vì có việc Tướng Vĩnh ca ngợi Nguyễn Quang Lập là nhà văn nhân hậu. Cũng như nhiều cây bút đang tung hô sự thánh thiện của Nhã Thuyên vậy. Chuẩn mực văn học đang lộn lèo vì những cái đầu ấy khiến Chu Giang cũng như tôi bực mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *